Hiệu trưởng sẽ quyết định cuối cùng việc ở lại lớp cho học sinh tiểu học
Đó là một trong nhiều nội dung đáng chú ý của Dự thảo Thông tư đánh giá, xếp loại dành cho học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học 2020 – 2021 chương trình phổ thông mới sẽ chính thức áp dụng ở lớp 1 và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở các năm tiếp theo.
Bên cạnh chương trình, sách giáo khoa thì việc đánh giá, xếp loại học sinh là một vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm, vì đánh giá đúng sẽ tạo động lực cho học sinh học tập và phát triển, đánh giá qua loa, chạy theo thành tích sẽ khiến chất lượng, đạo đức sụt giảm, chương trình mới khó thành công.
Bất cập lớn của việc đánh giá hiện nay là không có định lượng rõ ràng, chạy theo thành tích, đánh giá theo chỉ tiêu,… nên hy vọng với chương trình mới này việc đánh giá sẽ đi vào thực chất.
Xin được nêu qua những điểm của Dự thảo Thông tư trên, để nhân dân xem và đóng góp ý kiến.
Năm học 2020 – 2021, chương trình phổ thông mới sẽ chính thức áp dụng ở lớp 1. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Không so sánh các học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ
Tại Dự thảo nêu trên, nhà trường sẽ kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, định kỳ và tổng hợp.
Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét. Đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét.
Cùng với giáo viên, học sinh và phụ huynh được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học.
Bên cạnh kế thừa cái cũ, việc đánh giá, xếp loại học sinh có một số điểm mới nhằm thống nhất với quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, như: điều chỉnh hệ thống tên môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
Học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; và những năng lực cốt lõi gồm năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc thù (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất).
Thay vì chia làm 4 mức đánh giá đối với các câu hỏi, bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo thông tư mới chỉ sử dụng ba mức là “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”.
Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến, tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.
Áp dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá
Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:
Video đang HOT
Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập của học sinh;
Phương pháp đánh giá qua các sản phẩm, hoạt động của học sinh:
Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan;
Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi-đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời;
Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo thang đo năng lực và dưới hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
Đánh giá định kì 4 kì trên mỗi năm học
Tại dự thảo nêu việc đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục thực hiện 4 lần trên mỗi năm học gồm: Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học.
Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.
Vào cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kì;
Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II.
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.
Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua các nhận xét, các biểu hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh, đánh giá theo các mức sau:
Mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;
Mức Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên;
Mức Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.
Hiệu trưởng quyết định việc ở lại của học sinh
Tại Điều 11: Xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học
Xét hoàn thành chương trình lớp học:
Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:
Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục đạt mức: Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành;
Đánh giá định kì về từng phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cuối năm học đạt mức: Tốt hoặc Đạt;
Bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên;
Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.
Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.
Bổ sung hình thức thư khen học sinh
Tại Điều 13: Khen thưởng 1, Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
Khen thưởng cuối năm học:
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh xếp loại Hoàn thành xuất sắc;
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Thành tích vượt trội – Tiến bộ vượt bậc cho những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một phẩm chất, năng lực được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực.
Tham khảo toàn văn dự thảo tại địa chỉ: //moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1464/_Du thao 2 Thông tư.pdf
Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học có thời gian góp ý là 02 tháng, tính từ ngày 09/4/2020.
Nơi nhận ý kiến góp ý là: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Email nhận góp ý: ndmanh.gdth@moet.gov.vn.
BÙI NAM
Sẽ giảm 1 mức độ đánh giá với bài kiểm tra định kỳ bậc tiểu học
Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi, bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo Thông tư mới về quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học chỉ sử dụng 3 mức độ là "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành".
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Tài cho biết: Sự thay đổi này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.
Đánh giá học sinh tiểu học được thay đổi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Bên cạnh đó, cũng nhằm thống nhất với quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: Năng lực chung, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù: Ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.
Dự thảo bổ sung quy định về "Nội dung và phương pháp đánh giá", đảm bảo đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá, gồm: Phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, kỹ thuật quá trình đánh giá. Quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức tiến hành trong quá trình đánh giá học sinh, phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quy định về "tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục", quy định về "hồ sơ đánh giá", cũng những điểm mới của dự thảo Thông tư. Điều này nhằm cụ thể hoá quá trình đánh giá, đồng thời đảm bảo kết cấu chặt chẽ, hợp logic về mặt hình thức, tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá.
Quy trình hoàn chỉnh bao gồm: Đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.
Về khen thưởng học sinh, dự thảo có đề cập đến hình thức "thư khen". Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.
Ông Thái Văn Tài cho biết: "Các quy định trong dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Đồng thời, với các nội dung quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy".
Dự thảo này có thời gian góp ý là 2 tháng, tính từ ngày 9/4/2020.
Lê Vân
Học sinh Sài Gòn làm bài kiểm tra qua thiết kế infographic Nghỉ phòng dịch Covid-19, học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế infographic lấy điểm kiểm tra môn Ngữ văn. Nhằm giúp học sinh tiếp cận cuộc đời, sự nghiệp tác giả và cảm thụ tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình trung học phổ thông, tổ Ngữ văn Trường trung học...