Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh
Sở GD&ĐT Ninh Bình ra công văn 1452 về việc triển khai Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo ở nơi có đủ điều kiện.
Ảnh minh họa
Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thực hiện:
Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý việc tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) theo quy định tại Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT phù hợp với đặc thù của địa phương; đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đáp ứng các yêu cầu điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu học liệu và nhu cầu của gia đình trẻ; đơn vị nào không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định thì không triển khai.
Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non:
Xác định nếu đủ điều kiện quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT, đơn vị xây dựng Kế hoạch trình Phòng GD&ĐT phê duyệt; tổ chức thực hiện hoạt động liên kết cho trẻ em mẫu giáo làm quen tiếng Anh trong cơ sở GDMN theo đúng quy định tại Hướng dẫn số 53 của Sở GD&ĐT.
Người đứng đầu các cơ sở GDMN chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng quy định.
Từ năm học 2022 – 2023, các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh lựa chọn, sử dụng Tài liệu được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở GDMN; không sử dụng Tài liệu làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chưa được sự thẩm định và cho phép của Bộ GD&ĐT trong các cơ sở GDMN.
Ở những nơi không có 100% trẻ đăng ký làm quen với tiếng Anh, cần chú ý đảm bảo phòng học, giáo viên và tổ chức thực hiện chương trình GDMN đối với những trẻ không tham gia làm quen với tiếng Anh.
Thông báo tới các đơn vị có nhu cầu đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt, ban hành Tài liệu làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo sử dụng trong các cơ sở GDMN nộp hồ sơ chưa đủ điều kiện và nộp sau thời điểm 30/9/2022 Bộ GD&ĐT sẽ đưa vào kế hoạch thẩm định, phê duyệt để sử dụng từ năm học 2023-2024…
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, quản lý việc tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở GDMN theo thẩm quyền, xử lý kịp thời các đơn vị thực hiện chương trình cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh không tuân thủ các quy định…
Hải Phòng: Nhiều trường đưa tiếng Anh có yếu tố nước ngoài để HS mạnh dạn hơn
Nhiều cơ sở giáo dục ở Hải Phòng liên kết với trung tâm, đưa tiếng Anh có yếu tố nước ngoài vào trường học nhằm tăng cường giao tiếp cho học sinh.
Video đang HOT
Tiếng Anh ngày nay có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là một trong 3 môn thi bắt buộc vào trung học phổ thông, tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học mà còn là phương tiện cơ bản để làm việc, giao tiếp, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, nhằm tạo nền tảng ngoại ngữ với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, nhiều quận, huyện ở Hải Phòng đưa tiếng Anh có yếu tố nước ngoài vào trong chương trình giáo dục sớm từ cấp mầm non, tiểu học.
Học tiếng Anh với thầy, cô giáo người nước ngoài có hiệu quả khi mang lại môi trường học tập mới, hấp dẫn và giúp học sinh bước đầu có khả năng giao tiếp, phát âm chuẩn theo người bản địa.
Từ đó, học sinh có thể tự tin nói chuyện, tiếp cận với các tài liệu tiếng Anh và hình thành thói quen học tập ngoại ngữ suốt đời.
Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Nam Sơn (Ảnh: Phạm Linh)
Theo cô Trần Thị Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương, Hải Phòng): "Năm học này, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) với thời lượng quy định 4 tiết/tuần còn đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 4, 5 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2006) là môn học tự chọn.
Hiện nay, nhà trường mới có 1 giáo viên được biên chế tiếng Anh chỉ đủ đứng lớp ở khối lớp 3. Còn với các khối lớp còn lại, nhà trường tổ chức với hình thức môn học tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần.
Để đảm bảo dạy chương trình theo quy định của môn, nhà trường không hợp đồng giáo viên ở trung tâm mà sử dụng đội ngũ giáo viên sẵn có của nhà trường. Nhà trường trưng dụng các thầy, cô có 2 văn bằng (1 văn bằng dạy các môn văn hóa và 1 văn bằng ngoại ngữ) để dạy tiếng Anh tự chọn.
Ngoài ra, để tăng cường, bổ trợ kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 dựa trên nhu cầu của phụ huynh, nhà trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ để triển khai cho học sinh học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài".
Một tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 5 tại Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Nam Sơn liên kết cùng một trung tâm ngoại ngữ thời lượng 4 tiết/tháng trong đó có 2 tiết được học với thầy, cô giáo người nước ngoài.
Năm học này, nhà trường đang triển khai cho phụ huynh đăng ký, hiện có 90% học sinh (1.297/1.330 em) đăng ký học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài.
Cô giáo Phương Hoa cho biết thêm: "Bên cạnh việc tăng cường giáo dục, nâng cao kỹ năng tiếng Anh với hình thức học tập với giáo viên người nước ngoài, nhà trường cũng đẩy mạnh khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi như Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE).
Nhiều em đã đạt thành tích cao trong các vòng thi cấp quận, huyện; cấp thành phố; cấp quốc gia và được vinh danh.
Trong hè năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương cũng tổ chức cuộc thi giao lưu tiếng Anh đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Nhà trường có đội tuyển gồm 6 học sinh tham gia và đạt thành tích cao.
Cuộc thi năm nay có sự khác biệt là yêu cầu học sinh tham gia thi với 4 kỹ năng tiếng Anh, có phần thi vấn đáp trực tiếp với giáo viên người nước ngoài".
Học sinh được tăng cường các kỹ năng giao tiếp thông qua việc học tiếng Anh với thầy cô nước ngoài (Ảnh: Phạm Linh)
Ghi nhận thêm tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, Hải Phòng), năm học 2022 - 2023, nhà trường có 1.415 học sinh với 34 lớp.
Để đảm bảo việc tăng cường tiếng Anh trong trường học, nhất là đối với lớp 3 có môn tiếng Anh là môn học bắt buộc, nhà trường bố trí đội ngũ đảm bảo công tác giảng dạy. Còn đối với môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2, 4 trường hiện cũng có giáo viên dạy đủ 2 tiết/tuần, lớp 5 học 3 tiết/ tuần.
Nhà trường cũng liên kết với một trung tâm để học sinh được học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài 1 tiết/tuần đối với những phụ huynh tự nguyện đăng ký tham gia.
Đưa tiếng Anh có yếu tố nước ngoài vào cấp học mầm non
Năm học 2022 - 2023, với hiệu quả đạt được từ việc triển khai tiếng Anh có yếu tố nước ngoài ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, huyện An Dương (Hải Phòng) đang triển khai kế hoạch đưa hoạt động giáo dục này vào cấp học mầm non.
Ghi nhận tại Trường Mầm non Nam Sơn (huyện An Dương, Hải Phòng), năm học 2022 - 2023, nhà trường thí điểm liên kết với trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, giúp trẻ làm quen sớm với tiếng Anh.
Việc tăng cường tiếng Anh cho trẻ mầm non nhằm mục tiêu hỗ trợ nhà trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh học sinh.
Tạo phong trào học tiếng Anh, kích thích sự hiếu học của các con ngay từ bậc mầm non. Việc học làm quen tiếng Anh ở bậc học này chủ yếu là "vừa chơi - vừa học" không gây áp lực cho các con.
Trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh cùng thầy, cô giáo người nước ngoài (Ảnh: Phạm Linh)
Cô Nguyễn Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sơn cho biết: "Về phía học sinh, khi các em tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài sẽ chủ động mạnh dạn hơn trong giao tiếp và làm quen với ngôn ngữ.
Tăng trí nhớ về ngôn ngữ, đánh thức não bộ của các con trong những giờ học vui nhộn và hứng khởi; tạo không khí học tập thoải mái và vui vẻ;
Còn về phía nhà trường sẽ góp phần tạo môi trường cho học sinh làm quen với tiếng Anh ngay từ sớm.
Tạo môi trường học mới mẻ, có yếu tố quốc tế, gây dựng môi trường sử dụng tiếng Anh chuẩn quốc tế ngay tại trường".
Để thực hiện thí điểm giảng dạy tiếng Anh cho trẻ hiệu quả, bước đầu, nhà trường xây dựng kế hoạch và tuyên truyền tới phụ huynh học sinh với nhiều hình thức đa dạng.
Mỗi giáo viên sẽ là một tuyên truyền viên, là chiếc cầu nối trao đổi thông tin với phụ huynh.
Tuyên truyền với phụ huynh qua hình thức trao đổi trực tiếp hoặc qua các kênh thông tin như: website, facebook... của nhà trường về sự cần thiết của việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non.
Qua đó, giúp phụ huynh hiểu được những kỹ năng trẻ được học như: nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản; có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; tìm hiểu văn hóa các nước phát triển; phát âm chuẩn quốc tế...
Ngay khi nhà trường triển khai đã có 70% phụ huynh đăng ký cho con (325 trẻ) học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài".
Ngoài ra, để chuẩn bị các điều kiện triển khai việc tăng cường tiếng Anh cho trẻ mầm non, Trường Mầm non Nam Sơn mua sắm đầy đủ các thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy như: Tivi; 1 bộ máy vi tính; 1 bộ loa vi tính chất lượng âm thanh tốt và các đồ dùng dạy học theo chủ đề.
Về đội ngũ, các giáo viên của trung tâm mà trường liên kết đạt chuẩn về trình độ sẽ dạy trẻ làm quen với tiếng Anh còn 1 giáo viên của trường được phân công hỗ trợ quản lý trẻ trong giờ dạy.
Giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM lương thấp nhưng tiết nghĩa vụ lại cao Lương của giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, nhưng tiết nghĩa vụ lại cao. Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về tình hình xây dựng các đề án dạy...