Hình ảnh “Cơ, rô, tép, bích” xuất hiện trong vở bài tập Toán lớp 1: Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học lên tiếng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trường học nào lựa chọn bộ sách xuất hiện hình ảnh “cơ, rô, tép, bích” trong vở bài tập Toán lớp 1 cần đánh giá, xem xét lại nội dung liệu đã phù hợp hay chưa.
Trang thứ 12 của vở bài tập Toán lớp 1, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Liên quan đến hình ảnh “cơ, rô, tép, bích” xuất hiện trong vở bài tập Toán lớp 1, ngày 12/9, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (bộ GD&ĐT) cho biết, trước hết, bộ GD&ĐT chỉ thẩm định sách giáo khoa, không thẩm định sách tham khảo cũng như các loại sách bổ trợ như vở bài tập, các bộ thực hành. Theo đó, vở bài tập Toán lớp 1 không nằm trong danh sách các loại sách được bộ GD&ĐT thẩm định, kiểm tra.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên các nhà xuất bản, sở GD&ĐT, trường học, nhà phát hành cùng thoả thuận và chọn ra cách phát hành sách giáo khoa trực tiếp đến tay học sinh nhằm tiết kiệm thời gian trong đầu năm học.
Ông Thái Văn Tài cho biết, những loại sách tham khảo, sách bổ trợ được thực hiện dựa trên những quy định của Luật xuất bản, do vậy, chính nhà xuất bản, tác giả, biên tập là những người phải chịu trách nhiệm cho nội dung ghi trong sách tham khảo.
Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo, bổ trợ phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng nêu rõ, Thông tư số 21/2014/BGDĐT quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản ấn phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục quy định trình tự lựa chọn sách tham khảo.
Theo đó các giáo viên sẽ đề xuất; tổ chuyên môn tổng hợp và báo cáo lên lãnh đạo cơ sở giáo dục; hiệu trưởng là người quyết định cuối cùng việc lựa chọn tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Sau khi hội đồng trường đã thẩm định, phê duyệt loại sách tham khảo, sách bổ trợ cần công khai cho học sinh cũng như phụ huynh nắm bắt rõ ràng.
Video đang HOT
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nhận định, nếu bộ sách tham khảo, sách bổ trợ được đưa vào nhà trường có nội dung vi phạm pháp luật hoặc trái với quy định của Luật xuất bản thì nhà xuất bản (cụ thể là Giám đốc nhà xuất bản) và tác giả của bộ sách tham khảo, sách bổ trợ đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn trong trường hợp cái bộ sách tham khảo, sách bổ trợ được đưa vào nhà trường có nội dung chưa phù hợp với học sinh, ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như thực tiễn thì hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, hiệu trưởng cũng có quyền đình chỉ việc thực hiện bộ sách tham khảo, sách bổ trợ đó. Có nghĩa là, hiệu trưởng yêu cầu các giáo viên và học sinh không thực hiện việc giảng dạy và học tập theo bộ sách giáo khoa, sách tham khảo đó nữa.
Như vậy, trong trường hợp này khi hình minh họa “cơ, rô, tép, bích” xuất hiện trên vở bài tập toán lớp 1 thì những trường học lựa chọn bộ sách này cần xem xét, thẩm định lại việc lựa chọn sách đã phù hợp hay chưa. Nếu chưa phù hợp thì cần phải thay đổi.
Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao trước sự việc vở bài tập Toán lớp 1 có sự xuất hiện của hình ảnh “cơ, rô, tép, bích”.
Cụ thể, một phụ huynh đã đăng tải trên một hội nhóm của mạng xã hội Facebook với nội dung: “F1 nhà e mới đi nhập ngũ mà đã được tạo điều kiện tiếp xúc với cơ, rô, tép bích. Chưa biết đến năm thứ 2 có được tiếp xúc với cắt vị hay mở bát không đây?
#Note: thế giới quanh ta có rất nhiều hình, rất nhiều đồ vật để đưa vào giới thiệu để viết vào một tờ giấy trắng có ý nghĩa mà. Sao lại chọn những hình cho HS trải nghiệm đời quá sớm như vậy!
Ảnh: St”
Những hình ảnh trên nằm trong bài tập số 1, trang thứ 12 của vở bài tập Toán lớp 1, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết khiến cộng đồng mạng xôn xao, có nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những bình luận đồng tình với ý kiến của bậc phụ huynh nêu trên thì cũng có những phụ huynh lại cho rằng, mọi người đang suy nghĩ quá rắc rối và phức tạp hóa mọi chuyện.
Gợi ý, ép buộc mua sách tham khảo: Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm
Thời gian qua, một số phụ huynh (PH) phản ánh tình trạng nhà trường "nhập nhèm" giữa sách giáo khoa (SGK) và tham khảo.
Để làm rõ việc phụ huynh phải mua đầu sách nào, tài liệu là bổ trợ, phụ huynh có quyền mua hoặc không, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có chia sẻ trên Báo GD&TĐ.
PHHS cần hiểu rõ về các loại sách bắt buộc và sách tham khảo để chọn đúng, mua đủ. Ảnh: Huyền Thương
Xử lý nghiêm "nhập nhèm" SGK và tài liệu bổ trợ
- Giá SGK lớp 1 của Chương trình GDPT mới được các NXB công bố ở mức khoảng 190.000 đồng/bộ. Trong khi đó, một số PH ở TPHCM phản ánh phải mua sách với giá 800.000 đồng. Liệu có việc nhà trường "nhập nhèm" giữa SGK và sách tham khảo, buộc PH phải mua?
- Ở cấp tiểu học do học sinh (HS) còn nhỏ nên việc tư vấn mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới chủ yếu được các nhà trường thực hiện thông qua phối hợp với cha mẹ HS. Đây là việc làm đúng theo chức năng nhiệm vụ của nhà trường.
Theo phản ánh sơ bộ của Sở GD&ĐT TPHCM, danh mục sách vở lớp 1 năm học 2020 - 2021 mà PH cung cấp cho báo chí đúng là danh mục sách trường tiểu học đưa ra để PH tham khảo, tự trang bị cho con em nếu có nhu cầu và thấy cần thiết, không có sự ép buộc PH phải mua thêm sách tham khảo. Ở đây, do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa GV và PHHS chưa rõ ràng dẫn tới việc PH nắm thông tin không đầy đủ và trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho HS chưa phù hợp.
Sở GD&ĐT TPHCM đã nhắc nhở, yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố cung cấp thông tin sách vở cần trang bị cho HS trong năm học mới tới PH phải đầy đủ, rõ ràng. Trong đó nêu rõ sách nào là bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu và thấy thật sự cần thiết cho con em mình.
Sự việc ở TPHCM là bài học kinh nghiệm để nhà trường khi thông tin tới PHHS về việc mua sắm sách vở năm học mới cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông, xã hội.
- Bộ GD&ĐT đã có những quy định gì để ngăn ngừa và xử lý tình trạng nhà trường đưa nhiều đầu sách tham khảo vào bán kèm với SGK rồi buộc HS, PH mua, thưa ông?
- Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo: Công văn số 6176/TH về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo CT và SGK mới (chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT); Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh về việc sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy, học tập đều quy định rõ các cơ quan quản lí giáo dục, các trường không bắt buộc HS mua sách tham khảo, sách bổ trợ, các đơn vị liên quan phải thông báo rõ điều này cho GV, HS và gia đình HS biết.
Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28. SGK và tài liệu tham khảo cũng quy định rõ SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình GDPT cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của GV; khuyến khích GV sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm, đúng theo quy định; đề nghị phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để nhà trường thực hiện đúng theo quy định.
Trường học nào đưa các loại sách, tài liệu không đúng quy định vào sử dụng hoặc bán cho PHHS là vi phạm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên.
Ngoài ra các sở GD&ĐT đã có hành lang pháp lý để kiểm tra, xử lý nên cần tăng cường vai trò, chức năng của mình trong việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm các tài liệu sử dụng trong trường phổ thông đúng quy định, hiệu quả, chất lượng. Làm tốt và đồng bộ những quy định trên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn tình trạng đưa các tài liệu không đúng quy định vào bán cùng SGK.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đức Trí
Sách giáo khoa lớp 1: 8 cuốn bắt buộc, 1 cuốn tự chọn
- Ông có tư vấn gì với PHHS để việc trang bị SGK, đồ dùng học tập cho học sinh được đúng, đủ, không lãng phí?
- Theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn SGK chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho HS, PH có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Như vậy, ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy - học và trên tinh thần tự nguyện của PH, HS mà trang bị cho các em; nhà trường, GV không được ép buộc HS mua tài liệu tham khảo. Quy định này, các phụ huynh cần nắm rõ để việc phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em.
Muốn việc trang bị SGK, đồ dùng học tập cho HS hiệu quả, phù hợp, nhất là với HS tiểu học, cần tăng cường trao đổi giữa PHHS với GV chủ nhiệm/nhà trường để có được sự tư vấn và thông tin cần thiết. Theo đó, các trường học trên toàn quốc cần phối hợp chặt chẽ với PHHS trong việc trang bị sách và đồ dùng học tập cho các em theo hướng cung cấp thông tin minh bạch đầy đủ, đúng quy định, chức năng của mình. Trong thông báo của nhà trường tới PHHS phải nêu rõ những SGK nào là bắt buộc phải có để bảo đảm việc học tập của các em theo yêu cầu của Chương trình GDPT; tài liệu nào là bổ trợ, tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua sắm.
Trên thị trường hiện nay, nguồn cung các tài liệu tham khảo khá đa dạng và cho nhiều đối tượng, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy GV, nhà trường cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác để PHHS trang bị đồ dùng, học liệu học tập cho HS sát nhu cầu, hỗ trợ tích cực việc dạy - học nâng cao hiệu quả, chất lượng.
- Xin cảm ơn ông!
"Ngoại trừ SGK là tài liệu học tập HS bắt buộc phải có, các tài liệu bổ trợ khác có thể trang bị tùy theo nhu cầu thực tế của HS. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo". TS Thái Văn Tài thông tin.
'Trộn chung' SGK và sách tham khảo là sai quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm Theo ông Thái Văn Tài, trường nào thông báo không rõ ràng mà liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả SGK lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai. Vấn đề sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng mỗi năm học mới, như vừa qua sự việc trường Tiểu học An Phong (Quận 8, TP.HCM)...