Hệ thống giáo dục Mỹ: 6.500 trường sau bậc trung học cạnh tranh để phát triển
Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ Trần Đức Cảnh – Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Mỹ đã phân tích một số điểm về mô hình quản lý giáo dục tại các ĐH, CĐ của Mỹ.
Đây là thông tin hữu ích đối với các phụ huynh, học sinh có dự định chọn Mỹ làm điểm đến du học.
Mô hình giáo dục đa dạng
Chuyên gia Trần Đức Cảnh cho hay, hiện nay, hệ thống đào tạo sau bậc trung học ở ở Mỹ có khoảng 6.500 trường, trong đó có 1.100 trường đào tạo nghề chuyên môn được cấp chứng chỉ; 1.530 trường cao đẳng; 2.870 trường đại học. Cụ thể là:
Trường đạo tạo nghề sau bậc trung học: Thay vì chọn học cao đẳng hay đại học, học sinh tốt nghiệp trung học có thể học một nghề chuyên môn tại một trường nghề, thời gian học thường từ 6 tháng đến 2 năm và được cấp chứng chỉ sau tốt nghiệp.
Trường Cao đẳng: Mục tiêu chính của loại trường này là đào tạo các chương trình 2 năm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chương trình học cao đẳng chia thành 2 hệ. Một là đào tạo theo chương trình 2 năm đầu và liên thông lên đại học 4 năm. Hai là đào tạo sâu vào lĩnh vực chuyên môn, có khả năng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng nếu muốn liên thông lên đại học thì thường phải mất một năm.
Chuyên gia Trần Đức Cảnh nói về sự đa dạng trong mô hình giáo dục của Mỹ tại hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21″ .
Trường Đại học: Cấu trúc đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên tổng thể của nền kinh tế và xã hội, hay từng phân khúc ngành nghề chuyên môn. Đại học được chia thành các loại gồm:
Đại học thiên về nghiên cứu: Khoảng 300 ĐH thiên về các loại nghiên cứu, đứng đầu là Havard, MIT, Stanford,… đào tạo trình độ cử nhân lên đến tiến sĩ, quy mô đào tạo thường khoảng từ 10.000 đến 30.000 sinh viên, ngoại trừ một số viện nghiên cứu quy mô nhỏ như Caltech.
Đại học khai phóng (Liberal Arts): Khoảng 650 ĐH theo loại này, hầu hết chỉ đào tạo bậc cử nhân. Chương trình giảng dạy chú trọng phần đại cương, tư duy, kiến thức nền về khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, … và chuyên ngành rộng. Thường quy mô đào tạo chỉ nằm trong khoảng 2.000 đến 3.500 sinh viên. Phần lớn các trường này là chuẩn bị cho sinh viên học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp.
Video đang HOT
Đại học vùng: Khoảng 1.200 đại học tập trung đào tạo các ngành nghề chuyên môn ở cấp đại học, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc mà thị trường cần. Quy mô đào tạo ở các trường này trong khoảng từ 3.500 đến 25.000 sinh viên.
Đại học chuyên ngành ứng dụng: Loại trường đào tạo theo các chuyên ngành ứng dụng, có khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc tại khu vực. Thường số sinh viên ở các trường này không quá 5.000 sinh viên.
“Hệ thống các trường đào tạo sau trung học ở Hoa Kỳ được phân làm các loại như vậy cho thấy đặc điểm chung của đại học Hoa Kỳ có tính linh động, sáng tạo, đa dạng và thực tiễn, bao gồm cả hệ liên thông, học bán thời gian (part time), ngoài giờ trực tuyến (online)… nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng yêu cầu của thị trường”, ông Cảnh nhấn mạnh về tính đa dạng, linh động của hệ thống giáo dục Mỹ.
Cạnh tranh theo cơ chế thị trường
Giáo dục đại học Mỹ xem là dịch vụ công nhưng không thể thoát ra khỏi sự vận hành và tác động của thị trường. Thương hiệu, uy tín, chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển sinh và hoạt động tài chính của trường.
Các trường đại học cũng phải cạnh tranh đầu vào chất lượng đào tạo tốt, gắn liền với nhu cầu thực tiễn ngành nghề thị trường cần. Nếu không thì uy tín của đại học sẽ giảm, không có người học dẫn đến buộc phải cắt giảm.
Đại học Harvard chỉ nhận 5% số đơn nộp, cũng có trường nhận 80%, có trường không đủ số sinh viên học, hay trường… buộc phải đóng cửa.
Do đó, các đại học Mỹ dù là công hay tư cũng luôn năng động sáng tạo, chủ động có chiến lược và kế hoạch phát triển cũng như giữ/ tìm lợi thế cạnh tranh cho riêng mình. Ngay cả các đại học công, tuy có nguồn hỗ trợ cũng phải tự thân vận động, xây dựng nguồn tài chính khác để phát triển.
“Nhìn chung, cạnh tranh nguồn nhân lực theo sự vận hành của cơ chế thị trường buộc các bên phải làm tốt nếu muốn tồn tại. Giáo dục đại học Mỹ cũng không ngoại lệ”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Lệ Thu
Theo Dân trí
'Số người học đại học của Việt Nam còn rất thấp'
Số người học đại học của nước ta chiếm khoảng 28% dân số. Trong khi đó, ở các nước như Thái Lan, Malaysia, con số này lớn hơn rất nhiều, từ 43% đến 48%.
Đó là ý kiến của ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, trong buổi trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí sáng 17/5 về công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học tăng
Theo số liệu Bộ GD&ĐT công bố, năm 2019, hơn 880.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, giảm gần 40.000 em so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 em, tương đương khoảng 74%.
Trong đó, thí sinh tự do chiếm khoảng 4,3%. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cũng tăng 7,5% so với năm 2018.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng của năm 2019 giữ ổn định so với năm 2017, 2018. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm từ 2015 trở về trước, học sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng đã giảm nhiều.
Ông cho rằng đây là xu hướng tích cực, cho thấy hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng nhiều thí sinh chọn giáo dục nghề nghiệp là điều đáng mừng. Ảnh: M.N.
"Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể bước vào cuộc sống hoặc chọn học các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đây cũng là xu hướng của quốc tế. Nhìn rộng ra các nước có nền kinh tế phát triển, họ cũng trải qua những giai đoạn như chúng ta hiện nay. Càng ngày, số thí sinh vào các trường nghề sẽ tăng lên", ông Trinh nói.
Ngoài ra, vị đại diện Bộ GD&ĐT này cũng cho rằng khung trình độ quốc gia ra đời là một tiến bộ, cho phép liên thông giữa các loại hình, bậc học. Bằng cách này hay cách khác, thí sinh có thể học lên cao hơn.
Mặt khác, điều này cũng cho thấy sự hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông. Tất cả yếu tố trên cộng thêm sự tác động thực tế của nhu cầu xã hộ, nền kinh tế, khiến tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng giảm.
Giáo dục nghề nghiệp không thiếu nguồn tuyển sinh
Ông Phạm Như Nghệ thông tin tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 là hơn 480.000, tăng 7,5% so với năm 2018. Trong đó, nhiều trường được tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành đã đạt kiểm định chất lượng đào tạo.
Ông Nghệ cho rằng dù chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng tăng, số người học đại học của nước ta chỉ mới 28% dân số. Con số này ở các nước như Thái Lan, Malaysia lớn hơn rất nhiều, khoảng từ 43% đến 48%. Ở Hàn Quốc và các nước phát triển, tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
Ông Nghệ cho rằng các trường giáo dục nghề nghiệp có nguồn tuyển sinh rất dồi dào. Ảnh: M.N.
"Nói các khác, dù tổng chỉ tiêu tăng 7,5%, phù hợp năng lực đào tạo của các trường, số người học đại học của Việt Nam còn rất thấp so với nước khác", ông Nghệ nhấn mạnh.
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói có thông tin cho rằng các trường đại học tuyển nhiều quá thì không còn nguồn cho trường dạy nghề, như vậy là không đúng.
Năm nay, gần 900.000 thí sinh dự thi, 74% trong số đó đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Trong khi đó, các trường xác định tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 480.000, kết quả thực tuyển trong khoảng 82%-85% chỉ tiêu đề ra.
Các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh tốt cũng chỉ được khoảng 400.000 em. Như vậy, số thí sinh tốt nghiệp THPT, sau khi đã vào đại học, vẫn còn thừa gần 500.000 em, chưa kể số tồn đọng từ những năm trước.
"Mặt khác, hàng năm, số học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không vào học THPT cũng dao động 250.000-300.000 em. Như vậy, nguồn tuyển vào các trường giáo dục nghề nghiệp rất lớn, không lo thiếu. Vấn đề là các trường giáo dục nghề nghiệp có thu hút được thí sinh hay không mà thôi", ông Nghệ trình bày.
Theo Zing
Không bị động khi thực hiện Chương trình GDPT mới Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Chương trình GDPT mới sẽ triển khai ở bậc TH từ năm học 2019 - 2020, đối với bậc THCS từ năm học 2020 - 2021. Như vậy, việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ... đòi hỏi các địa phương phải nhanh chóng, gấp rút và tập trung mọi nguồn lực....