Hiện tượng Đặng Thái Anh – cậu bé Việt nghỉ học từ lớp 6, chinh phục 8.5 IELTS năm 13 tuổi bây giờ ra sao?
Đã 3 năm trôi qua từ ngày đầu gặp Thái Anh ở nhà của cậu. Mọi thứ đã thay đổi. Và nó đang đi theo hướng tích cực…
Gần 4 năm trước, Đặng Thái Anh (sinh năm 2003, tại TP.HCM) xuất sắc đạt 8.5/9.0 điểm trong kỳ thi IELTS – khi đó cậu mới chuẩn bị bước sang tuổi 13. Năm 2017, Thái Anh được nhắc đến trên các mặt báo lớn nhỏ như một hiện tượng khi kể câu chuyện khiến nhiều người kinh ngạc: Bỏ ngang việc học ở trường khi vừa hết lớp 5 (tức là năm 2014) để tự học trên… TV, từ sách vở và theo đuổi các khoá học trực tuyến trên mạng.
Quay về với hiện tại – năm 2020, tức là bẵng đi 3 năm, Thái Anh giờ đã gần 17 tuổi. “Kỷ lục gia” tiếng Anh (theo cách gọi đầy tự hào của bố cậu – thầy Đặng Quốc Anh) giờ có cuộc sống ra sao? Liệu Thái Anh có chạm tay được đến giấc mơ du học của mình? Câu trả lời được chính thầy Quốc Anh, bố của Thái Anh chia sẻ trong một cuộc gặp mặt tình cờ.
Thái Anh 3 năm trước…
Và Thái Anh ở hiện tại, khi đã trở thành 1 du học sinh tại Anh quốc
Thái Anh hoà nhập với môi trường học tập nước ngoài.
Được nhiều bạn bè quý mến.
Theo chia sẻ từ người bố, năm 2018, Thái Anh giành được một học bổng ở Westbourne School ở Cardiff, Wales trị giá 50.000 bảng cho 3 năm học. Đây là ngôi trường có thành tích tú tài IB cao đứng thứ 17 toàn Vương quốc Anh gồm 4 nước Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland. Westbourne cũng là trường sĩ số dưới 20 đứng thứ 4 trong toàn Vương quốc, ba trường xếp trên đều không nhận nội trú.
Video đang HOT
14 tuổi (Thái Anh sinh vào tháng cuối năm, nên thời điểm nhận học bổng thực tế cậu chỉ mới 14 tuổi) đã phải xa nhà ba mẹ để sang Anh du học. Thái Anh nói với gia đình cho cậu học thử 2 tuần, nếu không ổn thì về ngay.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến Vương quốc Anh cậu lập tức bị choáng ngợp trước sự hấp dẫn của vùng đất mới, Thái Anh nói với anh trai, khi đó cũng là du học sinh: “Anh ơi, đây chính là wonderland của em”.
Vào học được 2 tháng, Thái Anh được nhà trường ủy thác cho trách nhiệm trình tấu bản Giao hưởng 40 của Mozart trên dương cầm trong lễ phát bằng tốt nghiệp IB của nhà trường.
Thái Anh chơi đàn trong lễ tốt nghiệp các anh chị khoá trên tại trường.
Ngay từ học kỳ đầu cậu bạn đến từ Việt Nam đã đạt giải học sinh tiến bộ nhất của lớp 11 dù đi học sớm một năm. Trong một năm học, Thái Anh đã hoàn tất cả chương trình ngoại ngữ 3 năm thuộc hàng “khó gặm” nhất thế giới: tiếng Latin; và cũng là người duy nhất xuất sắc đạt Latin 3 năm với số điểm 9/9 (thang điểm quốc gia GCSE).
Phát biểu tại lễ trao thưởng thầy hiệu trưởng nói điều đáng khen là Thái Anh đã đem lửa nhiệt tình đến cho học sinh trong trường. (Thái Anh, thứ 2 từ phải qua)
Với thành tích này, Thái Anh đang đảm nhiệm vị trí trợ giảng cho bộ môn tiếng Latin tại trường mà cậu đang theo học. Công việc này kéo dài 1 giờ mỗi tuần, liên tục trong 50 tuần. Cậu luôn cố gắng truyền cảm hứng ngôn ngữ cho các bạn trong trường, đa phần là người Anh.
Thái Anh trở thành trợ giảng môn tiếng Latin tại trường.
Khả năng ngôn ngữ luôn là một khả năng thiên bẩm của cậu bạn đến từ Việt Nam trong đánh giá của những thầy cô ngoại ngữ ở trường. Nhưng Thái Anh cũng rất thích Toán, điểm Toán cao cấp Thái Anh đạt A* (thang điểm quốc gia GCSE). Thầy cô các bộ môn Vật Lý, Hoá học, Địa Lý, Sinh học dành rất nhiều lời khen cho cậu học trò sáng dạ.
Đó là chuyện học, còn chuyện sinh hoạt và hoà nhập của Thái Anh ở trường thì như thế nào? Cậu có gặp khó khăn gì trong việc phải làm quen với bạn mới với những món ăn mới khác hẳn với món mẹ nấu ở nhà trong những ngày đầu du học?
Đây có lẽ cũng là một chủ đề khá thú vị mà khi nhắc đến mẹ Thái Anh, cô Lê Thị Thanh, nhớ ra một chuyện cảm động.
Cô kể: “Những ngày đầu vào trường học, Thái Anh kể rằng mình thấy căn bếp trong trường như một chỗ các bạn đến ăn xong rồi đi. Việc làm bếp hoàn toàn là của cô đầu bếp. Nó quyết định xuống giúp cô đầu bếp một tay bằng cách nhận làm một số việc như lau dọn bàn ăn sau khi ăn, thu dọn chén dĩa… Sau 1 thời gian, Thái Anh mới rủ thêm các bạn xuống bếp phụ sơ chế đồ ăn. Dần dần, nó “nịnh” luôn cô đầu bếp nấu món ăn châu Á cho mình. Kết quả là bây giờ cuối tuần nào các sinh viên nước khác cũng tíu tít rủ nhau xuống bếp “nịnh” cô đầu bếp nấu món ăn theo kiểu nước mình. Căn bếp bỗng trở thành nơi trao đổi những món ăn của những đất nước khác nhau không còn lạnh lùng như ngày xưa. Nó sống tình cảm và ấm áp lắm”.
Thái Anh xung phong san sẻ công việc với cô làm bếp, cậu phụ lau dọn bàn, rửa chén sau khi ăn…
Những ngày chủ nhật ở ký túc, Thái Anh tham gia đánh đàn cho viện dưỡng lão, cổ động cho cuộc đua Marathon một nửa (21km), kèm các bạn học tiếng Latin ở nhà, rủ các bạn học sinh lớp dưới tham gia lượm rác. Kết quả 6 bao rác thu được làm nhà trường đổi suy nghĩ, họ tổ chức hẳn một ngày “Chủ nhật làm sạch môi trường” thông qua việc huấn luyện học sinh kiến thức, kỹ năng xử lý rác và trực tiếp đưa học sinh đi lượm rác.
Hồi ở Việt Nam, Thái Anh 74kg nhưng giờ nhờ đi phòng tập, đi bộ, chạy, đi xe đạp và bơi hàng cây số cậu chỉ còn 60kg.
Thái Anh (thứ 3 từ trái qua)… là một trong những gương mặt sinh viên năng động của trường.
Năm nay, Thái Anh phải chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào đại học năm 2021. Tháng 10 năm 2020 Thái Anh phải hoàn tất hồ sơ đăng ký thi. Ở kỳ thi thử IB cuối tháng Giêng 2020 Thái Anh đạt 35/42 cho 4 môn Higher Level và 2 môn Standard Level. Thái Anh phải chuyển bớt một môn Higher Level sang Standard Level để nâng cao thành tích.
Thái Anh muốn học ngành ngôn ngữ và Toán ở một trường đại học trong Vương quốc Anh năm 2021 khi cậu vừa tròn 17 tuổi.
“Anh này (nói Thái Anh) ảnh thích nhất là được đi học nên giá nào gia đình cũng phải cho ảnh học tiếp. Mà ảnh muốn vào được trường tốt thì học phí cao lắm. Nếu tương lai nó học trường UCL thì ba mẹ nó chết chắc rồi (cười). Cô chú vừa phải thế chấp nhà lấy tiền đóng học phí cho nó đây. Mình đâu biết là năm nay mình có thể lo được học phí cho nó nhưng năm sau mình có thể bệnh tật hay thế nào – thay đổi rất nhiều. Học phí bên Anh sẽ trả 3 tháng/lần. Cô chú chỉ là giáo viên, nếu không có thu nhập tương đối mỗi tháng thì phiền lắm. Ví dụ mùa này học sinh không đi học thì vợ chồng tôi cũng… méo mặt à”, bố mẹ Thái Anh chia sẻ.
Khó khăn khi phải nuôi cùng lúc 2 anh em du học ở Anh song khi hỏi về mong muốn được người khác giúp đỡ hay hỗ trợ tài chính để lo cho 2 con, cô Thanh và chú Quốc Anh từ chối ngay. Phụ huynh của Thái Anh suy nghĩ rằng nếu họ nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài lúc này thì phải chấp nhận yêu cầu của họ vào lúc khác, sự ràng buộc là rất lớn.
“Chúng tôi đang nuôi con và dành cho nó những gì tốt nhất một cách hoàn toàn vô điều kiện. Nó muốn học cái gì cũng được. Chúng tôi muốn nó hạnh phúc, không phải muốn mượn nó để thực hiện ý định của mình”, lời từ tận đáy lòng cha mẹ.
Thầy hiệu trưởng dạy môn Toán nhận xét về Thái Anh: “Thái Anh đã làm việc chăm chỉ một cách không thể tin được ngay từ đầu khi tham gia lớp Toán nâng cao và tôi biết rằng Thái Anh sẽ đạt được điểm cao trong kỳ thi GCSE. Tôi tin chắc rằng Thái Anh cũng sẽ đạt được kết quả cao ở chương trình IB như đã đạt được ở năm nay trong môn toán GCSE nâng cao!”.
Thầy giáo Vật lý khen ngợi Thái Anh: “Thái Anh tiếp tục làm việc với sự nhiệt tình và khao khát kiến thức lan tỏa. Thái Anh làm việc tốt trong lớp và đóng vai trò dẫn dắt trong các bài học có thực hành. Thái Anh hoàn thành tất cả các bài tập về nhà do chính mình đặt ra và luôn nộp bài đúng hạn. Thái Anh đã làm rất tốt trong kỳ thi thử IB Vật lý HL (higher level) với kết quả tuyệt đối 7/7.”
Thầy giáo môn Hóa học viết: “Thái Anh đang tiếp tục gây ấn tượng trong Hóa học, không chỉ với sự hiểu biết học thuật của mình, mà còn với sự nhiệt tình tự nhiên của Thái Anh qua các bài học. Thái Anh đạt được 6/7 trong bài kiểm tra chủ đề 2 (cấu trúc nguyên tử) và 7/7 trong chủ đề 5 (năng lượng). Kết quả bài thi thử tổng hợp lại Thái Anh đạt 7/7, làm nổi bật sự hiểu biết của Thái Anh trong môn Hoá học Standard level. Nhìn chung, tôi rất hài lòng với sự tiến bộ mà Thái Anh đang đạt được trong môn học.”
Theo Trí Thức Trẻ
Đi học trở lại thời dịch bệnh Covid-19
Bệnh dịch Covid-19 đang để lại rất nhiều những hệ lụy trong xã hội, nhưng trong khó khăn, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sẽ rất bổ ích, không chỉ đối phó với bệnh dịch, mà còn cho cả các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống - giáo dục cũng trong bối cảnh như vậy.
Ảnh minh họa
Thời gian vừa qua, việc các trường được nghỉ học để tham gia phòng chống lây nhiễm Covid-19 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Nhờ những nỗ lực quyết liệt, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Quyết tâm của Chính phủ, thể hiện qua phát biểu của Thủ tướng trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12.2 rằng: "Tất cả cán bộ công chức của các Bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, 'lửa thử vàng, gian nan thử sức', cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao", cùng sự chung tay của các bộ ngành, địa phương đã khiến Việt Nam trở thành tấm gương chống dịch tốt, được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao. Ngành GD&ĐT cũng đóng góp một phần không nhỏ trong nỗ lực thành công đó.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành giáo dục có đợt nghỉ kéo dài bất thường do dịch bệnh. Đối phó với dịch bệnh, các thầy cô và học sinh đã có nhiều giải pháp để nghỉ học ở trường nhưng vẫn cập nhật kiến thức thông qua các hình thức học khác nhau. Sự thay đổi trong hình thức học cũng đem lại những hứng thú nhất định. Tuy vậy, việc học ở trường, trực tiếp sẽ luôn quan trọng và chưa thể thay thế được, vì vậy, đợt học sắp tới chắc chắn sẽ cần chuẩn bị hết sức kỹ càng, để những kinh nghiệm xử lý dịch bệnh sẽ thực sự là những bài học bổ ích cho các em học sinh không chỉ đối phó với bệnh dịch, mà còn đối phó với những khó khăn khác trong cuộc sống.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, sáng 14.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đã đi học trở lại, trường lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh và phụ huynh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học". Đây không phải là mệnh lệnh mà là nguyên tắc đạo đức của xã hội đối với học sinh. Việc đi học chắc chắn sẽ phải bắt đầu sớm, ngay khi chúng ta chắc chắn dịch bệnh Covid-19 không gây ảnh hưởng nguy hại đối với các em học sinh. Việc đình trệ học tập cũng gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội khi mà lịch học thay đổi có thể dẫn đến đảo lộn các lịch trình giáo dục khác, việc ở nhà quá lâu có thể tạo ra tâm lý, quán tính chây ỳ của học sinh, việc học thêm trá hình ở nhiều nơi cũng khiến cho tình trạng học tập hỗn loạn... Tuy thế, vẫn cần áp dụng những nguyên tắc nhất định trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc". Những hướng dẫn của ngành y tế như sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn, vệ sinh trường học... chắc chắn là rất cần thiết, để việc đi học trở lại đem đến những cảm giác an tâm cho nhà trường, phụ huynh và chính các em.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc khống chế dịch bệnh Covid-19 nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế. Cả nước nói chung, các nhà trường nói riêng, tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh, nhưng như lời Thủ tướng đã phát biểu: "cần phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội". Việc đi học của các em học sinh cũng là một nhiệm vụ trong việc bảo đảm sự vận hành bình thường đó của cuộc sống!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN
Theo baovanhoa
Vì sao chưa gút thời gian đi học lại? Việc cho học sinh đi học lại của cả nước nhùng nhằng không chốt được, Bộ GD-ĐT nói gì? Nếu địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 3, các em có kịp học không khi Bộ đã chốt thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia? Hai chị em Khánh Giang, lớp 8 Trường THCS Đoàn Thị Điểm và...