Hiểm họa của hố ngăn cách giàu-nghèo ở Trung Quốc
Việc 1% dân số chiếm hơn 30% tài sản quốc gia dẫn đến tình trạng bất bình đẳng sâu sắc và khiến cho xã hội Trung Quốc trở nên bất ổn.
Một công trình nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh công bố vào ngày 25/7 bộc lộ tình trạng bất bình đẳng xã hội “khủng khiếp” ở Trung Quốc, với 1% dân số giàu có chiếm hơn 30% tài sản của quốc gia, trong khi 25% các hộ gia đình ở dưới đáy xã hội chỉ sở hữu có 1% tài sản quốc gia”. Chính tờ People’s Daily đã đăng tải thống kê nói trên của Đại học Bắc Kinh. Lý do chính khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng một phần là do chênh lệch thu nhập “một trời, một vực” giữa thành thị và các khu vực nông thôn xa xôi hẻo lánh.
Sự bất bình đẳng giàu nghèo ở Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn của Deutsche Welle (Làn sóng Đức), nhà văn, luật sư, nhà kinh tế học James Rickards cho biết Trung Quốc ngày nay đã vượt xa Mỹ về sự bất bình đẳng về thu nhập. Trung Quốc thậm chí còn đang tiến đến sự bất bình đẳng sâu sắc tạo nên một xã hội đầy bất ổn.
Video đang HOT
Làm giàu qua tham nhũng, lợi dụng chức quyền
Theo học giả Rickards, bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc có thể lý giải bởi tham nhũng và tình trạng “con vua rồi lại làm vua”. Trong giai đoạn những năm 1980-1990, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cải cách hệ thống các doanh nghiệp nhà nước (SOES). Một số doanh nghiệp nhà nước phải đóng cửa, một số được tư nhân hóa trong khi số khác vẫn được duy trì.
Tuy vậy, cổ phiếu từ các công ty tư nhân hoặc các tập đoàn nhà nước lại rơi vào tay các gia đình quyền thế, các “công thần” từng chiến đấu cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông hồi những năm 1930. Trong quá trình đầu tư và phát triển, các doanh nghiệp này thu về lợi nhuận khổng lồ nhưng sau đó chủ yếu chỉ chia cho chủ sở hữu và các nhà quản lý cao cấp mà không hề quan tâm đến người lao động.
Sự bùng nổ này tiếp tục vượt ra ngoài giới hạn của một sự mở rộng thông thường qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phần nhiều trong số đó là các dự án lãng phí. Trên thực tế, tài sản của Trung Quốc đang bị rơi vào túi các doanh nghiệp trong nước và các công ty tư nhân có quan hệ mật thiết với chính quyền.
Sự bất bình đẳng trong nền kinh tế Trung Quốc
Bất bình đẳng về thu nhập luôn là một vấn đề toàn cầu, ông James Rickards cho biết. Điều này ít ảnh hưởng ở Bắc Mỹ hay châu Âu do luật pháp nghiêm khắc và trao cơ hội cho những người đi lên từ hai bàn tay trắng.
Học giả James Rickards tin rằng sự bất bình đẳng trong thu nhập ở Trung Quốc là một điều đáng lo ngại
Trong khi đó, kể từ một kỷ nguyên mới của thời kỳ toàn cầu hóa năm 1989, Trung Quốc và Nga đã trở nên giàu có hơn. Đây là một cơ hội làm giàu cho tầng lớp thượng lưu, đám quan tham và các chủ doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với công quyền. Nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Nga và Trung Quốc khác với Mỹ, nhưng kết quả thì lại giống nhau vì nó đe dọa ổn định xã hội.
Đã có dấu hiệu cho thấy đám quan chức tham nhũng không hề quan tâm đến ổn định xã hội. Họ sẵn sàng vơ vét thật nhiều tiền và chuồn ra nước ngoài, để lại đằng sau một xã hội mất ổn định.
Các giải pháp mà chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng
Theo học giả James Rickards, Trung Quốc có thể tái cân bằng kinh tế bằng việc đầu tư công một cách hiệu quả hơn, tránh đầu tư lãng phí làm lợi một số nhóm lựoi ích ít ỏi ở Trung Quốc. Ngoài ra, việc đầu tư theo hướng tiêu dùng và dịch vụ, đem đến nhiều cơ hội hơn cho tầng lớp trung lưu.
Người dân nghèo Trung Quốc không có tiếng nói trong xã hội
Trung Quốc cũng có thể đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục để mọi người dân có thể tham gia vào công việc tạo ra giá trị cao hơn, từ đó nhận được một phần lớn hơn trong tổng giá trị tài sản của quốc gia. Trung Quốc cũng có thể tăng cường thực thi luật pháp, chống tham nhũng, hối lộ và kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng trốn thuế và “ôm tiền” chạy ra nước ngoài.
Theo Tri Thức