Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, của dân tộc.
Không chỉ đặt mục tiêu phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm và giai đoạn 10 năm tới, Đại hội XIII còn hoạch định đường lối ở một tầm nhìn dài rộng hơn, gắn với sự kiện 100 năm thành lập nước: Đến giữa thế kỷ 21, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê, huyện Đông Triều ( Quảng Ninh). Ảnh: SONG TOÀN
Đột phá về thể chế, tư duy
Điểm mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là căn cứ vào chuẩn mực quốc tế để đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường. Đó là, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra mục tiêu theo chuẩn quốc tế với mốc trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 thể hiện tham vọng bứt phá của Việt Nam. Do đó, phải tìm kiếm cho được động lực tăng trưởng mới cùng các giải pháp để khơi dậy động lực đó. So với trước đây, ba đột phá được đề ra tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới. Về thể chế, văn kiện Đại hội XI, XII chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì lần này được mở rộng là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”. Trong đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc hoàn thiện thể chế cũng hướng tới huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhấn mạnh: Có thể coi việc huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cốt lõi cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Điểm quan trọng là Nghị quyết Đại hội XIII đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Đây là sự thay đổi tư duy về xây dựng thể chế và định hướng quản lý, phát triển. Đồng thời nhấn mạnh và đánh giá rất cao vai trò của cải cách thể chế, lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Trong ba đột phá chiến lược, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó trọng tâm là xây dựng và phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý đầu tư công, đưa vốn đầu tư chảy vào các dự án và khu vực có hiệu quả cao nhất. Tương tự, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang quản lý và sử dụng một khối tài sản rất lớn, phải làm sao để nguồn lực này được sử dụng hiệu quả, đóng góp tương xứng cho tăng trưởng nền kinh tế ở giai đoạn tới. Muốn vậy, cần trả lại và bảo đảm đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), để DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng với khu vực tư nhân. Đối với khu vực tư nhân, nếu nguồn lực phân bổ theo nguyên tắc thị trường, kết hợp với những cải cách đang thực hiện về mở rộng quyền tự do kinh doanh, bảo đảm an toàn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và DN sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngoạn mục. DN tư nhân sẽ đầu tư lớn hơn, đầu tư dài hơn, nhiều hơn vào khoa học công nghệ, kinh tế số. “Có hai việc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải luôn nghĩ đến, đó là huy động cho được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Hai nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu có cơ chế khơi thông được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng trưởng từ 8 – 9% trong 10 năm tới không phải là một thách thức đối với Việt Nam. Và khi đã tạo được sự bứt phá, động lực này sẽ dẫn dắt động lực khác như một vòng quay không ngừng mở rộng theo vòng tròn doãng ra, đưa quy mô nền kinh tế nhanh chóng tăng lên”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Bứt phá từ kinh tế số
Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là một trong những đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong hành động để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, cần tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, trước hết cần sớm hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, nhất là các mô hình và phương thức kinh doanh mới. Các chính sách về kinh tế số cần bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất để các kế hoạch, chương trình về kinh tế số được triển khai trong thực tiễn cuộc sống. Có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ DN chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, ưu đãi thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khuyến khích DN đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đồng thời gia tăng đầu tư, nhất là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cho người dân và DN được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại. Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các DN hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kinh tế số.
Tâm đắc về cách xây dựng văn kiện của Đại hội XIII, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tình về các mục tiêu, chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các chỉ tiêu thể hiện phát triển nhanh (tăng trưởng bình quân từ 6,5% – 7%/năm giai đoạn 2021-2025), bền vững (quan tâm hơn đến các yếu tố xã hội, môi trường) và bao trùm (phát triển bao phủ khắp các vùng, miền, đối tượng…). Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu này sẽ khả thi với điều kiện tiếp tục tập trung vào ba đột phá chiến lược trong giai đoạn 10 năm tới, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Đáng lưu ý, nội hàm của ba đột phá lần này có mức độ sâu hơn, chất lượng hơn so với giai đoạn 2011-2020. Theo đó, thể chế cần đồng bộ, hiện đại hơn, phù hợp với xu thế hội nhập và chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng cần phát triển thời gian tới là hạ tầng hiện đại, hạ tầng số, có tính kết nối, lan tỏa và tạo điều kiện giảm chi phí vận tải, chi phí logistics… Nguồn nhân lực cần phát triển tiếp theo là nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, trình độ và khả năng thích ứng cao, phù hợp yêu cầu môi trường thay đổi nhanh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đại hội XIII: Mở rộng không gian đổi mới để Việt Nam vượt lên
Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước .
Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bắt đầu diễn ra. Sự kiện chính trị quan trọng này sẽ đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong tiến trình đưa đất nước phát triển.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 (sau đây gọi là Chiến lược 2021 - 2030), nói: "Văn kiện của Đại hội XIII xác định lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước".
Video đang HOT
Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng lên đáng kể
. Phóng viên : Thưa ông, quan sát quá trình 10 năm qua, ông nhìn nhận thế nào về việc cải cách và nâng cao chất lượng thể chế?
TS Nguyễn Đình Cung : Chúng ta đã xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Trong 10 năm qua, nhất là thời kỳ 2015-2020, Chính phủ đã thực hiện khá tốt trọng tâm đột phá nói trên; nhờ đó nền kinh tế đã duy trì tăng trưởng, gia tăng được sức chống chịu, vượt qua năm 2020 với sự tác động khủng khiếp của dịch COVID-19 một cách thành công ngoài mong đợi. Đại hội XIII đã đề cao hơn tầm quan trọng của thể chế kinh tế và đã thay đổi trọng tâm của cải cách thể chế.
. Riêng về vấn đề thể chế kinh tế, quá trình cải cách đã diễn ra như thế nào?
Nếu nói về thể chế kinh tế, nhất là pháp luật về kinh doanh thì cải cách được bắt đầu ngay từ ngày đầu của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi (từ năm 1986 đến khoảng 2000), thị trường ở nước ta còn sơ khai; yêu cầu cải cách thể chế kinh tế nhìn chung không phức tạp. Lúc đó chỉ cần thừa nhận, mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh thì đã là... cải cách vượt bậc, mở ra cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân phát triển.
Tuy vậy, thực tế phát triển giai đoạn 2009-2010 cho thấy cải cách thể chế như vậy là chưa đủ; và do đó Đại hội XII đã xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược; và trọng tâm của nó là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện thực hóa chủ trương nói trên, Chính phủ đã đi một bước xa hơn là thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt. Do đó, các tiêu chuẩn của WB, WEF và một số xếp hạng toàn cầu khác đã được áp dụng. Tuy vậy, cũng có quan điểm là ta phải xây dựng tiêu chuẩn riêng của ta. Thế là ta trễ mất mấy năm.
. Vậy đến khi nào thì chúng ta bắt đầu một cách dứt khoát là phải lấy chuẩn quốc tế để đi theo con đường mà cả thế giới đang đi, ít nhất là trong kinh doanh?
Đó là thời điểm 2013-2014, đó là lúc Nghị quyết 19/2014 đầu tiên được ban hành và thực thi. Các tiêu chuẩn, tinh thần "tạo thuận lợi nhất cho kinh doanh" của Doing Business mà World Bank đã thể hiện trong cả tư duy và nội dung của nghị quyết. Áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế là thay đổi có tính đột phá, vì nó định vị được Việt nam trên bản đồ phát triển của thế giới và tạo một sức ép buộc chúng ta phải "tiến cùng thời đại". Nếu không cải thiện được vị thế của chúng ta trong khu vực và thế giới thì có thể nói đó là một sự "xấu hổ". Ta ở vị trí nào thì cứ nhìn vào các bảng xếp hạng toàn cầu là biết; và chính đó là thông điệp quốc gia thay đổi. Nếu chúng ta luôn đứng ở nhóm có tốc độ cải cách và phát triển "loại nhất thế giới" thì chắc chắn nước ta sẽ thu hẹp, tiến kịp và sẽ sớm đứng vào nhóm các quốc gia phát triển.
Đến bây giờ, sau bảy năm duy trì tinh thần của Nghị quyết 19 (sau này là Nghị quyết 02của chính phủ), chúng ta đã có những kết quả đáng khích lệ để tiếp tục thay đổi. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc, đầu tư tư nhân tăng, khu vực FDI ổn định, hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cải thiện và vị trí xếp hạng của Việt nam trên tất cả xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh đã cải thiện, thậm chí có lĩnh vực chúng ta đã tăng nhiều chục bậc.
Tạo không gian phát triển mới, đón "đại bàng" làm tổ
. Đọc chiến lược 2021-2030, tôi thấy Đại hội XIII lần này đặt ra vấn đề tăng trưởng theo chiều sâu và dùng thị trường như là một cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực rất mạnh.
Điều đó là dễ hiểu, vì trước đây khi mở thị trường thì Việt Nam lúc đó đang tăng trưởng theo chiều rộng, tức là còn nhiều dư địa gia tăng số lượng lao động, số lượng vốn và khai thác tài nguyên để tăng trưởng. Cứ mở thị tường ra thì quy mô nền kinh tế gia tăng thêm. Nhưng hiện nay, nguồn lực và dư địa đã bắt đầu có dấu hiệu "tận khai" thì văn kiện phải nhấn mạnh đến hiệu quả sử dụng nguồn lực và khoa học công nghệ. Mà nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì chỉ có thị trường mới làm được. Không ai làm tốt hơn thị trường cả.
Khi doanh nghiệp, người dân càng tin tưởng, càng đầu tư lớn, đầu tư sâu thì càng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực phát triển của đất nước. Trong ảnh: Nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trên cơ sở mở rộng thị trường như vậy thì đồng thời là đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục và cùng với cạnh tranh thị trường buộc người ta phải đổi mới sáng tạo. Làm như vậy, chúng ta vừa đạt được tăng trưởng cao, liên tục gia tăng quy mô và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ như vậy mới vượt được bẫy thu nhập trung bình, khắc phục được sự khan hiếm về nguồn lực như văn kiện chỉ ra.
. Trong chiến lược 2021-2030 trình Đại hội XIII lần này cũng đề cập đến những "hạn chế, yếu kém" của thể chế mà căn bản nhất vẫn là chưa thay đổi đúng với tiềm năng, cơ chế phân bổ nguồn lực cũng chưa thay đổi căn cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Điểm yếu cốt tử của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực quá thấp; và thể chế phân bố nguồn lực theo hành chính xin cho chính là nút thắt phải gỡ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nếu cứ như vậy thì không nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn lực, không tạo áp lực và dư địa cho áp dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ta hãy lấy Đông Nam bộ làm ví dụ. Ở đó hiện có các KCN, KCX lớn nhất cả nước. Nhưng hiện nay tính hiện đại của nó ra sao; có tiếp tục duy trì được năng lực cạnh tranh hay không? Có tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong tương lai được nữa không? Khó! Vậy thì phải thay đổi để cho những "dòng" công nghiệp mới hiện đại hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn thay thế cho các ngành công nghiệp hiện nay ở khu vực này. Nhưng vấn đề lại là không gian cho thay đổi ở đâu? Bình Dương, Đồng Nai hay Vũng Tàu có còn dư địa để đón thay đổi đó hay không? Nếu không thay đổi thì những nơi này có... đón được "đại bàng" vào làm tổ không?
Như vậy, một trong các yêu cầu tiên quyết là phải chuyển đổi hoặc tái cơ cấu các KCN, KCX này và chỉ có thị trường nhân tố sản xuất mới làm được điều đó.
Thiết kế niềm tin cho người dân, doanh nghiệp
. Ông kỳ vọng gì vào Đại hội XIII, vào những định hướng chiến lược mà Đảng đã xác định?
Tôi nghĩ nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khó khăn. Bởi thế giới vẫn đang đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nhiều biến động khác. Còn trong nước, như văn kiện Đại hội XIII nhận định, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn "lơ lửng", động lực tăng trưởng không còn như trước, đặt ra yêu cầu đổi mới về thể chế, một nhiệm vụ rất khó khăn.
Cũng chính vì vậy, chiến lược 2021-2030 của Đảng đã xác định quan điểm "lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế làm điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước". Trọng tâm của nó phát triển các thị trường nhân tố sản xuất và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo thị trường...
Cùng đó là phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước. Chúng ta có hy vọng để tin rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021-2030 thì doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn, trong đó có đầu tư vào khoa học công nghệ.
Khi doanh nghiệp, người dân càng tin tưởng, càng đầu tư lớn, đầu tư sâu thì đất nước càng có điều kiện để áp dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực. Kết quả là khi đó, doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam mới đủ lớn, đủ sức tận dụng các lợi thế mà đất nước trong nhiều nhiệm kỳ qua đã nỗ lực đạt được. Nền kinh tế của một quốc gia chỉ có thể lớn mạnh nếu Nhà nước tạo điều kiện và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, liên tục củng cố, gia cố và bảo vệ an toàn kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để các chủ thể này lớn mạnh, vững vàng, trở thành rường cột.
Vì suy cho cùng, Đảng đã xác định: Người dân chính là chủ thể của đất nước này.
. Xin cám ơn ông.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III: Lãnh đạo đấu tranh thống nhất đất nước Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951), Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến kiến quốc giành nhiều thắng lợi quan trọng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 là đòn quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra và được đế...