Hệ thống giáo dục Việt Nam phải thay đổi từ gốc đến ngọn?
(PL ) – Phân mảnh, liên kết lỏng lẻo, quy hoạch mạng lưới chưa hợp lý, tồn tại sự chồng chéo trong chức năng các đơn vị ,… là những điểm còn tồn tại của nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua.
Trong tờ trình Thủ tướng Chính Phủ về Đề án hoàn thiện cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD) của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu rõ quá trình phát triển, thay đổi của hệ thống giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn, xác định rõ những hạn chế, bất cập của giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Nhiều điểm bất cập
Trong những năm qua, cơ cấu HTGDQD bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ.
Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Chưa phân biệt cụ thể trình độ đào tạo (được xác nhận bởi văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục) và trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ (theo yêu cầu của vị trí việc làm).
Không thật rõ tiêu chuẩn của các trình độ và các điểm thoát để chuyển sang hệ thống thị trường lao động.
Video đang HOT
Chưa có khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với khu vực và quốc tế gây khó khăn trong việc công nhận trình độ cho người lao động giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên…
Hệ thống văn bằng xác nhận trình độ đào tạo và hình thức đào tạo phức tạp dẫn đến mơ hồ về khả năng của người tốt nghiệp và chất lượng đào tạo, hậu quả là sự từ chối của xã hội đối với một số loại hình/trình độ đào tạo nhất định.
Tính liên thông (kết nối) giữa các chương trình, trình độ, loại hình đào tạo trong hệ thống còn nhiều hạn chế chủ yếu do chưa xác định rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau trung học cơ sở (THCS) cho đến hết giáo dục trung học (sau lớp 12).
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Các hướng đào tạo hàn lâm và hướng kỹ thuật – công nghệ (khoa học ứng dụng) trong giáo dục bậc cao vẫn chồng lấn nhau về chương trình đào tạo, mô hình tổ chức, đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng.
Tồn tại sự chồng chéo trong chức năng của các đơn vị tham gia giáo dục và đào tạo, cùng một bậc học hoặc cấp độ đào tạo, trên cùng một địa bàn nhưng có nhiều loại hình đơn vị tham gia đào tạo, không có điều tiết chung, dẫn đến lãng phí công sức và nguồn lực.
Bên cạnh đó, việc quản lý HTGDQD cùng với một số Luật Giáo dục ra đời đã xuất hiện một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của mỗi Luật giữa các bộ, ngành liên quan.
Từ đó dẫn đến việc thực hiện quản lý Nhà nước về Giáo dục – Đào tạo ở các bộ, ngành, địa phương có sự khác nhau.
Vấn đề xác nhận và công nhận trình độ của các cơ sở đào tạo đối với người học còn nhiều bất cập trong quản lý chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với các cơ sở đào tạo ứng dụng và thực hành.
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT chưa rõ, dẫn đến sức ép lớn đối với các trường đại học trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại không thu hút được học sinh.
Đảm bảo tính thống nhất giữa các cấp học?
Có 2 mục tiêu nổi bật khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng khung cơ cấu HTGDQD là:
Thứ nhất, đảm bảo được tính thống nhất liên thông, liên kết giữa các cấp học, bậc học; đặc biệt là từ giáo dục phổ thông sang giáo dục nghề nghiêp và giáo dục đại học nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo như hiện nay.
Đây sẽ là cơ sở để Bộ GD – ĐT hoàn thiện và công bố chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. ( Ảnh minh họa)
Thứ hai, dựa vào bảng phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục chuẩn quốc tế của Unesco để phân loại các trình độ giáo dục và chương trình giáo dục nhằm khẳng định rõ mọi phương thức tổ chức học tập ở mọi cấp trình độ đều có giá trị như nhau.
HTGDQD với các cơ sở giáo dục như hiện nay sẽ cung cấp đồng thời các cơ hội học tập ban đầu và các cơ hội giáo dục tiếp tục (suốt đời) cho tất cả mọi nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng
Điều này đang tiếp cận gần hơn với chuẩn mực quốc tế, tiến tới khắc phục tình trạng bằng cấp giáo dục ở một số bậc học ở Việt Nam hiện nay chưa được nhiều nước công nhận.
Nếu khung cơ cấu HTGDQD được Thủ tướng Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và công bố chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.
Nhưng liệu rằng, việc chia luồng ngay từ bậc THCS có đáp ứng được ngay chưa? Nhất là trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, nhận thức của phụ huynh và học sinh tiểu học tại Việt Nam hiện nay?
Và liệu trong 5 năm, học sinh tiểu học có đủ trang bị được kiến thức giáo dục nền tảng? Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Theo PL