Hiệu trưởng Viện Đại học London thăm đại học Anh Quốc Việt Nam
Hiệp sĩ Adrian Smith cho biết khu học xá mới của BUV gây ấn tượng mạnh với ông bởi bởi quy mô, sự đầu tư bài bản.
Trong chuyến thăm, Giáo sư Hiệp sĩ Adrian Smith khẳng định mô hình hợp tác đào tạo giữa Đại học London và BUV là cơ hội để sinh viên Việt Nam tiếp cận, trải nghiệm và học tập trong môi trường giáo dục đẳng cấp quốc tế ngay trên chính đất nước mình.
Sắp tới, khi cơ sở mới rộng 6,5 hecta tại Ecopark của BUV đi vào hoạt động, sinh viên Việt cũng như sinh viên quốc tế tới BUV học tập, sẽ được trải nghiệm môi trường hỗ trợ nghiên cứu, thực hành chuyên nghiệp, hiện đại.
Giáo sư Hiệp sĩ Adrian Smith cho biết: “Mô hình trường học mới gồm hàng loạt các phòng học lớn, phòng chức năng, khu thư viện và sân bãi luyện tập thể thao hiện đại”.
Hiệu trưởng trường Đại học London – giáo sư Hiệp sĩ Adrian Smith (thứ hai từ trái sang) trong buổi làm việc cùng hội đồng cao cấp của BUV.
Bên cạnh việc củng cố chương trình đào tạo và bằng cấp chuẩn chỉ những thang bậc cao nhất của Anh quốc, Đại học London cũng kết hợp với BUV tạo cơ hội cho sinh viên đang học tập tại BUV Việt Nam và trên toàn thế giới thực tập tại các tổ chức, tập đoàn lớn.
Theo đó, sinh viên Đại Học London có thể nộp đơn ứng tuyển vào các đối tác trong mạng lưới liên kết như Vietnam Airlines, Deloitte, VP Bank… thông qua sự hỗ trợ về thông tin, quy trình và huấn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng ứng tuyển từ Đại Học London cùng BUV.
“Đây là cơ hội lớn giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tế, chuyên nghiệp. Đối với các công ty, chương trình là cầu nối giúp doanh nghiệp cung cấp những kinh nghiệm thực tập hữu ích cho thế hệ trẻ, xây đắp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nội bộ”, đại diện BUV nhận định.
Kết thúc chuyến thăm, Giáo sư Hiệp sĩ Adrian Smith kỳ vọng trong tương lai, Đại học London và BUV sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược về giáo dục để sinh viên Việt Nam có cơ hội thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến và chinh phục các chứng chỉ có giá trị toàn cầu.
Giáo sư Adrian Smith (ngoài cùng bên phải) đánh giá cao tầm vóc và đẳng cấp quốc tế của cơ sở mới tại Ecopark.
Video đang HOT
Thành lập vào năm 1836 theo sắc lệnh của hoàng gia Anh, Đại học London là viện đại học giàu tính truyền thống và lớn thứ hai ở Vương quốc Anh, bao gồm gần 20 trường đại học thành viên và hàng loạt viện nghiên cứu danh tiếng.
Tính tới năm 2018, trường đã có hơn 120.000 sinh viên học tập trong các đại học trực thuộc tại London và hơn 50.000 sinh viên theo học các chương trình liên kết từ xa.
Không chỉ hoạt động đào tạo, cấp bằng tại Anh quốc, Đại học London còn triển khai nhiều chương trình liên kết hợp tác với 70 cơ sở đào tạo uy tín trên toàn thế giới (trong đó có BUV tại Việt Nam), nhằm mang nền giáo dục chuẩn mực, đẳng cấp đến gần hơn với thế hệ trẻ toàn cầu.
Tại Việt Nam, BUV là đơn vị hội tụ đủ các tiêu chuẩn và được Đại học London công nhận (Registerd Center) để phối hợp cùng triển khai chương trình đào tạo 100% Anh quốc cho hệ cử nhân Tài chính Ngân hàng.
Khi theo học, sinh viên được hưởng chất lượng giáo dục đào tạo chuẩn mực và hệ thống khảo thí quản lý trực tiếp bởi Đại học London. Trường cũng là đơn vị kiểm soát toàn bộ giáo trình môn học, các tài liệu nghiên cứu và học tập trực tuyến, tư vấn giảng dạy, trực tiếp ra đề và chấm thi cho sinh viên tại BUV. Do đó, khi tốt nghiệp, sinh viên không chỉ tiếp nhận kiến thức, kỹ năng chuyên ngành quốc tế mà còn nhận bằng 100% Anh quốc do chính Đại học London cấp.
Tuyết Lê
Theo vnexpress.net
Bí kíp giành học bổng chính phủ toàn phần sau 3 năm thất bại
Từng 3 năm liên tiếp thất bại trong việc chinh phục học bổng du học toàn phần từ chính phủ New Zealand, nhưng thay vì nản chí, Vũ Thành Công (theo học Thạc sĩ ngành Chính sách công Đại học Auckland) đã quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân, thay đổi bản thân và xuất sắc giành được học bổng này trong năm 2017.
Vũ Thành Công
Chàng trai này đã chia sẻ những kinh nghiệm rút ra sau những lần thất bại:
Trước khi xin học bổng nên dành thời gian trả lời 4 câu hỏi
Học bổng (HB) chính phủ New Zealand chính là HB danh giá nhất từ chính phủ của đất nước này. Tuy nhiên, mỗi năm HB chỉ có 30 suất cho sinh viên Việt Nam nên tỉ lệ cạnh tranh khá cao. Cái sai đầu tiên và cũng là lớn nhất của mình trong 3 lần rớt HB đó là: chưa đủ năng lực, chưa có định hướng rõ ràng và không làm rõ được mục tiêu du học, vì vậy mình không thể hiện được sự phù hợp với HB. Và tất nhiên mình bị đánh rớt.
Kinh nghiệm của mình là trước khi chọn nộp HB, bạn nên làm rõ được mục tiêu du học bằng cách trả lời 4 câu hỏi: Tại sao bạn chọn HB này mà không phải HB khác? Tại sao bạn chọn học ngành này ở quốc gia này? Bạn đã có những gì để đáp ứng được yêu cầu của HB? Bạn còn thiếu những gì để phù hợp với HB?
Nếu có được câu trả lời thật rõ ràng 4 câu hỏi này bạn đã nắm được 90% cơ hội thành công rồi đấy.
Còn với mình, quá trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên không chỉ giúp mình giành được HB mà quan trọng nhất là giúp mình định hướng được tương lai. Ước mơ lớn nhất của mình là khởi nghiệp với những sáng kiến phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Mình tin rằng, kiến thức và trải nghiệm có được từ một cường quốc giáo dục phát triển (dù hạn chế về nguồn lực) như New Zealand sẽ hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu của mình trong 5 hoặc 10 năm nữa. Đây cũng là lý do vì sao năm nay dù may mắn đậu cả HB từ chính phủ Trung Quốc, nhưng mình vẫn chọn NZAS.
Thành Công (đứng thứ 2 từ phải sang trái) cùng các bạn sinh viên Việt Nam trong buổi lễ nhận học bổng NZAS.
Có sự chuẩn bị chu đáo cho từng vòng thi
Để ứng tuyển HB NZAS, bạn sẽ trải qua ba vòng thi:
Vòng hồ sơ
Ở vòng này, bạn cần viết bài luận từ 4.500 đến 5.000 chữ để trả lời cho 12 câu hỏi thuộc 4 nhóm chủ đề: khả năng học tập và nghiên cứu; kinh nghiệm làm việc; ngành học và năng lực cống hiến; khả năng ứng xử, networking.
Bạn tuyệt đối phải viết thành những đoạn văn hoàn chỉnh, không được gạch đầu dòng; phải có một ý tưởng thống nhất từ trên xuống dưới; không được viết quá số lượng chữ quy định và quan trọng nhất là phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Riêng mình, qua 4 năm đã chỉnh sửa tới gần 40 lần, bởi nếu bạn không thể thuyết phục chính bản thân thì chắc chắn cũng không thuyết phục được ban giám khảo.
Thêm một lưu ý là NZAS luôn chú trọng đến việc ứng viên phải có kỹ năng lãnh đạo cũng như khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, đặc biệt là phải có những đóng góp cụ thể cho cộng đồng.
Vì vậy bạn phải thể hiện rõ điều này trong hồ sơ. Tất cả kỹ năng trên bạn đều có thể có được thông qua những hoạt động tình nguyện, các hoạt động xã hội ý nghĩa hoặc trong trường hợp của mình, dù không tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nhưng mình đóng góp dưới góc độ nghiên cứu, báo chí và giảng dạy vẫn được chấp nhận.
Vòng kiểm tra chỉ số thông minh logic IQ và chỉ số thông minh cảm xúc EQ
Đối với chỉ số IQ, bạn sẽ phải làm 12 câu hỏi trong vòng 12 phút. Do vậy, bạn nên giành nhiều thời gian chuẩn bị (mình thì làm khoảng 300 câu trước khi làm kiểm tra chính thức). Riêng phần kiểm tra chỉ số EQ, bạn sẽ giải quyết 99 câu hỏi. Dù không giới hạn thời gian nhưng với số lượng câu hỏi quá nhiều, bạn sẽ không nhớ những đáp án mình đã trả lời phía trước. Nếu không có sự mạch lạc và thống nhất thì bạn cũng dễ dàng bị đánh rớt.
Trả lời phỏng vấn
Ban giám khảo bao giờ cũng là những người cực kỳ nhạy bén và có rất nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần nhìn vào mắt bạn hoặc nghe giọng điệu của bạn là họ đã có thể biết bạn nói thật hay nói dối. Vì vậy, lời khuyên của mình là bạn chỉ nên nói những gì bạn biết và đã từng trải qua. Đặc biệt là nên xâu chuỗi tất cả thành một câu chuyện thống nhất và chân thực.
Ở vòng này, giám khảo cũng sẽ đưa ra rất nhiều tình huống ứng xử để bạn tìm cách giải quyết. Tình huống nào cũng sẽ có những câu hỏi liên quan đến tất cả những gì bạn đã trả lời trước đó. Do vậy, bạn phải thật sự bình tĩnh nếu không sẽ dễ bị đánh lạc hướng. Và để làm tốt tất cả những việc trên thì bạn nên có sự chuẩn bị thật cẩn thận.
Riêng mình, trước khi vào vòng phỏng vấn mình viết ra câu trả lời cho tất cả câu hỏi mà mình đoán giám khảo có thể sẽ hỏi, tổng cộng khoảng 25 trang. Sau đó, mình luyện phỏng vấn thử 5 buổi với mentor (người hướng dẫn) của mình. Dù sự chuẩn bị chỉ hỗ trợ mình được 50% trong quá trình phỏng vấn nhưng nhờ có sự chuẩn bị mà mình cảm thấy đỡ lo lắng, ngoài ra còn có tài liệu để trả lời cho hơn một nửa câu hỏi mà mình không lường trước.
Suy nghĩ tích cực
Theo mình, HB chỉ là công cụ, không phải là đích đến, vì vậy đừng sợ thất bại. Điều quan trọng là sau thất bại bạn hiểu mình cần gì và có thể làm được gì mới là điều quan trọng nhất. Khi đã làm rõ được điều này và thay đổi bản thân thì các cơ hội khác sẽ đến và bạn sẽ có khả năng để nắm lấy nó.
Trên đây chỉ là những góc nhìn riêng của mình về HB NZAS, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho những bạn cũng có mục tiêu du học tại xứ sở Kiwi như mình. Chúc các bạn thành công!
Ngọc Trang
Theo giaoducthoidai.vn
Tỷ lệ trúng tuyển Harvard thấp kỷ lục Lần đầu tiên, số lượng ứng viên được chấp nhận vào Đại học Harvard (Mỹ) xuống mức dưới 5%. Harvard Crimson cho biết, tỷ lệ trúng tuyển Đại học Harvard khóa 2022 (tốt nghiệp năm 2022) thấp nhất từ trước đến nay, với chỉ 4,59% ứng viên nhận được thư mời nhập học, tức 1.962 trên 42.749 người nộp đơn. Năm nay đánh...