Hiệp định EVFTA tác động như nào tới các doanh nghiệp phân phối?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 8/6 mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công Thương), việc này sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.
Tuy nhiên, EVFTA cũng có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận doanh nghiệp này không thay đổi để thích ứng.
Người dân chọn lựa thực phẩm an toàn tại Metro Bình Phú, quận 6, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Thông qua Hiệp định này, thị trường trong nước có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại trong các hoạt động thương mại từ các nước EU, cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ sẽ được hiện đại hóa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực.
Thực tế thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam đạt các kết quả đáng ghi nhận về thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Khu vực FDI đóng góp khoảng 18% GDP của Việt Nam, gần một phần tư tổng đầu tư toàn xã hội, hai phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài không những chỉ đem lại vốn đầu tư mà cả các công nghệ tiên phong, năng lực quản lý và kiến thức thị trường cho Việt Nam, góp phần nâng tầm cho các ngành kinh tế và tăng trưởng năng suất.
Trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ vừa qua, hoạt động thương mại trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, hỗ trợ tích cực cho công tácgiải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 – 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Dưới tác động của việc thực thi các cam kết hội nhập, hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước liên tục gia tăng về quy mô và tốc độ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 4,49 triệu tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2019 đạt 12,75%/năm.
Đặc biệt, doanh nghiệp được tiếp cận với công nghệ tiên phong từ các nền kinh tế thành viên của các hiệp định thông qua hoạt động đầu tư, trao đổi thương mại, các chủ thể trên thị trường trong nước có nhiều cơ hội để đổi mới hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, các hình thức bán hàng và phương thức kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước đã phát triển đa dạng, phong phú hơn và thương mại điện tử cũng ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng.
Tuy nhiên, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA.
Đó là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường, cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử có sự chênh lệch với các nước.
Hơn nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, do đó có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Không những thế, thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam.
Bởi, với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Với EVFTA, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5 – 7 năm, trong đó nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2 – 3 năm.
Trong khi, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang mở mức trung bình và thấp, do đó việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao.
Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết thêm EVFTA… đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.
Để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…
Mặt khác, các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA…
Xung lực giúp Việt Nam tái khởi động phục hồi nền kinh tế
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội đón nhận dòng đầu tư toàn cầu, góp phần giúp Việt Nam hội nhập hiệu quả, tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 8/6, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tại hội trường tán thành, đánh dấu một thời khắc lịch sử trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu xung quanh cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA mang lại.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnhThái Bình): Cơ hội đón nhận dòng đầu tư toàn cầu
Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ tạo ra xung lực giúp Việt Nam tái khởi động phục hồi kinh tế. Chúng ta đều biết rằng vấn đề quan ngại nhất hiện nay là thị trường và với nền kinh tế của Việt Nam cần quan tâm là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phải lựa chọn nhà đầu tư có phân khúc cao hơn.
Chúng ta đều biết, các nhà đầu tư có chất lượng cao đều đến từ các nước phát triển và Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường lớn nhất của các nguồn lực đầu tư.
Video đang HOT
Hiệp định EVFTA về cấp độ là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới ở cấp độ cao. Tuy nhiên, xét về quy mô thì đây là thị trường tiềm năng cả về xuất khẩu và đầu tư.
Việt Nam có điều kiện xuất khẩu nhưng cũng có thể gặp vướng mắc ở những giá trị cao hơn của hàng xuất khẩu. Bởi, thị trường này đòi hỏi giá trị cao thường gắn liền với giá trị gia tăng cao hơn.
Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh Việt Nam vừa phải đứng trước yêu cầu phục hồi kinh tế vừa đứng trước yêu cầu tự chủ của nền kinh tế Việt Nam nên khi có một đường cao tốc Việt Nam-EU này sẽ đáp ứng được mục tiêu phát triển và đa dạng hoá thị trường, tăng cường tính tự chủ cũng như thu hút làn sóng đầu tư mới.
Không phải chỉ EU đầu tư vào Việt Nam mà còn có các nước khác cũng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Đây là cơ hội để đón nhận dòng đầu tư toàn cầu chứ không chỉ riêng với EU. Thách thức về cạnh tranh bao giờ cũng đi cùng với sự hợp tác. Đó là hai mặt của vấn đề.
EU và Việt Nam khác với các thị trường khác là ít có sự cạnh tranh trực diện mà tính chất bổ sung thể hiện khá rõ. Vì vậy, dễ có điều kiện liên kết bổ trợ cho nhau.
Chúng tôi kỳ vọng đây là động lực cho sự phát triển, liên kết và làn sóng đầu tư giúp Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù vậy, thách thức cũng vô cùng lớn vì muốn làm ăn với châu Âu thì th ể chế phải chuẩn mực, vươn tới đạt chuẩn về môi trường, lao động.
Riêng về làm ăn với EU, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành hơn, nâng cấp hơn và đó là tác động vô cùng lớn.
Trong thời gian trước mắt, doanh nghiệp phải làm sao để hàng hoá đảm bảo tỷ lệ đầu vào khi xuất khẩu sang châu Âu, sử dụng phần lớn tỷ lệ nội địa của các nước hay cộng đồng châu Âu. Điều này đòi hỏi thách thức tái cấu trúc nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất của Việt Nam.
Đến thời điểm này nguyên vật liệu của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc và kể từ nay đòi hỏi phải phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như liên kết với doanh nghiệp châu Âu để đáp ứng đủ nguồn nguyên vật liệu này.
Đây là thách thức với Việt Nam trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực để phát triển, nhất là về công nghiệp hỗ trợ, tự chủ trong phát triển kinh tế trong tương lai.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa Vũng Tàu): Tập trung vào truy xuất nguồn gốc
EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có thời gian đàm phán kéo dài gần 10 năm, phải thương thảo với nhiều đối tác trong Liên minh châu Âu gồm 28 quốc gia và hiện nay không kể Anh là 27 quốc gia.
Vì thế các vấn đề liên quan, cam kết trong EVFTA có rất nhiều nội dung phải trao đổi, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng bằng sự nỗ lực của Chính phủ, vai trò chủ đạo Bộ Công Thương chúng ta đã ký kết được Hiệp định.
Có thể nói, EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Hơn nữa, EVFTA thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Việt Nam vào EU - một khu vực thị trường yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và chiếm tới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được hàng hóa châu Âu với giá cả và chất lượng tốt, doanh nghiệp trong nước có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tuy vậy, để tận dụng được các cơ hội này, trong quá trình thực thi EVFTA, đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi kinh doanh... để tiếp cận các dòng đầu tư thuận lợi nhất.
Sáng nay Quốc hội đã thông qua Hiệp định EVFTA với tỷ lệ tán thành khá cao. Tôi cho rằng đây là cơ hội lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp cần phải tính toán khi tham gia Hiệp định.
Đặc biệt, vai trò hỗ trợ của cơ quan Nhà nước có một số vấn đề cần quan tâm, trước tiên là truy xuất nguồn gốc bởi một số doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu mới có thể hội nhập hiệu quả.
Bản thân các ngành nghề cũng phải lưu ý vấn đề này và cơ quan Nhà nước cũng cần hết sức hỗ trợ để sớm có văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp triển khai tốt hơn trong lĩnh vực này.
Để tận dụng hiệu quả EVFTA cần xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật cần ban hành, đồng thời đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến về những cơ hội mà các FTA mang lại.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa): Hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu hội nhập
Hiệp định EVFTA là Hiệp định hết sức quan trọng giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Việt Nam đã có khoảng thời gian chuẩn bị rất dài và các điều kiện cũng đã sẵn sàng.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam từ hiến pháp đến các đạo luật đã hướng theo để hội nhập và đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại thế hệ mới.
Đặc biệt, EVFTA đã thể hiện những nguyên tắc cơ bản của quá trình hội nhập như vậy. Đây là Hiệp định rất có lợi vì Việt Nam là nước có tốc độ phát triển chậm nên vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Ngoài ra, Việt Nam cần điều chỉnh những vấn đề chưa đáp ứng được tiêu chuẩn căn bản của các công ước quốc tế.
Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, thậm chí cả người dân để khi tham gia Hiệp định rồi phải thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn cơ bản về lao động và hàng hóa.
Điều này sẽ góp phần hội nhập hiệu quả cũng như tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu ra thị trường châu Âu. Đây cũng là một bước thử thách để doanh nghiệp bơi ra biển lớn, rất lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng rất thách thức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình): Động lực phát triển kinh tế
EVFTA là Hiệp định hết sức quan trọng nhằm tạo sự liên kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới giúp Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại. Đây là những động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định EVFTA sẽ gặp phải khó khăn như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp thế giới rất khập khiễng.
Phần lớn doanh nghiệp nước ngoài đều là doanh nghiệp lớn còn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ là vừa và nhỏ, yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài. Vì vậy, sức cạnh tranh rất khó khăn.
Hy vọng trong tương lai đây là con đường mở cửa để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn./.
Khẩu trang không ngăn được "virus suy giảm" trong ngành dệt may Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang căng thẳng, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy điểm tích cực ở những doanh nghiệp dệt may có thể nhanh chóng xuất khẩu khẩu trang, vải kháng khuẩn... để có được dòng tiền, ít nhất là có đầu ra khi hầu hết các lĩnh vực khác đều đang bị ngưng trệ vì dịch. Mọi yếu tố về...