Hiệu trưởng Nội trú Phù Yên bớt xén suất ăn học sinh để lập “quỹ đen”?
Kết luận của Uỷ ban kiểm tra huyện ủy Phù Yên cho biết, Hiệu trưởng Lò Xuân Dừa chỉ đạo bớt xén khẩu phần ăn của học sinh dân tộc để thành lập quỹ ăn sáng; sử dụng vào hoạt động của nhà trường. Nhiều giáo viên trường cho rằng hiệu trưởng tự ý lập “ quỹ đen”?
Liên quan đến loạt bài “Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên, Sơn La tự ý bớt xén suất ăn của học sinh” mà Kiến Thức đã phản ánh. Ngày 24/6, UBKT huyện ủy huyện Phù Yên đã có kết luận, theo đó, ông Lò Xuân Dừa – Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên có nhiều khuất tất trong quá trình điều hành và quản lý nhà trường, đặc biệt là việc bớt xén khẩu phần ăn của các học sinh.
Đề nghị kỷ luật ông Dừa về mặt Đảng với hình thức cảnh cáo, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La xem xét kỷ luật ông Lò Xuân Dừa với vai trò là công chức (kỷ luật về mặt chính quyền – PV) bố trí lại vị trí công tác.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phù Yên khẳng định, việc ông Lò Xuân Dừa chỉ đạo bớt xén khẩu phần ăn đối với học sinh là rõ ràng, điều đó là có. Việc bớt xén không phải là tư túi cá nhân mà ông Dừa đã chỉ đạo bớt xén để sử dụng vào việc thành lập quỹ ăn sáng; sử dụng vào các hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều giáo viên trường Nội trú huyện Phù Yên. Theo các giáo viên, việc ông Dừa tự ý bớt xén suất ăn học sinh và thành lập quỹ ăn sáng các giáo viên không hề hay biết, không được thông qua chi bộ và các cuộc họp của trường. Rõ ràng, việc làm của hiệu trưởng Lò Xuân Dừa là tự ý lập “quỹ đen”.
Không ai biết “quỹ đen” được chi tiêu thế nào
Sau khi có kết luận của UBKT huyện ủy Phù Yên, nhiều giáo viên trường Nội trú huyện Phù Yên đã tiếp tục làm Đơn đề nghị tới các cấp có thẩm quyền Đề nghị làm rõ thêm một số nội dung.
Theo đơn, cô Nguyễn Thị Nghĩa – Chủ tịch công đoàn nhà trường cho biết: “Kết luận của UBKT huyện ủy huyện Phù Yên ngày 24/6, cho rằng ông Lò Xuân Dừa cắt xén tiền ăn sáng của học sinh là không có mục đích tư túi cá nhân mà là để chi cho tập thể.
Sau khi thông báo kết luận, UBKT đã chỉ đạo truy thu toàn bộ số tiền thưởng ngày lễ, tết, may đồng phục cho công đoàn viên với số tiền là 135.850.000đ (một trăm ba mươi lăm triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).
Với nội dung này tôi không đồng ý với kết luận của UBKT huyện ủy Phù Yên nêu trên.
Bởi việc ông Lò Xuân Dừa tự ý lập quỹ ăn sáng (tiền cắt khẩu phần ăn sáng của học sinh) không thông qua Chi bộ cũng như thông qua Hội đồng nhà trường.
Trường PTDT nội trú Phù Yên, nơi xảy ra câu chuyện bớt xén khẩu phần ăn học sinh gây xôn xao dư luận cả nước.
Video đang HOT
Năm học 2017 – 2018 ông Lò Xuân Dừa không công khai, không yêu cầu ban thanh tra nhân dân kiểm tra quỹ nội bộ nhà trường, vì thế tập thể giáo viên trong trường không hề biết có số tiền cắt từ tiền ăn sáng của học sinh đưa vào quỹ nội bộ nhà trường.
Việc chi, phát phần thưởng vào các ngày lễ, tết, may đồng phục, thưởng cuối năm học cho công đoàn viên trong trường ông Lò Xuân Dừa không cho biết cũng như không thông qua số tiền chi đó là trích từ nguồn nào khi họp chi bộ, họp hội đồng…”
Ông Lò Xuân Dừa, người bị tố cáo và đã được khẳng định chỉ đạo bớt xén khẩu phần ăn học sinh.
Chủ tịch công đoàn trường Nội trú huyện Phù Yên cho biết thêm, “Việc thi hành kỷ luật đối với ông Dừa về mặt Đảng là hợp lý, thế nhưng ngoài kết luận thẩm tra, xác minh UBKT huyện ủy Phù Yên tiếp tục có gửi cho tôi bản danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường được nhận tiền từ quỹ nấu ăn sáng của học sinh từ tháng 7/2017 đến tháng 1/ 2019 và yêu cầu chúng tôi truy thu lại số tiền đó.
Đơn đề nghị của cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa kèm chữ ký của các giáo viên trường PTDT nội trú Phù Yên.
Cụ thể các khoản được hưởng như sau: tiền quà 20/11 là 700.000đ; tiền liên hoan 20/11 là 225.000đ; tiền đồng phục Nam/Nữ là 800.000đ; tiền thưởng là 500.000đ; quà tết 1.000.000đ; áo nam 500.000đ (tổng là 3.725.000đ – đối với cán bộ, giáo viên là Nam và 3.225.000đ đối với cán bộ, giáo viên là Nữ).
Điều đáng nói, số tiền này được cho rằng đó là tiền quỹ lấy từ việc cắt xén tiền ăn sáng của học sinh, trong khi đó chúng tôi không hay biết số tiền này có nguồn gốc từ đâu.
Hơn nữa, trong các cuộc họp chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường, ông Dừa không thông báo cũng như thông qua bất cứ một khoản quỹ nào được cắt từ tiền ăn sáng của học sinh.”
Về việc có các khoản quỹ cho lễ, tết, may đồng phục cho công đoàn viên, cô Nghĩa phân trần: “Năm học 2017 – 2018 ông Dừa có cho tập thể giáo viên tiền để may đồng phục của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Thời điểm ấy nói là cho nhưng ông Dừa không nói tiền may đồng phục đó được lấy từ đâu, trích từ nguồn quỹ nào.
Hàng năm nhà trường có tiền tiết kiệm từ nguồn ngân sách, tiền quỹ lao động của học sinh từ việc bán rau, bán cơm nguội (cơm thừa của học sinh), tiền cho thuê căng tin và tiền từ các cơ quan đơn vị trên địa bàn đến chúc mừng ngày khai giảng hay ngày 20/11… tất cả số tiền ấy dồn lại thành một quỹ.
Mặc dù có quỹ như vậy, nhưng trong năm học 2017 – 2018 hiệu trưởng Dừa đã không công khai tài chính, không cho kiểm quỹ nên tập thể giáo viên không biết tiền quỹ còn hay đã hết.”
Đối với tiền quà và tiền ăn cho ngày 20/11, cô Nghĩa giải thích: Các giáo viên được phụ huynh học sinh cho quà và tổ chức ăn uống cho các giáo viên, khoản tiền này được phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp.
“Còn tiền thưởng cuối năm cán bộ, giáo viên nhà trường cũng chỉ nghĩ đó là tiền lao động vất vả cả một năm học nên được Ban giám hiệu nhà trường cho thì các giáo viên nhận và cũng không hỏi đến nguồn gốc tiền ở đâu? chi như thế nào?” – cô Nghĩa nói.
Số tiền truy thu ngược của các giáo viên khiến nhiều người lên tiếng phản đối. Không ai dám ký nhận, vì ký nhận đồng nghĩa với việc đồng lõa với ông Lò Xuân Dừa trong việc bớt xén khẩu phần ăn sáng học sinh…
“Việc UBKT huyện ủy yêu cầu các giáo viên truy thu lại số tiền trên là không hợp lý, gây bức xúc cho giáo viên nên chúng tôi tiếp tục gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xác minh lại thông tin trên” cô Nghĩa khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Sinh, giáo viên trường Nội trú phù yên bức xúc: “Việc UBKT yêu cầu chúng tôi phải truy thu lại số tiền 3.225.000đ đối với giáo viên nữ; 3.725.000đ đối với giáo viên nam là bất hợp lý.
Chúng tôi không biết nguồn quỹ đó từ đâu và cũng không biết có quỹ từ việc cắt xén tiền ăn sáng của học sinh. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc”.
Với bữa ăn sơ sài, khiến các em học sinh bị đói.
Ngoài ra, nhiều giáo viên cho biết, tại kết luận của UBKT huyện Phù Yên chỉ khẳng định việc ông Lò Xuân Dừa chỉ đạo bớt xén khẩu phần ăn của học sinh là đúng và mục đích để thành lập quỹ hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, việc bớt xén cụ thể số tiền bao nhiêu thì kết luận chưa nêu rõ.
Đồng thời, nhiều sai phạm khác trong việc cho người nhà vào thuê, bán hàng trong căng tin… và nhiều nội dung tố cáo vẫn chưa được UBKT huyện làm rõ.
Chủ tịch công đoàn trường dân tộc nội trú huyện Phù Yên, cùng một số giáo viên của trường tiếp tục làm đơn đề nghị cơ quan chức năng, thậm chí đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các nội dung tố cáo sai phạm liên quan đến hiệu trưởng Lò Xuân Dừa.
Theo kienthuc
Ấm lòng bữa cơm cho các thí sinh nội trú người dân tộc Cơ Tu
Mỗi bữa cơm tươm tất đầy nghĩa tình mà thầy cô và các cô quản sinh nấu cho học trò mùa ôn thi, mỗi bình nước mà nhà trường nấu để học trò uống khi học thi... là nguồn động viên lớn lao, của nhiều bạn học sinh người đồng bào dân tộc Cơ Tu ở tại điểm thi trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Các thí sinh vui cười trong bữa ăn do nhà trường tổ chức. ảnh: H.Vinh
Đợt thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 18 học sinh là con em người dân tộc Cơ Tu ở hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) dự thi. Đây cũng là ngôi trường THPT duy nhất có học sinh người dân tộc Cơ Tu theo học.
Do nhà các em ở xa, nên trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, Sở GDĐT Đà Nẵng cùng với lãnh đạo Trường phối hợp với chính quyền, ban, ngành địa phương tổ chức cho thí sinh vào ở trong khu nội trú Trường để ôn tập và ở lại thi với những điều kiện sinh hoạt hết sức thuận lợi.
Được tạo điều kiện, bố trí chỗ ăn, ở ngay tại điểm thi, thí sinh cảm thấy rất yên tâm, thoải mái. Niềm vui của các thí sinh càng được nhân lên khi trước và trong những ngày tham dự kỳ thi, các quản sinh, nhân viên nơi đây đã tự tay đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị từng bữa ăn tươm tất.
Ở căn phòng ăn của khu nội trú, sau khi tiếng trống kết thúc bài thi vang lên cũng là lúc 2 cô nhân viên nấu ăn là Trần Thị Trước và cô Đặng Thị Phương, tất bật lo dọn cơm cho 18 thí sinh sau khi dự thi tại trường về ăn, rồi kịp nghỉ ngơi ôn bài tiếp tục môn thi THPT Quốc gia vào buổi chiều cùng ngày.
Cô Trước - chia sẻ, cô nấu ăn ở đây gần 15 năm nay nên thấu hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Con đường đến trường của các em học sinh nơi đây là hành trình đầy gian khó, thử thách. Nên việc chăm sóc cho các em những ngày trước, trong và sau thi cũng phần nào động viên các em cố gắng vượt qua kỳ thi.
Cô Trước chăm sóc cho các thí sinh trong suốt những ngày trước trong thi. Ảnh: H.Vinh
Còn cô Phương cho hay, dù các em đều ở xa gia đình, nhưng rất ngoan ngoãn yêu thương nhau, xem như một gia đình. Đặc biệt, các em nơi đây học rất chăm chỉ.
Thầy Nguyễn Bá Hảo - Hiệu trưởng trường THPT Phạm Phú Thứ cho hay, việc trường tổ chức việc ăn ở, học tập, sinh hoạt cho các thí sinh người đồng bào dân tộc Cơ Tu trước trong và sau thi đã gần 20 năm nay.
"Các em thí sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu đã cố gắng nỗ lực học tập nhiều năm qua. Đến với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, bất kể một giáo viên hoặc nhân viên nào của trường cũng mong muốn góp sức giúp đỡ các em, dù là những công việc nhỏ nhặt, đời thường nhất. Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho các em, trường cũng bố trí các giáo viên thường xuyên tổ chức cho các em ôn tập cũng cố kiến thức cho các em trước kỳ thi nhằm giúp các em hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp này", thầy Hảo bộc bạch.
H.VINH
Theo laodong
Làm rõ các loại hình cơ sở giáo dục Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến các loại hình cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa/internet Cụ thể: Một số đại biểu đề nghị làm rõ các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân...