Hiểm họa “anh hùng rơm”
Nổi máu yêng hùng, một gã trai xông vào đánh chém một thanh niên không quen biết chỉ vì thấy ghét mái tóc nhuộm kiểu sếu đầu đỏ của anh này… Ngày càng nhiều những vụ thanh niên tuổi đôi mươi, thậm chí có người chưa thành niên, gây trọng án chỉ vì nguyên nhân nhỏ nhặt, “lãng xẹt”… Những cái chết trẻ cảnh báo cách hành xử tàn ác, vô cảm, coi thường pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay.
Dùng dao bầu hòa giải mâu thuẫn
Ngày 20/12, TAND TP.Hà Nội xét xử bị cáo Ngô Đức Toàn (23 tuổi, quê Hải Phòng) về tội “Giết người”. Toàn chính là hung thủ đâm chết anh Vũ Mạnh Cường (27 tuổi, quê Thanh Hóa) ngay trong bữa tiệc giao lưu đầu năm giữa hai nhà hàng Hòa Lạc Viên và Gà Trống Vàng vào tối 2/3/2011.
Tối đó, sau màn chúc rượu tưng bừng, Toàn tiếp tục ở quán ăn uống thì nghe tin một nữ đồng nghiệp là Hồ Thị Oanh (21 tuổi) bị một nam nhân viên nhà hàng Hòa Lạc Viên theo về tận phòng trọ gây chuyện. Mới chỉ nghe phong thanh có tin như vậy chứ chưa biết thực, hư ra sao nhưng Toàn đã nổi máu côn đồ, muốn ra tay “anh hùng cứu mỹ nhân” nên lập tức hắn ta và một nhóm người nữa hung hăng tới giải quyết…
Tới nơi, Toàn thấy có anh Vũ Mạnh Cường đang ở đó liền xông tới vớ con dao trong phòng đâm vào bụng nạn nhân một nhát chí mạng. Anh Cường đã tử vong do bị mất máu cấp.
Tại tòa, bị cáo Ngô Đức Toàn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và phải nhận án tù chung thân. Gia đình bị hại là không giấu được nỗi đau đớn, xót xa. Có mặt tại tòa hôm đó, cha mẹ anh Cường ủ rũ, héo hon bên cạnh cô cháu gái côi cút là con nạn nhân.
Từ ngày cha mất, bé gái sống nhờ sự cưu mang của ông bà nội, từ đồng công bèo bọt kéo xe ba gác. Mẹ của cháu bé – vợ anh Cường – sau ngày chồng mất đã để lại con gái cho ông bà nội cháu nuôi dưỡng để về Yên Bái buôn bán làm ăn.
Cảnh, Dũng, Sơn, Thoại cùng hầu tòa về tội “Giết người”.
Nhận án tù chung thân, bị cáo Toàn nhanh chóng bị áp giải trở về trại giam. Trong khi đó, bố mẹ bị hại cũng dắt cháu gái thập thõm bước thấp bước cao trở về quê trong nước mắt và tiếng thở dài thườn thượt.
Video đang HOT
Có vẻ như gia đình bị hại không lưu tâm nhiều tới mức án Tòa vừa tuyên cho kẻ giết con trai họ, vì suy cho cùng Tòa tuyên mức án bao nhiêu chăng nữa cũng không bù đắp được nỗi đau của gia đình, xoa dịu được sự mất mát cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con trẻ thành côi cút… Điều mà họ quan tâm lo lắng bây giờ là những ngày sắp tới hai thân già biết phải làm sao để bù đắp những thiếu trước, hụt sau cả về vật chất lẫn tình cảm cho cháu gái của mình…
Tức “sếu đầu đỏ”, lấy mạng đối phương
Ngày 23/12, cũng tại TAND TP.Hà Nội đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ án “Giết người” mà kẻ thủ ác là một nhóm thanh niên tuổi đời từ 17 đến 22 đã vô cớ tước đoạt sinh mạng của một thanh niên 17 tuổi dù giữa hai bên không có thù oán, thậm chí không quen biết nhau. Nhóm côn đồ ra tay tàn ác chỉ vì cho rằng mái tóc nhuộm đỏ của nạn nhân nhìn thấy ghét.
Trưa 2/11/2010, Phạm Văn Cảnh (17 tuổi), Đào Văn Dũng (22 tuổi), Đỗ Hữu Sơn (17 tuổi) và Nguyễn Văn Thoại (20 tuổi, đều ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cùng một nhóm người khác mang theo dao nhọn, đi xe máy tới cổng Trường THPT Phú Xuyên B tìm người để đánh. Cả bọn đợi đến giữa trưa nhưng không thấy đối tượng nên rủ nhau về.
Trên đường về, đến gần Bưu điện xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) bọn chúng gặp anh Nguyễn Cao Cường (17 tuổi) chở chị họ là Nguyễn Thị D.A. bằng xe máy đi ngược chiều. Tốp thanh niên bặm trợn rồ ga xe máy ép sát xe của Cường, một tên trong hội nói: “Sếu đầu đỏ khệnh nhỉ?” (anh Cường nhuộm tóc đỏ). Cường chưa kịp trả lời thì tên khác lên tiếng: “Mày ở đâu?”. Nạn nhân chỉ kịp trả lời “Em ở Guột” thì một tên ngồi phía sau nhảy xuống khỏi xe đấm vào mặt.
Cường ngã ra khỏi xe và bỏ chạy. Nhóm này đã đuổi theo và đâm vào lưng Cường. Nhân lúc nạn nhân loạng choạng, những kẻ này đâm tiếp mặc cho Cường van xin. Thấy nhiều người chạy đến, cả bọn mới thôi. Cường được đưa vào Bệnh viện huyện Phú Xuyên cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong.
Tại tòa, bọn côn đồ khai trưa hôm đó chúng đi xe máy lùng sục tìm để đánh dằn mặt một người tên là Thắng “chéc” nhưng không gặp. Lúc về, chúng gặp anh Cường, nhìn thấy mái tóc “sếu đầu đỏ” của nạn nhân thấy ghét nên xông vào đánh chém hội đồng khiến anh này tử vong. Do lúc phạm tội, bị cáo Sơn và Cảnh mới hơn 16 tuổi nên chúng vẫn được hưởng chính sách hình sự khoan hồng cho dù hành vi của các đối tượng vô cùng côn đồ, tàn ác, đáng phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc.
Kết thúc phiên xử, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Cảnh 18 năm tù (mức án cao nhất đối với vị thành niên phạm tội), Dũng 18 năm tù, Thoại án chung thân, Sơn 11 năm tù cùng về tội “Giết người”.
Báo động cách hành xử vô cảm, bạo lực
Ngày càng nhiều những vụ giết người do các nhóm thanh, thiếu niên gây ra có nguyên nhân rất nhỏ nhặt nhưng do không kiềm chế được. Phần lớn các vụ án đều xuất phát từ tâm lý manh động của một bộ phận thanh, thiếu niên bồng bột xốc nổi, muốn thể hiện bản chất “ anh hùng rơm”, muốn khẳng định cái tôi cá nhân quá lớn của mình. Hầu hết các đối tượng gây án đều có trình độ văn hóa thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế.
Theo Luật sư – Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Hương, mỗi chúng ta, đặc biệt nhóm người trẻ, thanh thiếu niên cần phải trang bị cho mình những kỹ năng sống, làm việc, kỹ năng ứng xử tối thiểu để các mối quan hệ luôn được hài hòa, đúng mực. Trong đó, gia đình và nhà trường chính là môi trường lý tưởng nhất để tuyên truyền giáo dục, trang bị những kỹ năng, kiến thức đó cho thanh thiếu niên. Trước bất cứ tình huống nào, nếu mỗi chúng ta có được thái độ bình tĩnh, thận trọng, lối ứng xử thông minh, đúng mực thì chắc chắn sẽ giảm bớt được những vụ việc đáng tiếc.
Theo PLVN
"4 Yên" vẫn... náo loạn
Vùng đất "4 Yên" (4 xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa và Yên Thắng) của huyện vùng cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang ngày đêm náo loạn bởi các đội quân đào đãi vàng. Họ lật tung các khe suối, những sườn đồi, san phẳng nhiều ngọn núi...
Khi đặt tên cho 4 xã bắt đầu bằng chữ "Yên", hẳn người xưa đã gửi gắm hy vọng về sự bình yên cho người dân ở vùng đất này. Vậy mà 5-7 năm trở lại đây, cuộc sống vùng "4 Yên" không một ngày bình yên.
Người dân sẽ làm gì khi ruộng đất, khe suối bị đào bới tan hoang?
Khoét núi, moi suối tìm vàng
Ông Mộng Văn Hoàn - bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, bức xúc phản ánh với chúng tôi: "Bình yên sao được khi có tới hàng trăm chiếc máy khai thác vàng ngày đêm nổ đinh tai, nhức óc. Bình yên sao được khi khe suối bị băm nát và nhuộm một màu đỏ quạch. Và không thể bình yên khi bao hiểm họa đang rập rình...".
Đúng như lời ông Hoàn, chúng tôi nhận thấy những sông suối lớn nhỏ nơi đây như sông Huổi Nguyên, khe Chà Hạ, khe Líp, khe Chon... giờ đây đều chung một màu ngầu đục bởi tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở tầm "đại quy mô".
Thêm vào đó là các loại máy móc thường xuyên thải dầu xuống dòng nước, thủy ngân dùng để xử lý quặng vàng cũng được thải ra các khe suối làm cho ô nhiễm nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Vi Văn Tùng (bản Pa Ty, xã Yên Tĩnh) cho biết: "Thời gian đầu, trâu bò trong bản có hiện tượng trướng bụng rồi chết mà không ai biết rõ nguyên nhân. Tìm hiểu mới hay là do chúng uống nước khe Chà Hạ, nơi có dòng nước đục quánh và nổi đầy váng dầu".
Khe suối bị đào xới tan hoang gây ô nhiễm nặng. Nhiều nơi hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy bị "vàng tặc" phá hoại khiến các bản làng vùng "4 Yên" thiếu nước sinh hoạt. Tuy nằm giữa hệ thống sông suối chằng chịt nhưng người dân nơi đây phải chắt chiu từng can nước sạch.
"Cơn lốc" tìm kiếm, đào đãi vàng ở vùng "4 Yên" đã kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tứ xứ về đây. Nhiều người dân bản địa thấy vậy cũng chung tiền mua máy nổ và "vòi rồng" để tranh giành với cánh "vàng tặc".
Rập rình hiểm họa
Cách đây 5 năm, có dịp đi qua các xã Yên Na và Yên Hòa, dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng xanh mướt nằm dọc đôi bờ khe Chà Hạ. Những thửa ruộng đã giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống. Vậy mà giờ đây nó đã trở thành những bãi sỏi khổng lồ, ngổn ngang bề bộn.
Cụ Lương Văn Tuyền (bản Bón, xã Yên Na) lo âu: "Không biết ai được hưởng lợi trong việc khai thác vàng, còn dân bản phải nhận về sự mất mát. Mất mát lớn nhất là ruộng đất màu mỡ đã bị xới tung. Không biết rồi đây chúng tôi sẽ cày cuốc ở đâu?".
Việc khai thác vàng sa khoáng bất chấp những quy định của pháp luật chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài. Và những tai họa lớn đang treo lơ lửng ở vùng "4 Yên" chính là nguy cơ sạt lở và lũ quét. Nhiều gia đình cư trú dọc các khe suối đã bị các loại máy xúc, máy ủi khai thác vàng tiến sát đến tận móng nhà. Việc bạt núi, xới tung các sông suối làm biến đổi dòng chảy và sạt lở đất chính là "điều kiện lý tưởng" để hình thành các trận lũ quét.
Mải mê cuốn theo "cơn lốc vàng", không ít người đã bỏ quên nương rẫy. Không ít người dân ở 4 xã đã sa vào các loại tệ nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc, mại dâm...
Điển hình là trận lũ quét cuối tháng 5.2009 khiến 5 người dân xã Yên Tĩnh bị thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoặc bị cuốn trôi, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị nước nhấn chìm, gia súc gia cầm bị trôi theo nước lũ... Mới đây nhất, trận lũ quét cuối tháng 6.2011 đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân vùng đất "4 Yên".
Chúng tôi nhớ tới lời của cụ Tuyền ở bản Bón: "Sự "nổi giận" của núi rừng và sông suối là hết sức ghê gớm, sẽ không lường trước được điều gì". Mặc dù chính quyền tỉnh, huyện, xã đã nhiều lần vào cuộc ngăn chặn, xua đuổi "vàng tặc", nhưng lực lượng chức năng rút đi thì "vàng tặc" lại đến. Vậy là "cơn lốc vàng" vẫn nổi, và "4 Yên" vẫn chưa thể bình yên...
Theo Dân Việt
Những 'bóng hồng' phạm tội vì yêu Là cô gái xinh đẹp, có học, nhưng vì yêu đến mù quáng, mê muội, họ đã đẩy mình vào vòng tội lỗi. Trong phiên xét xử Nguyễn Đức Nghĩa (kẻ sát hại người yêu cũ gây xôn xao dư luận bởi sự tàn ác, dã man), người dự khán khó thể quên được nét mặt đau khổ của Hoàng Thị Yến (bạn...