“Hiệp sĩ miền núi” giấc mơ đến trường cho trẻ
Dám nghĩ, dám đột phá, những việc chàng trai Hà thành Hoàng Hoa Trung đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc. Trung và các thành viên của nhóm Tình nguyện niềm tin đã chủ động gây quỹ sáng tạo để duy trì các dự án.
Làm từ thiện với “tư duy 0 đồng”
Giữa bộn bề công việc thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung đã tranh thủ trò chuyện với chúng tôi vào buổi trưa tại trụ sở Trung ương Đoàn TNCS HCM. Có lẽ vì dám nghĩ khác mà những việc chàng trai Hà thành 30 tuổi đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Thay vì kêu gọi ủng hộ như những nhóm khác, các thành viên của nhóm Tình nguyện niềm tin đều chủ động tìm kiếm các hình thức tổ chức chương trình, gây quỹ sáng tạo để duy trì các dự án. Nhiều ý tưởng gây quỹ sáng tạo đã được nhóm thực hiện theo nguyên tắc như: gây quỹ không tốn tiền gốc, hoặc gây quỹ bằng sản phẩm có ích cho người mua, đã mang lại nguồn thu lớn. Dự án đầu tiên Trung làm là Thiệp nhân ái cho trẻ em nghèo – nhằm giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm các tấm thiệp bán để có thêm thu nhập. Chỉ trong vòng 5 năm, Trung và đội tình nguyện đã giúp các em nhỏ bán được hơn 2 vạn tấm thiệp.
Nhóm của Trung hoạt động với cách thức: chủ động gây quỹ, vừa tạo ra tài chính chủ động cho dự án xã hội, vừa là cách để lan tỏa dự án. Ưu tiên gây quỹ 0 đồng. “Thực ra tư duy 0 đồng cũng chính là xuất phát từ khó khăn của mình, bởi ban đầu mình không có gì trong tay, không có vốn, cũng không có quan hệ gì cả…” – Trung chia sẻ.
Trung đã cùng các bạn sang làng gốm Bát Tràng xin từng nhà những sản phẩm gốm hỏng, gốm lỗi, thậm chí đào những khu vực bãi rác gốm để bán tại các sự kiện online, offline gây quỹ được hơn 60 triệu đồng trong hơn 3 năm.
Hay Dự án ve chai niềm tin (năm 2012) là gom ve chai gây quỹ, chỉ trong 2 tuần triển khai gây quỹ 10 triệu đồng từ 10 ký túc xá sinh viên để mua 8 cặp lồng gà và 4 con lợn giống, tặng 10 hộ dân sống chung với H có hoàn cảnh khó khăn tại Sóc Sơn… Sau đó là hàng loạt dự án gây quỹ như bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con, bán đất phù sa sông Hồng… Cũng từ đó, Trung có cái tên Trung “đồng nát”.
Điều khác biệt nữa so với các nhóm tình nguyện khác là Trung loại bỏ cụm từ “ủng hộ” ra khỏi các dự án xã hội mà mình làm với tư duy cho rằng: Thiện nguyện bền vững phải thực hiện các dự án bền vững, cộng đồng đánh giá cao, tự xin đóng góp, chia sẻ cho nhau…
Đem trái tim nóng ấm lên thắp sáng núi rừng
Từ 2009, nhận thấy phong trào tình nguyện tại Hà Nội lan toả mạnh mẽ, tham gia của rất nhiều thành phần: Sinh viên, các công ty… nên nhóm đã chuyển đối tượng là trẻ em vùng cao và thực hiện các dự án trên vùng cao Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên: Với tên gọi: Dự án Ánh Sáng Núi Rừng – chuyên xây trường học, thực hiện các dự án phụ trợ hỗ trợ điều kiện học tập, dạy học của thầy cô giáo, các em học sinh cùng dân bản.
Chàng trai Hà thành đặt ra mục tiêu: Xóa sổ trường tạm, không có trẻ em dân tộc thiểu số nào vì đói mà bỏ học. Với tư duy làm tình nguyện: Bám sát đối tượng mục tiêu: Trẻ vùng cao – “thiếu gì thì làm dự án nấy” cùng quan điểm: chủ động gây quỹ – làm thật – minh bạch – truyền thông thật để nhà tài trợ thấy hiệu quả rồi tự giới thiệu nhau, tự tìm đến chứ không cần vác hồ sơ đi vận động tài trợ. Từ năm 2009 đến tháng 1/2020, dự án này đã xây dựng được 29 điểm trường.
Năm 2014, thấy trường học được xây dựng mới khang trang sạch sẽ hơn nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học, Trung đã quyết tâm đi theo gót các em sau giờ tan lớp ban sáng mới phát hiện ra các em không có cơm nên phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ… về nhà tự luộc ăn, vì thế không kịp học buổi chiều. Nhiều em nhà xa tới 4 – 5km đường rừng núi quanh co đi tới lớp cũng phải 2 – 3 tiếng đi bộ.
Thực tế đó đã thôi thúc Trung xây dựng dự án Nuôi em và sau đó, chính thức được phát động, triển khai. Với tư duy 1 người nuôi 1 em nhỏ bản cao với số tiền mỗi tháng chỉ là 150.000 đồng, rất phù hợp với nhiều tầng lớp trong xã hội làm thiện nguyện. Sự minh bạch và hiệu quả thiết thực của dự án Nuôi em đã khiến số người tham gia ngày càng đông, thậm chí tăng đột biến, năm 2020 đã có tới 20.000 tham gia nuôi cơm cho 20.000 em.
Ngay sau đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung cuối tháng 10/2020, Trung đã tự đặt mục tiêu là phải huy động 750 triệu đồng để xây dựng 1 trường học và 1 cây cầu cho miền Trung. Những công trình xây trường học sau lũ được Hoàng Hoa Trung thực hiện cùng với các công trình trong dự án “Sức mạnh 2.000 – Tiền lẻ mỗi ngày – Triệu người chung tay – Xây nghìn trường mới” do Trung sáng lập và điều hành, được phát động cuối tháng 2/2020 dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia.
Xuất phát từ ý tưởng “tích tiểu thành đại”, chương trình đặt mục tiêu xóa hàng ngàn trường tạm tại Việt Nam, xây hàng trăm cây cầu và hàng chục ngàn nhà nhân ái. Với nhiều người, mục tiêu đó có vẻ hơi “viển vông”, nhưng Hoàng Hoa Trung nghĩ khác. Anh tin rằng, nếu mỗi người tặng 2.000 đồng/ngày thì với 100.000 người tham gia sẽ có khoảng 300 điểm trường được khởi công xây dựng. Nếu có 2 triệu người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành.
Ban đầu, dự án xây được trung bình 1 – 2 điểm trường, nhưng với sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng và cách làm mới mẻ, dự án Sức mạnh 2.000 đã đạt được sự tăng trưởng đột biến trong năm 2020 với 102 công trình được xây dựng bao gồm: điểm trường, dãy nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh…
Video đang HOT
Mục tiêu tới năm 2025 là gây quỹ, kết nối, và xây 100 điểm trường trên Việt Nam, tập trung tại 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên. Từ đó, kết nối hơn 30 đội nhóm thiện nguyện, tình nguyện, công ty thực hiện trách nhiệm xã hội… với mục tiêu năm 2040, xoá toàn bộ trường tạm tại Việt Nam.
Nguyện cả đời làm tình nguyện
Chàng trai mang trái tim đầy nhiệt huyết đó đã liên tục khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình có tính nhân rộng cao như: Dự án Nuôi em, dự án Nước sạch bình gốm Unicef, dự án Năng lượng gió mặt trời, dự án Đi Ra Từ Rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao…
Chia sẻ về những điều mình đang ngày đêm cống hiến cho cộng đồng, Hoàng Hoa Trung nói rất giản đơn: “Với tôi, mỗi người có một đam mê, sở thích cháy bỏng để theo đuổi, để được sống chứ không chỉ tồn tại, sở thích nào có ích cho người khác, cho cộng đồng thì tôi ưu tiên nó hơn. Từ nhiều năm nay, thiện nguyện là một trong những sở thích lớn nhất của tôi”.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, Hoàng Hoa Trung vẫn miệt mài xách ba lô đi dọc miền rẻo cao tiếp tục các dự án đang và sẽ triển khai. Tôi nhận được tin vui rằng, Trung đã mở rộng dự án Nuôi em ra thêm 5 tỉnh, nâng tổng số tỉnh triển khai dự án lên 13, đã có hơn 20.000 trẻ em được nhận nuôi và hơn 10 công trình đang bắt đầu được cải tạo, xây mới ở các tỉnh miền núi như Đăk Lắk, Lai Châu, Hà Giang… Các dự án cứ nối dài, liên tục bởi khát vọng, đam mê thắp ánh sáng núi rừng của chàng “hiệp sĩ miền núi” 30 tuổi này./.
Chàng trai Hà Nội từ ý định tự tử đến mong muốn thiện nguyện cả đời
Từng có ý định tự tử vì bế tắc trong cuộc sống, song hoạt động thiện nguyện đem lại động lực, khát vọng cống hiến cho tràng trai trẻ ở Hà Nội.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, chúng tôi bắt gặp Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, chàng trai Hà Nội sinh năm 1990 được nhiều người biết đến với biệt danh Trung "nuôi em", Trung "đồng nát".
Làm tình nguyện từ năm 17 tuổi, sau hơn 10 năm, Hoàng Hoa Trung cùng nhóm tình nguyện đã thực hiện hàng loạt chương trình, dự án như "Thiệp nhân ái", "Dự án Ánh sáng núi rừng", "Dự án Nuôi em", "Dự án Dũng sỹ bạt", "Dự án Sức mạnh 2000"... giúp đỡ hàng chục nghìn trẻ em nghèo vùng cao.
Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Năm 2020, Trung tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam (30 Under 30 năm 2020).
Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin, đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: TTXVN)
Từng có ý định tự tử
Chia sẻ về căn nguyên đến với hoạt động thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung cho biết, năm 17 tuổi anh gặp biến cố lớn trong cuộc đời, khiến anh suýt chọn cách tự tử. Nhưng rồi sau đó anh tìm được lý do để thay đổi cái nhìn về cuộc sống, giúp anh tìm ra lý do tồn tại của mình.
" Hồi nhỏ tôi học rất giỏi, nhưng lớn lên tôi phát hiện quanh mình có quá nhiều vấn đề. Năm tôi học cấp 3, bố tôi nghỉ hưu sớm nhưng vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống cũng như chi phí học hành cho tôi.
Nhưng càng học lên cao, tiền học thêm cho tôi càng đắt đỏ, vượt quá sức của gia đình nhưng không học thêm thì bị trù dập, rồi tôi trải qua và phát hiện ra nhiều điều tiêu cực trong giáo dục, khiến tôi từ bỏ ý định thi đại học và cũng mất niềm tin vào cuộc sống.
Hồi đó tôi bị ốm, không làm được gì mà chỉ nằm suy nghĩ những điều tiêu cực và đã có lúc nghĩ đến chuyện tử tự.
Nhưng cũng chính lúc đó, tôi nhìn thấy những em nhỏ khuyết tật, phát hiện ra trên đời vấn còn rất nhiều người kém may mắn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Tôi nhận ra mình muốn giúp và có thể giúp đỡ họ.
Chính điều đó giúp tôi vượt qua thời gian khó khăn và tìm được lý do mình sống, lý do mình tồn tại, đó là giúp đỡ người khác" , Trung chia sẻ.
Chương trình đầu tiên mà Hoàng Hoa Trung làm để giúp đỡ các trẻ em ở các trung tâm ở Hà Nội mang tên "Đông ấm". Và từ năm 2008 đến năm 2009, nhóm của Trung bắt đầu làm những dự án liên quan đến người khuyết tật và trại trẻ mồ côi.
" Làm tình nguyện hồi đó rất đơn giản, chúng tôi làm chương trình từ những vật dụng đơn giản hoặc ít tiền, cộng thêm chút bánh kẹo là có thể tạo những hoạt động vui vẻ cho các em" , Trung kể lại.
Hoàng Hoa Trung và nhóm của mình cũng hướng dẫn các em nhỏ khuyết tật, các em ở trại trẻ mồ côi làm những tấm thiệm handmade, giúp mang những tấm thiệp đó đi bán để lấy tiền hỗ trợ các em. Đến năm 2013, chương trình "Thiệp nhân ái" của Trung và nhóm bạn bán được số tiền 250 triệu đồng giúp đỡ các em nhỏ.
Sau "Thiệp nhân ái", nhóm của Trung thực hiện các dự án xây trường cho trẻ em ở những vùng khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm ban đầu, việc huy động nguồn vốn để xây trường gặp nhiều khó khăn.
" Hồi đó sinh viên 21, 22 tuổi phải đi gây quỹ hàng trăm triệu đồng, mà từ cách đây 10 năm thì đó là số tiền rất lớn nên chúng tôi phải tìm nhiều cách ", Trung nói.
Nhóm của Trung ban đầu phải đi từ việc nhặt nhạnh những sản phẩm gốm bỏ đi từ bãi rác gốm hoặc xin những sản phẩm lỗi ở làng gốm Bát Tràng, bán lấy tiền gây quỹ và vận động tài trợ ở nhiều nơi.
Cứ như vậy, mỗi ngày Trung "đồng nát" và nhóm thiện nguyện Niềm Tin giúp thêm một chút. Trải qua hơn 10 năm hoạt động thiện nguyện, nhóm của Trung có rất nhiều dự án, đem đến hàng chục nghìn bữa ăn, xây dựng hàm trăm điểm trường cho trẻ em khó khăn vùng cao.
Hoàng Hoa Trung trong một chuyến thiện nguyện vùng cao.
Dự án gần đây đây nhất mà nhóm của Trung thực hiện đó là xây dựng trường nội trú, nhà ở nội trú có các em nhỏ ở Tây Nguyên.
" Trong lúc khảo sát địa điểm này, chúng tôi bất ngờ khi có những em nhỏ gần 10 tuổi ở Tây Nguyên nhưng có bố mẹ chỉ 22 -23 tuổi.
Có những em nhỏ 12 - 13 tuổi đã sinh con rồi vì các em phải bỏ học từ lớp 6, lớp 7. Các em thiếu trường nội trú, thiếu nhà nội trú để ở và được đi học, nên tôi thấy nhiệm vụ mới của mình là xây dựng những ngôi trường nội trú ở Tây Nguyên ", Trung chia sẻ.
Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin nói việc thiện nguyện khiến anh luôn cảm thấy rất vui vẻ và không tìm được lý do để dừng lại.
"Tôi vẫn song song đi làm kiếm tiền nhưng vẫn giúp đỡ mọi người và còn được đi lại khắp nơi" , Trung nói.
Chia sẻ về những thay đổi ở thời điểm bắt đầu làm tình nguyện cách đây hơn 10 năm so với hiện tại, Hoàng Hoa Trung cho biết, trước đây đi gây quỹ ở từng điểm trường, kiếm từng nghìn đồng để tích lại thành vài trăm triệu, nhưng bây giờ rất khác là nhóm không đi từng nơi vận động nữa mà có thể chỉ cần ngồi một nơi để lo vận hành dòng tiền.
" Ngày xưa chúng tôi đi kiếm tiền rất vất vả còn bây giờ thì vất vả là khi đi hoàn thiện quy trình để làm sao sử dụng đồng tiền được nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ví dụ bây giờ chúng tôi phải đi khảo sát nhiều hơn, làm những thứ liên quan đến thủ tục giấy tờ chuẩn chỉ hơn để cộng đồng nhìn vào thấy yên tâm và hỗ trợ.
Trước đây cả năm chỉ gây quỹ được vài trăm triệu nhưng hiện nay con số có lúc lên đến 70 tỷ đồng một năm, vì vậy phải vận hành dự án, vận hành dòng tiền một cách chuẩn nhất.
Ngoài ra có khó khăn liên quan đến công việc nhiều hơn, số lượng người theo dự án nhiều hơn và chúng tôi cũng phải tìm nguồn để chi trả cho các bạn tham gia chương trình hàng tháng vì các bạn ấy đã đến tuổi đi làm và cần có tiền để trụ lại" , Trung chia sẻ.
Tình nguyện cả đời
Kể về những mong muốn, dự định lớn nhất của mình trong thời gian sắp tới, Trung cho biết: " Trong vòng 2 đến 3 năm nữa, chúng tôi sẽ gây quỹ từ "Sức mạnh 2000", sẽ có 2 triệu người tham gia và có thể gây quỹ mỗi năm hơn 1 nghìn tỷ đồng để xây hết các điểm trường ở Việt Nam".
" Chúng tôi tính ở Việt Nam còn khoảng 2.000 đến 3.000 điểm trường cần xây nữa, đó là mục tiêu gần nhất ", Trung nói và cho biết ngoài xây dựng các điểm trường, nhóm của Trung cũng sẽ nuôi cơm tất cả các em nhỏ cần được nuôi để đi học đầy đủ.
" Tôi nghĩ đây không phải là tham vọng lớn vì hiện mỗi năm tốc độ xây trường của chúng tôi năm sau có thể gấp vài lần năm trước.
Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết tất cả các đội nhóm xây trường ở Việt Nam với nhau làm thành một liên minh để cộng động đóng góp dễ hơn.
Đồng thời, chương trình "Sức mạnh 2000" sắp tới có thể được các KOL (người có ảnh hưởng) hạng A chia sẻ và cùng với một số giải thưởng của tôi, chương trình sẽ lan toả, và chuyện thu hút 1 đến 2 triệu người tham gia có thể làm được, không đến mức viển vông" , Trung chia sẻ.
Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin khẳng định chương trình của mình và nhóm có lộ trình, có nền móng và khả thi trong một vài năm tới.
Hoàng Hoa Trung và nhóm tình nguyện Niềm Tin trình bày một số dự án. (Ảnh: TTXVN)
" Tình nguyện đối với tôi như một sở thích, như người ta thích câu cá, đá bóng. Tình nguyện giúp tôi vừa có thể giúp đỡ được người khác lại có thể được đi lại nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ.
Đó là những điều giúp tôi theo đuổi tình nguyện lâu dài và cảm giác nó luôn tươi mới, chứ không cũ.
Khi gặp những em nhỏ vùng cao, những người khó khăn và cảm thấy có quá nhiều thứ để có thể cải thiện thì mình cứ theo đuổi thôi.
Tôi xác định từ lâu là tôi làm tình nguyện cả đời vì đây là niềm vui, niềm đam mê không có lý do để bỏ. Bản thân tôi không quá quan trọng sự nghiệp, không quan trọng chuyện kiếm tiền nhiều ", Trung bày tỏ.
Hoàng Hoa Trung mong muốn bản thân có thể tạo ra được những mô hình thiện nguyện, xây dựng mô hình chung để mọi người có thể làm theo và bất cứ ai, ở nơi đâu cũng có thể giúp đỡ được những người khó khăn.
Cùng nhau thắp lửa yêu thương "Hiểu để thương" là tất cả những gì nhóm "Khatoco và những người bạn" đang hướng đến cộng đồng, những hoàn cảnh khó khăn. Đã có biết bao nhiêu yêu thương được trao đi, lan tỏa từ đó... Trụ cột của nhóm Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ anh Nguyễn Thành Thái - Trưởng nhóm "Khatoco và...