Hiệu trưởng trẻ nhất thế giới và những đứa trẻ thất học
Bắt đầu từ trò chơi thầy giáo – học trò, giờ đây, sứ mệnh của hiệu trưởng trẻ đến từ Ấn Độ – Babar Ali – là giáo dục thế hệ măng non, đặc biệt là những trẻ em nghèo thất học.
Cứ 16h hàng ngày, Babar Ali (sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo khó Murshidabad, phía Tây Bengal, Ấn Độ), từ trường trở về nhà. Nam sinh này rung chuông để gọi trẻ em nghèo trong làng đến học. Lũ trẻ ùa vào sân sau và hát quốc ca. Ali đứng lên trước, nói về kỷ luật lớp học và bắt đầu giảng bài.
Theo BBC, từ hồi tháng 10/2009, Barba Ali là hiệu trưởng trẻ nhất thế giới khi mới 16 tuổi và giành giải thưởng “Anh hùng đời thường” của kênh tin tức Anh – Ấn CNN – IBN. Năm 2016, Ali trở thành một trong 30 người trẻ nổi bật dưới 30 tuổi của lĩnh vực Doanh nhân xã hội do Forbes châu Á bình chọn.
Hiện nay, Ananda Siksha Niketan – trường đào tạo miễn phí của Ali – trở thành ngôi nhà của những giờ học vui vẻ với hơn 800 học sinh thuộc hộ nghèo và 10 giáo viên tình nguyện.
Từ trò chơi thầy giáo – học trò
Babar Ali, hiện 23 tuổi, sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em. Babar là thành viên duy nhất trong nhà được đi học. Theo The Hindu, 9 tuổi, Ali chơi trò làm thầy giáo – học sinh với em gái, đây đồng thời cũng là học sinh đầu tiên của anh.
Babar Ali bắt đầu dạy học từ năm 9 tuổi và được BBC tôn vinh là hiệu trưởng trẻ nhất thế giới từ năm 2009.
Học cấp ba tại Raj Govinda – trường duy nhất gần nhà – hàng ngày, Ali dậy sớm, làm việc nhà, sau đó lên chiếc xe (giống xe lam), rồi đi bộ thêm 5 km đến trường.
Trên đường về, cậu học sinh thấy nhiều trẻ em đang làm những công việc lặt vặt như chăn thả gia súc hoặc lãng phí thời gian chơi đùa cả ngày. “Khi ấy, tôi nghĩ đến việc truyền lại kiến thức học ở trường cho các em nhỏ”, Ali nhớ lại.
Nam sinh quy tụ một số đứa trẻ trong làng và mở lớp học tạm dưới gốc cây ổi ở sân sau nhà. Chẳng bao lâu, Ali đã có 8 học sinh. Các em đều không có vở, bút mực hay giấy. Người thầy trẻ dùng tấm gạch làm bảng và những tờ báo chính là tài liệu học tập.
Video đang HOT
Một giáo viên của Ali kể sau giờ học, cậu thường xin cô những mẩu phấn vụn. “Khi tôi hỏi lý do, Ali ngượng ngùng nói về lớp học tại nhà mình. Từ đó, tôi thường đưa cho em cả hộp phấn”, vị giáo viên nói.
“Mới đầu, tôi chỉ định chơi trò thầy giáo. Nhưng tôi nhận thấy quê mình nghèo và lạc hậu, những đứa trẻ sẽ không bao giờ biết đọc, viết nếu chúng không được giáo dục bài bản. Do đó, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ giáo dục chúng”, chàng trai 9X nói.
Sáng là học sinh, chiều thầy giáo
Trường cấp ba của Ali thuộc nhà nước nên được miễn học phí. Học sinh chỉ phải đóng tiền đồng phục, sách vở và tiền xe, tương đương 40 USD một năm. Ở Tây Bengal, đây là số tiền rất lớn nên nhiều gia đình nghèo vẫn không thể cho con tới trường.
Để giữ chân học sinh, ban đầu, Ali mua kẹo cho chúng bằng chút tiền ít ỏi bố cho. “Tôi tìm mọi cách để truyền động lực cho các em. Tôi tổ chức các cuộc thi hát, nhảy mà tôi chính là giám khảo. Thầy trò cùng trang trí lớp học. Nhìn chung, mọi thứ học được tại trường, tôi đều áp dụng ở đây. Khi học sinh nghỉ học, tôi sẽ đến nhà các em và thuyết phục bố mẹ cho con quay lại trường”.
Lũ trẻ đến lớp học sau khi hoàn thành công việc nhà và đồng áng. Lớp học giả dần trở thành thật. Hàng ngày, lũ trẻ luôn háo hức đợi thầy giáo từ trường về.
Với lớp học nhỏ của mình, Ali đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm trẻ em nghèo. Thầy giáo “kiêm” học sinh cho biết thậm chí không có thời gian để ăn, về đến nhà thay đồng phục trường là bắt đầu lên lớp.
Học sinh mẫu mực, người thầy tận tâm
Dần dần, Ali nhận ra rằng để học hiệu quả, trẻ em cần có sách vở. Anh đã vào cửa hàng đồng nát lấy sách và những quyển vở còn giấy trắng cho các em. Ngoài ra, người thầy trẻ còn đến nhà của tất cả học sinh để xin gạo, sau đó bán lấy tiền mua sách.
Con chữ dần phủ khắp ngôi làng cũng là lúc Ali muốn xây dựng một ngôi trường thực thụ. “Bố tôi lo con trai không tập trung việc học nên yêu cầu dừng ngay việc dạy học”. Nhưng quyết tâm của Ali đã giúp nam sinh chiến thắng sự lo lắng của bố. Ông đồng ý với điều kiện Ali phải học tập tốt, đến kỳ thi phải nghỉ dạy để tập trung ôn tập.
“Bố cho tôi 9 USD còn mẹ thì luôn ủng hộ theo cách của riêng bà. Hàng ngày, tôi thức dậy vào sáng sớm và ngồi cạnh những quyển sách dưới sự giám sát của bố. Sau đó, tôi đến trường nhưng cả ngày đều mong mỏi sớm được gặp học sinh của mình, giống như ‘bị nghiện’ vậy”, thầy giáo của những trẻ em nghèo tâm sự.
Cuối cùng, ngôi trường cũng chính thức được hình thành mang tên Ananda Shiksha Niketan, được chính quyền địa phương công nhận. Với niềm hân hoan đó, Ali bắt đầu mặc đồng phục học sinh và một mình đến các thành phố lớn để đề nghị quan chức giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho trường.
“Tôi muốn cảm ơn những người đã giúp đỡ mình trong nhiều năm qua, ngay cả khi tôi còn là cậu bé. Họ đã không từ chối lời đề nghị của tôi”, Ali bày tỏ trong bài phỏng vấn trên Your Story.
Trước đó, năm 13 tuổi, nam sinh đã nói chuyện với một thẩm phán và một hiệu trưởng tại địa phương về ngôi trường. Họ đồng ý giữ những vị trí quan trọng khi trường thành lập.
Hiện nay, trường Ananda Shiksha Niketan có hơn 800 học sinh và 10 giáo viên. Phần lớn những thầy, cô giáo tại đây là học trò cũ của Ali và đang học đại học. Họ tình nguyện quay lại trường để dạy khi không có giờ trên lớp.
Học sinh đều không phải trả bất kỳ loại phí nào nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Đây là ngôi trường đầu tiên trong làng nghèo của Ali. Do đó, những em ở làng lân cận phải đi bộ 4 km để đến học.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất, những đứa trẻ hiếu học vẫn say sưa với bài giảng của thầy giáo Ali.
Mặc dù đã được công nhận là trường học, nhưng cơ sở vật chất của Ananda Shiksha Niketan vẫn còn khá tồi tàn. Hiệu trưởng Ali liên tục vận động tài trợ để duy trì việc dạy và học.
Thầy giáo trẻ khẳng định: “Tôi còn đủ sức để làm nhiều hơn nữa. Tôi đã mua một khu đất hoang ở gần nhà bằng số tiền từ những giải thưởng nhận được nhưng chưa đủ. Tôi cần quyên góp được nhiều tiền hơn để có thể xây dựng ngôi trường khang trang cho các em”.
“Nhiều người dân trong làng vẫn chưa từng được đến trường nên con đường tôi đi còn rất dài”, vị hiệu trưởng trẻ nói thêm.
Không sợ nguy hiểm, theo đuổi ước mơ
Một chàng trai thành công và tốt bụng sẽ được nhiều người yêu mến nhưng cũng không tránh được ghen ghét, đố kỵ. Nhiều người tìm đến Ali và tạo ra những thủ tục không cần thiết cho anh. Thậm chí, chàng trai còn bị đe dọa tính mạng bởi những nhân vật tiêu cực. Anh phải tham dự kỳ thi đại học dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
“Nữ anh hùng Malala Yousafzai bị bắn vào đầu, còn tôi bị bắn vào tâm hồn bởi sự thù oán và quấy rầy của một số người”, anh nói. Tuy nhiên, thầy giáo trẻ vẫn rất kiên cường theo đuổi ước mơ. “Miễn là bọn trẻ thích và ủng hộ tôi, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi con đường này”.
Ali muốn mở một ngôi trường khác tại Karnataka và ước mơ trở thành quan chức của IAS (Cơ quan Hành chính Ấn Độ). “Đứng dậy, thức tỉnh và không dừng lại cho đến khi đạt mục tiêu” là phương châm sống của hiệu trưởng 9X.
Hiện nay, Ali theo học thạc sĩ Văn học Anh tại Berhampore Krishanath College. Động lực và sức mạnh của Ali xuất phát từ những câu từ và bài viết của lãnh tụ tinh thần Swami Vivekananda. Đồng thời, thầy hiệu trưởng trẻ cũng là diễn giả truyền cảm hứng bằng sự tận tụy của một người thầy.
Theo Zing
Nữ hiệu trưởng bị cách chức vì mượn bằng cấp
Ngày 2/3, Văn phòng UBND huyện Thới Bình, Cà Mau, cho biết, bà Huỳnh Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, xã Thới Bình, bị cách chức vì mượn bằng để học tập, giảng dạy.
Bà Huỳnh Thanh Thúy thực ra là Huỳnh Mỹ Hiền nhưng mượn bằng cấp của chị ruột tên Huỳnh Thanh Thúy nên phải sửa tên cho trùng khớp.
Cơ quan chức năng phát hiện ảnh trong bằng tốt nghiệp THPT mang tên Huỳnh Thanh Thúy nhưng học bạ tại Trường THCS Khánh Thới mang tên Huỳnh Mỹ Hiền là một người. Các chữ ký của bà 'Huỳnh Thanh Thúy' trong bảng khai hộ khẩu của gia đình, giấy khai sinh của con, hồ sơ học tập mang tên Huỳnh Mỹ Hiền cũng là một.
Ảnh học bạ tên Hiền, ảnh bằng tốt nghiệp tên Thúy nhưng cùng một người.
Khi hay tin bà Huỳnh Thanh Thúy bị cách chức hiệu trưởng, nhiều giáo viên cho rằng, cơ quan chức năng huyện Thới Bình áp dụng hình thức đó là nhẹ, đáng lý ra phải buộc thôi việc vì căn cứ theo Khoản 3, Điều 13, Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ về "sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập".
Theo Nguyên Hương/Tiền Phong
Lạm thu, một hiệu trưởng bị cảnh cáo Hiệu trưởng Trường tiểu học 5 thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) chỉ đạo thu nhiều khoản phí vượt quy định hoặc chi sai mà không được công khai, minh bạch trước cha mẹ học sinh. Ngày 1/3, Đảng ủy thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, vừa triển khai quyết định cảnh cáo về mặt đảng đối với...