Hiệu trưởng trường tư là ai?: Dễ ‘mất ghế’ mà không cần lý do!
Chỉ sau 4 tháng được bổ nhiệm, hiệu trưởng một trường ĐH tư thục phải viết đơn từ nhiệm. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cho thấy làm người đứng đầu một trường tư không phải chuyện đơn giản.
Ngày 1.3.2017, Trường ĐH Hoa Sen chuyển giao từ HĐQT cũ sang mới. Sau đó, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp làm hiệu trưởng thay TS Bùi Trân Phượng – ĐĂNG NGUYÊN
Áp lực từ nhiều phía
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết hiệu trưởng trường công qua làm hiệu trưởng trường tư sẽ có nhiều khó khăn nhất định. Trường tư tự chủ mọi thứ, trong khi hiện nay chỉ có một ít trường công thí điểm tự chủ chủ yếu về tài chính. Dịch chuyển từ trường công sang trường tự chủ hoàn toàn là một điều khó khăn. Chưa kể khác nhau về tâm lý quản trị. Trường công làm những gì được phép còn trường tư làm những gì không cấm. Nếu không thay đổi tư duy thì không kịp đổi mới, sáng tạo.
“Áp lực của trường tư cũng rất lớn. Một là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm theo quy định chung như trường công. Hai là phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, HĐQT. Ba là áp lực về tuyển sinh, đào tạo, giảng viên… Chỉ một trong 3 áp lực này không được hài lòng thì hiệu trưởng trường tư rất dễ phải chia tay trường. Đối với cơ quan nhà nước, muốn cho hiệu trưởng nghỉ việc phải có lý do rất chính đáng, thuyết phục cơ quan cấp trên. Trong khi đó, với trường ĐH tư thục, HĐQT cho hiệu trưởng nghỉ đôi khi không cần lý do gì”, ông Tùng cho biết.
Nguyên hiệu trưởng trường công đang được mời về Trường ĐH Hoa Sen cho biết đây thật sự là một thử thách lớn. Lý do là khi làm hiệu trưởng trường công, chỉ phải lo những việc lớn, bao quát. Nếu làm hiệu trưởng trường tư, phải lo lắng cả những chuyện rất cụ thể như tuyển sinh, doanh số… Nhà đầu tư sẽ đưa ra những chỉ tiêu và hiệu trưởng phải cam kết đảm bảo những điều này.
“Thay ngựa giữa dòng” – chuyện bình thường
Ngày 12.7, UBND TP.HCM chính thức công nhận tiến sĩ Trần Đan Thư là Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen khi ông là Trưởng khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng chỉ 4 tháng sau, khi chỉ mới đủ thời gian làm quen và vạch ra những chiến lược phát triển mới thì trường này đổi chủ. Những người chủ mới có kế hoạch khác và cần hiệu trưởng khác phù hợp hơn nên tiến sĩ Thư từ nhiệm như một lẽ tất nhiên.
Vị trí hiệu trưởng một trường ĐH tư thục có tên tuổi như Trường ĐH Hoa Sen thật sự là “ghế nóng”. Việc “thay ngựa giữa dòng” ở trường này đã từng diễn ra trước đó với nhiều tranh cãi. Ví dụ trường hợp tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng, người gắn bó với trường từ khi còn là một trường nghiệp vụ tin học và quản lý lên CĐ bán công và ĐH tư thục. Sự xuất hiện của những người mới sở hữu đa số cổ phần tại trường kéo theo sự thay đổi vị trí hiệu trưởng khi chưa hết nhiệm kỳ 2012 – 2017.
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng trải qua những cuộc thay đổi tương tự. Mặc dù được UBND TP.HCM công nhận chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhưng chỉ mới năm 2018, tiến sĩ Tạ Thị Kiều An đã viết đơn xin từ nhiệm. Người thay thế bà là PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Tuy không nói rõ lý do nhưng theo các nhân viên trong trường, bà An chịu áp lực khá nặng nề từ HĐQT về sự phát triển của trường.
Việc “thay ngựa giữa dòng” này cũng liên tục diễn ra trong thời gian qua ở một số trường khác. Đó là ông Hà Hữu Phúc, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM làm Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định thay tiến sĩ Nguyễn Hữu Ngọc, người được công nhận làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tiến sĩ Đàm Quang Minh thay tiến sĩ Nguyễn Đình Ngộ làm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế)…
Khác với trường ĐH công lập, việc thay đổi hiệu trưởng tại các trường ĐH tư thụcdiễn ra rất bất ngờ và nhanh chóng. Điều này đa phần liên quan nhiều đến việc thay đổi chủ sở hữu các trường. Chủ mới sẽ có xu hướng sử dụng hiệu trưởng mới là người mình tin tưởng và phù hợp với định hướng phát triển của mình.
Nghỉ giữa nhiệm kỳ vì mâu thuẫn
Trong thời gian vừa qua, hơn 1.000 sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM mòn mỏi chờ bằng tốt nghiệp mà vẫn chưa được giải quyết do tiến sĩ Trần Quang Nam, Hiệu trưởng nhà trường, đã bị HĐQT tạm ngưng công việc cũng như miễn nhiệm chức vụ.
Trước đó, năm 2014, GS-TS Đào Văn Lượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng bị HĐQT miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng. HĐQT trường gửi văn bản lên Bộ GD-ĐT đề nghị không công nhận hiệu trưởng đối với GS-TS Đào Văn Lượng. Lý do được phía HĐQT nhà trường đưa ra là “do thỏa thuận hiệu trưởng đã kéo dài gần hai nhiệm kỳ và các hoạt động điều hành của hiệu trưởng hiện nay không còn phù hợp”. Trong khi trước đó, ông Lượng được cán bộ, giảng viên nhà trường bỏ phiếu tín nhiệm là hiệu trưởng xuất sắc với 92,2% số phiếu.
Video đang HOT
Từ thực tế này, tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ: “Để bảo vệ mình, những nhân sự được mời về làm hiệu trưởng cần tính toán một số cách thức làm sao không phải nghỉ giữa chừng. Vì khi bị cho nghỉ việc, uy tín cá nhân của người làm hiệu trưởng đã bị ảnh hưởng. Khi nhận “ghế nóng”, cần đặt điều kiện rõ nhiệm vụ cụ thể như thế nào. Nếu đảm bảo được thì không được đổi người. Nếu thay đổi hiệu trưởng giữa chừng, trong khi vẫn đảm bảo nhiệm vụ thì được bồi thường ra sao”.
Ý kiến
Không nên lấy người vào, không hợp lại thải đi
Hiệu trưởng trường tư là người thực hiện các quyết định mà HĐQT đưa ra. Vì thế, một trong những tố chất quan trọng của hiệu trưởng là phải có sức khỏe, muốn có sức khỏe thì phải trẻ. Nhưng cũng không được trẻ quá, vì yếu tố khác chi phối là phải có tích lũy tốt về chuyên môn, có kinh nghiệm quản lý, muốn thế thì ít ra cũng phải trên 40 tuổi. Nhưng tìm người trẻ là rất khó.
Chúng tôi cũng không muốn tìm nguồn lãnh đạo ở các vị đã nghỉ quản lý bên trường công vì khi đến được với chúng tôi thì họ đã quá già. Nên nguồn hiệu trưởng và thành viên tham gia ban giám hiệu của chúng tôi thường là người có học vị tiến sĩ ngoài 50 tuổi, chúng tôi lấy họ vào để sau một thời gian quen với cách điều hành ở trường tư thì bổ nhiệm họ lên sau. Chúng tôi thường ưu tiên người đã có thời gian làm việc ở trường đủ lâu, để họ hiểu nhà trường, hiểu những người làm việc cùng. Chúng tôi không có quan điểm cứ lấy người, nếu thấy không hợp thì thải đi, vì cách đó dễ khiến nhà trường rơi vào tình trạng mất ổn định, thiếu đoàn kết.
GS Hoàng Xuân Sính
( Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long)
Nhiều người trẻ dám chịu thử thách ở môi trường tư
Tính chuyên nghiệp của một hiệu trưởng thể hiện ở năng lực điều hành, năng lực tạo được tiếng nói đồng thuận, sự ủng hộ trong tập thể, hiểu biết các quy định của nhà nước về hoạt động của một trường ĐH. Nếu chọn hiệu trưởng là những người mà mình nể nang, hay là con cháu trong nhà, thì sẽ có cái khó là khi hiệu trưởng điều hành tồi, mình rất khó thay đổi. May mắn cho các nhà đầu tư là hiện nay môi trường ĐH công lập không còn hấp dẫn người trẻ tài năng như trước đây. Ngày càng nhiều người trẻ giỏi dám chịu thử thách, dám mạo hiểm để khởi nghiệp ở những môi trường năng động, chứ không chỉ lo bám vào cái suất ổn định ở trường công.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
( Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)
Làm quen với “ nghề hiệu trưởng” và “nghề tuyển hiệu trưởng”
Trước đây, các nhà đầu tư thường mời các thầy về hưu làm hiệu trưởng nhưng xu thế nên là chuyên nghiệp, cũng giống như sự phát triển của các trường phổ thông tư thục, ban đầu hiệu trưởng thường là các thầy về hưu nhưng nay đã dần thay thế bằng những người trẻ, làm việc một cách bài bản.
Có thể xem hiệu trưởng các trường tư giống người quản lý các đội bóng. Sẽ có người cả cuộc đời sự nghiệp với một trường nhưng sẽ có người làm ở nhiều trường khác nhau. Bên cạnh đó, các trường tư yếu đều cần cải tổ và thay đổi nên cần những người có chuyên môn và kinh nghiệm về cải tổ. Chúng ta sẽ phải quen với việc có nghề làm hiệu trưởng và cả nghề tuyển hiệu trưởng.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh
( Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân)
Quý Hiên (ghi)
Theo thanhnien
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư: Không chỉ do thu nhập
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư, không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và điều kiện làm việc để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Người giỏi chuyển từ công sang tư, theo nhiều người, là xu hướng tất yếu không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và những điều kiện làm việc tạo cơ hội để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.
Mượn phòng dạy học cần tới 5 - 6 chữ ký
Thạc sĩ Châu Thế Hữu dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chia sẻ về lý do rời một trường ĐH công lập có tiếng để đến một trường tư thục làm việc: "Mỗi nơi đều có những lợi thế và khó khăn riêng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy môi trường ĐH công có khá nhiều điều gò bó và thiếu linh hoạt, nếu cứ liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ gây mệt mỏi. Nhất là những người trẻ mong muốn được cống hiến. Dường như trường công lập có một quy trình làm việc khá máy móc và không thể khác được. Đơn giản nhất, khi tôi mượn phòng để dạy học, tôi phải làm tờ trình xin mượn, rồi phải cần 6 - 7 chứ ký, từ trưởng bộ môn, trưởng ban lãnh đạo, ban đại diện thiết bị đến bảo vệ giữ chìa khóa. Sau đó, trình lên ban giám đốc ký. May mắn thuận lợi thì trong buổi chiều là xong, có người mất vài ngày vì người cần ký không có ở trường, hoặc nếu sai một chi tiết phải làm lại và xin chữ ký lại từ đầu. Cũng là mượn phòng, ở trường tư, tôi chỉ cần đến phòng giám thị đăng ký, báo thời gian, không cần làm đơn, không cần xin chữ ký...".
Thạc sĩ Hữu thông tin thêm, vì cơ sở TP.HCM của trường ĐH cũ không có khoa tiếng Anh mà chỉ được gọi là bộ môn nên công việc gì liên quan đến chương trình học, kiểm tra đánh giá sinh viên... bộ môn cũng phải làm tờ trình chuyển ra cơ sở chính ở Hà Nội, sau đó ban giám hiệu chuyển xuống khoa chuyên môn... "Có khi phải mất cả năm mới có kết quả, rất mệt mỏi và mất thời gian. Không thể nào khác được vì đó được xem là quy trình bắt buộc. Tôi nghĩ nếu cơ chế trường công thông thoáng hơn, bớt đi thủ tục hơn, thì những người trẻ có năng lực, nhất là những người đi học ở nước ngoài về, mới cảm thấy có môi trường tốt để làm việc và gắn bó lâu dài", thạc sĩ Hữu nhìn nhận.
Cơ hội thăng tiến
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thời gian qua thu hút không ít cán bộ, giảng viên từng làm việc cho các trường công lập. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: "Cán bộ, giảng viên trẻ có những suy nghĩ rất khác so với thế hệ lớn tuổi. Họ có khả năng thay đổi môi trường làm việc và đáp ứng môi trường mới khá nhanh, không gặp khó khăn lớn. Nhiều nghiên cứu sinh từ nước ngoài về thích vào trường tư thục do cơ chế tự chủ. Mặc dù các trường công lập cũng đang dần tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn những rào cản khác không thể thông thoáng bằng trường tư thục".
Theo tiến sĩ Quốc Anh, ở trường tư thục, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Nếu những đề xuất của cán bộ, giảng viên hợp lý và vì mục tiêu chung của trường, thì sẽ rất nhanh được thông qua, không cần phải trình lên các cấp cao hơn như trường công lập. Những vấn đề liên quan đến thu chi, miễn sử dụng đồng tiền hiệu quả thì đều được duyệt nhanh chóng.
Vấn đề thăng tiến cũng là một yếu tố thu hút cán bộ, giảng viên trẻ. Thạc sĩ Châu Thế Hữu nhận định: "Tôi nhận thấy trường tư thục không lấy quy trình ra để cất nhắc người giỏi. Miễn là bạn có năng lực, nhiệt tình, hết mình cống hiến cho trường, thì dù bạn rất trẻ, trường tư cũng bổ nhiệm bạn ở vị trí cao, không quan trọng thâm niên hay các điều kiện khác. Trong khi đó, tại các trường công, người giỏi, trẻ tuổi chắc chắn vẫn phải trải qua một quy trình nhất định, mới có thể được thăng tiến".
Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, tiến sĩ ở nước ngoài từng làm việc tại một trường công lập, nay đã chuyển sang một trường tư thục, nhận định: "Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi như thương hiệu, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư, uy tín của đội ngũ giảng viên... Tuy nhiên, nói đến việc tạo một môi trường làm việc tốt thì không hề đơn giản. Nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn".
Thu nhập tốt hơn
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhìn nhận: "Trong những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội về quan niệm công tư, các chính sách của nhà nước hạn chế phân biệt công tư, và các chính sách ở trường tư không khác, thậm chí còn năng động hơn khối công lập nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực giỏi lựa chọn nơi làm việc phát huy năng lực của bản thân. Đối với nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao, trường thường trả mức thu nhập đủ để các bạn sống tốt. Ngoài ra, trường tạo điều kiện về công việc để lực lượng này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại trường".
Theo tiến sĩ Hải, trường xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương tương ứng với nhiệm vụ và năng suất làm việc hằng năm. Mỗi cán bộ của trường sẽ có bảng mô tả công việc riêng, lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, kể cả hỗ trợ kinh phí trong những chuyến công tác trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, mỗi cán bộ sẽ được chủ động chọn nhiệm vụ để thực hiện phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân, đánh giá và tạo điều kiện để hoàn thành trong năm tiếp theo.
Nhiều giảng viên đang làm việc tại trường tư thục cho biết, thu nhập là một trong những yếu tố thu hút giảng viên, người tài đến trường tư. Nếu trường công trả mỗi tiết dạy từ 60.000 - 100.000 đồng, trường tự chủ có thể cao hơn chút, thì trường tư là 150.000 - 200.000 tùy học hàm học vị. Ngoài ra, mức thu nhập còn căn cứ vào năng lực. Một người nổi trội vẫn có thể được trả lương cao hơn mức quy định, nhất là những vị trí đang thiếu thì thường các trường tư trả lương rất cao để thu hút.
Ý kiến
Môi trường làm việc tốt hơn
Đãi ngộ ở đây không có nghĩa đơn thuần là trả lương mà còn môi trường làm việc và cơ hội phát triển, thăng tiến. Có những người khi xin nghỉ trình bày thẳng vì được trường tư thục đề nghị làm lãnh đạo với tài chính tốt hơn nên xin đi để khi về hưu có thu nhập cao hơn.
PGS-TS Trần Thiên Phúc
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Để tiếp tục giữ vị trí quản lý
Có những người đi vì thu nhập nhưng có người vì cơ chế. Theo quy định hiện hành, một người chỉ được giữ chức vụ trưởng khoa tối đa 2 nhiệm kỳ (10 năm) trong một trường. Nếu không được đề bạt chức vụ cao hơn hoặc luân chuyển sang vị trí quản lý khác, người này phải làm giảng viên. Nên có những người tìm cách chuyển sang trường tư thục để được tiếp tục giữ vị trí quản lý trưởng một khoa chuyên môn mình từng phụ trách khi ở trường công.
(Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM)
Sẽ không còn phân biệt công tư
Quan niệm trường công và tư sẽ dần tiến đến gần nhau và rồi sẽ không còn khoảng cách. Nguồn nhân lực vì thế sẽ là một sự cạnh tranh sòng phẳng với các trường. Đối với các giảng viên, việc lựa chọn nơi làm việc có điều kiện tốt, chế độ đãi ngộ cao là hoàn toàn chính đáng và cần được tôn trọng.
(Trưởng phòng tổ chức hành chính một trường ĐH công lập tại TP.HCM)
Cơ hội phát huy sự sáng tạo
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường tư sẽ thuận lợi cho giáo viên phát huy năng lực, sáng tạo. Đó là chưa kể, có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo trường công có lối tư duy cũ kỹ, không chịu và không tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, chỉ lo làm đúng theo quy định khiến giáo viên mất dần những động lực với nghề.
(Hiệu trưởng một trường THCS công lập tại TP.HCM)
Hà Ánh - Bích Thanh (ghi)
"Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi... Tuy nhiên nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn"
Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn
Theo thanhnien
Những 'thương vụ bạc tỉ' chuyển nhượng trường đại học Gần đây, hàng loạt vụ chuyển nhượng các trường ĐH tư thục diễn ra sôi động khiến hoạt động của các trường ĐH tư thục có nhiều thay đổi. Bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 trước khi Trường ĐH Hoa Sen thay đổi chủ. Sắp tới cũng sẽ có một đại hội tương tự để tiếp tục...