Hiệu trưởng ’soái ca’
Chưa đầy ba năm về Trường THPT Nguyễn Du giữ chức vụ quản lý, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đã đem lại một luồng sinh khí mới cho ngôi trường.
Sân Trường THPT Nguyễn Du sáng 11-12-2018 rực sắc đỏ, vàng. Gần 1.500 học sinh, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường cùng tâng bóng, nhảy flashmob, hát vang ca khúc Việt Nam ơi để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018. Và đây là trường duy nhất tại TP.HCM tổ chức hoạt động này.
“Thầy lại sắp có trò gì vui đúng không?”
“Chúng em rất bất ngờ khi trường lại tổ chức buổi cổ vũ đó. Đây là một điều tuyệt vời đối với em và các bạn. Nó là cơ hội để tụi em được sống trong không khí cuồng nhiệt của bóng đá, được bày tỏ tình yêu đối với đội tuyển” – em Dương Minh Thành, học sinh lớp 12A9 tâm sự.
Thành nhớ lại: Hôm đó, đang đi giữa sân trường thì em nghe tiếng gọi thân quen của thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú. “Thành ơi, lại đây thầy nói chuyện xíu!”. Em hơi tò mò và hỏi lại “Thầy lại sắp có trò gì vui đúng không”. Thầy chia sẻ, thấy các em đều có một tình yêu thể thao, một niềm đam mê bóng đá nên thầy dự định tổ chức một buổi cổ vũ bóng đá cho học sinh toàn trường. Và đây là kế hoạch chi tiết của thầy về những hoạt động trong buổi lễ.
“Nghe thầy nói, em cũng khá bất ngờ. Bởi bản thân em không nghĩ thầy lại quan tâm đến tâm lý của học trò như thế. Hôm diễn ra buổi lễ, thầy còn mặc áo đỏ sao vàng và hát vang cùng chúng em bài ca Niềm tin chiến thắng” – Thành nói.
Rồi Thành kể, từ ngày về trường, thầy hiệu trưởng liên tục tổ chức nhiều hoạt động (cuộc thi flashmob, hùng biện tiếng Anh…) cũng như rất nhiều câu lạc bộ (tiếng Anh, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ…) để học sinh vui chơi, giảm stress sau những giờ học căng thẳng.
Em Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 12A4 hào hứng nói thêm: “Em không cảm thấy áp lực khi đến trường. Bởi chương trình học của tụi em được phân bố đồng đều, bên cạnh những giờ học chính khóa còn có những tiết học kỹ năng vui nhộn. Ngoài ra, ngôi trường này có thầy hiệu trưởng dễ mến. Thầy hiểu rõ tâm lý học sinh, có những lễ hội dù nhỏ nhưng thầy vẫn tổ chức. Và trong các buổi lễ, thầy đều cố gắng mời những ca sĩ nổi tiếng, đang “hót” với giới trẻ. Từ đó, em thấy việc học không phải là trách nhiệm mỗi ngày mà là niềm vui. Và ngôi trường này khiến em hạnh phúc”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cũng hòa cùng học sinh trong lễ cổ vũ. Ảnh: NTCC
Truyền cảm hứng vào đời
Video đang HOT
Không chỉ làm học sinh vui, thầy hiệu trưởng “ soái ca” còn là cầu nối tiếp lửa, truyền cảm hứng cho học sinh thông qua các chuyên đề mang tính giáo dục. Đó là chuyên đề “Người truyền cảm hứng” với vị khách mời đặc biệt là nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
“Được nghe nhà trường báo cáo là các em học sinh rất chăm ngoan, học giỏi, tôi yên tâm và thấy rằng các em đã ý thức được trách nhiệm của mình là góp phần xây dựng đất nước ở tuổi nhỏ. Hy vọng các em lớn lên sẽ trưởng thành, sau này sẽ trở thành những công dân có ích cho đất nước” – bà Trương Mỹ Hoa nhấn mạnh tại buổi lễ.
Đức Bình tâm sự: “Hôm đó, em được bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ về cuộc đời mình, về ý chí và nghị lực vươn lên từ những năm tháng sống trong lao tù cho đến ngày trở về phục vụ Đảng. Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu, về hai ngôi trường được xây dựng từ chính tấm lòng của người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Ngay trong buổi sáng đó, toàn trường đã quyên góp ủng hộ quỹ cho CLB. Lắng nghe những câu chuyện của bà càng khiến tụi em có động lực để phấn đấu trong học tập”.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện chương trình, ông Phú nói: “Chương trình là cơ hội để trò tiếp xúc với những nhân vật lịch sử, người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Được giao lưu với cô Trương Mỹ Hoa, học sinh sẽ tận mắt thấy được một con người luôn cống hiến cho cuộc đời. Chính tấm gương sống này sẽ khiến các em có động lực phấn đấu trong học tập cũng như định hướng tương lai “.
“Tôi thấy thoải mái khi làm việc”
“Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng thấy hạnh phúc khi được làm việc trong một môi trường đầy ắp yêu thương và sự quan tâm đến từ thầy hiệu trưởng” – thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên môn toán chia sẻ.
Thầy Chính cho biết từ khi về trường, thầy Phú đã đặt ra tiêu chí “Nhà trường chăm sóc thầy cô như thế nào thì thầy cô hãy chăm sóc học trò như vậy. Quyền lợi cao nhất là giáo viên và mọi lợi ích cao nhất đều hướng về học sinh”. Và những điều này đều được thể hiện xuyên suốt qua chiến lược hoạt động của nhà trường.
Từ khi thầy về, bộ mặt trường thay đổi. Thầy đã xây mới lại nhà vệ sinh cho giáo viên khang trang, sạch sẽ. Những ngày lễ, Tết, sinh nhật các nhân viên, giáo viên đều có quà. Các chế độ đãi ngộ đều được thầy công khai minh bạch. Mặt khác, để nâng cao chuyên môn cho giáo viên, thầy thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, mời chuyên gia về dạy tin học, tiếng Anh cho giáo viên. Thầy luôn khuyến khích mọi người học để nâng cao trình độ. Ai lấy được bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều nhận được phần thưởng khích lệ từ nhà trường. Ngoài ra, thầy còn tổ chức những buổi xem kịch, xem phim toàn trường. “Chính những hoạt động đó đã giúp chúng tôi có niềm vui cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn” – thầy Chính nói.
“Thầy còn khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá. Nếu trước đây giáo viên lên lớp khảo bài, cho học sinh làm bài kiểm tra lấy điểm thì hiện nay chúng tôi tương tác và tạo điều kiện cho học sinh phản biện nhiều hơn. Trong những giờ học, nếu học sinh có ý kiến hay cũng được cho điểm. Nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh cải thiện điểm số. Điều đó cho thấy thầy Phú không chỉ là một nhà quản lý mà còn là một nhà quản trị có tầm” – thầy Chính khẳng định.
Hãy tiêm vitamin vui cho các em
Muốn học trò hạnh phúc, hãy “tiêm” vitamin vui cho các em. Hãy trở thành một người thầy có trách nhiệm, yêu thương trò như chính con của mình. Hãy biến trường học thành nhà, thành nơi thân thuộc mà các em cảm thấy muốn gắn bó.
Điều gì khiến trò vui, tôi sẽ làm. Để làm được những việc trên là do tôi đã trải qua rất nhiều cương vị trước khi làm nhà quản lý. Chính điều đó đã giúp tôi nắm bắt được tâm lý của học trò.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10
NGUYỄN QUYÊN
Theo Pháp Luật TPHCM
4 vai trò không thể thiếu đối với hiệu trưởng
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục thuộc Học viện Quản lý Giáo dục, hiệu trưởng là người giáo viên tin tưởng, những gì họ biết có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên trong trường học.
Hiệu trưởng có ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên. Ảnh minh họa
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, có 4 vai trò quan trọng, trong đó hiệu trưởng nhà trường ảnh hưởng đến việc học giáo viên tong trường học của họ. Cụ thể:
Thứ nhất: Hiệu trưởng - Người quản lý
Hiệu trưởng giữ mục tiêu phát triển nghề nghiệp của giáo viên, hướng đến kết quả học tập tốt hơn của học sinh.
Hiệu trưởng là những người quản lý việc học tập, phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên, coi trọng việc học tập và cam kết với họ trong công việc hàng ngày. Họ hiểu được mối liên hệ giữa phát triển nghề nghiệp của giáo viên với học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tin rằng việc học của giáo viên là một phần không thể thiếu trong cải tiến trường học. Sự tập trung vào việc học của học sinh có thể dễ dàng bị lạc trong một biển thay đổi tổ chức tập trung hơn vào sự đáp ứng thể chế và đáp ứng nhu cầu của người lớn hơn là học tập của trẻ em.
Không có ý thức rõ ràng về mục đích và phương hướng, một trường có thể "trôi dạt" khỏi nhiệm vụ chính của mình là phục vụ nhu cầu học tập và phát triển của học sinh.
Là người quản lý, hiệu trưởng giúp giữ trọng tâm và mục tiêu phát triển nghề nghiệp của giáo viên đối với việc học của học sinh. Cuối cùng, hiệu trưởng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và toàn trường thông qua cam kết của họ đối với việc đối xử công bằng với tất cả mọi thành viên, đòi hỏi sự hiểu biết và đáp ứng với sự đa dạng của nhu cầu và phong cách học của từng học sinh.
Thứ hai: Hiệu trưởng - Hình mẫu
Hiệu trưởng là hình mẫu về học tập phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Khi là người học, Hiệu trưởng có ảnh hưởng đáng kể đến thái độ và hành vi của giáo viên.
Hiệu trưởng nhà trường có ảnh hưởng nhiều hơn đến niềm tin và thực hành của giáo viên với hình ảnh mẫu mực trong học tập phát triển năng lực nghề nghiệp hơn là những người "Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm".
Các hiệu trưởng mẫu mực đặt mục tiêu học tập cho chính họ, coi việc học là cốt lõi trong công việc của họ và họ đặt ra phương hướng và kỳ vọng cho việc học tập trong trường cũng như bản thân.
Thứ ba: Hiệu trưởng - Chuyên gia
Hiệu trưởng là chuyên gia về kỹ năng nghề nghiệp và hỗ trợ giáo viên cải thiện môi trường học tập cho mọi người trong trường học. Sự tín nhiệm của giáo viện đối với Hiệu trưởng từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà hiệu trưởng biết và có thể làm.
Theo các chuyên gia, hiệu trưởng cần có kiến thức và kỹ năng chuyên ngành trong các lĩnh vực như: lý thuyết nhận thức và học tập, mô hình giảng dạy, phát triển con người, lý thuyết động lực, quản lý sự thay đổi trường học, ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá và học tập người lớn.
Kiến thức chuyên môn là quan trọng nhưng chưa đủ. Hiệu trưởng cần đưa kiến thức chuyên môn của mình vào các hành động để tạo ra, hỗ trợ và cải thiện môi trường học tập cho mọi người trong trường học của họ.
Thứ tư: Lãnh đạo giảng dạy
Lãnh đạo giảng dạy là trách nhiệm chính của hiệu trưởng trong nhà trường. Việc tổ chức hoạt động dạy học trong trường cũng ảnh hưởng đến sự phát tiển năng lực nghề nghiệp của giáo viên.
Trong đó, hiệu trưởng sử dụng một loạt các hoạt động để khuyến khích giáo viên học tập, bao gồm biểu tượng và hiển thị hình ảnh, thông báo phương tiện truyền thông, lễ trao giải,... thông qua tương tác hàng ngày với học sinh và giáo viên.
Thông điệp được truyền đạt là việc học tập là trọng tâm của sức mạnh và nỗ lực của mọi thành viên trong trường. Là các nhà lãnh đạo giảng dạy, hiệu trưởng cũng cần phải làm theo thông qua các sáng kiến và cơ hội đào tạo khác nhau, bằng cách chú ý đến nhu cầu và nguồn lực để hoàn thành mục tiêu học tập và mục tiêu của trường.
"Khi giáo viên trải qua nhiều căng thẳng khác nhau trong đổi mới chuyên nghiệp và thay đổi thói quen, hiệu trưởng giúp họ duy trì thái độ tích cực về học tập và thay đổi trong thực tiễn giảng dạy có tiềm năng cải thiện chất lượng học tập và học sinh.
Cuối cùng khi hiệu trưởng lãnh đạo hoạt động dạy học cần phải sẵn sàng đối mặt với các vấn đề và giúp giáo viên đối phó với những mâu thuẫn, giải quyết các vấn đề nảy sinh cùng với sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên và sự thay đổi của nhà trường" - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.
Minh Phong (lược ghi)
Theo giaoducthoidai
Hiệu trưởng và 1001 cách tương tác thú vị với học trò Không chỉ làm công tác quản lý hay chỉ gặp học trò khi... chào cờ hay lên phòng hiệu trưởng, cũng không phải chỉ những lời răn đe, cảnh báo. Không ít hiệu trưởng ở TPHCM có những "cách" để tương tác với học trò. Thầy hiệu trưởng suốt 7 năm đứng đón học trò Suốt 7 năm qua, thầy Nguyễn Văn Hùng,...