Hiệu trưởng, HS ủng hộ thi tốt nghiệp 2 ngày
Phương án thi tốt nghiệp 2 ngày được nhiều hiệu trưởng, học sinh các trường trung học phổ thông đồng tình. Họ cho rằng, với phương án này, học sinh đi lại đỡ vất vả hơn, chi phí ít hơn.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo 4 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT gửi tới các sở giáo dục & đào tạo trong cả nước để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ vừa đưa ra, các thí sinh có thể hoàn thành kỳ thi nhanh nhất trong 2 ngày và chậm nhất là 4 ngày.
Cô Lê Nguyên Hương, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, nhà trường đồng tình với phương án 1, thi tốt nghiệp diễn ra trong 2 ngày. Với phương án này, nhà trường, học sinh sẽ bớt được kinh phí. Các em học sinh đi lại đỡ mệt mỏi, vất vả hơn.
“Một số ý kiến cho rằng nếu thi như vậy, thời gian nghỉ giữa các môn thi sẽ chỉ khoảng 75 phút, tâm lý học sinh dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi thấy lập luận đó cũng không hẳn đúng bởi kiến thức các em đã được rèn luyện trong suốt 3 năm học, đến ngày thi các em chỉ việc vận dụng vào bài làm thôi. Thời gian nghỉ giữa các môn nhiều hay ít không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng bài làm của các em”, cô Hương chia sẻ.
Cô Hương cho biết thêm, ở trường cô, mỗi khi kiểm tra, thi, học sinh thường xuyên phải làm nhiều môn thi khác nhau trong thời gian ngắn nên phương án thi 2 ngày không ảnh hưởng gì tới chất lượng bài thi của các em.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Ngay sau khi biết phương án thi tốt nghiệp 4 môn mà Bộ GD-ĐT công bố, cô Hương và học sinh trường Nguyễn Huệ khá phấn khởi. Cô Hương chia sẻ rằng, về cơ bản phương án là tốt, học sinh có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, với việc tự chọn 2 môn trong số 6 môn còn lại, nhiều học sinh sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi mình yêu thích. Như vậy, ngoài hai môn bắt buộc là môn Văn, Toán, học sinh theo khối C sẽ chọn thêm Sử hoặc Địa. Hay học sinh khối A có thể chọn thêm môn Lý, Hóa.
“Sau khi biết dự thảo, phần lớn học sinh trường tôi đều nghiêng về phương án 1, thi trong 2 ngày. Tinh thần các em đều phấn chấn, sẵn sàng cho việc ôn và thi tốt nghiệp sắp tới”, cô Hương nói.
Thầy Phạm Trọng Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cũng đồng tình với phương án thi tốt nghiệp trong 2 ngày. Ông nói rằng, có rất nhiều học sinh phải đi xa hơn 10 km mới tới được trường học. Do vậy, việc rút ngắn thời gian thi, vừa giúp các em học sinh đi lại đỡ vất vả, vừa giảm chi phí cho gia đình các em.
“Với phương án này, học sinh sẽ không bị ảnh hưởng gì về tâm lý, hay kiến thức. Trước kỳ thi, học sinh đều được thầy cô ở trường ôn luyện rất kỹ kiến thức, nội dung thi. Nếu như khi đi thi, các em chỉ coi đó như một kỳ kiểm tra học kỳ thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn, làm bài cũng tốt hơn”, ông Đạt bày tỏ.
Ông Đạt cho rằng, với phương án thi 3 hoặc 4 ngày mà Bộ đưa ra, về cơ bản học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, nhưng rất có thể một số em sẽ rơi vào trạng thái hồi hộp, lo lắng. Các hội đồng thi hoạt động thêm một ngày cũng mệt mỏi, tốn kém hơn.
Video đang HOT
Ông Dương Minh Thông, Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa A, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho hay, bản thân ông và nhiều học sinh đều nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 2 ngày.
“Về cơ bản thì học sinh không có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, phương án thi 2 ngày vẫn chưa hoàn hảo bởi lịch thi như vậy giáo viên sẽ phải luôn chuyển đổi ca trong ngày thi. Thời gian nghỉ giữa các ca ít nên khó tránh khỏi giáo viên căng thẳng trong việc thu bài, giám sát thi”, ông Thông nói.
Em Nguyễn Duy Hải, học sinh lớp 12, trường THPT Trương Định, Hà Nội khá vui khi biết thông tin thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn. Hải kể, khi đi thi đại học em sẽ chọn thi khối D. Hiện tại, ngoài hai môn thi tốt nghiệp bắt buộc, Hải dự định sẽ chọn thêm môn Hóa, Anh.
“Em cũng đã xem qua dự thảo về lịch thi tốt nghiệp các môn. Nhìn chung, em thấy lịch thi tạo thuận lợi cho học sinh nhiều. Tuy nhiên, em vẫn nghiêng về phương án thi 2 ngày. Bởi em nghĩ kỳ thi mà kéo dài 4 ngày sẽ rất lâu, tâm lý chúng em dễ bị tác động, phân tán”, Hải bộc bạch.
Dự thảo 4 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT như sau:
Phương án 1: Tổ chức thi trong 2 ngày: Ngày 2/6: Buổi sáng thi Ngữ văn từ 7h15-9h15, thi Vật lý từ 10h30-11h30. Buổi chiều thi Sinh học từ 13h30-14h30, thi Lịch sử từ 15h45-17h15. Ngày 3/6: Buổi sáng thi Toán từ 7h15-9h15, thi Ngoại ngữ từ 10h30-11h30. Buổi chiều thi Hóa học từ 13h30-14h30, thi Địa lý từ 15h45-17h15.
Phương án 2: Tổ chức thi trong 5 buổi (2,5 ngày). Ngày 2/6: Buổi sáng thi Ngữ văn từ 8-10h. Buổi chiều thi Lịch sử từ 13h30-15h, thi Vật lý từ 16h15-17h15. Ngày 3/6: Buổi sáng thi Toán từ 8-10h. Buổi chiều thi Địa lý từ 13h30-15h, thi Hóa học từ 16h15-17h15. Ngày 4/6: Buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h-9h, thi Sinh học từ 10h15-11h15.
Phương án 3: Tổ chức thi trong 6 buổi. Ngày 2/6: buổi sáng thi Toán từ 8h – 10h. Chiều thi Vật lý từ 13h30 – 14h30, thi Địa lý từ 15h45 – 17h15. Ngày 3/6: buổi sáng thi Ngữ văn từ 8h – 10h. Buổi chiều thi Hóa học từ 13h30 – 14h30, thi Lịch sử từ 15h45 – 17h15. Ngày 4/6: buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8h – 9h. Buổi chiều thi Sinh học từ 13h30 – 14h30.
Phương án 4: Kỳ thi diễn ra trong 4 ngày, mỗi buổi học sinh sẽ dự thi 1 môn. Theo dự thảo trên, môn Toán và Ngữ văn thi tự luận với thời gian 120 phút. Môn Lịch Sử, Địa lý thi tự luận với thời gian 90 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm trong 60 phút và môn Ngoại ngữ (cả phần tự luận và trắc nghiệm) thi 60 phút.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Bộ GD-ĐT đã quyết định giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 xuống còn 4 môn; bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ ngay từ năm nay.
Học sinh lớp 12 tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - Ảnh: Nguyễn Tập
Đó là những thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc gặp gỡ báo chí vào cuối giờ chiều qua 24.2.
Ngoại ngữ thi tự chọn và thêm phần viết luận
4 môn thi bao gồm: 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ đã được thay đổi thành môn tự chọn thay vì môn bắt buộc (như trước đây) và môn khuyến khích (như dự thảo đổi mới Bộ GD-ĐT công bố ban đầu).
Phương án tổ chức các môn thi Dự kiến phương án tổ chức thi các môn như sau: 8 môn sẽ tổ chức thi trong 2 ngày với 8 ca thi. Buổi 1: thi văn và hóa. Buổi 2: thi vật lý và lịch sử. Buổi 3: thi toán và ngoại ngữ. Buổi 4: thi sinh và địa lý.
Thanh Niên đặt vấn đề về việc có thay đổi cách thức thi ngoại ngữ hay không khi mà Bộ đang lo ngại về cách thi ngoại ngữ hiện nay không khuyến khích được cách học ngoại ngữ thực chất? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Ngoại ngữ năm nay sẽ có phần viết luận bên cạnh phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, thời gian thi vẫn không tăng lên so với năm trước, cụ thể môn ngoại ngữ vẫn là 60 phút". Mặc dù vậy, theo ông Trinh, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trắc nghiệm và bao nhiêu câu hỏi tự luận. Tuy nhiên, ông Trinh cho hay môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định như hiện nay, tức chỉ thi trắc nghiệm.
Ông Trinh khẳng định vẫn giữ nguyên hình thức thi với các môn thi còn lại. Tuy nhiên, tất cả các môn thi sẽ tăng cường câu hỏi mở để tiệm cận dần với việc thi 4 môn thành 4 bài thi dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ 2015.
Thi hai ca trong một buổi
Năm nay, mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng do học sinh được tự chọn 2 môn nên Bộ sẽ phải tổ chức thi cả 8 môn vào 8 thời điểm khác nhau.
Ông Trinh cho biết cách thức tổ chức thi sẽ theo nguyên tắc mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ được xếp theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có 1 môn thi để tránh trường hợp thí sinh tự chọn 2 môn thi nhưng 2 môn đó lại diễn ra trong cùng một thời gian. Ông Trinh cho rằng Bộ cũng chủ định xếp một buổi thi có 2 ca thi với 2 môn thuộc lĩnh vực khác nhau, ví dụ văn là môn khoa học xã hội thì thi với hóa là môn thiên về khoa học tự nhiên... để tránh tối đa số thí sinh phải thi liền 2 ca trong một buổi thi.
Kết hợp điểm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp, theo Bộ GD-ĐT, năm nay sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% 50%).
Về việc xét tuyển sẽ cụ thể hóa trong quy chế thi tốt nghiệp THPT trên nguyên tắc điểm xét tuyển và điểm thi đều có giá trị tương đương nhau. Kết quả xét học bạ lớp 12 của thí sinh được đưa vào cơ sở dữ liệu phần mềm thi trước khi kỳ thi diễn ra và khi chốt rồi thì sẽ không thể thay đổi hay sửa chữa gì nữa. Trao đổi với Thanh Niên cụ thể hơn về cách tính điểm xét học lực năm lớp 12 để xét thi tốt nghiệp, ông Trinh nêu ví dụ: "Nếu thí sinh đạt học lực trung bình cả năm lớp 12 là 6,5 thì sẽ được đổi sang điểm số là 6,5 điểm; điểm trung bình 4 bài thi cộng vào chia cho 4, được kết quả bao nhiêu thì sẽ lấy số đó cộng với điểm học lực lớp 12 và chia đôi".
Tìm tiêu chí khác thay cho điểm sàn
Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng công bố tiêu chí duy nhất - điểm sàn - để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ được áp dụng hơn chục năm qua sẽ được thay thế bằng các tiêu chí khác nhau để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lý giải: "Năm nay không xác định tiêu chí tuyển sinh bằng điểm sàn, thay thế bằng các tiêu chí khác để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Sẽ có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này. Chúng tôi cũng sẽ mở các diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là các cơ quan ngôn luận, trên cơ sở đó thì hội đồng tư vấn sẽ có một quyết định cụ thể".
Học sinh vui mừng
Trước phương án thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều qua, học sinh và giáo viên đều tỏ ra vui mừng.
Trần Võ Thùy Nhi, học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết: "Em rất vui trước thông tin này. Từ 6 môn thi giảm xuống còn 4 môn, như vậy tụi em sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp nhiều hơn". Cùng tâm trạng, Nguyễn Ngọc Hoàn Mỹ, lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), nói: "Giảm môn thi nghĩa là tụi em giảm được rất nhiều áp lực trong học tập lẫn thi cử. Theo đó, tụi em cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập các môn cho thi ĐH. Như vậy, cơ hội vào ĐH của chúng em sẽ lớn hơn nhiều. Em sẽ chọn 2 môn hóa và sinh cho thi tốt nghiệp, vì em chọn thi ĐH khối B".
Lãnh đạo một trường THPT tại Q.3 nói: "Tôi rất hoan nghênh kỳ đổi mới này của Bộ GD-ĐT. Đây là đổi mới đáp ứng được nhiều kỳ vọng của xã hội. Giảm số môn thi cùng với việc cho học sinh được chọn 2 môn nghĩa là tăng cơ hội cho học sinh, học sinh là đối tượng trực tiếp hưởng lợi. Nhưng tôi đang băn khoăn: Nếu tự chọn môn thi, vậy chúng ta sẽ tổ chức hội đồng thi ra sao, một điểm thi tổ chức thi cùng lúc nhiều môn, hay quy tụ học sinh cùng chọn trùng môn thi sẽ thi ở một hội đồng thi. Mong là Bộ GD-ĐT tiếp tục thông tin sớm về vấn đề này, để nhà trường nắm và còn phổ biến cho học sinh".
Còn tiếp tục đổi mới
Dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT là đổi mới thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2014 sẽ giữ ổn định cho tới khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới (sau 2015). Tuy nhiên, công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT lại cho thấy từ những năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ sớm đưa dự thảo phương án thi để xin ý kiến nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 - 2015.
Theo TNO
GS Văn Như Cương dự đoán thi tốt nghiệp năm nay đỗ 99,9% Chiều 26/2, thầy Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay. Giáo sư Văn Như Cương là người thành lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam - THPT Lương thế Vinh. Sau những quyết định có tính thay đổi quan trọng...