Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp có 42/43 HS giỏi nói gì?
Phụ huynh của học sinh M.B cho rằng do người chú chỉ tiếp xúc với cháu 3 tháng nên quá ít thời gian để đánh giá chính xác. Giáo viên chủ nhiệm mong sớm thẩm định lại kết quả để trả lại công bằng cho các em học sinh.
Trước những thông tin về một lớp học tại trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi và những chia sẻ của người chú của học sinh M.B hoài nghi về kết quả này, ngày 27-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng cũng như giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 để tìm hiểu vụ việc.
VIDEO Giáo viên chủ nhiệm nói về việc 42/43 em học sinh giỏi
Bức thư của phụ huynh
Theo giáo viên chủ nhiệm, ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội, mẹ cháu M.B đã viết một bức thư gửi cho giáo viên chủ nhiệm để nói rõ thêm (mẹ của em M.B hiện đang ở Hà Nội để chăm sóc người chồng bị bệnh, do đó, em M.B được gửi nhà người chú khoảng 3 tháng nay – PV).
Trường THCS Nguyễn Thái Bình
Trong lá thư, phụ huynh của em M.B viết: Sau khi đọc xong những chia sẻ của người chú và dư luận bà thật sự ngỡ ngàng và không thể chấp nhận được. Bà cho rằng việc này có phần tư duy chưa chuẩn, suy nghĩ chưa thấu đáo của người chú đối với cháu của mình trong một thời gian quá ngắn. Bà đánh giá con mình ngoan ngoãn, hiền lành, học nhanh, thông minh, tuy nhiên có một chút lười và đã được cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở và bà không hề thấy ngạc nhiên về kết quả của con mình.
Theo mẹ cháu M.B, các điểm số từ lớp 1 đến lớp 5 đều xuất phát từ tư duy hiểu biết của cháu, nếu nói từ trường hợp của con mình suy ra bệnh thành tích thì hoàn toàn không có căn cứ, không phù hợp.
“Có lẽ thời gian hiểu tâm tư, tình cảm của cháu còn quá ít để đánh giá một đứa trẻ tuổi ăn, tuổi hồn nhiên đôi khi do thiếu thốn tình cảm của cha mẹ mà có cãi chú thì chú lại đánh giá không chính xác, thay vì tiếp tục giúp đỡ để cháu hiểu hơn thì chú lại chia sẻ trên mạng khi chưa hiểu gì về cháu” – phụ huynh trên chia sẻ và viết tiếp: “Cháu luôn ít nói nhưng hay lý lẽ, là trẻ nhỏ đôi khi cãi chú lại gây ác cảm, khiến việc nhận xét về cháu không chính xác, làm sai lệch, con người, tính tình, tác phong, thái độ của cháu”.
Phụ huynh này cũng gửi lời xin lỗi đến phía nhà trường đã làm ảnh hưởng đến nhà trường cũng như toàn thể học sinh, giáo viên của lớp và bà yêu cầu phòng GD&ĐT nên đánh giá một cách công tâm, không vì dư luận ảnh hưởng đến thành tích thực sự, nỗ lực cố gắng của học sinh và thầy cô nhà trường.
Kết quả 5 năm học từ lớp 1 đến lớp 5 của lớp 6.2
Trao đổi với cô Nguyễn Thị Miền – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình thì được biết lớp 6/2 được đánh giá là lớp chất lượng cao của trường, đầu vào có 35 em học sinh giỏi toàn diện trong 5 năm và có 8 em học sinh khá. Ngoài lớp 6/2 thì các lớp còn lại đều có lượng học sinh giỏi rất ít, chỉ khoảng 7 – 8 học sinh, thậm chí có nhiều lớp có học sinh xếp loại trung bình.
Cũng theo cô Miền, tỉ lệ học sinh giỏi của khối 6 là 176/452 học sinh. “Việc thẩm định, đánh giá cách ra đề thi, quá trình làm việc của nhà trường có khách quan hay không sẽ do cơ quan chức năng trả lời, chúng tôi khẳng định là mọi đánh giá đều khách quan, toàn bộ đề nhà trường ra do những người có năng lực, được thẩm định kỹ” – cô Miền nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Minh Toan – Chủ nhiệm lớp 6/2 cũng cho hay khi báo chí và dư luận hoài nghi về kết quả đã khiến cho toàn bộ giáo viên và học sinh rất buồn và mong phòng GD&ĐT kiểm tra lại tất cả các bài thi, lý lịch học sinh, kiểm tra công tác nhà trường và có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng để sự nỗ lực của tập thể được ghi nhận công sức, lấy lại sự công bằng cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 trường THCS Nguyễn Thái Bình thông tin về vụ việc 42/43 em học sinh giỏi
Nhận xét về việc học tập của tập thể lớp 6/2 và cá nhân em học sinh M. B, cô Toan cho rằng kết quả như vậy là hoàn toàn xứng đáng, bởi các cháu có phương pháp học mới, tự học và là những học sinh xuất sắc. Đối với em học sinh M.B, từ đầu vào đã 5 năm học sinh xuất sắc, ngoan ngoãn, học tốt, hiền lành, hay xúc động và sống tình cảm, bố mẹ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng cháu vẫn cố gắng có được kết quả tốt nhất.
“Khi biết thông tin các con rất buồn, tôi cũng động viên rằng trên mạng xã hội luôn có 2 mặt nên khi nghe, tiếp xúc phải có sự chắt lọc, dựa vào một ý kiến để không thể phán đoán được cả quá trình, nên nghe một cách toàn diện, không thể phiến diện nhìn vấn đề, các con học thế nào, sự cố gắng thế nào thì các con tự đánh giá được” – cô Toan nói.
Đang thẩm định lại bài kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết Sở chỉ đạo thẩm định lại tất cả các khâu đầu vào đến việc kiểm tra, chấm điểm, quy trình kiểm tra định kỳ của khối 6, trường THCS Nguyễn Thái Bình trước thông tin lớp học có 42/43 học sinh đạt loại giỏi.
Theo ông Ba, Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT TP Vũng Tàu thành lập hội đồng thẩm định lại tất cả bài kiểm tra từ 1 tiết trở lên; chấm thẩm định ngẫu nhiên một số các bài kiểm tra, việc chấm thẩm định có thể thay đổi điểm mặc dù đã vào sổ học bạ. “Nếu việc chấm thẩm định có kết quả cho thấy không khách quan, trung thực thì Sở sẽ nghiêm khắc xử lý những cá nhân liên quan, còn nếu là thực lực, công sức của giáo viên và học sinh thì cũng cần trả lại sự trong sạch cho các cháu” – ông Ba nhấn mạnh.
Hội đồng thẩm định đang chấm thẩm định lại các bài kiểm tra của khối 6, trường THCS Nguyễn Thái Bình
Trước nghi ngờ về việc sửa điểm, ông Ba cho rằng điều này khó xảy ra bởi Sở đã quản lý bảng điểm học sinh bằng hệ thống, việc sửa điểm phải là người quản lý (Admin) hay phó hiệu trưởng phụ trách mới sửa được, và muốn sửa phải có văn bản ký xác nhận lý do, khi điểm được sửa, hệ thống sẽ hiện lên màu đỏ và phòng cũng như sở sẽ biết được môn nào đã bị sửa điểm.
Cùng ngày, hội đồng thẩm định của Phòng GD&ĐT TP Vũng Tàu cũng đã chấm thẩm định lại tất cả các bài kiểm tra khối 6 của trường THCS Nguyễn Thái Bình. Đây là ngày làm việc thứ 2 của hội đồng thẩm định, các giáo viên thẩm định đều là những người có kinh nghiệm, năng lực.
Bài và ảnh: NGỌC GIANG
Theo nguoilaodong
Lớp 42/43 học sinh giỏi: Đường giật lùi của giáo dục?
Vì cách đào tạo chẳng giống ai, nặng lý thuyết thiếu thực hành nên khi tốt nghiệp, ra trường không phù hợp, toàn phải đào tạo lại.
Chọn cột cờ trong bó đũa
Sau câu chuyện một lớp học của trường THCS Nguyễn Thái Bình (Vũng Tàu) có 42/43 học sinh đạt học sinh giỏi, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng là do bệnh háo danh, nặng thành tích.
Giáo dục Việt Nam còn nặng thành tích.
Ông Phương nói, "chọn học sinh giỏi cũng như "chọn cột cờ trong bó đũa", không thể chọn tràn lan, khen thưởng tràn lan làm mất cả ý nghĩa cũng như giá trị của việc khen thưởng".
Còn GS-TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương nói thẳng, với chất lượng giáo dục như hiện nay tỉ lệ học sinh giỏi chỉ khoảng 5-10%. Cho dù chất lượng giáo dục được cải thiện cũng chỉ khoảng 25% là quá, không thể có chuyện đi ngược quy luật, học sinh giỏi lại chiếm đại đa số như vậy.
"Tôi ví dụ, trường chuyên Amsterdam (Hà Nội) có thể học sinh của trường đều là học sinh giỏi, tuy nhiên, nếu thi vào đại học, tỉ lệ đạt thủ khoa cũng chỉ có 1-2 trường hợp, không thể đạt 100%.
Câu chuyện của trường Nguyễn Thái Bình cũng vậy, cần phải giải trình. Kết quả trên đang bị đẩy lên quá", GS Trần Duy Quý nhấn mạnh.
Cũng theo vị GS, ở các nước tư bản khi muốn kiểm tra chất lượng học sinh, họ coi bằng cấp chỉ là điểm xuất phát đầu nhưng không có vai trò quyết định mà họ kiểm tra bằng 3 câu hỏi.
Một: Có nói được tiếng anh thông thạo không? - Đối thoại trực tiếp
Hai: Có đọc viết được không? - Đọc, viết ngay tại chỗ.
Ba: Có sử dụng máy tính thành thạo không? - Thực hành thao tác soạn thảo văn bản ngay trên máy.
"Muốn kiểm tra 42/43 em học sinh kia có học giỏi thật không chỉ cần ra một bài Toán, một đề thi Anh hoặc Văn là biết ngay học sinh học giỏi thật hay không?.
Tuy nhiên, nếu còn tồn tại cơ chế háo danh, thành tích thì dù có kiểm tra, giải trình kết quả cuối cùng cũng là học sinh ngoan, học tốt, kết quả trên là thực chất, khó làm khác được", vị GS nói.
Đường lùi của giáo dục
Nhìn một cách toàn diện, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương lo lắng về một thực tế đi giật lùi của ngành giáo dục. Ông dẫn chứng, tỉ lệ học sinh giỏi của bậc tiểu học rất cao, thậm chí có lớp đạt 100% học sinh được khen thưởng. Đến bậc THCS, THPT học sinh cũng luôn đạt xuất sắc, tỉ lệ thi tốt nghiệp đạt gần như tuyệt đối từ 90-99%. Thi vào đại học cũng ghi nhận rất nhiều thủ khoa, nhiều học sinh đạt học bổng nhưng tốt nghiệp, ra trường lại không xin được việc làm.
"Kết quả tốt như vậy ở hầu hết các cấp bậc nhưng cuối cùng tỉ lệ thất nghiệp cao nhất lại rơi vào nhóm cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ... ngay cả khi ra trường, được doanh nghiệp tuyển dụng, lao động của Việt Nam đều phải đào tạo lại", Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định.
GS-TSKH Trần Duy Quý so sánh, giáo dục các nước phát triển theo hình tháp, càng bậc dưới càng dễ và càng lên càng khó. Chất lượng của các chương trình giảng dạy cũng luôn hướng tới tính ứng dụng thực tế thay vì nặng về lý thuyết.
Ngược lại ở Việt Nam, giáo dục lại là hình tháp ngược, đầu vào khó, đầu ra lại dễ. Trong khi cơ chế giáo dục quá nặng về bệnh thành tích, sính bằng cấp, thích khen thưởng dẫn tớ nhiều bất cập, tệ nạn như quay cóp, gian lận... để có được những con "điểm ảo". Thậm chí, phải dùng tiền, dùng quan hệ để mua lấy những tấm bằng xuất sắc, giỏi mà sau đó khi ra trường cũng không giúp ích gì cho công việc của mình.
"Vì cách đào tạo chẳng giống ai, nặng lý thuyết thiếu thực hành nên khi tốt nghiệp, ra trường không phù hợp, toàn phải đào tạo lại", GS Trần Duy Quý nói.
Vị GS cho rằng, đó là tồn tại lớn của ngành giáo dục mà không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, điều ông lo ngại hơn là sự phát triển lệch lạc, méo mó của ngành giáo dục. Trong công tác giảng dạy, do chạy theo thành tích, nhiều trường hợp được nâng điểm khống, được đôn kết quả để cô, trò và cả nhà trường nhận phần thưởng.
Về đạo đức, xã hội, do sự phân hóa giàu nghèo, do sự tác động của nền kinh tế thị trường nhiều nhà giáo phải lao vào kiếm tiền. Tình trạng bớt giờ giảng, bớt kiến thức, lôi kéo học sinh học thêm tại nhà tạo ra áp lực không nhỏ đối với cả học sinh và phụ huynh.
Cùng với đó là lối văn hóa, ứng xử giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh ngày càng bị xem nhẹ, thiếu tôn trọng, lễ nghĩa. Cô không còn là cô, trò không ra trò, phụ huynh cũng tự cho mình quyền cầm cân nảy mực, tự nắm quyền phán xét, kết tội.
"Chất lượng giáo dục cũng là một vấn đề nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn là đạo đức xã hội, đạo đức của nhà giáo.
Trước khi muốn con trở thành một người tài thì phải dạy con trở thành một người tốt trước đã. Không phải tự nhiên các cụ nói rằng: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" - Hiền tài mới là nguyên khí quốc gia chứ không phải có tiến sĩ, giáo sư thì diện mạo, vị thế đất nước sẽ thay đổi", vị GS nói.
Thái Bình
Theo baodatviet
Thẩm định bài kiểm tra vụ 42/43 em một lớp đạt học sinh giỏi Cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thẩm định ngẫu nhiên một số bài kiểm tra và phân tích đánh giá kết quả điểm của các bộ môn ở khối 6, trường THCS Nguyễn Thái Bình. Ngày 24/5, VOV dẫn thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đơn vị này đã chỉ...