Hiệu quả của liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư
Sau gần 3 năm triển khai tại Trường đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã đem lại hiệu quả rất tốt, các tế bào miễn dịch sau khi được đưa vào cơ thể đã giúp ngăn chặn tế bào ác tính bùng phát.
Tại Trường đại học Y Hà Nội, tế bào miễn dịch được “nuôi” trong môi trường đặc biệt, trước khi truyền cho bệnh nhân ung thư – ẢNH: H.THỊNH
Kiểm soát ung thư tái phát, ngăn chặn di căn
Theo GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư được nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Y Hà Nội nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao từ Nhật Bản.
Tại Trường đại học Y Hà Nội, trong số các bệnh nhân (BN) ung thư đã áp dụng liệu pháp trên, BN trẻ nhất ngoài 20 tuổi và già nhất hơn 90 tuổi đều đáp ứng điều trị. Trong đó, BN trẻ nhất tham gia khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải chịu đau đớn khủng khiếp do di căn xương. Sau đợt điều trị, các triệu chứng đau gần như không còn.
Video đang HOT
Trường hợp khác, BN nữ 48 tuổi ung thư dạ dày, khối u di căn gan kích thước 2,4 cm đã giảm còn 0,6 cm sau 6 lần truyền tế bào miễn dịch trong 3 tháng. Một số BN ung thư gan giai đoạn muộn, có di căn đã dừng các phương pháp điều trị khác do không còn đáp ứng điều trị, sau khi áp dụng liệu pháp miễn dịch, sức khỏe bình phục tốt, hoàn toàn làm chủ cuộc sống.
“Có những BN trước khi bắt đầu liệu trình, thể trạng rất yếu nhưng hiệu quả điều trị rất mạnh. Như trường hợp BN nữ ngoài 70 tuổi bị ung thư mạc treo (ung thư hiếm gặp). Khi bắt đầu liệu trình, BN mỗi bước đi đều cần có người dìu. Nhưng sau một liệu trình, bà đã có thể trạng rất tốt, có thể tự đi xe buýt, tự đi thăm cháu…”, GS-TS Tạ Thành Văn chia sẻ.
Tuy nhiên, GS Văn cũng cho biết: “Các bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả chung của liệu pháp này đối với BN ung thư đã rõ ràng. Song, mức độ đáp ứng điều trị lại tùy thuộc vào từng BN và cụ thể là phụ thuộc vào “chất lượng tế bào miễn dịch” của chính bản thân họ, do đây là phương pháp điều trị tự thân”.
Theo đó, trong suốt thời gian thực hiện liệu trình truyền tế bào miễn dịch, các BN có hồ sơ riêng, được đánh giá chi tiết, chặt chẽ về diễn biến sức khỏe căn cứ trên kết quả xét nghiệm dấu ấn ung thư trong máu; kết quả chụp chiếu về diễn biến di căn, diện tích khối u… theo đúng chuẩn mực của quy trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
Theo PGS Trần Huy Thịnh, thời điểm lý tưởng nhất để áp dụng miễn dịch trị liệu là BN ung thư sau phẫu thuật cắt khối u, giúp đem lại hiệu quả cao trong việc ổn định bệnh, chống tái phát, chống di căn. Hiện tại, chi phí điều trị khoảng 300 triệu đồng/liệu trình, hoàn toàn là chi phí cho các vật tư tiêu hao trực tiếp sử dụng cho BN.
GS Tạ Thành Văn thông tin, cuối năm nay, Trường đại học Y Hà Nội sẽ kết hợp Bệnh viện Tâm Anh (Hà Nội) mở thêm điểm nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư với sự đồng ý của Bộ Y tế. Bệnh viện Tâm Anh sẽ dành kinh phí hỗ trợ BN ung thư khi áp dụng liệu pháp này.
Rất an toàn
PGS Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ (Trường đại học Y Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết BN tham gia điều trị bằng liệu pháp miễn dịch sẽ được lấy máu (khoảng 10 – 15 ml/lần). Máu được chuyển đến phòng “chế biến tế bào” tại Trường đại học Y Hà Nội, tách lấy tế bào miễn dịch (khoảng 3 – 4 triệu tế bào). Các tế bào miễn dịch đó được tăng sinh (bằng phương pháp nuôi trong môi trường đặc biệt để nhân lên và biệt hóa thành các dòng tế bào có chức năng chuyên biệt). Sau 2 tuần, BN ung thư sẽ được truyền khối tế bào với số lượng lên đến 5 – 10 tỉ tế bào/lần truyền.
Theo PGS Thịnh, một liệu trình gồm 6 lần truyền (2 tuần truyền một lần) trong 3 tháng. Số lượng lớn tế bào miễn dịch truyền vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia việc kiểm soát khối u; các chất tiết của tế bào miễn dịch còn huy động thêm các tế bào miễn dịch khác trong cơ thể cùng tham gia cơ chế chung để kiểm soát, khống chế và tiêu diệt tế bào ác tính. Vì đây là tế bào miễn dịch tự thân (của chính người bệnh) nên mức độ an toàn rất cao.
PGS Trần Huy Thịnh cho hay, 3 năm qua, gần 60 BN ung thư đã áp dụng miễn dịch trị liệu, trong đó 43 BN đã kết thúc liệu trình điều trị. BN theo dõi lâu nhất được hơn 2 năm, trung bình theo dõi được 16 – 17 tháng, tỷ lệ sống sau 16 – 17 tháng đạt hơn 71%.
Trong số gần 60 BN đã được áp dụng miễn dịch trị liệu, số lượng BN ung thư phổi nhiều nhất (20 BN). Ngoài ra, có ung thư dạ dày, đại tràng, gan và ung thư vú. Đây là những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam. Các BN đều có hiệu quả sau đợt điều trị, khống chế khối u và đặc biệt là giảm triệu chứng bệnh, cải thiện các chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng rất thường gặp ở BN ung thư (đau, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi…) đều giảm rõ ràng với khoảng 70% BN sau áp dụng liệu trình. Các BN ngủ tốt hơn, ngon miệng hơn, tăng cân.
Tăng hiệu quả điều trị ung thư giai đoạn muộn bằng liệu pháp "kép"
Sử dụng liệu pháp miễn dịch để điều trị bệnh nhân ung thư, ngay sau khi họ vừa hoàn thành hóa trị liệu sẽ làm chậm đáng kể tốc độ phát triển của khối u, ngay cả khi đã bước sang giai đoạn di căn.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Mount Sinai (Mỹ), công bố trên tạp chí khoa học "Journal of Clinical Oncology", một phương pháp kết hợp giữa hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch sẽ giúp làm giảm sự tiến triển của khối u, ở các bệnh nhân ung thư bàng quang đã chuyển sang giai đoạn di căn.
Thử nghiệm này được tiến hành trên 108 bệnh nhân mắc ung thư bàng quang vừa hoàn tất liệu trình hóa trị. Theo đó, nhóm tác giả sẽ phân 108 bệnh nhân thành 2 nhóm nhỏ:
- Nhóm 1: Tiếp tục điều trị với một loại thuốc miễn dịch mang tên pembrolizumab.
- Nhóm 2: Không được điều trị bằng thuốc miễn dịch.
Tiếp đó, nhóm tác giả sẽ theo dõi diễn tiến của bệnh trên cả 2 nhóm và tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu. Từ các kết quả thu thập được, các nhà khoa học kết luận rằng, thời gian trì hoãn sự phát triển của ung thư ở nhóm 1 được kéo dài thêm 60% so với nhóm 2.
"Thử nghiệm lâm sàng này kết hợp cùng một nghiên cứu gần đây của chúng tôi đã cho thấy rằng, phương pháp kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch có hiệu quả cao trong điều trị ung thư bàng quang đã di căn. Phương pháp này sẽ sớm được hoàn thiện và đưa vào áp dụng đại trà, để điều trị các bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn muộn này" - Thạc sĩ Matthew Galsky, đại diện nhóm tác giả, cho biết.
Minh Nhật
Đã sẩy thai một lần, đến khi mang thai 16 tuần thì phát hiện bị ung thư, bác sĩ khuyên bỏ thai nhưng người mẹ trẻ nhất quyết làm việc này Ở tuổi 21, Ellie Whittaker đã phải đối mặt với một quyết định lựa chọn khó khăn. Đó là giữ lại bỏ con để điều trị ung thư hay là giữ lại con trong khi sức khỏe của mình bị đe dọa nghiêm trọng. Ellie Whittaker đã được khuyên nên phá thai khi phát hiện ra bị Hodgkin Lymphoma - bệnh ung thư...