Hiệu quả những cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và hàng trăm sản phẩm “tiền” OCOP được các địa phương, chủ thể sản xuất xác định. Hầu hết những sản phẩm này đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thời gian gần đây, qua nhiều kênh giới thiệu, quảng bá, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đã bắt đầu hình thành thói quen lựa chọn, sử dụng sản phẩm OCOP. Nắm bắt được thị hiếu này, nhiều cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đã được thành lập, góp phần quảng bá, giới thiệu và nâng cao sức tiêu thụ cho những sản phẩm.
Sản phẩm OCOP được bày bán tại cửa hàng của chị Nguyễn Thị Bé, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa).
Cửa hàng của chị Nguyễn Thị Bé, tại lô 25, MB 1626, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) là cửa hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh chuyên giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP. Hiện nay, cửa hàng bày bán khoảng 50/69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chị Bé, cho biết: Tháng 1-2020, cửa hàng được thành lập với tổng số vốn khoảng 80 triệu đồng. Ban đầu, người tiêu dùng chưa biết đến chương trình và sản phẩm OCOP nên việc tiêu thụ khá khó khăn. Hầu hết những sản phẩm tươi, như: rau, quả đều không tiêu thụ được. Tuy nhiên, khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm OCOP rộng rãi thì sức tiêu thụ tăng lên. Nhất là từ tháng 11-2020, UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng biển hiệu cửa hàng thì người tiêu dùng đã tìm đến mua những sản phẩm tại cửa hàng nhiều hơn. Đến thời điểm hiện tại, cửa hàng không chỉ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa, mà còn bày bán khoảng 20 sản phẩm OCOP của các tỉnh khác, như: miến dong Bắc Kạn, cà gai leo Hòa Bình… Đồng thời, cửa hàng trở thành điểm bán buôn số lượng lớn sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa ra các tỉnh bạn. Vì vậy, doanh thu đạt khoảng 120 – 150 triệu đồng/tháng, cao điểm, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/tháng.
Quan sát thực tế tại cửa hàng, chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm được bày bán đều là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố khác. Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, thông qua hoạt động bán hàng, người tiêu dùng có thể tìm kiếm, nắm bắt được những địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lan tỏa mạnh hơn việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm OCOP – sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh.
Được biết, để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp với thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hỗ trợ xây dựng 7 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, có 5 điểm tại TP Thanh Hóa, 1 điểm tại thị trấn Nga Sơn và 1 điểm tại thị xã Nghi Sơn, với tổng kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng. Thông qua các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, đại diện cho những sản phẩm ưu thế của địa phương. Chị Lê Thị Xuân, TP Thanh Hóa, cho biết: Lâu nay gia đình vẫn sử dụng một số loại sản phẩm gạo, miến gạo, bánh gai… truyền thống. Song, không nhận biết được đâu là sản phẩm của cơ sở sản xuất được cơ quan chuyên môn công nhận. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao. Hiện tại, gia đình đã chuyển sang sử dụng sản phẩm gạo của Công ty CP Sao Khuê, trứng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, một số sản phẩm rau của các cơ sở uy tín…
Hiệu quả và sức lan tỏa của các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được chứng minh qua những kết nối giữa người tiêu dùng với đơn vị sản xuất và khối lượng sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tại các cửa hàng. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp khác. Tiêu biểu như các huyện Nông Cống, Yên Định, Hoằng Hóa…, dự kiến triển khai xây dựng mỗi huyện 1 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Video đang HOT
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Hiệu quả vượt trội của những gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã được khẳng định. Ở giai đoạn đầu, khi người tiêu dùng chưa biết nhiều về chương trình và hệ thống, giá trị của sản phẩm OCOP thì các cửa hàng làm nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Khi chương trình đã triển khai sâu rộng trong Nhân dân, các cửa hàng chính là điểm cung cấp, giao lưu các sản phẩm OCOP vùng miền, hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện và thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm OCOP.
Để nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ khuyến khích, lồng ghép kinh phí để hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Bắc Kạn: Có "sân chơi" OCOP, nông dân đột phá tư duy, sáng tạo nhiều mô hình hay
Có sân chơi, được hỗ trợ về phương pháp, tạo động lực tham gia chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), những nông dân, các cơ sở sản xuất, HTX tại Bắc Kạn đã phát huy tính sáng tạo đến không ngờ. OCOP đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con tại tỉnh miền núi này.
Trước khi thực hiện chương trình OCOP, các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn cũng đã khá đa dạng. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu mới được tiêu thụ ở địa bàn trong tỉnh, tại các chợ phiên. Từ khi có chương trình OCOP, tư duy, sức sáng tạo của người nông dân tỉnh OCOP đã có sự đột phá.
Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ của HTX Tân Thành đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019.
Đặc biệt quá trình triển khai OCOP, đã có nhiều HTX kiểu mới ra đời, nhiều cơ sở sản xuất, tổ sản xuất được hình thành, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại khu vực nông thôn. Các sản phẩm OCOP không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước, mà còn được đưa ra thị trường nước ngoài và được đón nhận.
Có thể kể đến những HTX, cơ sơ sản xuất tiêu biểu, có tiếng ở Bắc Kạn như: HTX miến dong Tài Hoan (xuất khẩu sản phẩm miến dong sang châu Âu), HTX nghệ Tân Thành (xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản), cơ sở sản xuất chân giò hầm tại huyện Chợ Đồn (mỗi tháng xuất bán khoảng 1.000 chiếc chân giò hầm ra thị trường)...
Từ khi tham gia Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất chân giò hầm huyện Chợ Đồn có thể xuất bán ra thị trường cả 1.000 chiếc chân giò hầm mỗi tháng.
Sản phẩm OCOP của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, chương trình OCOP đã làm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa. Người nông dân tự tin hơn rất nhiều, chưa bao giờ người nông dân Bắc Kạn có động lực để sáng tạo nhiều như thế.
"Làm OCOP, tỉnh Bắc Kạn không hỗ trợ nhiều bằng tiền mà chỉ tạo ra sân chơi, tạo động lực hỗ trợ về phương pháp làm, vận động, khuyến khích người nông dân tham gia. Khi có một sân chơi, người nông dân Bắc Kạn vô cùng sáng tạo. Có những sản phẩm chúng tôi không nghĩ rằng bà con có thể sáng tạo được một cách chuyên nghiệp như thế" - bà Hoa nói.
Miến dong Tài Hoan - sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn.
Để minh chứng về sự thay đổi tư duy của nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn lấy ví dụ về thuốc tắm của người Dao.
Hoặc trước đây, bà con nông dân chỉ phơi khô nấm, mộc nhĩ, bỏ trong túi nilon mang bán, để cả chân nấm rất xấu, khó sử dụng. Nhưng hiện nay, sản phẩm đã được cải thiện đến mức thái nhỏ, sấy khô, cắt sạch sẽ, chỉ việc mở lấy ra ngâm là có thể sử dụng.
Cũng theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, hiện, các HTX cơ sở sản xuất xuất phát từ nông dân không còn xa lạ với khái niệm sản xuất hàng hóa. Họ biết về chương trình và mong muốn được làm. Đó chính là hiệu quả trong thay đổi tư duy và mở rộng biên độ sáng tạo mà chương trình OCOP đem lại.
Nhiều sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp, tiện ích được người nông dân, các cơ sở sản xuất, HTX đầu tư sáng tạo, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm.
Chương trình OCOP khi đưa vào thực hiện đã khuyến khích cho người nông dân, cơ sở sản xuất, HTX làm sản phẩm đến mức tiện lợi nhất trong sử dụng. Bao bì đóng gói cũng đẹp hơn. Vẫn là nguyên liệu đó nhưng khi bán, giá trị sản phẩm có thể cao gấp 2 hoặc gấp 3 lần.
"Từ nguyên liệu ban đầu, người nông dân đã biết đầu tư công sức, chú ý bao bì, làm tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. Giá trị đó mang lại cho chính người sản xuất và người nông dân" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định.
Kiên Giang công nhận 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh Tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kiên Giang năm 2020. Theo đó, tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao đối với 18 sản phẩm của 11 chủ thể, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng 4...