Hiệu phó trường mầm non bị tố mua bằng THPT nói gì?
Bà Bùi Thị Nhàn – Hiệu phó trường mầm non xã Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) khẳng định, việc người dân phản ánh bà chưa học cấp ba là hoàn toàn sai sự thật.
Bà Bùi Thị Nhàn cho biết, năm 1995, xã Ngọc Trạo chưa có trường lớp. Chính quyền xã vận động cô và một số người đi trông trẻ, được trả công bằng 25 kg thóc.
Trường mầm non xã Ngọc Trạo, nơi bà Nhàn công tác. Ảnh: Nguyễn Dương.
Đến năm 1997, trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non mở lớp Sơ cấp mẫu giáo, UBND xã và Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành cử bà đi học. Sau thời gian vừa làm, vừa học 5 tháng, bà Nhàn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp sơ cấp này.
Video đang HOT
Năm 1998, bà trở về xã, tiếp tục đi dạy. Lúc này, ngành giáo chưa có lương, phòng giáo dục huyện trả công 90 ngàn đồng cho 4 cô giáo.
Bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp của bà Nhàn được cấp năm 2002.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, thời gian tiếp theo, Phòng giáo dục huyện liên kết Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) mở lớp Trung cấp chuyên nghiệp, hình thức học tại chức. Bà Nhàn hoàn thành khóa học 2000-2001, được Đại học Hồng Đức cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp tháng 1/2002.
Năm 2002, Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề huyện Thạch Thành mở lớp THPT hệ bổ túc cho cán bộ, bà Nhàn tiếp tục được cử đi học.
Đến tháng 9/2003, nữ giáo viên được Sở GD&ĐT cấp bằng THPT hệ bổ túc. Cũng trong năm này, bà được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Ngọc Trạo.
Bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của bà Nhàn được cấp năm 2003.
Tháng 4/2004, bà Nhàn được tuyển dụng vào công chức ngạch nhà nước, ngành mầm non. Từ năm 2004, bà tiếp tục đảm nhiệm chức Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Ngọc Trạo.
Lý giải việc bằng trung cấp có trường bằng THPT, nữ giáo viên cho hay, thời điểm đó, bà chưa có bằng cấp ba, nhưng Phòng GD&ĐT gửi danh sách cử những người được đi học, trong đó có bà.
“Tôi chỉ đi học theo danh sách và lúc nhập học chỉ nộp bằng sơ cấp mầm non. ĐH Hồng Đức không yêu cầu thêm bằng cấp, giấy tờ gì khác. Chuỗi thời gian tôi công tác và đi học đều được mọi người công nhận. Toàn bộ bằng cấp của tôi là học thật, thi thật và được cấp chính đáng”, bà Nhàn khẳng định.
Liên quan vấn đề trên, trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thành – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành khẳng định, việc người dân phản ảnh cô Nhàn sử dụng bằng giả hoàn toàn sai sự thật.
“Cô Nhàn có bằng sơ cấp mầm non, sau đó đi học trung cấp và được cấp bằng. Trong thời gian này, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đào tạo cấp ba, hệ bổ túc, cô Nhàn có đi học. Chúng tôi đã tìm hiểu và xin cam đoan, cô Nhàn có đi học và được cấp bằng”, bà Thành nói.
Trước đó, người dân phản ảnh bà Nhàn chưa học hết cấp ba. Để hợp thức các văn bằng chứng chỉ, cô giáo này đã đăng ký đi học bổ túc văn hóa để lấy bằng THPT, đến năm 2003 mới tốt nghiệp hệ bổ túc THPT.
Hồ sơ cán bộ của bà Nhàn do Phòng Nội vụ huyện Thạch Thành cung cấp có mâu thuẫn.
Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, chuyên ngành sư phạm có số hiệu 951202/GD-ĐT (khóa học 2000 – 2001) do ĐH Hồng Đức cấp tháng 1/2002. Bằng này có trước bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu bằng 0112748/BTPT, tốt nghiệp tháng 6/2003.
Theo Zing