Hình bóng Việt Nam trong những món ăn của Vua đầu bếp Ba Lan
Tiếp sau thành công của Christine Hà, Huỳnh Khánh Ly, hai nữ quán quân của Vua đầu bếp (MasterChef) Mỹ và Pháp, Ola Nguyễn, cô gái 21 tuổi đã đã trở thành người Việt Nam thứ ba được xướng tên trên đấu trường ẩm thực danh tiếng này tại Ba Lan.
Trái tim hướng về nguồn cội
Ola Nguyễn, tên tiếng Việt: Nguyễn Hoàng Minh Tâm, là thí sinh gốc Việt đầu tiên tham gia cuộc thi MasterChef Ba Lan. Cô cũng là quán quân trẻ tuổi nhất của Master Chef tại quốc gia châu Âu này.
Sinh ra ở tỉnh Thái Bình, Ola theo cha mẹ sang định cư tại Ba Lan năm 7 tuổi. Hiện giờ cô đang là sinh viên năm thứ ba ngành Tài chính, Đại học Kinh tế Warsaw, ngôi trường kinh doanh có lịch sử lâu đời nhất tại Ba Lan.
Ola Nguyễn chăm chút cho món ăn của mình trong cuộc thi Vua đầu bếp Ba Lan 2018. Ảnh: MasterChef Ba Lan.
Mười bốn năm sinh sống và học tập tại trời Âu, sử dụng ngôn ngữ Ba Lan lưu loát, tự nhiên như người bản xứ, nhưng Ola vẫn rất gắn bó với cội nguồn. Mái tóc đen dài, vầng trán cao, đôi mắt sáng, nụ cười rạng rỡ, ở nữ đầu bếp tuổi đôi mươi toát lên một vẻ đẹp Á Đông rất dịu dàng, pha lẫn cả sự cương nghị, quyết đoán và linh hoạt.
Sống trong một gia đình Việt Nam truyền thống, Ola được làm quen với công việc bếp núc từ khi mới 10 tuổi. Nếu như mẹ là người hướng cho cô con gái nhỏ làm quen với việc nấu nướng theo quan niệm “con gái phải biết nội trợ” thì bà ngoại lại là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Ola.
Cha mẹ bận rộn với công việc kinh doanh, hàng ngày, những bữa ăn của Ola và các anh chị em là những món ăn Việt Nam do chính tay bà nấu. Giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn, đó là chả trứng, là canh cà chua hành phi, những hương vị quê nhà đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ.
Video đang HOT
Ola Nguyễn rất yêu thích tìm tòi, khám phá về những cách thức nấu ăn mới. Ảnh: plejada.pl
Ngoài việc học hỏi từ bà và mẹ, với cá tính năng động, ưa khám phá, Ola còn say sưa tự tìm tòi về “kho tàng” ẩm thực phong phú thông qua Internet. “Tôi thích xem các video trên mạng, xem có thể kết hợp các loại nguyên liệu và gia vị khác nhau như thế nào. Vì thế có thể làm vô số món mới lạ”, cô tâm sự.
Chính sự say mê với ẩm thực được tích lũy trong nhiều năm đã đem về thành công cho cô gái với tuổi đời còn rất trẻ. Tại Masterchef Ba Lan mùa 7, Ola đã thực hiện xuất sắc nhiều món ăn ấn tượng như gà nướng dầu hào trên rau diếp, bánh bao chiên với cà tím và thịt xông khói, bánh bao gyoza với ớt và phô mai dê.
Đặc biệt, ở vòng chung kết, cô đã giành chiến thắng một cách thuyết phục với hai món ăn, một Âu một Á là cá hun khói và lưỡi lợn cuốn. Món ăn thứ hai được lấy cảm hứng từ ẩm thực quê hương Việt Nam: lưỡi lợn được hầm mềm cùng gừng, dấm, thái mỏng, cuốn trong bánh đa nem cùng dứa, rau răm, rau húng dậy vị, ăn kèm bánh phồng tôm chiên giòn.
Ở phần thi món tráng miệng, Ola cũng gây ấn tượng với ban giám khảo bằng sự sáng tạo đầy ngẫu hứng khi thử nghiệm thêm khoai tây vào món bánh tiramisu vốn gắn liền với cà phê, bột cacao và rượu rum
Triển vọng cho ẩm thực Việt
Trở thành nhà vô địch MastercChef Ba Lan mùa 7, Ola Nguyễn nhận được giải thưởng là số tiền mặt 100.000 zloty (tương đương 27.000 USD) và quyền phát hành một cuốn sách nấu ăn của riêng mình.
Hiện tại, cuốn sách của Ola đã được ra mắt tại Ba Lan, với tên gọi “Mozaika smaków” (Những mảnh ghép hương vị) với 78 công thức nấu nướng. Ngoài những món ăn truyền thống Việt Nam như thịt kho tàu, canh dưa chua, canh cá chua, dưa cải muối, nữ đầu bếp gốc Việt còn mạnh dạn giới thiệu những món ăn được thực hiện bằng nguyên liệu Á Đông, sử dụng kỹ thuật Âu châu.
Ola Nguyễn bên bà ngoại và cuốn sách nấu ăn vừa được phát hành. Ảnh: FB nhân vật.
Song song với việc hoàn thành chương trình Đại học, Ola đang ấp ủ dự định “mở một cái gì đó” của riêng mình, “muốn thay đổi thực tế là trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan chưa có những nhà hàng cao cấp, chủ yếu là các hàng bình dân”. Để thực hiện ý tưởng này, trước mắt cô sẽ dành thời gian học việc ở các nhà hàng để hiểu hơn về các công việc cụ thể cần làm.
Thành công bước đầu của Ola Nguyễn không chỉ là tin vui với riêng cô gái trẻ mà còn mở ra triển vọng cho ẩm thực Việt Nam, vốn đang thu hút sự chú ý của người dân Ba Lan trong những năm gần đây.
Hiện ước tính có khoảng 500 nhà hàng Việt trên khắp Ba Lan, trong đó nhiều chuỗi nhà hàng được xây dựng với quy mô chuyên nghiệp, khẳng định được thương hiệu.
Nhiều đài truyền hình lớn tại Ba Lan, đài phát thanh, tạp chí cũng đã thực hiện những chuyên mục về ẩm thực Việt Nam.
Theo Thoidai.com
Phở sẽ là di sản văn hóa phi vật thể?
Theo các chuyên gia, trên cơ sở kiểm kê phở kỹ lưỡng có thể nghĩ đến việc ghi danh đưa món ăn này thành di sản văn hóa phi vật thể.
Giới thiệu cách thái bánh phở tại khu ẩm thực Hà Nội ở Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Trinh Nguyễn)
Hà Nội lên kế hoạch kiểm kê phở
Sở VH-TT TP.Hà Nội đã không khó khăn gì khi chuẩn bị một gian hàng ẩm thực tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. "Chúng tôi đã có kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực từ trước đó. Do đó, các nghệ nhân với chúng tôi đều có mối quan hệ và hiểu nhau từ trước", ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT TP.Hà Nội, cho hay. Tuy nhiên ông cũng công nhận, hiện tại trong danh sách này hình dung về các nghệ nhân chuyên phở chưa nhiều. Tại danh sách, có thể thấy sự có mặt của phở Thìn Bờ Hồ, tuy nhiên phở Thìn Lò Đúc lại không có. Trong khi đó, phở Thìn Lò Đúc hiện đã được nhượng quyền thương mại và khai thác rất có triển vọng tại Nhật Bản.
Theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt, bản đồ phở Hà Nội khá dày đặc nếu được vẽ kỹ lưỡng. Với phở bò, có nhiều cái tên đã nổi tiếng hàng chục năm qua như phở Hàng Đồng, phở Tư Lùn, phở Phú Xuân gần chợ Hàng Da, phở Biên hiện đang "sát vách" với phở Thìn trên phố Lê Văn Hưu, phở Vượng vừa được giới thiệu tại khu ẩm thực Bảo tàng Hà Nội... Chưa kể, các hàng phở gà ngon cũng rất nhiều. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, một Việt kiều, cho biết tại Hà Nội ông đã tìm thấy một hàng phở gà có vị nước dùng giống hệt trước đây. "Tôi còn mua về nhà để xem màu sắc nước dùng có thay đổi gì không. Nước dùng sau đó vẫn giữ màu như hổ phách, trong veo và hơi ngân ngấn sánh. Rất ngon", ông Bách nói.
Ông Động cho biết Hà Nội cũng đã tính đến việc kiểm kê kỹ hơn về phở. "Chúng tôi sẽ kiểm kê và tiến tới làm một liên hoan riêng chỉ giới thiệu ẩm thực phở. Từ đó cũng sẽ có xếp hạng vì hiện nay phở đang có chút vấn đề về chất lượng. Sẽ làm nhiều lần để xếp nước ngon, bò ngon, hay là trình bày đẹp. Liên hoan sẽ có nhiều giải thưởng ghi nhận vì hiện phở còn hơi đại trà. Tôi vẫn muốn làm kỹ để có thể tổ chức một liên hoan phở Hà Nội. Lúc đầu định tổ chức ngay lễ giỗ tổ vừa rồi nhưng sau đó lùi lại", ông nói.
Phở là niềm tự hào của ẩm thực Việt
Để phở trở thành di sản
Ông Phạm Cao Quý, chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể, cho biết phở hoàn toàn có thể trở thành di sản phi vật thể quốc gia. "Phở rất xứng đáng. Trước tiên cần triển khai kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể, từ đó xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", ông Quý nêu ý kiến. Việc kiểm kê di sản này sẽ cho thấy hiện có bao nhiêu hàng phở trong một địa phương, ai là người nấu trong những hàng phở đó, nguyên liệu cũng như cách thức chế biến và thưởng thức ra sao. Kiểm kê cũng cho thấy các giá trị của phở là gì, hiện trạng cũng như các phiên bản khác nhau của phở như thế nào. Người làm hồ sơ có thể cùng người dân lên kế hoạch bảo vệ và phát huy với món phở...
"Món phở, cách nấu phở, văn hóa phở rõ ràng đáp ứng định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể"
TS Nguyễn Đức Tăng, chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể
TS Nguyễn Đức Tăng, chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể, cũng cho rằng: "Món phở, cách nấu phở, văn hóa phở rõ ràng đáp ứng định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể". Tuy nhiên theo ông Tăng, muốn phở trở thành di sản được danh hiệu của UNESCO thì hồ sơ sẽ phải đáp ứng các tiêu chí ràng buộc. Chẳng hạn, cần phải xác định chủ thể di sản là ai, tức cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân. "Hiện tại, phở rất phổ biến, có sức lan tỏa lớn với nhiều cộng đồng chủ thể khác nhau. Rất nhiều nơi có món này, như Hà Nội, Nam Định... Vì vậy, việc quan trọng là nhận diện cộng đồng nắm giữ di sản tham gia hồ sơ", ông nói.
Về xác định chủ thể, ông Quý cho rằng: "Trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có nhiều hình thức sở hữu. Có cộng đồng chủ thể, trong trường hợp này là cộng đồng người dân nơi có di sản; và cộng đồng nắm giữ kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về phở. Do đó, việc xác định chủ sở hữu không khó trong trường hợp này".
Trong khi đó, TS Tăng cho rằng việc làm hồ sơ sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cộng đồng, cũng như sự đồng thuận của cộng đồng. "Thí dụ, khi nhận diện để tôn vinh dân ca quan họ thì không thể chung chung được mà phải chỉ rõ ra các cộng đồng làng quan họ - là những con người cụ thể thừa nhận đó là di sản của họ. Nên cái khó nhất của phở chính là do nó có quá nhiều biến thể và cộng đồng rộng lớn. Và nếu chỉ khoanh lại ở Nam Định hay Hà Nội hay đâu đó thì cũng cần giải quyết yêu cầu về sự đồng thuận. Và điều này cũng không hề đơn giản. UNESCO yêu cầu phải có bằng chứng đồng thuận của cộng đồng nắm giữ di sản sẵn sàng tham gia đề cử vào các danh sách của UNESCO. Theo quy định thì cộng đồng tham gia cần được thông tin đầy đủ và hiểu biết về vấn đề gìn giữ di sản của chính họ", ông nói.
Theo Thoidai,vn
Quán cơm thố hơn 7 thập kỷ ở trung tâm Sài Gòn Cơm và thức ăn được đựng trong chiếc thố kiểu xưa, làm bằng đá là cách phục vụ của gia đình bà Mỹ. Chuyên Ký nằm ẩn sau những dãy kiosk cũ kỹ trong chợ Cũ, trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Với người Sài thành muốn thưởng thức cơm thố nổi tiếng một thời thì đây là địa chỉ thân quen....