Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
Các quy định chặt chẽ tại sao vẫn có chuyện Trường ĐH Đông Đô thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết?
Trường ĐH Đông Đô dù không được đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng vẫn chiêu sinh và cấp bằng cho hàng trăm sinh viên.
Theo cơ quan điều tra, dù không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng nghìn văn bằng.
Trong khi đó, theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc đào tạo văn bằng 2 quy định rõ, việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT và đối với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.
Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đề nghị về chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.
Kể từ năm 2016, trường này đã tuyển sinh hàng nghìn học viên. Nhờ vậy, trường đã thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Mặc dù tại Luật Giáo dục Đại học năm 2012, các trường đại học được mở rộng phạm vi thực hiện quyền tự chủ, nhưng riêng với đào tạo văn bằng 2 vẫn được Bộ quản lý và giám sát chặt chẽ.
Cụ thể, chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh; một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học phải gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT và Bộ chủ quản để theo dõi.
Chặt chẽ như vậy, tại sao vẫn có chuyện Trường ĐH Đông Đô thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết?
Tự chủ đại học là mong muốn của các nhà làm luật nhằm phát huy nội lực của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, quyền tự chủ này cần phải được gắn liền với trách nhiệm giải trình và sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT. Có như vậy, các trường được tự chủ mới không thể tự tung tự tác, lợi dụng những kẽ hở để trục lợi trái quy định.
Có hay không sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý?
ThS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này không đơn giản là câu chuyện một trường tự đào tạo hàng nghìn học viên qua nhiều năm mà Bộ không hề hay biết và không có sự quản lý.
“Theo quy định, hàng năm các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo tổng số chỉ tiêu tuyển sinh, lượng trúng tuyển, lượng tốt nghiệp, lượng phôi văn bằng đã in, sử dụng… Do vậy, không có chuyện trường đào tạo “chui” mà Bộ không biết. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc trường này có báo cáo đầy đủ với Bộ GD-ĐT hay không; nếu có thì nội dung báo cáo có chuẩn xác không?
Với các đơn vị tổ chức liên quan, kể cả đơn vị quản lý, thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cần xem xét có thực hiện hết trách nhiệm quản lý, giám sát hay không và việc báo cáo kiểm tra thể hiện qua những văn bản, tài liệu nào,…”
Video đang HOT
“Yếu tố quan trọng là phải xác định bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp có phải là “giả” không. Nếu cơ quan công an làm rõ bằng đại học do trường này cấp là tài liệu giả (giả về con dấu, giả về thẩm quyền cấp bằng, giả về phôi, giả về người có thẩm quyền ký hay nội dung bị tẩy sửa,…) thì người cấp và sử dụng bằng giả có nguy cơ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Trước những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trước hết Bộ GD-ĐT cần chủ động kiểm tra và làm rõ trách nhiệm về phía mình.
“Chắc chắn có khe hở từ phía Bộ GD-ĐT nên các trường mới có thể lợi dụng điều đó để trục lợi. Với trình độ in hiện tại, muốn làm dối phôi bằng không hề khó. Cho nên, dù việc này đã được phân quyền về các trường nhưng trách nhiệm của Bộ vẫn phải thường xuyên thanh tra, giám sát. Nếu làm chặt chẽ điều này, việc phát hiện ra sai phạm là không khó. Nhưng vừa qua, việc phát hiện sai phạm phía trường Đông Đô của Bộ lại bị chậm”.
Xử lý như thế nào với những bằng đã cấp?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện nay, các học viên học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường này có thể chia làm hai nhóm: không thi tuyển và “học thật, thi thật”.
Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh từ năm 2016 và công khai trên website của nhà trường, có thu học phí, có tổ chức lớp học, thi cử có kết quả thi.
Do vậy, những người học tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung chương trình, “học thật thi thật”; họ không biết được những sai phạm của lãnh đạo, cán bộ nhà trường thì những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi cấp bằng.
Còn trường hợp thứ hai là những người bỏ tiền ra để nhà trường hợp thức hóa hồ sơ, cấp bằng tốt nghiệp dù không tham gia học tập hay thi tuyển thì đương nhiên là không hợp pháp. Trường hợp này cần phải xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng, chứng chỉ đã được cấp.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Vá lỗ hổng cơ chế tuyển sinh
Gần 10 tháng trôi qua nhưng cho đến thời điểm này, những hệ quả từ bê bối liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn tiếp tục là vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.
Mặc dù việc xử lý đối với thí sinh gian lận điểm đang được các trường đại học thực hiện, song quá trình giải quyết đã và đang bộc lộ nhiều lúng túng do quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2018 chưa "bao quát" được đầy đủ các vấn đề phát sinh.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cần sửa đổi, bổ sung quy chế thi năm 2019 theo hướng có chế tài xử lý mạnh tay hơn nhằm tăng sức răn đe đối với thí sinh gian lận.
Nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa quy chế thi THPT quốc gia để chủ động phòng tránh gian lận.
Không "dung túng" thí sinh gian lận
Sau khi nhận danh sách thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia từ Sở GD&ĐT Hòa Bình và Sơn La, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã chuyển danh sách này về các trường CAND trực thuộc Bộ Công an để các trường thực hiện thủ tục hủy kết quả trúng tuyển của 53 học viên liên quan và bàn giao các thí sinh này cho địa phương và gia đình.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này,Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết: Nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển, bất kể điểm thực của thí sinh có đạt điểm chuẩn vào ngành/trường mà thí sinh đang theo học hay không. Lý do là ngành Công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Quan điểm xử lý nghiêm và không dung túng cho thí sinh gian lận điểm của Bộ Công an đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh nhiều trường đại học dân sự vẫn tiếp tục cho các thí sinh tuy được nâng điểm song vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường. PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính -Viễn thông cho biết: Cá nhân ông rất ủng hộ cách xử lý của Bộ Công an là hủy kết quả thi và buộc thôi học đối với tất cả thí sinh gian lận điểm.
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, việc cho phép thí sinh liên quan đến sửa, nâng điểm thi mà đủ điểm trúng tuyển vẫn tiếp tục theo học đại học như một số trường đại học dân sự đang làm là chưa triệt để. Bởi lẽ vào học đại học đâu chỉ có kết quả là điểm thi, mà còn phải xét cả về mặt ý thức đạo đức. "Đào tạo ra một con người tốt cần dựa trên nền tảng năng lực, cả ý thức đạo đức và trách nhiệm công dân.
Do vậy, theo tôi tất cả những em trong danh sách gian lận điểm thi đều phải hủy kết quả xét tuyển vào đại học. Việc này cũng đã thể hiện rõ trong quy chế đã quy định là để người khác thi thay, hay làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa thêm bớt vào bài... thì phải hủy bỏ kết quả thi.
Các thí sinh này có thể được tham gia thi và xét tuyển lại vào đại học năm sau. Một năm để nhìn nhận sai lầm của gia đình và cá nhân trong trường hợp này không phải là dài" - PGS.TS Lê Hữu Lập đề xuất.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học thuộc khối Công an đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng huỷ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử. "Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ. Vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên nâng điểm cho con
Sau khi danh sách các thủ khoa "rởm" và nghề nghiệp của một số phụ huynh có con được nâng điểm được mạng xã hội và báo chí "phanh phui", dư luận xã hội lại càng trở nên bức xúc khi trong danh sách này có nhiều người là cán bộ đương nhiệm, cán bô quản lý ngành giáo dục, giáo viên đang đứng trên bục giảng.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý các sinh viên đỗ đại học nhờ gian lận điểm thì cũng cần phải "mạnh tay" với những phụ huynh mua điểm, nhất là những người giữ cương vị là cán bộ quản lý giáo dục, những thầy cô giáo đứng trên bục giảng.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó đau đớn nhất vẫn là sự bất công khi hàng trăm thí sinh xứng đáng đã bị các thí sinh gian lận "cướp" đi cơ hội vào đại học. Các phụ huynh "chạy điểm" ngoài ngành giáo dục đã không tha thứ được thì người trong ngành lại càng không thể tha thứ.
"Các thầy cô công tác trong ngành giáo dục trước tiên phải gương mẫu. Đằng này lại tổ chức và tham gia vào đường dây gian lận, rõ ràng là điều không thể chấp nhận. Với những người này, tốt nhất nên tạm đình chỉ giảng dạy để xác minh, làm rõ. Nếu có vi phạm thì phải loại ra khỏi ngành. Làm thầy mà gian dối như thế thì dạy được ai?" - GS.TS Phạm Tất Dong đánh giá.
Đồng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các Cơ quan điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây gian lận này là họ thực hiện "nâng điểm" cho từng trường hợp xuất phát từ động cơ nào: Vì mối quan hệ, hay vì tiền? Đối tượng nhờ vả là ai, có phải trực tiếp là phụ huynh hay không?
Bộ Công an đã trả 53 thí sinh Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm về địa phương.
Khi rõ được các đối tượng thì những người có liên quan cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí phải khởi tố những người hối lộ, chạy điểm và công khai với việc xử lý của từng trường hợp. Có như vậy mới đủ sức răn đe đối với xã hội nói chung trong những kỳ thi tiếp theo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: "Hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GD&ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này"- người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.
Không có điều khoản xử lý gian lận khâu chấm thi
Việc xử lý đối với thí sinh gian lận điểm tại Hòa Bình và Sơn La trong thời gian qua cũng đã bước đầu cho thấy những lúng túng của Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học. Nguyên nhân chủ yếu là do quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 không có bất cứ điều khoản nào xử lý thí sinh gian lận ở khâu chấm thi.
Đây cũng chính là lý do ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố thông tin các thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 đã ngay lập tức tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT xử lý thí sinh gian lận thi cử như thế là quá nhẹ nhàng, không có tác dụng răn đe bởi theo quy chế các kỳ thi tuyển sinh trước đây, người có hành vi gian lận trong kỳ thi tuyển sinh sẽ bị tước quyền dự thi, bị cấm thi tùy theo từng mức độ vi phạm.
Bình luận về câu chuyện này, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính -Viễn thông cho rằng: Đây là lỗ hổng mà cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GD&ĐT chưa lường hết được. Trong quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018 chưa đề cập đến vấn đề này. Do vậy, các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể đăng ký dự kỳ thi của năm 2019.
Cũng theo đề xuất của PGS.TS Lê Hữu Lập, Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng thắt chặt hơn các biện pháp xử lý đối với thí sinh gian lận cả trong coi thi lẫn chấm thi. Trong đó, cần bổ sung các biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp gian lận điểm thi, tất cả các thí sinh có liên quan phải bị hủy kết quả thi, xóa tên trúng tuyển vào bất cứ trường đại học nào trong cả nước.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy chế tuyển sinh đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT cần sửa quy chế theo hướng tăng hình phạt đối với thí sinh gian lận. Trong đó, có thể áp dụng hình thức cấm thi 1 hoặc 2 năm đối với các thí sinh gian lận để tăng sức răn đe với thí sinh và toàn xã hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Những "lỗ hổng" về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia 2018 hiện đã và đang được ngành giáo dục từng bước khắc phục. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức thi; nâng cấp các phần mềm để phòng ngừa, ngăn chặn và hỗ trợ phát hiện gian lận trong quá trình chấm thi.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định: Kỹ thuật, công nghệ dù có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến. Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Bộ GD&ĐT cũng mong muốn các bộ ngành, địa phương và người dân cả nước đồng hành, hỗ trợ, giám sát, để việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019 đảm bảo khách quan, công bằng.
Huyền Thanh
Theo atgt.cand.com.vn
Tiền thật + học "giả" = Tấm bằng đại học khống Bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chuyên ngành tiếng Anh của ĐH Đông Đô đã được cấp công khai cho hàng trăm sinh viên trong suốt 2 năm nay trong khi đơn vị này không hề được cấp phép đào tạo. Ảnh minh họa Chỉ sau khi cơ quan công an có lệnh khởi tố và bắt bị can đối với...