Hiệu trưởng bị thu hồi danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” từ năm 2015
Hiệu trưởng nhiều năm không đứng lớp bị truy thu số tiền hơn 82 triệu đồng và thu hồi danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” từ năm 2015 đến nay.
Hiệu trưởng khai gian giờ đứng lớp để hưởng phụ cấp ưu đãi
Ngày 02/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận Thanh tra số 2657/KL-GDĐT-TTr về việc Thanh tra đột xuất trường Trung học phổ thông An Lạc ( phường An Lạc, quận Bình Tân).
Quá trình thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kết luận trường An Lạc có nhiều vi phạm.
Trường Trung học phổ thông An Lạc. (Ảnh: H.L)
Cụ thể, trường An Lạc chưa chưa ban hành Quyết định công bố công khai ngân sách khi công khai dự toán, quyết toán; chưa trả lời các ý kiến thắc mắc của một số giáo viên từ sau ngày tổ chức Hội nghị 15/11/2018 cũng chưa tổ chức đối thoại và trả lời các ý kiến này.
Trường Trung học phổ thông An Lạc chưa xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường thì Hiệu trưởng đã vi phạm Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Hiệu trưởng trường An Lạc tổ chức họp hội đồng sư phạm trong trường theo Quyết định số 05/QĐ-THPTAL ngày 10/8/2017 là chưa phù hợp.
Việc bổ nhiệm ông Kiều Tấn Phong, bà Kiều Nguyệt Hồng Liên và bà Nguyễn Thị Bảo Trâm làm tổ trưởng chuyên môn mà không có sự giới thiệu của tổ chuyên môn là không đúng.
Hiệu trưởng Kiều Tấn Tiệp không thực hiện việc đứng lớp giảng dạy từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2018 nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi với tổng số tiền 82.717.640 đồng.
Hiệu trưởng Tiệp không thực hiện các tiết nghĩa vụ nhưng vẫn đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là chưa phù hợp.
Trường An Lạc thực hiện chưa đúng việc đánh giá Quý 2, Quý 3 năm 2018 của ông Kiều Tấn Tiệp theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Video đang HOT
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – ông Lê Hồng Sơn kết luận, để xảy ra những sai phạm như trên, ông Kiều Tấn Tiệp – Hiệu trưởng, phải chịu trách nhiệm về quản lý điều hành hoạt động của nhà trường.
Đề nghị xử lý Hiệu trưởng Kiều Tấn Tiệp theo quy định của pháp luật
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo trường Trung học phổ thông An Lạc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm ông Kiều Tấn Tiệp – Hiệu trưởng nhà trường trong công tác quản lý, điều hành hoạt động.
Trường An Lạc phải chấn chỉnh các sai sót trong việc thực hiện quản lý tài chính, thực hiện chế độ chính sách, thi đua, bổ nhiệm nhân sự.
Ông Kiều Tấn Tiệp nghiêm túc khắc phục việc ban hành Quyết định công bố công khai ngân sách khi công khai dự toán, quyết toán; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường theo quy định.
Hiệu trưởng Kiều Tấn Tiệp phải tổ chức đối thoại và trả lời các ý kiến thắc mắc của các giáo viên, nhân viên trong nhà trường; thực hiện việc bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn theo đúng quy định.Ông Tiệp có trách nhiệm rà soát lại các hoạt động của trường cho phù hợp với Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2001/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết luận của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, phải thu hồi số tiền không thực hiện việc đứng lớp giảng dạy từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2018 nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi là 82.717.640 đồng.
Ngoài ra, truy thu tiền ông Kiều Tấn Tiệp đã nhận thu nhập thêm Quý 2, Quý 3 năm 2018 theo Nghị quyết 03.
Giám đốc Sở Giáo dục cũng giao cho Phòng Tổ chức cán bộ xem xét vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông An Lạc trong việc chưa thực hiện đúng các quy định trong công tác tổ chức và quản lý nhà trường.
Từ đó, tham mưu với lãnh đạo Sở xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Hồng Sơn giao cho Phòng Tổ chức cán bộ xem xét việc hủy bỏ danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của ông Kiều Tấn Tiệp từ năm 2015 đến nay.
Phòng Kế hoạch Tài chính có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện thu hồi số tiền phụ cấp ưu đãi của ông Kiều Tấn Tiệp 82.717.640 đồng và truy thu tiền thu nhập tăng thêm Quý 2, Quý 3 năm 2018.
Hưng Long
Theo giaoduc.net
Chống lạm thu, trưởng phòng giáo dục phải làm gương trước
Chính sự "bao biện" của trưởng phòng giáo dục là tấm gương cho các hiệu trưởng trực thuộc tham nhũng, lạm thu. Từ trước đến nay, khi nói về lạm thu, dư luận tập trung chủ yếu vào hiệu trưởng.
Điều đó không sai, thậm chí rất chính xác, chính hiệu trưởng là người ký duyệt các văn bản lạm thu đầu tiên.
Tại sao năm nào cũng xảy ra lạm thu?
Năm học mới, nhưng tệ nạn cũ vẫn còn đó, nhức nhối nhất vẫn là lạm thu. Lạm thu ngay cả trong các khoản ... được thu.
Phần lớn lạm thu, đều do nguyên nhân chủ yếu đó là chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục, tiêu diệt mầm móng lạm thu ngay trong trứng nước.
Nếu bất cứ hiệu trưởng nào, lạm thu, được thanh tra kết luận đúng, bị cách chức, chắc chắn không có hiệu trưởng nào dám lạm thu.
Kiên quyết thực thi cách chức hiệu trưởng lạm thu, còn có một tác dụng lớn, chặt đứt "giấc mơ" quan trường bằng chạy chọt; bỏ tiền đầu tư, một vốn bốn lời.
Phần lớn các vụ hiệu trưởng bị "phanh phui" ra ánh sáng, phải có người trong trường đứng đơn tố cáo; hoặc bị dư luận báo chí chỉ đích danh; rất ít thấy có trường hợp nào ngành giáo dục chủ động thanh tra, rút ra kết luận.
Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng trong các trường học nói riêng, giáo dục nói chung đang rất "lạnh".
Chống lạm thu, phải chống từ đâu? (Ảnh minh họa: qtv.vn)
Ai làm nạn lạm thu không chấm dứt?
Cứ vào đầu năm học, hiệu trưởng các trường nhận được các cuộc gọi từ trưởng phòng, giới thiệu ông A, chị B, ... là người nhà, người thân, hôm sau sẽ đến làm việc với em.
Trưởng phòng trở thành "đầu mối" của các dịch vụ trong trường học, từ văn phòng phẩm, bảo hiểm tai nạn, đồng phục, suất ăn bán trú, dạy kĩ năng sống... kể cả bán "hóa đơn đỏ" hợp lý các khoản chi cho nhà trường.
Tất nhiên, hiệu trưởng nào cũng biết, trưởng phòng đã "bấm cò" tỷ lệ hoa hồng trong đó, nhưng không dám từ chối hợp đồng với người do trưởng phòng giới thiệu; đành "ăn" ít một chút, cho yên thân!
Chính sự "bao biện" của trưởng phòng giáo dục là tấm gương cho các hiệu trưởng trực thuộc tham nhũng, lạm thu.
Chống lạm thu, trưởng phòng giáo dục phải làm gương trước
Các dịch vụ tự nguyện như văn phòng phẩm, bảo hiểm tai nạn, đồng phục, suất ăn bán trú, dạy kĩ năng sống... trong trường học, phải được đấu thầu công khai, minh bạch.Trưởng phòng giáo dục tuyệt đối không giới thiệu đầu mối dịch vụ cho các hiệu trưởng.
Có như thế, khi tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo về tham ô, tham nhũng, mới giải quyết vô tư, theo pháp luật được.
Nếu trưởng phòng mà "bao biện" các dịch vụ để hưởng hoa hồng, chắc chắn giải quyết sự vụ phải nể nang, không khách quan; trưởng phòng trở thành ô, dù của lạm thu.
Vì vậy, phải có cơ chế rõ ràng, xử lý nghiêm minh cả hiệu trưởng lạm thu và trưởng phòng giáo dục.
Kiên quyết xử lý hiệu trưởng lạm thu, trưởng phòng bình an, chưa đúng mức trách nhiệm của người đứng đầu.
Chống lạm thu được hay không, cấp trên phải nêu gương, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trưởng phòng giáo dục phải làm gương cho hiệu trưởng trước.
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Thầy cô ơi, đừng dại tin vào bói toán Hôm qua em gọi nhờ thầy coi, thầy bảo hai ngày đầu năm học phải đúng 6 giờ rưỡi mới được ra khỏi nhà; chỉ được quẹo phải, không được quẹo trái,... Đã vào tiết học được hơn chục phút, mọi người mới thấy H. hớt hải đến trường; đây không phải lần đầu tiên trong tuần đầu năm này H. vào trễ...