Hiệu quả từ mô hình trường học gắn với sản xuất
Đổi mới phương pháp dạy học là mục tiêu mà các trường luôn đặt ra nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.
Những chậu hoa, cây cảnh được trang trí tại hành lang các lớp học chính là sản phẩm của học sinh trong trường. Ảnh: Trung Toàn
Đây là lý do vì sao Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ xây dựng mô hình “Trường học gắn với sản xuất”. Mô hình này giúp các em học sinh trải nghiệm thực tế và biết yêu lao động, sản xuất. Đặc biệt, phương pháp dạy – học của nhà trường đã tiệm cận với phương pháp giáo dục STEM.
Biết trân quý lao động
Ít ai biết rằng, những chậu cây cảnh, bồn hoa, vườn rau xanh mướt mát lại là sản phẩm, thành quả lao động sản xuất của chính những học sinh của nhà trường. Hỏi bất kỳ học sinh nào trong trường về quy trình trồng, chăm sóc rau xanh và một số loài hoa, cây cảnh, các em đều nói “vanh vách” như những người làm vườn chuyên nghiệp: Từ cách làm đất, chọn giống, bỏ phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Em Đinh Thị Ngọc Anh – học sinh lớp 11B nói vui: “Sau giờ học buổi chiều, chúng em được trải nghiệm thực tế làm vườn “thứ thiệt” như: Gieo trồng các loại rau xanh, trồng chăm sóc một số loại hoa, cây cảnh. Trong quá trình lao động, sản xuất chúng em được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo. Cách học thực tế như thế này giúp chúng em nắm chắc bài học và hiểu sâu kiến thức hơn”.
“Bài học bên những luống rau, vườn hoa cây cảnh không chỉ đơn thuần là giáo dục về lao động, sản xuất mà còn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Qua đó, các em thấy được niềm vui, sự hứng khởi sau mỗi bài học và đặc biệt các em cảm nhận được đi học là hạnh phúc.”
Thầy Triệu Trung Kiên
Cặm cụi tỉa tót, vun đất bên bồn hoa, cây cảnh, em Trần Thị Trang – học sinh lớp 12 A hồ hởi nói: Trước đây em chưa từng biết đến làm đất, trồng rau, chăm sóc cây cảnh. Nhưng nay những việc đó em thuộc như lòng bàn tay. Bởi lẽ, ngay sau khi học xong lý thuyết, thầy cô trực tiếp xuống vườn trường để hướng dẫn, thậm chí còn làm cùng chúng em. Qua đó chúng em được được “mắt thấy, tai nghe, tay làm” nên bài học dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện, kiến thức không bị “rơi rụng”.
“Bài học thực tiễn bao giờ cũng mang lại cho chúng em những giá trị về mặt cảm xúc. Đó không chỉ là những kiến thức về bài học mà còn là kỹ năng sống. Đơn giản là kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, kỹ năng làm việc nhóm. Song trên hết la, chúng em biết trân quý và trân trọng thành quả lao động. Nghĩ lại mới thấy thương bố mẹ và yêu mến gia đình hơn” – em Trần Thị Trang bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc phục vụ nhu cầu bữa ăn bán trú và trang trí khung cảnh sư phạm nhà trường thêm đẹp mắt, sản phẩm rau sạch, hoa cây cảnh của các em còn được bán ra ngoài thị trường, được nhân dân tin dùng. Qua đó có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất và bổ sung vào nguồn quỹ học bổng của nhà trường.
Video đang HOT
Khu vực vườn rau xanh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Toàn
Học đi đôi với hành
Cô Lê Thị Kim Dung – giáo viên môn Sinh – Công nghệ của nhà trường cho biết: Sau mỗi giờ học, nhà trường phối hợp với các giáo viên khác tổ chức cho các em học sinh tham gia lao động, sản xuất ngay tại vườn trường. Theo đó, các em sẽ được “nhập vai” thành các bác nông dân để trồng, chăm sóc rau xanh, hoa cây cảnh. Sau đó các em sẽ thu hoạch để phục vụ cho những bữa ăn hàng ngày của mình. Với phương pháp “học đi đôi với hành” như thế này, các em không chỉ học lý thuyết mà các em được trải nghiệm thực tế nên kiến thức bài học thu được sẽ sâu hơn.
“Chẳng hạn như, môn Công nghệ có một số bài học về đất trồng, liên quan đến cách làm đất, các biện pháp cải tạo đất cho ngày càng màu mỡ, tơi xốp. Hoặc có những bài liên quan đến rau sạch, rau an toàn… Nếu chỉ giảng lý thuyết trên lớp thì các em khó có thể hình dung hết được.
Tuy nhiên, khi các em trực tiếp làm thì các em tiếp thu bài học rất tốt, rất hiệu quả và kiến thức sẽ không bị trôi đi. Cũng từ hoạt động này, các em sẽ định hướng nghề nghiệp của mình sau này được tốt hơn. Nhiều em tâm sự, sau khi ra trường các em sẽ làm nông nghiệp, phát triển kinh tế đồi, rừng; mở trang trại… Ngoài ra, khi được tham gia sản xuất, các em sẽ yêu lao động, yêu sản xuất hơn. Từ đó biết quý trọng thành quả lao động của mình và của người thân” – cô Lê Thị Kim Dung trao đổi.
Theo thầy Trần Hữu Phước – Phó Hiệu trưởng nhà trường, mô hình trường học gắn với sản xuất là những chuỗi hoạt động học tập tích cực và có vận dụng kiến thức của nhiều môn học như: Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Vật lý… vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn như khi tiến hành trồng rau, hoa cây cảnh các em sẽ phải biết quy trình làm đất, lựa chọn giống cây trồng, kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
“Trước khi tiến hành thực nghiệm, các em sẽ phải xây dựng thành một quy trình khoa học dưới sự hướng dẫn, giám sát của thầy cô giáo bộ môn, sau đó áp dụng làm theo. Thành quả lao động của các em chính là điểm số để đánh giá kết quả học tập” – thầy Trần Hữu Phước chia sẻ.
Tiếp lời thầy Phước, thầy Hiệu trưởng Triệu Trung Kiên cho biết, mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh đã tiếp cận đến phương pháp giáo dục STEM. Qua đó, các em không chỉ được trải nghiệm thực tế, nắm chắc kiến thức bài học mà còn giúp cải thiện bữa ăn cho các em bằng nguồn rau sạch. Có thể nói, thực tiễn lao động chính là bài học hiệu quả nhất cho các em học sinh
Cùng với đó, các em ý thức được lao động sản xuất luôn gắn liền với cuộc sống, gắn liền với những kiến thức mà các em đã được học tập. Quan trọng là các em phát triển được kỹ năng, hình thành các kiến thức mới thông qua thực tiễn lao động.
“Thực tế nhiều học sinh ở nhà chưa bao giờ biết cầm đến cái cuốc, cái xẻng ra vườn giúp bố mẹ, nhưng khi học ở trường, các em đã trở thành những nhân vật chính từ khâu làm đất, trồng rau, nhổ cỏ, bón phân và thu hoạch sản phẩm. Từ đó, về nhà các em đã biết giúp đỡ bố mẹ và cùng bố mẹ tham gia vào lao động sản xuất” – thầy Triệu Trung Kiên vui vẻ nói.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Học sinh trường Gateway học thông qua trải nghiệm thực tế
Các hoạt động học mà chơi trong chuyến dã ngoại giúp học sinh Trường Gateway hiểu hơn về hệ sinh thái, phát triển khả năng tư duy, làm việc nhóm...
Chuyến dã ngoại thăm rừng Cúc Phương và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là hoạt động thường niên do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway tổ chức. Việc học tập thực tế với chuỗi hành trình dã ngoại là dịp để các em phát triển khả năng quan sát, trí thông minh cùng những kỹ năng của thế kỷ 21 như: tư duy, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tự tin và rèn luyện tinh thần đồng đội.
Không đơn thuần là hoạt động tham quan, những chuyến dã ngoại này luôn gắn với dự án học tập như khoa học, sinh học, văn học... giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, biết trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống và hòa đồng khi tham gia các hoạt động tập thể cùng bạn bè, thầy cô.
Những loài thực vật tưởng chừng chỉ được nhìn trên tranh ảnh, giờ đây các em được tự tay sờ và thu hoạch mẫu. Thông qua đó, học sinh có thể hiểu thêm về tổng quan của rừng quốc gia Ba Vì như hệ sinh thái, động vật rừng và cách bảo tồn.
Nếu như các bạn học sinh lớp 6 sưu tầm lá cây gân hình, lá mọc đối, mọc cách và tìm hiểu về lá đơn, lá kép thì chuyến dã ngoại lần này, học sinh khối 7 sẽ tìm và lưu lại hình ảnh của các loại côn trùng. Đặc biệt, với hoạt động tự khám phá rừng trong khu vực cho phép, nhiều học sinh đã được các chú kiểm lâm chia sẻ, giải đáp các thắc mắc về rừng cũng như kỹ năng sinh tồn khi đi rừng.
Học sinh hăng hái tham gia trồng rừng. Theo đại diện trường, với hoạt động này, các em không chỉ biết cách bảo vệ thiên nhiên mà còn học được những kỹ năng trong cuộc sống như trồng cây, chăm sóc cây, lao động...
Những hàng cây đầu tiên được trồng lên bởi thầy trò Trường Gateway.
Nếu như học sinh Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway Hà Nội dã ngoại tại rừng Cúc Phương thì Gisers (cách gọi học sinh ở Gateway) Hải Phòng đã có một chuyến dã ngoại bổ ích tại làng văn hóa các dân tộc Sơn Tây Hà Nội - nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Tại đây, các em được tìm hiểu thêm về kiến trúc cũng như phong tục tập quán của các dân tộc khắp cả nước như Chăm, Xơ Đăng, Ê Đê, Khơ Me. Bên cạnh đó là những trải nghiệm chế biến món ăn dân tộc đặc trưng; tham gia các trò chơi dân gian.
Sau quá trình khám phá thiên nhiên, học sinh tham gia chuỗi hoạt động gắn kết như đốt lửa trại, chơi trò chơi, biểu diễn văn nghệ... gần khu nhà cộng đồng. Các đội, nhóm tham gia hoạt động vận động trải nghiệm đều có thành viên của nhiều khối, lớp khác nhau. Chính cách sắp xếp này giúp các em có cơ hội làm quen với nhau, từ đó xây dựng tinh thần đoàn kết của toàn trường.
"Kỹ năng làm việc đội nhóm rất quan trọng. Một bạn không cố gắng, không tập trung có thể ảnh hưởng đến cả nhóm. Vì vậy, với những hoạt động tăng tính gắn kết, các con sẽ học tinh thần đoàn kết, hiểu được sự nỗ lực cố gắng ở mỗi thành viên", thầy Nguyễn Hoàng Quyền, giáo viên trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway chia sẻ.
Các Gisers kết chúc một ngày team-building với nhiều hoạt động trải nghiệm lồng ghép những bài học ý nghĩa về tình thầy trò, bạn bè, sự gắn kết của đồng đội trong cùng một nhóm, về sự vượt khó để hoàn thành mục tiêu.
Cũng theo thầy Hoàng Quyền, điều các em học được trong chuyến dã ngoại còn là chỉ số vượt khó - AQ (Adversity Quotient). Chuyến đi với những khó khăn cần vượt qua như địa hình, thời tiết và những thử thách đồng đội đã giúp các bạn học sinh trưởng thành, mạnh mẽ và kiên cường hơn để chinh phục những thành công trong tương lai.
Bạn Nguyễn Tuệ Minh, lớp 6 Montreal, chia sẻ: "Thông qua chuyến đi này, em học được những kỹ năng sinh tồn, hiểu và thấy yêu thiên nhiên hơn. Đặc biệt, với những kỹ năng mới biết về việc trồng cây, em rất muốn truyền đạt lại cho ba mẹ và bạn bè để mọi người cùng biết cách bảo vệ trái đất và môi trường".
Thế Đan
Theo VNE
Vai trò của giáo viên thay đổi thế nào trong phương pháp dạy theo chủ đề? Phương pháp dạy học theo chủ đề được áp dụng rộng rãi sau cuộc cải cách giáo dục năm 2016 tại các trường học phổ thông Phần Lan đang được thế giới nhìn nhận như một cuộc cách mạng. Hãy cùng tìm hiểu xem vai trò của giáo viên trong lớp sẽ thay đổi thế nào khi áp dụng phương pháp này. Một...