Hiểm họa từ thiết bị Android giá rẻ
Đại diện Mobiistar cho biết, sẽ xem xét việc cập nhật phiên bản hệ điều hành mới cho điện thoại Touch S01.
Việc nhiều hãng sản xuất thiết bị android giá rẻ không cập nhật phần mềm cho các sản phẩm của mình đã khiến người dùng phải đối mặt với nhiều hiểm họa.
Nhiều sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thông tin
Khi hệ điều hành Android ra đời và hoàn toàn miễn phí, rất nhiều hãng sản xuất máy tính bảng, điện thoại thông minh giá rẻ đã nhanh chóng tung ra thị trường Việt Nam hàng loạt sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Có thể kể đến những chiếc smartphone thương hiệu Việt với tên gọi Zik của Viettel, S10 của Q-Mobile, máy tính bảng PI, smartphone F6 của FPT hay mới đây là máy tính bảng Bipad, điện thoại mobiistar Touch S01, Q-Mobile S11…
Đây là những chiếc smartphone, máy tính bảng có giá rất rẻ, nằm ở phân khúc dưới 5 triệu đồng và đều được tích hợp hệ điều hành Android phiên bản khá cũ là 2.0 đến 2.3… Đây là những phiên bản mà theo các chuyên gia bảo mật cảnh báo rất nhiều lỗi. Cụ thể, theo ông Timothy Armstrong, thuộc nhóm Nghiên cứu và phân tích toàn cầu của Kaspersky Lab GREAT, Android 2.2 là phiên bản được ứng dụng phổ biến nhất trên các thiết bị hiện nay, đồng thời cũng là mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Có rất nhiều phương thức tấn công lợi dụng quyền điều khiển ưu tiên nhắm vào phiên bản này.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng của Bkav cho biết, người dùng sử dụng điện thoại Android ở các phiên bản như 2.3 cũng gặp rất nhiều nguy cơ về bảo mật, dễ bị tấn công. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là phần lớn các malware vẫn do người dùng tự tải về, có thể từ các nguồn không chính thức của Google hoặc malware vượt qua được kiểm duyệt của Google và được đưa lên Google Play (trước kia là Market), gây nguy hiểm cho người dùng.
Điều đáng nói là mặc dù Google đã tiến hành cập nhật các bản vá lỗi ở từng phiên bản, tuy nhiên đa số các hãng sản xuất thiết bị Android giá rẻ lại không cập nhật cho thiết bị của mình. Chẳng hạn như Q-Mobile S10, mặc dù ra mắt cả năm nhưng đến nay máy vẫn không có một đợt cập nhật mới nào cho người dùng. Hay mới đây, khi Mobiistar ra mắt Touch S01, khi hỏi về vấn đề cập nhật phiên bản hệ điều hành mới, nhà sản xuất cũng chỉ trả lời sẽ xem xét lại. Các máy tính bảng Android giá rẻ của nhiều nhà sản xuất cũng rơi vào tình trạng tương tự, hậu quả là người dùng bị “bao vây” bởi những mối hiểm họa như nhận định của các chuyên gia bảo mật ở trên.
Nên dùng các phần mềm bảo mật
Theo ông Timothy Armstrong, thuộc Nhóm Nghiên cứu và phân tích toàn cầu của Kaspersky Lab GREAT, cách bảo vệ duy nhất dành cho thiết bị dùng các phiên bản cũ của Android không được cập nhật bản vá lỗi là người dùng sử dụng những phần mềm bảo mật cho phép phát hiện, diệt malware và các cách thức tấn công lợi dụng Root. Phương thức tấn công lợi dụng các lỗi root này cho phép hacker nắm toàn quyền kiểm soát thiết bị di động và cài đặt backdoor cũng như các malware khác mà người dùng hoàn toàn không hay biết. Rất nhiều trường hợp bị tấn công như vậy đã được Kaspersky Lab ghi nhận trong đó người dùng bị đánh cắp tiền và thông tin cá nhân.
Còn ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng của Bkav cũng khuyên rằng, người dùng không nên cài các phần mềm từ những nguồn không chính thức của Google, biện pháp kỹ thuật an toàn nhất vẫn là cài đặt phần mềm mobile security dành cho Android để phát hiện và ngăn chặn malware. Tuy nhiên, ông Đức cảnh báo, việc bảo mật kém của hệ điều hành Android không chỉ nằm ở phân khúc sản phẩm giá rẻ. Nhiều điện thoại hay máy tính bảng ở dòng cao cấp cũng dùng hệ điều hành Android 2.3, nếu hãng sản xuất không cập nhật bản vá lỗi thì người dùng sẽ gặp các nguy cơ mất an toàn như nhau, cho dù đó là sản phẩm cao cấp hay bình dân.
Theo vietbao
Video đang HOT
5 sai lầm "chết người" của Nokia
CEO Stephen Elop đang đối mặt với rất nhiều áp lực và chỉ trích vì tình hình kinh doanh "bết bát" của Nokia nhưng điều đáng nói là hàng loạt vấn đề đang diễn ra tại hãng sản xuất điện thoại Phần Lan đã có từ trước khi Elop gia nhập công ty này.
Sau khi tiếp tục đưa ra những dự báo về tình hình tài chính đáng thất vọng của mình, Nokia dường như đang tiếp tục tiến sát hơn đến bên bờ vực thẳm. Mới đây, Nokia cho biết sẽ đóng cửa một loạt các nhà máy của mình tại Phần Lan, Đức và Canada đồng thời sa thải trên 10 ngàn công nhân (khoảng 10% lực lượng lao động) làm việc tại đây cùng nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của hãng vào cuối năm 2013.
Công bằng mà nói, nếu Nokia trì trệ và đánh mất vị thế của mình trên thị trường, đó chắc chắn không phải là lỗi của giám đốc điều hành Elop. Mặc dù vậy, ông Stephen Elop vẫn còn có cơ hội để kéo công ty thoát khỏi tình cảnh bi đát như hiện nay. Nhưng trước hết, có lẽ cả Nokia và vị lãnh đạo của mình cần phải thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm của chính họ mới có cơ may "đổi vận".
Trang công nghệ Cnet vừa đăng tải một bài viết chỉ ra 5 sai lầm "chết người" của Nokia:
1. Không bao giờ nhảy vào xu hướng điện thoại gập:
Nokia đã không thể tận dụng được xu hướng điện thoại gập vốn rất được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng
Một trong những sai lầm đầu tiên và lớn nhất của Nokia là không tận dụng được xu hướng điện thoại gập vốn rất được người tiêu dùng ở Mỹ ưa chuộng từ đầu những năm 2000. Trước đó Nokia đã từng có một vị trí cao trên thị trường Mỹ và gần như tất cả mọi người đều từng có một chiếc điện thoại phong cách dạng thanh từ Nokia.
Tình thế bắt đầu thay đổi khi một loạt mẫu điện thoại cao cấp từ các hãng đối thủ bắt đầu đặt chân đến Mỹ và hướng người tiêu dùng nước này tìm đến với dạng điện thoại nắp gập. Tất nhiên, đáng chú nhất là mẫu điện thoại Motorola Razr phiên bản đầu tiên. Motorola Razr đã nhanh chóng gặt hái được thành công ngoài mong đợi và với sản phẩm này, Motorola đã thực sự đe dọa một phần "miếng bánh" thị trường của Nokia.
Phản ứng của Nokia trước động thái mới của các đối thủ là sản xuất thêm nhiều mẫu điện thoại dạng thanh hơn. Ở địa vị thống trị của mình (có thời điểm Nokia đã kiểm soát tới 2/3 thị trường điện thoại), Nokia có thể đủ khả năng để bán những chiếc điện thoại giống hệt nhau trên khắp thế giới thay vì điều chỉnh chúng cho những thị trường cụ thể. Việc Nokia miễn cưỡng sốt sắng sản xuất những chiếc điện thoại nắp gập đã gây tổn thất cho hãng ở thị trường Mỹ, nơi mà hãng sản xuất điện thoại Phần Lan không hề có một sự hiện diện lớn hơn trong hơn một thập kỷ.
2. Tiếp tục bỏ qua thị trường Mỹ:
Nokia không có khả năng sản xuất những chiếc điện thoại tùy biến cho thị trường Mỹ cũng như không thể "kết thân" với các nhà mạng nước này. Chính điều đó lại càng khiến cho thị phần thị trường của Nokia tại Mỹ sụt giảm mạnh. Chiến lược "đường của tôi hoặc đường thẳng" của Nokia về lĩnh vực điện thoại di động đã khiến hãng không thể ngồi cùng bàn với các hãng viễn thông, vốn rất thích những công ty nhanh nhẹn hơn như Motorola.
Ngoài ra, Samsung và LG cũng đang ngày càng được hưởng lợi khi dành được nhiều thiện cảm từ phía các nhà mạng Mỹ. Chính vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi ảnh hưởng của hai hãng này trong ngành công nghiệp đã tăng mạnh trong thập kỷ qua.
Thay vì thế, Nokia lại tự làm lu mờ mình đi và chỉ bằng lòng là một thương hiệu phù hợp với những người hâm mộ trung thành. Nokia đã đặt những cửa hàng riêng của họ tại các thành phố lớn như New York, trực tiếp bán điện thoại cho khách hàng mà không đi kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ mạng, điều đó có nghĩa là hãng phải bán các sản phẩm điện thoại của mình với mức giá cao vì không được các nhà mạng trợ giá. Tất nhiên sẽ chỉ có một nhóm nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn như vậy để mua điện thoại Nokia.
Quan trọng hơn, sự hiện diện tối thiểu của Nokia tại Mỹ cũng đồng nghĩa với việc hãng không được khai thác vào thị trường này khi chuyển sang sản xuất smartphone theo mốt.
3. Không nhận ra mối đe dọa từ điện thoại iPhone của Apple:
Nokia không hề nhận ra mối đe dọa số 1 từ phía iPhone
Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên của Apple đã làm chấn động thị trường và thay đổi sự mong đợi về những gì mà mọi người có thể làm với một chiếc điện thoại thông minh. Chỉ có điều, iPhone không thể ngay lập tức được tất cả người tiêu dùng đón nhận bởi nhiều người trong số họ vẫn cảm thấy thoải mái với những nền tảng cũ kỹ và rườm rà hơn như Windows Mobile, Palm OS và cả hệ điều hành Symbian của Nokia.
Đặc biệt, Nokia không hề cảm nhận được mối đe dọa từ phía iPhone. Hãng sản xuất điện thoại Phần Lan vẫn tự tin với ngôi vị số 1 trong lĩnh vực smartphone và khi được hỏi về iPhone, ban lãnh đạo của công ty này sẽ vẫn thường xuyên tâng bốc chiếc điện thoại của đối thủ.
iPhone thế hệ đầu có mức giá khá cao, điều đó khiến cho chiếc điện thoại này trở thành một thứ xa xỉ đối với những người đam mê các món đồ công nghệ. Tuy nhiên, khi Apple kí kết hợp đồng với hãng viễn thông AT&T để giảm giá bán iPhone xuống còn 200 USD, chiếc điện thoại này nhanh chóng trở thành một sản phẩm chủ đạo và là một mối đe dọa đáng sợ đối với tất cả các nhà sản xuất điện thoại di động lớn khác. Sự có mặt của iPhone cũng thúc đẩy Apple trình làng App Store và kho ứng dụng này đã gắn kết người tiêu dùng vào một thế giới ứng dụng chỉ hoạt động trên hệ điều hành iOS.
Nokia cũng có cửa hàng ứng dụng riêng của hãng này nhưng nó không đủ hấp dẫn như những gì mà các nhà phát triển có thể làm với iOS. Tại thời điểm đó, rõ ràng Nokia đã mất rất nhiều thứ vốn đã góp phần duy trì thương hiệu của hãng. Kết quả là Nokia bắt đầu phải chứng kiến sự sụt giảm thị phần ngày càng mạnh mẽ của mình.
4. "Chung tình" với Symbian quá lâu
Nokia tụt hậu vì quá "chung tình" với hệ điều hành Symbia già cỗi
Symbian đã trở nên vô cùng già cỗi khi iPhone xuất hiện nhưng những đổ vỡ mới thực sự bắt đầu xuất hiện khi hệ điều hành Android của Google trở thành nền tảng di động số 1 trên thị trường. Android đã mang đến cho các nhà sản xuất điện thoại khác một hệ điều hành di động thời thượng mà họ có thể sử dụng để cạnh tranh với iPhone và nhiều hãng sản xuất đã nhanh chóng nhảy vào cuộc chơi này.
Motorola, vốn phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình sau khi ánh hào quang của điện thoại Razr đã bị lu mờ, đã "se duyên" với Android và ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía hãng viễn thông Verizon Wireless. HTC thì nhanh chóng sử dụng Android và cũng ngay lập tức hưởng lợi từ hệ điều hành này. Samsung, LG theo sau chậm hơn trong cuộc chơi này nhưng hơn ai hết, họ đang tiến những bước tiến lớn nhờ Android.
Tuy nhiên, Nokia lại tỏ ra quá "cứng đầu" khi vẫn bấu víu vào Symbian. Thậm chí công ty này còn đầu tư gấp đôi vào nền tảng già cỗi của họ. Ban đầu Nokia thâu tóm Symbian với mục đích phân phối hệ điều hành này như một giấy phép mã nguồn mở. Trong năm 2008, Nokia đã phát hành Symbian như một phần của liên minh phần mềm Symbian Foundation do Nokia khởi xướng. Liên minh này là tập hợp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ Symbian. Tuy nhiên, Symbia không hoạt động và Nokia buộc phải giải tán liên minh này 2 năm sau đó. Đó cũng là lúc ông Elop cảm thấy rằng Nokia đã có đủ sự can đảm để từ bỏ Symbian như nền tảng chính của hãng này.
5. Lựa chọn sai nền tảng thế hệ kế tiếp
MeeGo, thêm một sai lầm đáng tiếc của Nokia
Nokia có thể đã cố bám víu lấy Symbia bởi những nỗ lực riêng của hãng này nhằm tạo ra một hệ điều hành smartphone mới. Nokia có thể không còn muốn nhớ đến Maemo. Maemo được cho là hệ điều hành smartphone kế tiếp của Nokia dựa trên Linux.
Còn nhớ Intel đã từng muốn nhảy vào lĩnh vực kinh doanh smartphone và đã phát triển một hệ điều hành dựa trên Linux riêng của hãng có tên là Moblin. Trong năm 2010, Intel đã kết hợp nền tảng Linux của mình và nền tảng Maemo của Nokia để tạo thành MeeGo. Tuy nhiên, hệ điều hành MeeGo mới này chỉ khiến gây ra thêm nhiều sự chậm trễ hơn nữa mà thôi.
Đó là điều hiển nhiên bởi MeeGo chưa sẵn sàng cho thời gian đầu sau khi Elop chuyển trọng tâm của Nokia sang Microsoft và Windows Phone như là nền tảng chính của nhà sản xuất điện thoại Phần Lan.
Năm ngoái, Nokia đã ra mắt mẫu điện thoại N9 hoạt động trên hệ điều hành MeeGo nhưng sau đó, Nokia đã nghĩ lại và biến N9 thành một chiếc điện thoại khác thường bằng cách sử dụng một hệ điều hành "đã chết". Tuy nhiên, dù sao N9 cũng đã trở thành cơ sở cho dòng điện thoại thông minh Lumia ít nhiều đình đám sau này của Nokia
Theo vietbao
OneTV ra mắt dịch vụ "Giáo dục Đào tạo" Từ ngày 08/05/2012, Trung tâm Phát triển Dịch vụ Truyền hình OneTV thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) bổ sung dịch vụ "Giáo dục Đào tạo" trên hệ thống. Dịch vụ "Giáo dục Đào tạo" của OneTV chắc chắn sẽ đem đến một phương tiện học tập mới thuận lợi và tiết kiệm thời gian vào đúng thời điểm...