Hiệu quả của các mô hình tiếng Anh cộng đồng ở Việt Nam
GD&TĐ – Một số mô hình tiếng Anh cộng đồng đã được xây dựng duy trì và bước đầu gặt hái được thành công tại các trường đại học trên cả nước.
Dưới đây là một số các mô hình, hoạt động tiếng Anh cộng đồng tại các trường đại học trên cả nước dành cho cả sinh viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ trên toàn quốc đạt được một số thành công nhất định.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM: 2 mô hình dành cho cả giảng viên và sinh viên
Trên thực tế, phần lớn số lượng sinh viên trong trường Đại học Sư phạm TPHCM thuộc các ngành không chuyên ngữ với trình độ tiếng Anh đa dạng khác nhau.
Do đó, trường đại học Sư phạm TPHCM cũng chú trọng đến việc phát triển những hoạt động tiếng Anh cộng đồng nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ và tạo môi trường thực hành cho sinh viên.
Hiện tại, trường đang có hai mô hình CLB-hoạt động ngoại khóa lớn đã đi vào hoạt động thường xuyên.
Một là CLB tiếng Anh dành cho viên chức của trường với tên gọi (HECS). CLB được thành lập nhằm tạo sân chơi cho các cán bộ viên chức trong trường có cơ hội trao đổi, rèn luyện và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, làm việc, nghiên cứu và giảng dạy.
CLB thứ hai là CLB tiếng Anh hợp tác quốc tế của sinh viên, gọi tắt là IEC. Thông qua các hoạt động như tham gia trại hè quốc tế, tiếp đón sinh viên nước ngoài, tham gia công tác hậu cần cho các hội thảo, tọa đàm quốc tế …CLB đã giúp cho sinh viên có cơ hội thực hành khả năng ngoại ngữ sát với chuyên ngành mình được đào tạo.
Bên cạnh đó, một hoạt động được duy trì hàng năm chính là hoạt động Mặt trận Phổ cập Ngoại ngữ trong chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh với các hoạt động ngoại khóa dạy học, phổ cập ngoại ngữ cho học sinh tiểu học tại các quận, huyện ở TPHCM và các tỉnh thành khác.
Trường Đại học Vinh: Mô hình Không gian giao tiếp Anh ngữ (English Speaking Zone)
Mô hình CLB tiếng Anh của trường Đại học Vinh đã được hình thành từ 20 năm nay với sự hỗ trợ chuyên môn của giáo viên và sự điều hành của Liên chi đoàn khoa Sư phạm Ngoại ngữ. CLB cũng nhận được sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ về một số thiết bị cơ bản, tranh ảnh, tài liệu để tổ chức các hoạt động.
CLB hoạt động khá quy củ với các buổi sinh hoạt định kỳ theo chủ đề và kế hoạch thực hiện được lập theo học kỳ. Nhằm hỗ trợ công tác truyền thông, CLB sử dụng mạng xã hội Facebook như một công cụ liên lạc, trao đổi hiệu quả giữa các thành viên.
Video đang HOT
Một điểm nhấn trong các hoạt động của CLB là các hoạt động đa dạng, sinh động như chiếu phim tiếng Anh, đố vui, sinh hoạt văn nghệ tiếng Anh. Đặc biệt, hoạt động chiếu phim nhận được khá nhiều sinh viên yêu thích tham gia.
Qua đó, sinh viên không những được thưởng thức những bộ phim kinh điển mà còn được thảo luận nội dung phim, những cảnh phim liên quan tới ngôn ngữ văn hóa và trả lời một số câu hỏi của ban tổ chức.
Bên cạnh đó, những hoạt động như Thi hùng biện tiếng Anh, thi phiên dịch tiếng Anh, diễn đàn phương pháp học ngoại ngữ hay các hoạt động tham quan dã ngoại cũng được tổ chức dưới các hình thức khác nhau để thu hút sinh viên tham gia.
Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội: Mô hình Không gian Anh ngữ (English Space)
Được đi vào hoạt động từ năm 2013, English Space đã tổ chức được nhiều hoạt động phục vụ phát triển cộng đồng học tập, giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ trong trường.
CLB được thành lập với mục tiêu cung cấp các tư liệu tham khảo phục vụ cho các hoạt động học tập và giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên và cán bộ trong trường; đồng thời tổ chức các tọa đàm theo chuyên đề, các hoạt động giao lưu và hội thảo chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu về tiếng Anh và các nước nói tiếng Anh.
Trực thuộc Trung tâm học liệu của ĐHNN, ĐHQGHN, Không gian Anh ngữ còn được Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tài trợ về cơ sở vật chất nên có được không gian sinh hoạt thoải mái, thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng dạy và học tiếng Anh.
Các hoạt động của CLB đều được triển khai theo hướng mở và được giới thiệu, quảng bá qua cả hai hình thức offline (giới thiệu trên lớp) và online (qua các kênh như Facebook, email, website). Những cá nhân quan tâm có thể đăng ký trực tuyến để tham gia các hoạt động của CLB.
Hiện nay, CLB đang tiến hành các hoạt động dựa trên 6 nhóm hình thức chính bao gồm: các buổi giới thiệu và hướng dẫn về công tác nghiên cứu, các hội thảo về phương pháp dạy học tiếng Anh, các buổi thảo luận về chuyên môn của giáo viên và sinh viên, các chương trình diễn giả về các chủ đề khác nhau, các buổi thảo luận phim và hoạt động đọc sách định kỳ.
Các CLB tiếng Anh tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Là một trong những trường đại học với quy mô lớn trên cả nước, Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn xác định việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là một trong những mục tiêu giáo dục hàng đầu của nhà trường.
Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều mô hình CLB tiếng Anh đang hoạt động tại trường ĐHBKHN dưới sự quản lý của các Khoa/Viện hoặc Đoàn thanh niên, hội sinh viên như CLB tiếng Anh của Viện kinh tế quản lý (SEMEC), của Viện đào tạo quốc tế SIE, của Viện ngoại ngữ (PEC), v.v.
Hoạt động chính mà các CLB này hướng tới là thảo luận nhóm, giao tiếp, diễn đạt bằng tiếng Anh nhằm nâng cao tư duy và kỹ năng Nói cho sinh viên. Không những vậy, các CLB còn thường xuyên tổ chức các buổi học phát âm, rèn luyện phản xạ tiếng Anh cùng với phương pháp học tập thú vị như Effortless English hay Crazy English.
Trong các buổi sinh hoạt theo chủ đề, các thành viên được chia nhóm để làm việc và được tạo cơ hội rèn luyện phản xạ Nghe-Nói trong thời gian thảo luận.
Những thành viên mới cũng được giúp đỡ, tạo điều kiện để nhanh chóng hòa nhập với môi trường chung. Đặc biệt, với các khách mời là những thầy cô và giáo viên nước ngoài hiện là tình nguyện viên, các hoạt động đã trở nên sinh động hơn và giúp các thành viên tiếp xúc với tiếng Anh được sử dụng trong đời sống hàng ngày bởi người bản xứ.
Các hoạt động tiếng Anh cộng đồng cho sinh viên không chuyên ngữ tại Đại học ngoại ngữ Huế
Bên cạnh các hoạt động chính khóa trên lớp, trường ĐHNN Huế cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo mô hình tiếng Anh cộng đồng nhằm khuyến khích và tạo hứng thú học tập cho sinh viên không chuyên ngữ các trường thành viên trong Đại học Huế.
Các hoạt động này đều hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực giao tiếp cho sinh viên không chuyên ngữ, mang lại niềm hứng thú, say mê học tập và tạo điều kiện để sinh viên các trường giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Năm 2014, trường đã hợp tác với công ty KOBO để xây dựng và đưa vào ứng dụng các phần mềm học tiếng Anh trực tuyến cho nhóm sinh viên này.
Phần mềm này cung cấp các khóa học ôn thi tiếng Anh theo nhiều cấp độ và luyện thi thử và đã giúp sinh viên tự tin hơn trong quá trình học tập đồng thời nắm vững quy trình thi trực tuyến.
Bên cạnh đó, các CLB tiếng Anh cũng hoạt động rất sôi nổi ở ĐHNN Huế, ĐH Kinh tế Huế với các chủ đề sinh hoạt định kỳ, tổ chức các game show, quiz show với sự tham gia của đông đảo các sinh viên trong trường và tình nguyện viên nước ngoài.
Bên cạnh đó, các cuộc thi như đố vui, thi thuyết trình bằng tiếng Anh và thi sinh viên giỏi tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ từ 8 trường và khoa thành viên trong Đại học Huế cũng đạt được những thành công nhất định và thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên.
Trường Đại học Đồng Tháp: Mô hình Language Café dành cho sinh viên chuyên ngữ
Nhận thấy kỹ năng nói và giao tiếp của sinh viên chuyên tiếng Anh năm nhất còn nhiều hạn chế do thiếu môi trường giao tiếp thực tế và thời lượng luyện tập tiếng Anh trên lớp không nhiều, trường Đại học Đồng Tháp đã tăng cường tổ chức và hỗ trợ các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa.
Trong đó, phải kể đến mô hình “Language café”, đã bước đầu mang lại thành công và hiệu quả nhất định trong việc tạo môi trường thực hành tiếng Anh thân thiện, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm và tạo sức lan tỏa của phong trào học ngoại ngữ trong trường.
Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và được tổ chức tại những địa điểm có không gian mở như căng tin của trường, thư viện hay các quán cà phê. “Language café” được tổ chức định kỳ mỗi tháng với sự hướng dẫn của các giảng viên tiếng Anh và tình nguyện viên đến từ nhiều nước trên thế giới của tổ chức SJC Việt Nam.
Trong các buổi sinh hoạt, thành viên sẽ được tham gia vào các hoạt động giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, với trọng tâm chính là nghe nói, trò chuyện, chơi trò chơi ngôn ngữ và ca hát kết hợp “vừa học vừa chơi” tạo môi trường Anh ngữ sinh động.
Nội dung chính của mỗi buổi sinh hoạt bao gồm 3 phần: khởi động, trò chơi và giao lưu văn hóa. Điểm nổi bật nhất của các hoạt động giao lưu văn hóa là sinh viên được hát karaoke bằng tiếng Anh hoặc chia sẽ quan điểm cá nhân về một bộ phim hay quyển sách yêu thích.
Dù mới đi vào hoạt động gần 1 năm, nhưng “Language café đã bước đầu giúp sinh viên cải thiện các vấn đề về phát âm, vốn từ vựng, hình thành phản xạ nói tiếng Anh và tự tin hơn trong giao tiếp.
Đại học Hà Nội: Câu lạc bộ tiếng Anh VOH
Voice Of HANU (VOH) là câu lạc bộ tiếng Anh chính thức của trường đại học Hà Nội, được thành lập vào tháng 9 năm 2005 nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên rèn luyện, trau dồi kĩ năng giao tiếp tiếng Anh.
Sau hơn 9 năm hoạt động, CLB đã thực sự là cầu nối hơn 3000 thành viên qua các năm và các buổi sinh hoạt hàng tuần với 50 thành viên thường xuyên.
Voice Of HANU” duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt hàng tuần với các hoạt động phong phú, sáng tạo và nhận được rất nhiều sự hưởng ứng cũng như khen ngợi từ các thành viên. Do vậy, số lượng thành viên trong CLB luôn được duy trì ổn định.
Ngoài ra, CLB cũng tổ chức các hoạt động ngoài trời, tổ chức sự kiện những ngày lễ như Haloween, giáng sinh, năm mới để khuyến khích các bạn sinh viên tìm hiểu văn hóa các nước nói tiếng Anh.
CLB cũng thiết lập được mối quan hệ với các CLB tiếng Anh các trường đại học khác như Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Đại học Mở, Học viện Tài chính cũng như tổ chức tình nguyện như Hanoikids.
Hơn nữa, VOH cũng được hợp tác và tài trợ với các tổ chức giáo dục lớn như British Council, IDP và trung tâm tư vấn du học của đại sứ quán Mỹ “Education USA”.
Thành tựu lớn nhất của CLB là việc tổ chức thành công cuộc thi nói tiếng Anh dành cho sinh viên năm nhất của trường Đại học Hà Nội “Voice of New Bees” trong 5 năm, từ 2008 đến 2012. Sau đó, cuộc thi đã được mở rộng với quy mô lớn hơn ra các trường đại học, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội mang tên ” Echoes”.
Không thể phủ nhận rằng, những hoạt động này đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc khuyến khích học tiếng Anh và tạo sân chơi lành mạnh cho người học giao lưu, thực hành ngôn ngữ này.
Tuy nhiên, những mô hình này còn mang tính chất địa phương, phạm vi nhỏ hẹp và chưa có tính chất lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng để tạo nên một cộng đồng học tiếng Anh mạnh mẽ, phát triển và lan rộng.
Theo GD&TĐ