Hiệu trưởng viết thư gửi sinh viên: “Hy vọng cuộc sống sớm bình thường trở lại”
Hy vọng trời sẽ lại sáng và khi cả trường tập trung vào tháng 4, toàn bộ sinh viên và cán bộ đều không còn phải lo lắng bất kỳ điều gì về bệnh dịch nữa…
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Trường Đại học Phú Xuân (Huế) đã thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân đã viết thư động viên gửi đến các bạn sinh viên, giảng viên nhà trường.
Nhiều trường đại học thông báo cho sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3. Ảnh minh họa: TT
Trong đó, thầy Minh nêu rõ thực trạng cũng như diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương như: Khánh Hòa, Vĩnh Phú hay thành phố Hồ Chí Minh. Chính sự gia tăng chóng mặt các ca lây nhiễm mới đã khiến Trường Đại học Phú Xuân cũng như nhiều trường Đại học khác trên cả nước ra thông báo cho sinh viên nghỉ học.
“Tuần vừa qua chúng ta chứng kiến sự bùng nổ dịch tại Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản và Italia. Và chính thức WHO đã phải nâng mức báo động toàn cầu.
Chúng ta may mắn sống tại Việt Nam thời điểm này và đặc biệt ở Huế, các sinh hoạt hàng ngày vẫn bình yên.
Không khí ngột ngạt lo sợ thường trực tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở các thành phố khác trên thế giới gần tâm dịch, một số tình trạng hỗn loạn đã xảy ra.
Theo khảo sát mới nhất trong sinh viên ngày hôm qua, vẫn có khoảng 15% sinh viên chưa muốn đi học trong tuần sau vì chưa an tâm với bệnh dịch.
Hơn 65% sinh viên được khảo sát sẵn sàng học online và gần 35% sinh viên muốn đến học trực tiếp tại trường”, thầy Minh viết.
Trong bức thư này, thầy Hiệu trưởng cũng chia sẻ tâm trạng chung của sinh viên, giảng viên nhà trường là luôn thấp thỏm trong cả tháng 2 về việc học rồi lại nghỉ học.
“Mặc dù trường đại học được quyền quyết định nhưng các lãnh đạo trường tự nhận mình không có đủ kiến thức y khoa và thông tin để có thể dự đoán về bệnh dịch.
Do đó, việc tuân thủ các khuyến nghị của chính phủ và các cơ quan chuyên môn, chức năng của nhà nước là cần thiết.
Không rõ liệu tuần sau, tuần sau nữa, tình hình diễn biến thế nào nhưng có một điều, chúng ta không thể chỉ thấp thỏm chờ lịch học, rồi lại nhận thông báo nghỉ.
Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Trường đã họp và quyết định sẽ triển khai một chương trình học tập linh hoạt theo 3 hình thức: online, từ xa và trực tiếp” (lược trích).
Thầy Minh cũng bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, sinh viên nào có khả năng học online sẽ có thêm nhiều cơ hội trong xã hội đầy biến động trong tương lai.
Bởi bên cạnh việc học tập chủ động và quan trọng hơn, sinh viên sẽ được học với các giảng viên xuất sắc từ nhiều nơi trên toàn Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các bạn có thể mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm một phương pháp hiện đại mới.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ có phương án hỗ trợ học phí cho các bạn sinh viên trong giai đoạn dịch bệnh này.
“ Có thể tuần sau mọi hoạt động xã hội sẽ trở lại bình thường và tất cả sinh viên đều đến trường.
Nhưng cũng có thể một đợt dịch mới với những ca nhiễm mới lại quay lại Việt Nam. Tất cả đều rất khó đoán định. Một số trường vì lẽ đó cũng đã cho sinh viên nghỉ hết tháng 3.
Video đang HOT
Chính vì vậy, mặc dù không dám quả quyết quyết định này sẽ luôn là tốt nhất, nhưng ít nhất nó là quyết định hợp lý nhất tại thời điểm hiện tại để chấm dứt tình trạng chờ đợi học rồi lại nghỉ.
Chúng ta cùng mong muốn cho dù hoàn cảnh nào, sinh viên và giảng viên Phú Xuân đều có một kế hoạch học tập, làm việc một cách chủ động và để có kế hoạch một cách ổn định.
Hy vọng trời sẽ lại sáng và khi cả trường tập trung vào tháng 4, toàn bộ sinh viên và cán bộ đều không còn phải lo lắng bất kỳ điều gì về bệnh dịch nữa, không phải đeo khẩu trang thường xuyên, không phải lo lắng khi có ai đó húng hắng ho hoặc ốm sốt.
Hy vọng một cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại” (nội dung bức thư viết).
AN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Virus Vũ Hán và những tác động tích cực tới giáo dục Việt Nam
'Tôi hỏi các sinh viên những kiến thức đạo hàm, tích phân trong Toán học ngoài việc thi tốt nghiệp, dùng được gì trong cuộc sống? Thì 99% trả lời là không biết để làm gì. Có em trả lời là để điểm cao, có cái bằng đại học. Sau đó thì sẽ quên'...
Sáng nay (2/3), nhiều trường đại học trên cả nước đã quyết định cho sinh viên trở lại trường, bắt đầu kỳ học mới sau 'kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử' vì Covid-19.
Nhiều sinh viên đã quay trở lại trường bắt đầu kỳ học mới vào sáng nay (2/3)
Trong khi đó, các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT thì vẫn đang trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19. Câu hỏi liệu có nên cho con trẻ đến trường trong thời điểm hiện tại vẫn là băn khoăn lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam.
Giữa những băn khoăn, lo lắng, thậm chí là muôn vàn sự đảo lộn vì Covid-19, mới đây lại xuất hiện một quan điểm rất... ngược.
'Từ một góc nhìn khác, tôi thấy dịch virus lần này có những tác động tích cực tới giáo dục của Việt Nam' - tài khoản facebook Hoàng Công viết. Anh Hoàng Công vốn là giảng viên đại học, đồng thời là Phó trưởng ban Sinh viên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tiin.vn xin được giới thiệu những lập luận từ bài viết này để cung cấp một góc nhìn mới cho độc giả:
1. Ý kiến người dân tác động đến Bộ Giáo dục
Báo VnExpress có một cuộc khảo sát nhanh, cho kết quả phần lớn các phụ huynh coi trọng sự an toàn của con trẻ hơn kết quả học tập, thành tích. Nghĩa là tiếp tục nghỉ học.
Đây chưa phải là một cuộc trưng cầu ý kiến ở quy mô quốc gia, nhưng đã thể hiện cách làm nhanh chóng, rẻ tiền hơn việc đưa ra một cuộc trưng cầu bài bản nhưng tốn kém và chậm chạp.
Từ trước tới nay, các chính sách, quyết định của ngành giáo dục ít khi thể hiện các số liệu lắng nghe công chúng. Hậu quả, hệ quả của việc đó đã thể hiện trong quá khứ, từ cải cách giáo dục, sách giáo khoa... đều tạo nên những bức xúc trong xã hội.
Lần này khác, khá hơn.
Học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT vẫn tiếp tục nghỉ học để tránh Covid-19
2. Phụ huynh có cơ hội để nhìn lại giáo dục
Ngoài áp lực từ ngành giáo, phụ huynh cũng tạo nên những áp lực lớn cho con em mình. Đó là việc ép học, nhồi nhét kiến thức, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của trẻ.
Nhiều phụ huynh sử dụng bạo lực thân thể (roi vọt), bạo lực tinh thần (mắng chửi) để ép con học. Một số đông khác thì coi việc hạn chế chơi game, xem tivi có thể giải quyết bằng học thêm và bài tập.
Kết quả, nhiều sinh viên, học trò khi đến với tôi là những cậu ấm, cô chiêu, 'gà công nghiệp', ngoài mớ kiến thức lộn xộn thì thiếu trầm trọng các ứng xử văn hóa, kỹ năng xã hội.
Lần này, những đứa trẻ được chơi nhiều hơn, gần bố mẹ nhiều hơn, và tôi tin rằng các con đang khỏe mạnh, vui tươi trong kỳ nghỉ hơn là cúi mặt, chổng mông với sách vở, bài tập.
3. Học để làm gì? - Câu hỏi ít có người trả lời
Tôi hỏi nhiều bạn bè có con nhỏ câu hỏi trên, phần lớn lúng túng hoặc trả lời mơ hồ là học để sau này đỡ khổ!
Tôi hỏi các sinh viên những kiến thức đạo hàm, tích phân trong Toán học ngoài việc thi tốt nghiệp, dùng được gì trong cuộc sống? Thì 99% trả lời là không biết để làm gì. Có em trả lời là để điểm cao, có cái bằng đại học. Sau đó thì sẽ quên.
Tôi nhân nhẩm nếu để một học sinh học hiểu thành thạo một môn trên, gia đình họ mất 1.000 đồng/môn học. Thì nhân hơn 20 năm các thế hệ học sinh, số tiền xã hội bỏ ra 'chẳng để làm gì' là một con số thiên văn.
Nhiều kiến thức khác rất hay, rất hữu dụng như Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử, Văn thì học sinh cũng không biết dùng nó để nuôi sống mình.
Lỗi tại ai?
Và dịch cúm lần này giúp nhiều người suy nghĩ lại về vấn đề này khi đọc phần tiếp theo đây...
Học để làm gì?
4. Quan điểm của tôi
Tôi mong các con đến trường để vui vẻ, hạnh phúc, học hỏi điều hay lẽ phải, có tuổi thơ đẹp, nhiều bạn bè. Đó là việc đi học.
Còn kết quả, tôi chỉ cần như sau:
A. Hết cấp I:
- Biết đọc viết, cộng trừ nhân chia thành thạo.
- Biết đặt câu hỏi và tìm câu trả lời.
- Biết nghĩa của các câu ca dao, tục ngữ và bài học từ đó.
- Có thể biết sơ cấp một ngoại ngữ phổ thông.
B. Hết cấp II:
- Hiểu và biết cách vận dụng vài chục nguyên lý, định luật của Toán, Lý, Hóa, Sinh và vận dụng vào cuộc sống.
- Biết nguyên lý của một số nghề nghiệp bằng việc vận dụng kiến thức. Chắc ăn nhất là biết trồng cây, nấu ăn là sau đủ sống.
- Biết về văn hóa ứng xử của một số vùng miền qua Địa, Sử, Văn.
- Có thói quen tra cứu tài liệu và ghi chép khoa học với sơ đồ tư duy.
- Nếu thêm nữa, biết chơi một nhạc cụ.
C. Hết cấp III:
- Biết cách thích nghi xã hội và bảo vệ mình.
- Biết được từ 2 nghề nuôi sống bản thân, được thực hành.
- Biết cách tìm ra mục tiêu cuộc sống, khám phá bản thân.
Tôi rất rõ ràng về mục đích cần đạt được để hỗ trợ các con. Để đạt được những điều nói trên không cần học quá nhiều.
Tôi cũng tin rằng đó là ước mơ của nhiều ông bố, bà mẹ. Ấy vậy mà chúng ta nhiều khi cứ sa đà dạy con học mà không rõ kết quả cần đạt được.
Thế nên trong dịch cúm lần này, các con tôi được tự do học tập. Chơi nhiều thì biết cách dọn. Ăn uống thì nhớ rửa bát. Nhớ bạn thì gọi điện, nhắn tin. Còn nếu phải đối phó điểm số thì tự học.
Tôi thậm chí còn mong kỳ nghỉ kéo dài thêm nữa để các con 'hồi phục' sau những tháng ngày áp lực.
Lũ trẻ sau này sẽ cảm ơn chúng ta bởi sự thông cảm và thấu hiểu, chắc chắn là vậy.
Giảng viên Hoàng Sơn Công - Phó trưởng ban Sinh viên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
* Bài viết theo quan điểm của tác giả.
Hoàng Sơn Công
Theo baodatviet
Trường đầu tiên ở TP HCM cho sinh viên nghỉ hết tháng 3 Học viện Cán bộ TP HCM là cơ sở đầu tiên ở thành phố cho 2.700 sinh viên chính quy nghỉ hết tháng 3 để phòng tránh Covid-19, ngày 2/3. Học viện Cán bộ TP HCM - Ảnh minh họa PGS Nguyễn Tấn Phát (Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM) cho biết, việc này nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ...