Hình thành thói quen thực hiện các hành vi chuẩn mực trong giáo viên và học sinh
Tuyên truyền trong các trường học về 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội, ngành GD-ĐT quận Tây Hồ mong muốn hình thành thói quen thực hiện các hành vi chuẩn mực trong giáo viên và học sinh.
Lễ phát động tuyên truyền 2 bộ quy tắc ứng xử của TP Hà Nội.
Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa tổ chức lễ phát động triển khai mô hình tuyên truyền trong các trường học về Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Việc triển khai tuyên truyền mô hình thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội trong các trường học trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời hình thành thói quen thực hiện các hành vi chuẩn mực.
Theo kế hoạch, việc tổ chức tuyên truyền về 2 quy tắc này sẽ được thực hiện ở 100% trường học trên địa bàn quận trong năm học 2019-2020.
Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ yêu cầu các nhà trường căn cứ theo điều kiện thực tế để cụ thể hóa nội dung của các quy tắc thành các quy tắc ứng xử của đơn vị, trong đó quy định rõ trách nhiệm, cách thức ứng xử phù hợp với từng đối tượng liên quan trong nhà trường.
Các nhà trường có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, quyết tâm không để xảy ra hiện tượng vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Tiếp tục giảng dạy hiệu quả môn đạo đức đối với học sinh tiểu học và môn GDCD đối với học sinh THCS. Sáng tạo cùng chung tay xây dựng Nhà trường văn hóa- nhà giáo mẫu mực- học sinh thanh lịch.
Video đang HOT
Cô Lê Thủy Trang- Hiệu trường Trường THCS Đông Thái cho biết: Nhà trường tích cực hưởng ứng, thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử với quyết tâm mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Mỗi học sinh tích cực học tập, rèn luyện, không chỉ giỏi về kiến thức mà còn chuẩn mực về văn hóa.
2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội:
Vân Anh
Theo GDTĐ
Áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học: Cả gia đình và nhà trường cùng vào cuộc
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử (QTƯX) trong các cơ sở giáo dục, từ mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh (HS), sinh viên, Bộ GD&ĐT Bùi Văn Linh.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh (HS), sinh viên, Bộ GD&ĐT Bùi Văn Linh cho biết, Bộ ban hành QTƯX ở dạng khung, dựa vào đó các trường sẽ cụ thể hóa nội dung và áp dụng trong năm học này.
Thưa ông, trong năm học 2019 - 2020, Bộ QTƯX sẽ được triển khai như thế nào trong trường học?
- QTƯX sẽ quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả chủ thể liên quan đến môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên (GV), nhân viên, phụ huynh và HS. Đối với HS, phải thể hiện sự kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ với cán bộ quản lý, GV, nhân viên; không sử dụng bạo lực.
Khi ứng xử với bạn học, HS phải có ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng. HS không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết, không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác. Khi ứng xử với cha mẹ và người thân, HS lễ phép, trung thực, yêu thương. Đối với GV, HS phải thể hiện sự kính trọng. Về trang phục, HS mặc gọn gàng, giản dị, phù hợp với hoạt động giáo dục khi tham gia.
Bộ GD&ĐT ban hành QTƯX ở dạng khung để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc cụ thể hóa nội dung phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa tại các vùng, miền. Vậy nên, Bộ QTƯX của các trường sẽ chi tiết hơn quy định khung của Bộ GD&ĐT.
Trong quá trình xây dựng Quy tắc, mỗi nhà trường sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến của các chủ thể liên quan và khi được đồng ý mới đưa vào áp dụng. Trong năm học 2019 - 2020, tất cả các cơ sở giáo dục hoàn thành Bộ QTƯX và áp dụng trong trường học.
Cô và trò trường THCS Chu Văn An, Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Công Hùng
Ông có thể cho biết nguyên tắc khi xây dựng Bộ QTƯX trong trường học?
- Xây dựng QTƯX phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, GV, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ QTƯX cần dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ QTƯX phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.
Ban đại diện cha mẹ HS, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền đến phụ huynh bảo đảm các QTƯX khi tham gia vào các hoạt động giáo dục và hoạt động ở môi trường học đường. Để khuyến khích phụ huynh làm tốt vai trò của mình khi thực hiện Bộ QTƯX, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh với nhà trường.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT tích cực triển khai các nhiệm vụ, quy định về văn hóa ứng xử học đường. Trên cơ sở đó, các nhà trường sẽ thể hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước, cập nhật các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành, triển khai đối với GV, HS. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là mắt xích quan trọng để tất cả các chủ trương liên quan sẽ quán triệt đến cán bộ, GV và HS trong các trường học.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban giám hiệu, cán bộ quản lý, GV, cán bộ trong các cơ sở giáo dục cần được nâng cao. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. GV, đặc biệt là GV chủ nhiệm cần có trách nhiệm trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý HS, từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của HS.
Theo ông, khi áp dụng Bộ QTƯX cần có chế tài nào để xử phạt người vi phạm?
- Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ QTƯX trong trường học không quy định cụ thể các chế tài. Chế tài sẽ được các trường quy định cụ thể trong các văn bản khác (Điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường, các điều chỉnh hành vi của pháp luật...). Bên cạnh đó, việc thực hiện Bộ QTƯX sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường nhằm khuyến khích việc thực hiện.
Ngành giáo dục yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến ngành đối với cán bộ quản lý, GV, HS, phụ huynh để tất cả nắm rõ các nội dung của QTƯX.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi
Nhiều trường học quận Tây Hồ (Hà Nội) được nâng cấp, mở rộng và xây mới Với 9 trường công lập và 4 trường ngoài công lập được nâng cấp, mở rộng, xây mới, ngành GD-ĐT quận Tây Hồ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Ngày 30/8, Ngành GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết năm...