Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ: Học phí chiếm 80% nguồn thu của trường
‘Việc tăng học phí luôn phải gắn với nâng chất lượng đào tạo và trách nhiệm giải trình xã hội’, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên nhận định.
Thực hiện cơ chế tự chủ đại học, việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên, nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng đào tạo cao. Vì thế, mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng, nhưng các nguồn lực hạn chế sẽ là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập.
Học phí vẫn là nguồn thu lớn nhất, chiếm tỷ lệ 80% tổng thu của trường
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Mới đây, trường công bố mức học phí mới của năm học 2022-2023 tăng ở tất cả các ngành đào tạo, trong đó ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt có mức tăng cao nhất. Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí qui định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Năm học 2022-2023, dự kiến học phí các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học: 44,1 triệu đồng/năm); Ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng: 39,2 triệu đồng/năm; Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học: 34,3 triệu đồng/năm.
Ngành Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng: 29,4 triệu đồng/năm.
Học phí Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Liên quan đến về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có 6 chương trình đào tạo đại học (Y khoa, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học) theo tiêu chuẩn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Do đó, trường được tự xác định mức thu học phí của 6 chương trình này trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật đã được ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội. Năm nay, ngành Y khoa và ngành Răng Hàm Mặt có mức tăng học phí cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: website nhà trường
Video đang HOT
“Người học trúng tuyển từ năm học 2021-2022 trở về trước, mức học phí tất cả các ngành tăng 30%. Cụ thể, ngành Y khoa và ngành Răng Hàm Mặt có mức học phí từ 21,330 triệu đồng/năm học 27,729 triệu đồng/năm học.
Người học trúng tuyển năm học 2022-2023, ngành Y khoa và ngành Răng Hàm Mặt có mức học phí = Học phí theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP x 1,8 = 24,500 triệu đồng/năm học x 1,8 = 44,1 triệu đồng/năm học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Lý giải về mức quy định học phí trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên cho biết, có 3 nguồn thu chính tại các trường công lập gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư…), trong đó, học phí là nguồn thu lớn nhất và quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ 80% tổng thu của nhà trường hiện nay.
Khi trường thực hiện tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm. Vì thế, để giảm bớt gánh nặng học phí, trường đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu phụ thuộc vào quy định của pháp luật, cũng như cần thời gian đầu tư.
“Trong giai đoạn hiện tại, trường phải tăng học phí. Nhưng khi tăng học phí trường cũng chú trọng đến các yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi, nhập học và cơ hội nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp.
Một điều nhất quán là trường sẽ không để học phí trở thành gánh nặng cho sinh viên, làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, trường xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên như: cấp học bổng vượt khó, hỗ trợ sinh viên vay vốn…”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Học phí tăng cũng chưa thể đáp ứng đủ hoạt động chi đầu tư
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, nhà trường luôn đồng hành, chia sẻ cùng với sinh viên, nhất là khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học.
Theo đó, trường quy định tất cả sinh viên đều được phép xin gia hạn nộp học phí nếu chưa có đủ điều kiện đóng học phí, kinh phí đào tạo hoặc gặp khó khăn đột xuất.
Hằng năm nhà trường đều có trên 500 suất học bổng dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do các mạnh thường quân, giảng viên, viên chức, người lao động trong trường tài trợ. Đặc biệt có suất học bổng tài trợ toàn phần, toàn khóa học cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó học tốt.
Sinh viên có kết quả học tốt, đáp ứng quy định của trường, sẽ được nhận học bổng khuyến khích học tập, trị giá suất học bổng bằng với mức học phí sinh viên phải nộp.
Các chế độ chính sách và học bổng trường hỗ trợ sinh viên năm học 2021-2022 bao gồm:
Cấp học bổng khuyến khích học tập cho 1,731 lượt sinh viên, tổng số tiền 10,582,393,100 đồng.
412 lượt sinh viên được miễn giảm từ 50% đến 100% học phí. 216 lượt sinh viên được trợ cấp xã hội, 26 lượt sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập.
Tổng số sinh viên nhận học bổng tài trợ trong năm học 2021-2022 là 312 sinh viên với tổng số tiền là 1,112,160,000 đồng.
“Trường xác định mức tăng học phí luôn phải gắn với nâng chất lượng đào tạo và trách nhiệm giải trình xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh xây dựng quỹ học bổng, thì cùng với lộ trình tăng học phí, nhà trường nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra chất lượng cao và nhu cầu thực tiễn nghề nghiệp đòi hỏi ngày càng cao theo định hướng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên khẳng định.
Hiệu trưởng nhà trường lấy ví dụ, chuyên ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt có mức tăng học phí cao thì trường sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ở 2 ngành này.
Chi tiết hơn, trường đã rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và ban hành chương trình mới cho tất cả các ngành của trường, trong đó có 2 ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt, đảm bảo đạt yêu cầu theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/06/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Đồng thời, trường xây dựng chuẩn đầu ra và cách thức tiếp cận các chương trình nước ngoài, tiên tiến để chuẩn bị xây dựng chương trình chất lượng cao trong vòng 1-2 năm tới.
Trên thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng thu, giảng viên tăng thu nhập, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, đối với nhà trường, dù tăng nhưng mức học phí hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được hoạt động chi đầu tư của trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng vẫn chủ yếu từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của trường và các nguồn xã hội hóa khác.
“Cần nhấn mạnh rằng, tự chủ đại học không có nghĩa là tự túc, không dựa vào ngân sách nhà nước. Bởi bản chất giáo dục đại học là một lĩnh vực vừa mang tính dịch vụ, vừa mang tính công ích nên nguồn thu đều đến từ cả công và tư và cả các nguồn lực hợp pháp khác.
Song, tự chủ đại học phải đảm bảo cơ chế để người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên nhận định.
Cần Thơ hỗ trợ 100% học phí từ năm học 2022-2023
Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 24/8, đã thông qua 2 nghị quyết được cử tri thành phố rất quan tâm.
Đó là Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2022-2023 và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023.
Các thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 tại Hội đồng thi Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2022-2023 được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.
Mức học phí mới ở các cấp học từ Mầm non đến Trung học Phổ thông ở khu vực phường, thị trấn là 300.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh Mầm non đến cấp Trung học Cơ sở ở xã 100.000 đồng/tháng/học sinh, học sinh Trung học Phổ thông 200.000 đồng/tháng/học sinh. Đối với học sinh Mầm non, Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ở thị trấn Cờ Đỏ, Phường Châu Văn Liêm, Phường Tân An) là 80.000 đồng/tháng/học sinh, học sinh Trung học Cơ sở 110.000 đồng/tháng/học sinh, học sinh Trung học Phổ thông 160.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh Mầm non, Tiểu học ở các xã Thới Xuân, Thới Đông, Đông Thắng là 50.000 đồng/tháng/học sinh. Riêng học phí đối với học sinh Trung học Phổ thông ở các xã này là 100.000 đồng/tháng/học sinh. Học sinh Tiểu học ở các trường công lập không phải đóng học phí. Mức học phí tại cơ sở giáo dục các cấp học là mức học phí thấp nhất trong khung học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Dự kiến tổng số thu học phí năm học 2022-2023 là khoảng 294,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023, quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 đối với trẻ em, học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục Mầm non, cơ sở giáo dục Phổ thông công lập và tư thục (trừ học sinh Tiểu học trường công lập), học viên đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục Phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Mức hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí năm học 2022-2023. Nguồn hỗ trợ được thực hiện bằng ngân sách nhà nước của thành phố. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ dự kiến là 308,943 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Kỳ họp.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, việc ban hành Nghị quyết quy định mức học phí mới theo Nghị định 81 của Chính phủ là bắt buộc và mức học phí mới này so với mức học phí từ năm học 2021-2022 trở về trước là rất cao, tăng khoảng 4,5 lần trở lên. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn vừa qua như dịch COVID-19, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, đời sống của nhiều bà con gặp khó khăn nên Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định chủ trương lấy mức học phí mức tối thiểu ở các cấp học theo Nghị định 81 của Chính phủ để áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Việc ban hành các Nghị quyết quy định mức đóng học phí đối với các cấp học, nhất là mức học phí đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương đã có sự xem xét trước khi trình đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
Cũng theo ông Phạm Văn Hiểu, thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội rất quyết liệt, mạnh mẽ thông qua việc ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp học trong năm học 2022-2023. Mặc dù điều kiện ngân sách chưa dồi dào, nhưng thành phố xác định vì tương lai của con em và giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã mạnh dạn chi ngân sách hỗ trợ. Trong những năm học tới, nếu người dân trên địa bàn còn khó khăn, thành phố sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, trong năm học 2022-2023, thành phố có khoảng 142.629 trẻ em, học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục công lập và tư thục, trong đó có 97.709 trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, học viên Giáo dục thường xuyên trên địa bàn phường, thị trấn; 33.422 trẻ em, học sinh các cấp học trên địa bàn xã; 10.046 trẻ em, học sinh các cấp trên địa bàn phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số; 1.452 trẻ em, học sinh các cấp học trên địa bàn xã vùng dân tộc thiểu số. Thành phố có 6 địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số gồm: 3 xã Thới Xuân, Thới Đông và Đông Thắng; 3 phường, thị trấn gồm: phường Châu Văn Liêm, phường Tân An và thị trấn Cờ Đỏ.
Theo ông Trần Thanh Bình, việc Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 là rất cần thiết.
Học phí Y, Dược các ĐH chênh nhau vài chục triệu/năm, chất lượng khác ra sao? Mỗi trường đại học áp dụng mức học phí khác nhau trong năm học 2022-2023, vậy, điều kiện và chất lượng đào tạo sinh viên khối ngành sức khỏe liệu có giống nhau? Bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học áp dụng việc tăng học phí, đặc biệt tăng mạnh ở khối ngành sức khỏe. Cùng đào tạo khối ngành...