Hiếm, lạ đặc sản “cá nhảy” ở Sơn La
Những con cá nhỏ đang còn sống, nhảy tanh tách trong chậu được người Thái ở Sơn La chế biến trực tiếp và đưa lên miệng. Không ai bảo ai, thực khách nào cũng xuýt xoa khen ngợi và ngưỡng mộ về một nền ẩm thực độc đáo.
Cùng với pa pỉnh tộp – món cá nướng đặc biệt của người Thái ở Sơn La thì cá nhảy cũng là món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình. Đặc biệt, người dân nơi đây rất chuộng cá suối vì hương vị thơm ngon đặc trưng. Từ cá có thể chế biến thành nhiều món: cá kho, rán, nướng, gỏi hoặc làm khô để dự trữ, nhưng món cá nhảy vẫn được coi là lạ lẫm và độc đáo nhất.
Món cá nhảy tuy cách chế biến khá đơn giản nhưng lại kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng. Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Cá để làm món cá nhảy chỉ to bằng ngón tay.
Mỗi năm người dân chỉ được một mùa lúa nước. Khi bắt đầu cấy cũng là mùa cá chép đẻ trứng. Lúc này, họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng. Đợi đến mùa lúa chín vàng, bà con chỉ việc tháo nước ở ruộng ra và bắt cá chép về. Cá ở đây chỉ ăn hoa gạo nên rất bé, chỉ bằng ngón tay hoặc to hơn một chút.
Muốn có món cá nhảy đúng chuẩn, người dân phải chọn loại cá được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, thả vào chậu nước sạch thấy còn bơi khoẻ là đạt yêu cầu. Cầu kỳ hơn, có người đem cá rửa thật sạch xong ngâm vào chậu nước muối để cá tiết hết những thứ bẩn ở trong. Sau đó, họ mang ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa.
Món này chế biến khá đơn giản nhưng yêu cầu phải đầy đủ nguyên liệu, bao gồm lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng. Những nguyên liệu này vừa tạo vị, vừa có tác dụng làm bớt mùi tanh của món cá nhảy
Mắc khén là nguyên liệu không thể thiếu nếu muốn món ăn đúng vị.
Khi ăn, người ta bắt cá trực tiếp từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Mỗi thực khách dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay, món ăn có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức.
Video đang HOT
Cá nhảy là món ăn phổ biến tại các gia đình người Thái ở Sơn La.
Điều đặc biệt của người Thái ở Sơn La khi ăn món cá nhảy là thường ăn vào buổi trưa với sự tham gia của đông người trong không khí ấm cúng, đoàn kết. Đây cũng chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được đồng bào lưu giữ.
Nhiều người khi chứng kiến cách chế biến thì cho rằng đây là đây là món ăn thiếu an toàn vệ sinh. Tuy nhiên với đồng bào dân tộc Thái, đây lại là món ăn hiếm khi thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình, nó thể hiện bản sắc và văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Theo Dân trí
Đặc sản Tây Bắc: Cá đang bơi nhảy đưa ngay lên miệng nhai ngon lành
Nhắc đến đặc sản "cá nhảy" của người Thái Tây Bắc nhiều người không khỏi rùng mình, bởi những con cá còn bơi nhảy, giẫy giụa trong chậu được đưa lên miệng một cách ngon lành.
Đối với người lần đầu nhìn thấy sẽ coi đây là món ăn kinh dị nhưng với người Thái thì đây là ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn.
Mỗi dân tộc đều có văn hóa, phong tục tập quán và thú vui ẩm thực khác nhau. Với người Thái Tây Bắc cũng vậy, họ có văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú đặc sắc, mang đậm chất núi rừng.
Bên cạnh những món ăn giản dị có nguyên liệu từ tự nhiên, người Thái Tây Bắc còn có những món vô cùng độc đáo, tiêu biểu như món cá nhảy - một số món ăn mới nhắc tên đã khiến nhiều người rùng mình, nổi da gà vì kinh dị.
Đặc sản cá nhảy gồm có cá tươi sống được bắt từ sông, suối, ao, hồ... mang về ăn ngay khi vẫn còn bơi trong chậu.
Những con cá dùng làm cá nhảy còn tươi sống khi vớt ra rổ có con vẫn còn nhảy tanh tách, nhưng cũng có con đã chết như thế này...
Được chứng kiến cách chế biến và thưởng thức món cá nhảy của người Thái, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: từ cảm giác ghê sợ đến ngon miệng. Các cụ cao niên người Thái kể rằng, cá nhảy là món ăn truyền thống hấp dẫn có từ lâu đời của người Thái, khi ăn phải có đông người. Món cá nhảy thường được làm để đãi khách lúc nhà có công có việc hoặc khách phương xa đến chơi nhà.
Khi ăn, cá được trộn với gia vị.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lèo Minh Trọng, ở xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)- một người có thâm niên chế biến món cá nhảy cho biết: "Cá nhảy là món ăn quen thuộc của người Thái chúng tôi, đặc sản này tuy đơn giản nhưng để làm thực sự ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Đó là phải có sự chuẩn bị và tổng hợp của nhiều loại gia vị và rau. Cá được chọn phải là những con cá sống ở nước sạch như sông, suối, ao, hồ.... Và phải là cá chép, cá rô phi nhỏ có kích thước bằng 2 ngón tay người lớn đổ lại".
Cá được chọn để làm món cá nhảy chủ yếu là cá chép, cá rô phi... loại nhỏ.
"Sau khi bắt cá ngoài ao, suối về sẽ đem thả vào chậu nước sạch ngâm trong thời gian từ 1 - 2 giờ. Việc làm này nhằm để cá bài tiết hết các chất tạp trong cơ thể ra ngoài, sau đó rửa thật sạch bằng nước nhiều lần. Lưu ý không được làm cá chết, vì như vậy cá sẽ mất hết vị ngon", ông Trọng tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Hoa chuối rừng thái nhỏ khi sử dụng làm món cá nhảy.
Một trong những yếu tố quyết định độ ngon của món cá nhảy chính là gia vị ăn kèm với cá, như: Hoa chuối rừng, rau thơm...Hoa chuối rừng thái nhỏ ngâm nước muối pha loãng trong thời gian từ 15 - 20 phút cho tiết hết dịch nhựa, vớt để ráo nước. Sau đó hòa trộn với rau thơm, húng, mùi... và các loại gia vị muối, mì chính, tỏi, ớt, lạc rang.
"Đặc biệt, một trong những gia vị không thể thiếu đó là hạt mắc khén và nước măng chua (đặc sản chỉ người Thái mới có) đem hòa quyện sẽ tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng, gia vị sẽ át đi mùi tanh của cá...", ông Lèo Minh Trọng cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết.
Lạc rang là một trong những nguyên liệu quan trọng tạo nên độ ngon, bùi của món ăn.
Khi ăn, cá được thả từng con vào bát gia vị theo nhu cầu người ăn, đảo đều rồi gắp lên miệng ăn ngay. Đặc biệt là không được ngâm cá quá lâu, nếu cá chết sẽ mất đi vị ngọt giòn của thịt cá.
Thông thường có thể ăn cá nhảy ghém với lá sung, đinh lăng, lá vả... để món ăn thêm nhiều hương vị, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, món cá nhảy không phải ai cũng có gan để thưởng thức. Bởi đặc sản này rất kén người thưởng thức, đòi hỏi phải có lòng can đảm. Bởi khi đưa cá lên miệng chúng vẫn còn giẫy giụa, nhảy tanh tách. Nhưng với những người đã ăn quen thì đây được coi là một đặc sản độc đáo, ngon và hấp dẫn.
Khi ăn đặc sản cá nhảy sẽ có vị ngọt giòn của cá, bùi bùi của lạc và hoa chuối rừng, vị cay của ớt tỏi, thơm nồng của hạt mắc khén và vị chua của nước măng chua.
Các nguyên liệu phải được hòa trộn trước khi ăn cá nhảy.
Hiện nay, món cá nhảy không chỉ là món ăn hấp dẫn của đồng bào dân tộc Thái mà trở thành món ưa thích của nhiều du khách khi đến với mảnh đất Tây Bắc, trở thành món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái.
Món cá nhảy phải có đông người cùng thưởng thức.
Theo Danviet
Rùng mình 4 món ăn tươi sống vẫn "ngoe nguẩy" trong miệng Những con cá, tép nhỏ hay bạch tuộc... vẫn đang còn sống, nhảy tanh tách trong chậu không qua chế biến mà ăn kèm trực tiếp cùng gia vị. Tuy có vẻ ngoài "đáng sợ" nhưng các món ăn này được xem là đặc sản bởi hương vị đặc trưng khó quên. Kỳ lạ món cá nhảy của người Thái ở Sơn La,...