Hiệp định EVFTA: Một tháng cấp trên 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ đi EU
Từ ngày 1-31/8 vừa qua tính từ khi EVFTA chính thức vận hành, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết trong vòng một tháng kể từ ngày 1-31/8 vừa qua tính từ khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính thức vận hành, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Theo đó, các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, càphê, hàng dệt may, túi xách, valy, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan…
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh; trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Theo Bộ Công thương, dù trước đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu quan ngại về việc màu nền trên C/O không đúng là màu xanh lá cây, có thể ảnh hưởng đến việc hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường EU, nhưng Bộ đã lập tức trao đổi với đầu mối của EU về vấn đề này.
Chính vì vậy, kể từ ngày 31/8 vừa qua, phía EU đã chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU.
Việc này cũng đang được EU thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Video đang HOT
Với EVFTA, hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa xuất xứ từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.
Thực tế số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ…
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với phía EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định.
Trường hợp doanh nghiệp cần thêm thông tin về thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa, đề nghị Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cục Xuất nhập khẩu qua địa chỉ email co@moit.gov.vn hoặc xnk-xxhh@moit.gov.vn để được hướng dẫn./.
Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Hà Lan
Chiều 1/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại và Hợp tác Phát triển Hà Lan, bà Sigrid Kaag để trao đổi và thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương giữa hai bên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Bà Sigrid Kaag khẳng định: Việt Nam là đối tác quan trọng của Hà Lan, đồng thời bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về thành tựu chống dịch COVID-19 mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Hà Lan luôn là thị trường xuất khẩu lớn Top 2 của Việt Nam tại EU và cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của EU tại Việt Nam.
Đáng lưu ý, Việt Nam và Hà Lan trong thời gian qua đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực; trong đó nhiều lĩnh vực do Bộ Công Thương phụ trách.
Tại cuộc điện đàm, bà Sigrid Kaag đề nghị tới đây hai bên có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm đẩy mạnh giao thương, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế hai nước.
Phía Hà Lan dự kiến sẽ tổ chức một loạt các sự kiện lớn qua mạng (virture trade mission) vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay do sứ quán Hà Lan tại một số nước khu vực ASEAN phối hợp thực hiện gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore. Bộ trưởng Sigrid Kaag mời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tham gia lễ khởi động chuỗi hoạt động này.
Bên cạnh đó, bà Sigrid Kaag chúc mừng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã đi vào giai đoạn thực thi và chúc mừng Việt Nam đã thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Về phía EU, Hiệp định EVIPA cần được Nghị viện từng nước thành viên phê chuẩn. Đối với Hà Lan, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thông qua EVIPA chưa nằm trong chương trình nghị sự của Nghị viện Hà Lan.
Vì vậy, Bộ Kinh tế đối ngoại và Hợp tác Phát triển sẽ tích cực thúc đẩy để Nghị viện Hà Lan sớm đưa việc phê duyệt Hiệp định EVIPA vào chương trình nghị sự tới đây.
Bên cạnh đó, bà Sigrid Kaag cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chương phát triển bền vững trong EVFTA (thông qua việc phê chuẩn một số Công ước ILO, cải thiện môi trường lao động và hỗ trợ người lao động).
Ngoài ra, Hà Lan sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong vấn đề này. Hà Lan cũng mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hợp tác sẵn có với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, sản xuất giảm phát thải, hướng đến phát triển bền vững, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trên nhiều lĩnh vực; trong đó có các lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách như thương mại, năng lượng tái tạo, sản xuất giảm phát thải trong ngành công thương hay các chương trình xúc tiến thương mại.
Bộ trưởng khẳng định Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và đề xuất trong thời gian tới, hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực vốn đã có nền tảng hợp tác tốt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cảm ơn sự ủng hộ xuyên suốt của Chính phủ Hà Lan trong suốt quá trình đàm phán và thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA...
Hiệp định đã có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp hai bên để phát triển kinh tế, cùng nhau khắc phục và vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế của Hà Lan và Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn thúc đẩy hợp tác hai bên trong việc thực thi hiệp định (kể từ khâu hoàn thiện khung khổ pháp luật đến tuyên truyền về hiệp định và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện hiệp định).
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Hà Lan hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Hai Bộ trưởng đều ủng hộ ý tưởng phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Hiệp hội giới chủ Hà Lan tổ chức tọa đàm trực tuyến EVFTA - EVIPA - thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương Việt Nam - Hà Lan.
Sự kiện sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 12 - 13 CEO của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hà Lan như Shell, Philips, Friesland Campina... và đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Hà Lan khám phá và hiểu thêm về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cũng như kết nối, mở rộng cơ hội giao thương, đầu tư.
Trao đổi với phía Hà Lan về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh hai bên đã thiết lập được khung khổ hợp tác chặt chẽ với các văn bản đã được ký kết ở nhiều cấp: từ doanh nghiệp cho đến các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng trong thời gian tới đây, hai bên sẽ xây dựng được Kế hoạch hành động với các hoạt động cụ thể để đưa hợp tác song phương trong lĩnh vực này phát triển sâu rộng hơn nữa.
Thống kê từ Bộ Công Thương, Hà Lan là thị trường xuất khẩu Top 2 của Việt Nam tại châu Âu. Thị trường Hà Lan luôn được đánh giá là cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu, một phần không nhỏ hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hà Lan để sang các nước châu Âu khác.
Năm 2019, thương mại hai chiều đạt gần 7,6 tỷ USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, nhập khẩu từ Hà Lan đạt 661 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan đạt hơn 3,83 tỷ USD, tăng 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các nền kinh tế châu Âu rất nặng nề, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hà Lan vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu rất lạc quan trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU trong 7 tháng đầu năm giảm 5,96% so với cùng kỳ năm ngoái.
An Phát Holdings (APH): Thấy gì trong tương quan với thị trường Bất chấp việc niêm yết trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo bởi lo ngại về tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại, cổ phiếu APH của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings có 1 tuần tăng trọn vẹn, đưa vốn hóa đạt gần 8.000 tỷ đồng và lọt Top 40 doanh nghiệp niêm yết...