Hillary Clinton bất ngờ dọa mạnh tay với Phố Wall
Hillary Clinton, ứng viên hàng đầu cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ tại Mỹ, hôm 8.12 cho biết bà ủng hộ chính sách cứng rắn với các ngân hàng trong nước.
Bà Hillary Clinton, ứng viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua cho chức tông thông Mỹ – Anh: AFP
AFP cho biết tuyên bố của bà Clinton được đưa ra sau khi ông Bernie Sanders, đối thủ của cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ trích bà quá mềm mỏng với Phố Wall.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times (Mỹ), bà Clinton cho rằng lãnh đạo các ngân hàng Mỹ cần phải chịu trách nhiệm, thậm chí là đi tù, nếu vi phạm luật pháp về tài chính.
Bà cũng nói thêm rằng nếu đắc cử, bà sẽ trao quyền cho các cơ quan quản lý để đóng cửa bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào “có quy mô quá lớn và có quá nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng quản lý yếu kém”.
“Nếu là tổng thống, tôi không chỉ sẽ phủ quyết các luật lệ làm suy yếu hoạt động cải cách tài chính, mà tôi còn sẽ đấu tranh cho những quy định mới cứng rắn”, cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Video đang HOT
Bà còn đề xuất “cần phải kiểm soát chặt hơn đối với các định chế tài chính chủ chốt”, bao gồm phải khắc phục các lỗ hổng vẫn đang cho phép các ngân hàng đánh cược tiền gửi và tạo ra rủi ro mà người dân phải gánh chịu.
“Thay vì theo đuổi các trò đánh cược lớn vốn từng khiến nền kinh tế chúng ta rơi vào khủng hoảng, Phố Wall nên tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế có khả năng tạo ra việc làm lương cao và các khoản đầu tư vững chắc để có thêm nhiều gia đình đạt được mức sống trung lưu, mức được xem là an toàn tại Mỹ”, theo bà Clinton.
AFP bình luận 7 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến đất nước rơi vào suy thoái trong suốt 18 tháng, vấn đề về hoạt động quản lý ngân hàng vẫn đang là chủ đề quan trọng trong chính trường Mỹ.
Trong khi công chúng Mỹ liên tục chỉ trích các ngân hàng bị sai phạm, nhiều nghị sĩ, phần lớn là thuộc đảng Cộng hòa, lại tìm cách giảm thiểu các chính sách cải cách lĩnh vực tài chính do áp lực từ giới ngân hàng, theo AFP.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sanders, được đánh giá là đối thủ đáng gờm của bà Clinton trong cuộc đua giành chức tổng thống, là ứng viên tán đồng việc cần có thêm nhiều hành động cứng rắn hơn nữa để quản lý các ngân hàng lớn. Ông cũng lên tiếng tố cáo bà Clinton đang phải chịu ơn những nhà tài trợ đến từ mảng tài chính cho chiến dịch tranh cử của mình.
Tuy nhiên, phát biểu với The New York Times, bà Clinton khẳng định sẽ mạnh tay, cũng như mở rộng thêm phạm vi của các quy định cứng rắn, nhằm bao trùm toàn bộ mảng tài chính. “Chúng ta cần phải giải quyết các hiểm họa phát sinh tại bất kỳ đâu, chứ không chỉ tại các ngân hàng”, bà cho hay.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
'Sóng gió' nội bộ Mỹ về việc triển khai bộ binh chống IS
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản bác ý tưởng của hai nghị sĩ đảng Cộng hòa về việc triển khai hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Trung Đông để chiến đấu chống IS.
Bà Hillary Clinton phản đối ý tưởng triển khai bộ binh Mỹ chống IS - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 1.12 thông báo Mỹ sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm viễn chinh tới Iraq tham gia cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Lực lượng này sẽ phối hợp với chính phủ Iraq, đồng thời hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và nhóm chiến binh người Kurd, theo Reuters.
Bàn về sự tham gia của lực lượng Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, ngày 1.12 cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 đã lên tiếng phản bác ý tưởng triển khai hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Trung Đông để chống IS.
Giữa lúc chính quyền Tổng thống Barack Obama đang hứng những chỉ trích về chiến lược chống IS, bà Hillary tuyên bố ủng hộ chiến lược hiện tại của chính quyền Obama cũng như cam kết đánh bại IS và phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS nếu bà trúng cử Tổng thống Mỹ.
Bà Hillary nhấn mạnh: "Việc triển khai hàng nghìn binh sĩ chiến đấu, như một số chính khách Cộng hòa đề nghị, tôi cho rằng sẽ không có triển vọng thành công. Tôi không nghĩ đó là cách hiệu quả nhất để truy quét IS, mà sẽ chỉ trao cho IS công cụ mới để tuyển quân".
Phát biểu này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi các Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người cũng đang tranh cử tổng thống, lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ tăng gần gấp 3 quân số nước này tại Iraq, lên 10.000 quân, và điều 10.000 lính bộ binh tới Syria để chống IS.
Chiến dịch không kích nhằm vào IS của Mỹ tại Syria và Iraq không mang lại kết quả như mong đợi - Ảnh: Reuters
Hai thượng nghị sĩ này đã chỉ trích chiến lược đối phó với IS của Tổng thống Obama là phụ thuộc vào các cuộc không kích và hậu thuẫn không đáng kể cho các lực lượng mặt đất tại Iraq và Syria. Theo các nghị sĩ Cộng hòa, Mỹ cần can dự mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với IS; và cách duy nhất để tiêu diệt IS là sử dụng bộ binh vì chiến dịch không kích không thể làm thay đổi cục diện chiến trường.
Trong khi đó, chính quyền Obama vẫn kiên định với lập trường chưa triển khai bộ binh tham chiến trực tiếp chống IS mà tập trung nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn, đào tạo, phối hợp với không kích. Mỹ cũng đã tuyên bố triển khai 50 lính đặc nhiệm tới Syria, nhưng Nhà Trắng khẳng định quyết định này không có nghĩa là Washington thay đổi chiến lược chống IS và cũng không phải là một bước leo thang các hoạt động tác chiến trên bộ trong cuộc chiến chống IS.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Bà Hillary Clinton sẽ chống IS như thế nào? Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng để tiêu diệt IS, Mỹ phải tăng cường không kích, triển khai thêm lực lượng đặc nhiệm nhưng không nên gửi bộ binh Mỹ tới tham chiến. Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng để tiêu diệt IS, Mỹ phải tăng cường không kích - Ảnh: Reuters Phát biểu tại tổ chức Hội đồng...