Hiệu trưởng đại học trần tình việc xác nhận sai hồ sơ ứng viên giáo sư
Nể nang, chưa thẩm tra tính chính xác thông tin kê khai của ứng viên giáo sư, phó giáo sư, nhiều đại học cho biết đang nghiêm khắc kiểm điểm.
“Thầy muối mặt lắm. Mấy hôm nay đi đâu cũng xấu hổ”, hiệu trưởng một trường đại học có tiếng tại Hà Nội than sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai danh sách 31 đơn vị xác nhận không chuẩn xác hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Trường đã xác nhận giờ giảng dạy cho 3 giảng viên thỉnh giảng để đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và đều bị thanh tra Bộ Giáo dục kết luận “không chính xác”.
“Có hợp đồng ghi số giờ giảng dạy lớn hơn thực tế; một giảng viên thỉnh giảng ký hợp đồng với trường, nhưng có khoảng thời gian nhờ người khác dạy…”, hiệu trưởng liệt kê một số sai phạm trong xác nhận hồ sơ của trường.
Theo Thông tư 16 năm 2009, để xác nhận giờ giảng, ứng viên thỉnh giảng cần có hợp đồng, nhận xét của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, hoặc thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, đại học này không giữ hợp đồng thỉnh giảng của ứng viên, phòng tài vụ cũng không lưu giấy tờ thanh toán, thanh lý hợp đồng. Cấp ký xác nhận hồ sơ ứng viên là khoa chứ không phải Ban giám hiệu.
31 đơn vị xác nhận không chính xác hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
“Thực lòng mà nói không chỉ trường tôi, các trường khác nhiều năm nay xác nhận hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư đều trên tinh thần đồng chí đồng nghiệp. Toàn là anh em, bạn bè đã gắn bó, hợp tác giảng dạy lâu năm với trường mà họ xin chữ ký, chẳng lẽ mình không cho”, hiệu trưởng nói.
Khẳng định việc xuê xoa xác nhận không chính xác giờ giảng dạy cho giảng viên thỉnh giảng là sai và “không thể bào chữa”, Hiệu trưởng trường đại học cho biết, sẽ nghiêm khắc kiểm điểm bản thân và cán bộ trực tiếp ký xác nhận cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017. “Những năm sau, dù là người nhà chúng tôi cũng không dễ dàng xác nhận hồ sơ”, ông nói.
Trường xác nhận giờ giảng nhưng giờ đó có được tính là chuẩn sẽ do hội đồng giáo sư cấp cơ sở quyết định
Viện Đại học Mở Hà Nội có tên trong danh sách 31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chính xác cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Viện trưởng Trương Tiến Tùng thừa nhận sai sót do cấp khoa ký xác nhận, ông không được thông báo.
Hai ứng viên chức danh phó giáo sư ngành Sinh trường này xác nhận hồ sơ, được ông Tùng khẳng định có giảng dạy. Họ vừa dạy thỉnh giảng ở trường, vừa hướng dẫn kiến tập tốt nghiệp cho sinh viên tại phòng thực hành của đơn vị họ công tác. Thời gian đứng lớp giảng dạy của hai người, Viện Đại học Mở Hà Nội lưu đầy đủ chứng từ, gồm hợp đồng thỉnh giảng, thanh toán…
Video đang HOT
Khi được ứng viên nhờ xác nhận giờ hỗ trợ sinh viên ở phòng thí nghiệm, cấp dưới của ông đã ký. Theo Viện trưởng Tùng, việc sử dụng xác nhận đó vào việc gì là quyền của ứng viên. Thời gian họ hỗ trợ ở phòng thí nghiệm có được chấp nhận là giờ giảng dạy chuẩn và quy đổi thành điểm là quyền của hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở. Hai ứng viên không nộp hồ sơ đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư tại Hội đồng Viện Đại học Mở Hà Nội, nên hội đồng của trường không thể thẩm định và đánh giá hồ sơ kê khai đúng hay sai.
Thanh tra Bộ Giáo dục nhìn nhận, giờ giảng quy đổi thành điểm để xét công nhận giáo sư, phó giáo sư thì phải được thanh toán, giờ thực hành ở phòng thí nghiệm thì không. “Nó như mặt hàng khuyến mại, việc hàng đó có được xem là hàng hóa, như các mặt hàng ghi trong hóa đơn hay không, là tùy cách nhìn nhận của mỗi người. Ở đây chúng tôi tình ngay nhưng lý khó giải thích thỏa đáng được”, ông Tùng nói.
Viện trưởng Tùng nhận trách nhiệm và tự kiểm điểm bằng cách không tăng lương, trừ khen thưởng trong năm nay. Với cán bộ ký xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên, nhà trường sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Kiến nghị ghi rõ mức độ sai phạm của cơ sở giáo dục
Đại học Văn Hiến (TP HCM) năm 2017 xác nhận giờ giảng dạy cho một giảng viên thỉnh giảng ở trường hơn 10 năm trước. Đại diện trường cho biết chỉ xác nhận việc ứng viên từng giảng dạy ở khoa Kỹ thuật công nghệ với thời gian cụ thể. Thông tin này vẫn được lưu trữ qua file mềm bảng điểm, chứng nhận hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Riêng sổ đầu bài, hợp đồng giảng dạy chỉ có bản cứng, được lưu trong kho cùng rất nhiều dữ liệu khác, sau 10 năm với 4 lần chuyển địa điểm, trường Văn Hiến chưa tìm được ở thời điểm kiểm tra. Hiện trường đã tìm được các chứng từ này và sẽ bổ sung.
Dù đã ký xác nhận vào biên bản làm việc với thanh tra Bộ Giáo dục là “thiếu minh chứng” giờ giảng dạy khi xác nhận cho ứng viên, đại diện Đại học Văn Hiến cho rằng, thiếu sót này là khách quan. Việc ứng viên đưa thời gian thỉnh giảng 10 năm trước ở trường vào hồ sơ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong khi quy định tính thâm niên cho ứng viên là 6 năm, lỗi thuộc cá nhân người nộp hồ sơ.
Việc bị đưa vào danh sách 31 cơ sở xác nhận không chính xác hồ sơ cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017, không nêu rõ mức độ sai phạm, khiến trường bị ảnh hưởng và phải truyền thông nội bộ để cán bộ, giảng viên bớt hoang mang.
Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong “chuyến tàu vét” trước khi có quy định tiêu chuẩn mới.Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục – Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước – xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Kết quả sau rà soát, 41 người chưa đủ điều kiện để công nhận và một số trường hợp xin rút.Chiều 5/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các đại học, học viện trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng. Bộ khẳng định sai sót chủ yếu nằm ở ba khâu.Thứ nhất, ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể. Thứ hai, cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ. Thứ ba, các hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chính xác đã bị bêu tên. Các đơn vị được yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, kết quả báo cáo về Bộ trước ngày 30/4.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Loại bỏ đặc quyền sẽ xóa được 'lạm phát' giáo sư
Trở thành giáo sư mức lương tăng gần gấp đôi, nhiều quyền lợi khác cũng tăng nên nhiều người tìm mọi cách đạt được.
TS Trịnh Thái Bình đề nghị giao việc xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư về các trường đại học, gắn trách nhiệm với trường. Ảnh minh họa.
TS Trịnh Thái Bình, chuyên gia nhân sự tại Paris (Pháp) quan điểm về việc xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.
Gần đây những lùm xùm xung quanh việc xét công nhận giáo sư đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Mọi người đều công nhận rằng có nhiều giáo sư, phó giáo sư là tốt cho đất nước nếu nó thực chất và hiệu quả. Vậy làm thế nào để có thực chất và hiệu quả?
Đây là vấn đề của quản lý con người và chính sách. Nếu thay đổi chính sách quản lý con người thì mọi việc sẽ thay đổi. Tôi xin được đóng góp một vài ý kiến trong vấn đề này.
Công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư - nên giao về các đại học
Hiện nay quy trình công nhận và bổ nhiệm tưởng như rất kín kẽ, chặt chẽ nhưng nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những điểm bất cập ở đó mà trong bài này tôi không nhắc lại. Tôi chỉ đóng góp rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phân cấp theo lộ trình của tự chủ đại học. Trong đó Bộ nên xây dựng các tiêu chí chuẩn, thực chất, tiếp cận với các nước phát triển. Vấn đề xem xét, chấm điểm, công nhận và bổ nhiệm gắn với sử dụng nên giao lại cho các trường.
Hiện nay, Hội đồng cấp Nhà nước vẫn quản nhưng xem xét, chấm điển thì lại phân cấp dẫn đến chất lượng yếu kém và tiêu cực nếu có thì ở cấp dưới, nhưng trách nhiệm và búa rìu dư luận lại do Bộ gánh chịu. Ở đây, có người sẽ lo ngại nếu giao cho các trường thì sẽ dẫn đến tràn lan, khó quản lý. Tuy nhiên, nếu gắn việc xét đạt, công nhận đi đôi với sử dụng, giao trách nhiệm và đãi ngộ thì mọi việc sẽ khác.
Thay đổi việc sử dụng và đãi ngộ đối với những người có học hàm
Một trong những lý do chạy đua học hàm dẫn đến chưa minh bạch là do việc sử dụng và đãi ngộ chưa gắn với thực tế công việc. Việc những người có học hàm đương nhiên có đặc quyền đặc lợi dẫn đến tiêu cực và không thực chất.
Giải pháp thứ nhất là cần thay đổi việc công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Trước hết, nên khẳng định giáo sư là một chức danh khoa học, chứ không là phẩm hàm. Chức danh khoa học gắn với chức danh trong công việc. Đã là chức danh thì bổ nhiệm có thời hạn và được hưởng chế độ theo chức danh đó. Hết chức danh công việc và chức danh khoa học thì hết quyền lợi.
Giáo sư không phải là chức danh cả đời, đến lúc chết. Những giáo sư không thực chất, không có cống hiến sẽ không được tiếp tục bổ nhiệm. Người không còn làm khoa học và giáo dục, hết hời gian bổ nhiệm thì không còn là giáo sư nữa. Điều này tránh được tình trạng làm quản lý hành chính hay giữ chức vụ chính quyền cũng là giáo sư.
Giải pháp thứ hai là cần thay đổi việc tăng lương cho người có học hàm. Thực tế do chỉ cần đạt được học hàm là đương nhiên mức lương được tăng lên gần gấp đôi, chế độ từ giảng dạy và nhiều quyền lợi khác tăng lên khiến nhiều người cố sống cố chết tìm mọi cách đạt được học hàm mà lại thiếu thực chất.
Thực tế cho thấy tuy có nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhưng chất lượng khoa học đóng góp cho đời sống cũng như số lượng công bố quốc tế, sáng chế của Việt Nam rất thấp. Nhiều người sau khi đạt được học hàm để có được mức lương cao trọn đời thì cũng không có sách, không có bài báo, cũng chẳng có đóng góp gì.
Người được phong giáo sư, phó giáo sư chất lượng giảng dạy, nghiên cứu vẫn thế, trách nhiệm cũng không thay đổi mà lương lại nghiễm nhiên được tăng lên, hưởng thụ đến già. Mâu thuẫn giữa thụ hưởng và đóng góp của những người có học hàm chính là căn nguyên gây ra sự phản ứng của xã hội.
Nếu bỏ đặc quyền và tăng trách nhiệm của người có học hàm thì mọi việc sẽ thay đổi. Nên bỏ tăng lương theo học hàm và giao cho các trường tự chủ vấn đề này. Các trường đại học được giao xem xét, công nhận và bổ nhiệm vị trí giáo sư, phó giáo sư gắn với vị trí việc làm quản lý trong trường (và chịu trách nhiệm trước Bộ), tự chủ việc tăng lương, phụ cấp cho người đó. Khi không còn là giáo sư thì hết bổng lộc.
Làm được điều này thì các hội đồng cơ sở sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi xem xét, công nhận và bổ nhiệm vì sẽ phải tự lo trả lương. Nếu công nhận và bổ nhiệm tràn lan, không có chất lượng thì phải trả lương nhiều mà hiệu quả kém. Bên cạnh đó nhiều ứng viên sẽ thay đổi suy nghĩ, không sống chết để có học hàm giáo sư, phó giáo sư nữa.
Để làm được điều này không dễ vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người và cần sự chung tay của các bộ Nội vụ, Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhưng tôi tin rằng đây là một trong những điểm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 29 "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội rất quan tâm. Làm được điều này sẽ là cuộc cách mạng lớn không chỉ trong công tác học hàm mà sẽ thay đổi và nâng tầm chất lượng giáo dục Việt Nam.
Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn năm nay gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong "chuyến tàu vét" trước khi có quy định tiêu chuẩn mới.
Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Ngày 6/3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng công nhận 1.131 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Một người xin rút, 94 người còn lại, trong đó có nhiều quan chức, đang chờ xác minh do chưa đủ tiêu chuẩn, có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Theo VNE
Bộ GD&ĐT tuyển sinh đi học tại Liên bang Nga năm 2018 Chính phủ Liên bang Nga cấp 958 học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Liên bang Nga theo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập chuyên ngành và thực tập chuyên khoa Y, trong đó bao gồm các chỉ tiêu dành cho các bộ ngành và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại...