Hiệu quả mạnh mẽ của liều 3 vắc xin Pfizer với “quái vật” Delta
Hãng Pfizer (Mỹ) công bố nghiên cứu cho thấy, việc tiêm mũi 3 của vắc xin Covid-19 mà họ hợp tác sản xuất với BioNTech (Đức), mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong việc chống lại biến chủng Delta nguy hiểm.
Biến chủng Delta đang gây ra làn sóng lây nhiễm bùng nổ trên khắp thế giới (Ảnh minh họa: Reuters).
Dữ liệu do Pfizer đăng tải hôm 28/7 cho thấy, liều thứ 3 của vắc xin Pfizer/BioNTech có thể tăng cường một cách mạnh mẽ khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta, cao hơn hẳn so với việc tiêm 2 mũi tiêu chuẩn.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy lượng kháng thể chống lại Delta tăng gấp 5 lần ở nhóm 18-55 tuổi tiêm liều vắc xin thứ 3. Trong nhóm 65-85 tuổi, con số này thậm chí ấn tượng hơn với mức tăng là 11 lần. Thử nghiệm của Pfizer được thực hiện trên 23 người, chưa có bình duyệt khoa học.
Video đang HOT
Ngày 28/7, người phụ trách bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Pfizer Mikael Dolsten nhận định rằng dữ liệu mới được công bố là “đáng khích lệ”.
Ngoài ra, Pfizer cho biết, mức kháng thể chống lại chủng ban đầu, chủng Beta (lần đầu phát hiện ở Nam Phi) cũng cao hơn nhiều ở người được tiêm liều 3.
Đầu tháng này, Pfizer thông báo rằng họ đang nỗ lực phát triển liều thứ ba nhằm bảo vệ người được tiêm khỏi các biến thể virus. Công ty cũng cho biết họ sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều thứ 3 từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 8.
Tuy nhiên, FDA và cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sau đó cho biết, người Mỹ hiện chưa cần liều vắc xin thứ 3 và việc có cần tiêm liều 3 hay không không phải là quyết định của riêng công ty dược.
Pfizer cho hay, họ dự định sẽ nộp dữ liệu về liều thứ 3 lên FDA sớm nhất là vào tháng sau. Hãng này cũng cho rằng, việc tiêm bổ sung liều 3 có thể cần trong vòng 6-12 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều, nhất là trong bối cảnh chủng Delta đang lây lan chóng mặt và đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế. Hiện quyết định về việc có cần tiêm liều 3, hay tiêm khi nào, phụ thuộc vào FDA và CDC.
Các thành viên WTO vẫn chia rẽ về vấn đề bản quyền vaccine ngừa COVID-19
Trong cuộc họp ngày 27/7, các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa đạt được đồng thuận về đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày thảo luận đầu tiên trong khuôn khổ cuộc họp kéo dài hai ngày của Đại hội đồng WTO tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ, đại diện các nước đã tập trung thảo luận Thỏa thuận của WTO về Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và các điều khoản liên quan đến các công cụ phòng ngừa, ngăn chặn và biện pháp điều trị để chống COVID-19.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, người phát ngôn WTO Keith Rockwell cho biết tất cả 164 quốc gia thành viên đều khẳng định việc tăng sản lượng vaccine ngừa COVID-19 là cần thiết, song lại bất đồng về cách thức tốt nhất để đạt được mục tiêu này.
Cuộc thảo luận đã đề cập đến một số nội dung mấu chốt, đáng chú ý là thời hạn miễn trừ áp dụng bản quyền, phạm vi dược phẩm được áp dụng và vận dụng các điều khoản trong TRIPS, trong khi vẫn còn một số bất đồng về cách thực hiện miễn trừ và việc bảo vệ các thông tin mật. Tuy nhiên, ông Rockwell cho biết các bên đều tập trung nỗ lực vào việc "đưa ra một kết quả thực tế, cho dù kết quả đó là gì".
Theo ông Rockwell, hiện các nước như Senegal, Bangladesh, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Morocco và Ai Cập đang dư thừa năng lực sản xuất, nhưng lại chưa được tiếp cận đầy đủ với công nghệ và bí quyết sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao khai thác nguồn lực chưa được sử dụng đó.
Ý tưởng về tạm thời miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 được Nam Phi và Ấn Độ đưa ra từ tháng 10/2020 nhằm tăng sản lượng vaccine, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine bằng cách cho phép các nước có nhu cầu và năng lực, đặc biệt là các nước đang phát triển, có thể tự sản xuất vaccine.
Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, và nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm và những nước chủ nhà của các nhà máy sản xuất vaccine hiện nay phản đối vì cho rằng bản quyền vaccine không phải rào cản lớn nhất trong việc tăng sản lượng, trong khi việc miễn trừ sẽ triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.
Theo quy định của WTO, bất kỳ đề xuất nào muốn được thông qua cũng phải nhận được tất cả 164 nước thành viên chấp thuận. Theo ông Rockwell, các cuộc thảo luận về miễn trừ bản quyền vaccine phải được tiếp tục bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng lúc này. Dự kiến, WTO sẽ có một cuộc họp không chính thức vào đầu tháng Chín để thảo luận về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19, tiếp đó là một cuộc họp chính thức trong hai ngày 13-14/10.
Theo thống kê, gần 4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân bổ trên khắp thế giới, song chỉ 0,9% trong số này được tiêm cho người dân ở 29 quốc gia nghèo nhất, vốn chiếm 9% dân số thế giới.
Pfizer/BioNTech triển khai sản xuất vaccine ở Nam Phi Ngày 21/7, hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech cho biết đã tìm được đối tác sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi. Đây là thỏa thuận sản xuất vaccine đầu tiên tại châu Phi, với sản phẩm được dành riêng cho Lục địa đen. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN Theo thỏa thuận, công ty dược phẩm Biovac có trụ sở tại...