Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: ‘Sinh viên giỏi hỏi tôi vì sao em thất nghiệp’
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng nếu tiếp diễn tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, khó có thể thu hút người tài vào trường sư phạm.
Ngày 17/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo sư phạm tụt dốc, được dư luận quan tâm thời gian qua.
Lương của giáo viên không thể sống được ở thành phố
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng điểm đầu vào thấp được xã hội quan tâm chủ yếu xảy ra ở một số trường cao đẳng và số ít trường đại học.
Theo hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, việc cắt giảm chỉ tiêu trong ngành sư phạm là cần thiết. Trước đó, nguồn nhân lực sư phạm thừa là hệ lụy của dự báo nguồn nhân lực chưa chính xác, các cơ sở tìm kiếm chỉ tiêu bằng mọi giá để tồn tại.
Hiện nay, tất cả trường sư phạm đều dựa vào nguồn lực của Nhà nước với hơn 100 trường, được ví như “con đông của nhà nghèo”. Khó nước nào có thể đầu tư như vậy. Cũng chỉ có ở Việt nam, tất cả sinh viên vào trường sư phạm ra đều làm thầy.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin vừa qua, việc thừa thiếu nguồn nhân lực gây bức xúc trong dư luận. Nghề giáo viên có chế độ đãi ngộ thấp, hấp dẫn nghề nghiệp kém, lương và điều kiện làm việc không đảm bảo.
TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 17/8. Ảnh: Đình Nam.
“Ví dụ, một cử nhân khi ra trường với mức lương 85% của hệ số 2,34 sẽ không thể tồn tại được ở thành phố. Khi vào bất cứ cơ quan nào cũng thấy nhân viên có bàn làm việc riêng nhưng hầu hết ở trường học trong thành phố, thầy cô đều ngồi ở phòng họp chung. Đó là chưa kể ở các vùng miền khác còn nhiều điều kiện khó khăn hơn”, TS Nguyễn Văn Minh nêu thực tế.
Ông Minh khẳng định nhiều học sinh giỏi vẫn vào trường sư phạm. Nhiều thầy cô luôn nỗ lực giữ phẩm chất của mình.
Trong năm 2013, ĐH Sư phạm Hà Nội có hơn 70 học sinh được tuyển thẳng vào trường nhưng vì tình trạng dôi dư thiếu việc làm nên trong đợt tốt nghiệp vừa qua, có học sinh nói thẳng với thầy hiệu trưởng: “Chúng em nghe có nhiều ưu đãi nên vào trường theo diện tuyển thẳng, nhưng vì sao khi tốt nghiệp ra trường lại không có việc làm?”.
GS Minh khẳng định nếu tình trạng này tiếp diễn, khó có những học sinh giỏi khác tiếp tục con đường sư phạm.
Video đang HOT
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất đầu tư hạ tầng ban đầu vào các trường sư phạm. Chế độ lương và làm việc của giáo viên cần được nâng cao. Quy hoạch các trường cần liên quan cả tuyển sinh, tổ chức, giảng dạy.
Việc giải thể các trường sư phạm không thể làm ngay, điều này ảnh hưởng cả hệ thống xã hội về nhân văn, nên cần chuyển đổi sang công tác bồi dưỡng, đưa các trường vào hệ thống để vận hành cho tốt.
Kém ‘đầu ra’, ngành sư phạm gây lãng phí rất lớn
Phát biểu trong buổi làm việc, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT – cho rằng nghề sư phạm đòi hỏi giáo viên giỏi, bởi người xưa từng nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Nhưng từ lâu, chính sách của giáo viên đã là vấn đề khiến ông rất áy náy. Lương thấp không đủ sống, không thể toàn tâm toàn ý cho giáo dục.
Chúng em nghe có nhiều ưu đãi nên vào trường theo diện tuyển thẳng, nhưng vì sao khi tốt nghiệp ra trường lại không có việc làm?
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn câu hỏi của sinh viên
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất có hệ số ưu tiên về lương cho giáo viên để hấp dẫn sinh viên vào trường. Ông nói việc đào tạo sinh viên sư phạm cần tăng cường khâu thực hành, lòng yêu nghề. Ngành sư phạm hết sức quan trọng, một giáo viên tốt chắc chắn sẽ tạo ra thế hệ tương lai tốt.
Trên quan điểm bảo đảm “đầu ra” là yếu tố quyết định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói nếu không thống kê chính xác nhu cầu đầu ra thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
“Các đồng chí phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Đào tạo sinh viên ra trường mà không xin được việc sẽ như thế nào? Không thể nói cái gì thiếu thì đào tạo còn thừa thì không quan tâm. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ông Đam yêu cầu ngành giáo dục phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, môn, từng nơi, nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ.
“Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà thiếu giáo viên. Cũng không thể chuyển giáo viên văn sang dạy toán, giáo viên THPT dạy cấp THCS”, Phó thủ tướng phân tích.
Cam kết giải quyết căn cơ các vấn đề về đào tạo sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đối với các sinh viên sư phạm khó tìm việc, bộ sẽ làm việc ngay với các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch… để có phương thức đào tạo linh hoạt giúp em các có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Theo Zing
Phó thủ tướng: Đầu vào sư phạm thấp do ra trường không có việc làm
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó xin được việc trong và ngoài ngành, là một trong những lý do dẫn đến điểm chuẩn đầu vào thấp.
Sáng nay, 17/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT liên quan chủ đề các trường sư phạm.
Bộ trưởng GD&ĐT đã báo cáo Phó thủ tướng một số đề xuất, cũng như lộ trình thực hiện để nâng cao chất lượng ngành sư phạm.
Giáo viên không xin được việc có thể làm du lịch, công nghệ thông tin
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ GD&ĐT phải đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học, bám sát sách giáo khoa, từ đó xác định rõ thiếu bao nhiêu để đào tạo.
Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chặt chỉ tiêu trên toàn quốc, đảm bảo "cung" khớp với "cầu". Một nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá chi tiết, các địa phương có trách nhiệm phối hợp Bộ GD&ĐT thực hiện.
Vấn đề bồi dưỡng thừa thiếu giáo viên cục bộ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị, trường cao đẳng ở địa phương để có chương trình bồi dưỡng, sử dụng, chuyển đổi cán bộ biên chế có công việc phù hợp.
Địa phương có trường cao đẳng sư phạm được nâng cấp thành đại học, nhiều chỉ tiêu, sẽ được tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên trên cơ sở đạt chuẩn của các trường sư phạm đã thống nhất và Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đồng thời, các trường phải cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo, áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra chất lượng. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ sẽ rà soát bất cập, từ đó có chế độ chính sách báo cáo Chính phủ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về chất lượng đào tạo ngành sư phạm sáng 17/8. Ảnh: Đình Nam.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng chỉ ra thực tế nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, phải xếp hàng chờ đợi hoặc dạy hợp đồng.
"Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm cùng ngành nghề liên quan phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên chưa có việc làm. Đây là vấn đề nhân văn, cần thực hiện hiệu quả. Hiện tại, nhu cầu thị trường rất cần về du lịch và công nghệ thông tin nên sinh viên sư phạm ra trường có thể bổ túc thêm các tín chỉ để đáp ứng được nhu cầu ngành nghề đó".
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng bộ sẽ làm việc với các bộ ngành về công nghệ thông tin và du lịch để có phương thức đào tạo qua lại. Sự linh hoạt này sẽ có hiệu quả trong thời gian tới.
Bộ trưởng khẳng định một mặt, Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu đào tạo, mặt khác tập trung xử lý các vấn đề đang tồn tại, sau 5 năm sẽ nâng cao chất lượng ngành sư phạm.
Tư lệnh ngành GD&ĐT nói những trường sư phạm yếu kém sẽ phải giải thể, sáp nhập với trường lớn hoặc trở thành trung tâm đào tạo trong thời gian tới.
Giáo viên quyết định chất lượng ngành sư phạm
Sau khi lắng nghe phát biểu của bộ trưởng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo viên quyết định chất lượng của ngành sư phạm. Bộ GD&ĐT cần tăng cường tập huấn, đào tạo thường xuyên thầy cô giáo.
Bên cạnh giáo viên tốt, một bộ phận khác có năng lực chậm, không cập nhật kiến thức mới, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT chưa kiểm định tốt chất lượng của ngành sư phạm.
"Phần lớn giáo viên học ở địa phương nào ra trường làm việc ở địa phương đó nên nếu chất lượng kém sẽ ảnh hưởng giáo dục của tỉnh lâu dài", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra nguyên nhân câu chuyện đầu vào ngành sư phạm của một số trường cao đẳng, đại học thấp trong kỳ tuyển sinh 2017 không phải tất cả chất lượng đào tạo kém, mà chủ yếu là sinh viên sư phạm khó xin việc.
Ở nhiều trường phổ thông, giáo viên vào hợp đồng nhưng đợi lâu năm không có biên chế. Một số địa phương, khi siết chặt biên chế, hàng loạt giáo viên trẻ bị chấm dứt hợp đồng. Đó là những điều thầy cô trên cả nước rất tâm tư.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp thực tế để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ, như khảo sát chuyển đổi giáo viên, chuẩn hóa nâng trình độ. Các trường ở địa phương cần có quy hoạch lại, đảm bảo đào tạo đủ, không thừa thiếu, hướng đến chú tâm các trường trọng điểm.
Cũng trong buổi làm việc, ông Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đặt hàng về ngành sư phạm trong năm nay, từ đó nghiên cứu chương trình sư phạm có thể kết hợp đào tạo chuyển hướng sang một số ngành du lịch, công nghệ thông tin..., giải quyết bài toán thừa giáo viên.
Phó thủ tướng khẳng định chất lượng ngành sư phạm cần đi đôi với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sách giáo khoa mới trong thời gian tới.
Theo Zing
Năm 2018 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành sư phạm Chiều 16/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc với hiệu trưởng các trường sư phạm. Trước đó, thí sinh đạt 3 điểm/môn đỗ ngành sư phạm khiến dư luận bức xúc. Tham dự buổi họp chiều nay có lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản...