Hiệu quả thư viện trường học
Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường, giúp học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời.
Thư viện Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa) thu hút nhiều học sinh.
Ở Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa), đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi hay đầu giờ và cuối giờ học của HS. Hình ảnh những cô bé, cậu bé ngồi tụm năm, tụm ba trong thư viện hay dưới mỗi gốc cây đọc sách đã trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này. Học tập tại trường được 2 năm, em Nguyễn Thảo My luôn chọn điểm đến là thư viện mỗi giờ ra chơi và sau mỗi giờ học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm và cô thủ thư, em tự chọn cho mình những cuốn truyện tranh lý thú, bổ ích. Qua những câu chuyện trong sách, em học được nhiều điều hay và những đức tính tốt đẹp. Còn em Trần Trung Đức, lớp 5 khoe: Em đã đọc sách từ năm học lớp 2 và hằng ngày đến giờ ra chơi em lại lên thư viện để đọc sách, những quyển sách hay, thú vị em sẽ mượn về nhà để đọc kỹ hơn.
Thư viện Trường Tiểu học Đông Cương đã được nhà trường quan tâm đầu tư xây dựng khang trang đồng bộ, kết hợp giữa mô hình thư viện truyền thống và thư viện xanh với hơn 2.900 đầu sách và hơn 33.000 bản sách thuộc các thể loại như: Sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách khoa học, truyện tranh… Thư viện được hình thành trong khuôn viên trường với gần 500m2; không gian thư viện gần gũi với thiên nhiên, rộng rãi, thoáng mát. Những bộ bàn ghế, xích đu và từng góc đọc được trang trí bắt mắt, hấp dẫn để HS có thể thoải mái đọc sách. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình thư viện xanh được nhà trường xây dựng từ năm học 2016-2017. Nhà trường đã vận động các em HS tham gia xây dựng thư viện với tinh thần “mỗi người một cuốn sách để có triệu cuốn sách”. Đồng thời đề ra các nội quy của thư viện, phân công lịch đọc cho các lớp; sắp xếp sách theo trình độ học, nội dung để các em dễ tìm đọc. Đặc biệt, công tác quản lý sách được nhà trường kết hợp linh hoạt giữa cô thủ thư và nhóm HS cộng tác viên của thư viện. Với sự đầu tư nâng cấp thư viện, lượng HS đến đọc sách ngày càng tăng cao.
Video đang HOT
Xác định khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho HS là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, Trường Tiểu học Hà Ninh (xã Hà Ninh, Hà Trung) cũng đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường. Thư viện trường được trang trí bắt mắt, có bàn ghế để phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của các em HS. Cô giáo Vũ Thị Oanh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thư viện trường hiện có 2.000 bản sách. Hằng năm, trường thường cân đối ngân sách để mua bổ sung sách hay, mới, đồng thời huy động sách trong HS. Như năm 2018, trường đã huy động được hơn 200 cuốn sách từ các em HS. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, kho sách, ban giám hiệu nhà trường đã phân công lịch đọc sách cho các lớp; đưa hoạt động đọc sách tại thư viện vào hoạt động ngoại khóa của các lớp; giao giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, hướng dẫn các em đọc sách nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách, truyện tại lớp cũng như ở nhà. Ngoài ra, vào Ngày sách Việt Nam, nhà trường đều tổ chức chương trình trưng bày, giới thiệu về sách cho các em HS thông qua việc thi thuyết trình, sáng tạo mô hình, diễn kịch… về sách giữa các lớp, khối.
Có thể khẳng định, thư viện của các trường học đã tạo được thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho HS, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện trường học, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo, Thư viện tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thư viện trong trường học; tăng cường trao đổi, luân chuyển sách cho các thư viện nhà trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, kể chuyện sách giữa các trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho giáo viên, HS về vai trò của thư viện và việc đọc sách góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong HS và giáo viên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 100% các trường xây dựng thư viện, trong đó có khoảng trên 60% tổng số thư viện trường học đạt chuẩn. Tuy nhiên một số thư viện trường học chưa thu hút được giáo viên và HS yêu thích và tích cực tham gia đọc sách. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất thiếu thốn, đặc biệt là các loại sách tham khảo, sách nâng cao xuất bản mới hạn chế. Đội ngũ thủ thư phần lớn là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên việc đầu tư, quan tâm đến hoạt động của thư viện còn có mức độ, chất lượng hiệu quả không cao.
Đọc sách là một thói quen rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với HS. Việc tạo cho HS có thói quen, ý thức đọc sách là rất cần thiết trong các nhà trường, do đó, các trường cần quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, luôn đổi mới, chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú gắn với thư viện và hoạt động đọc của HS, góp phần khơi dậy đam mê đọc sách, thói quen đọc sách, giúp các em tích lũy tri thức, kỹ năng sống
Bài Và Ảnh: Thùy Linh
Theo baothanhhoa
Không ép học sinh mua sách tham khảo không hiệu quả
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lí nghiêm các trường hợp cán bộ quản lí, giáo viên trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải mua xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT và các trường học hướng dẫn công tác thư viện trường học năm học 2019-2020.
Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng hệ thống thư viện trường học trên địa bàn thành phố theo hướng chuẩn hóa, thân thiện, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế. Tích cực đổi mới công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong trường học gắn với đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường.
Yêu cầu nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của thư viện trường học trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và học sinh.
Tăng cường chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện đồng bộ. Phát triển nguồn tài nguyên thư viện (cả tài liệu in và tài liệu điện tử) một cách thực chất để đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tăng cường các nguồn lực xây dựng thư viện, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lí thư viện trường học.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục bảo đảm cung cấp SGK cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm. Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lí nghiêm các trường hợp cán bộ quản lí, giáo viên trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải mua xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động thư viện hiệu quả, phong phú, sáng tạo, phù hợp với cấp học, ngành học. Tổ chức và quản lí thư viện khoa học, hiệu quả.
Cập nhật các tư liệu bằng sách tiếng nước ngoài, đáp ứng lựa chọn cho học sinh với các tài liệu có giá trị của quốc tế, tạo môi trường giáo dục văn hóa đọc cho công dân toàn cầu.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Nâng cao văn hóa đọc cho học sinh dân tộc Mông Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 26/9, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ khánh thành đưa vào sử dụng Thư viện trường học thân thiện. Học sinh vui mừng có thư viện...