Hệ thống giáo dục hiệu quả thời Edo
Trong tiến trình lịch sử Nhật Bản, Edo (1603 – 1868) là thời kỳ thái bình thịnh trị nhất.
Terakoya coi trọng dạy lễ nghi ngang tri thức.
Ở thời kỳ này, tầng lớp thống trị thực thi chính sách văn bản hóa, cấp và công nhận giấy chứng nhận đối với mọi giao dịch. Để đọc hiểu chứng từ, toàn dân tích cực đầu tư cho con em ăn học. Họ mở ra nền giáo dục toàn diện, rộng khắp cả nước với hơn 60 nghìn trường lớp.
Trường làng tự phát
Chính sách văn bản hóa bắt đầu vào năm 1615, khi lãnh chúa Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616) đánh bại nhà Toyotomi trong cuộc vây hãm Osaka. Trước đó, Nhật Bản trải qua thời kỳ Chiến quốc (1467 – 1568) tàn bạo. Những năm dưới sự lãnh đạo của Tokugawa, xã hội Nhật Bản cũng chưa bớt bạo lực. Tầng lớp lãnh chúa, chiến binh cậy quyền, đàn áp và bóc lột nông dân, thương nhân thậm tệ.
Sau trận chiến cuối cùng, Tokugawa ban sắc lệnh thay đổi triệt để, cấm tùy tiện đánh thuế đất đai, buôn bán. Các nông hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Quan viên địa phương có trách nhiệm lập biểu đồ chi tiết về tình hình sở hữu đất đai trong khu vực mình quản lý cũng như tiến trình nộp thuế. Sau khi nộp thuế, các nông hộ được trả giấy xác nhận đã nộp.
Quyền sở hữu đất và giấy xác nhận đã nộp thuế chấm dứt bóc lột, tạo điều kiện cho nông dân canh tác hiệu suất. Chẳng bao lâu, sản lượng lúa mới đã tăng gấp đôi. Nền kinh tế phát triển kéo theo các lĩnh vực khác, nhất là buôn bán. Các nông hộ tích cực mua thêm đất, vay mượn đầu tư, để lại tài sản cho con cái… Nhu cầu thủ tục giấy tờ theo đó gia tăng. Càng lúc, mọi người càng thấy cần phải biết chữ. Dù giàu hay nghèo, các bậc sinh thành cũng quan tâm cho con cái ăn học, mong tối thiểu cũng phải đọc hiểu giấy tờ.
Terakoya chào đời, là lớp dạy đọc, viết và tính toán. Lập trường cơ bản của chế độ phong kiến thời Edo là không can dự vào cuộc sống của người dân. Các làng được phép tự do mở terakoya và vận hành. Mỗi terakoya cũng chỉ cần 1 phòng và 1 người hướng dẫn.
Tranh phác họa một terakoya, trường làng tự phát thời Edo.
Tự do và đa chương trình
Video đang HOT
Trong vai trò trường làng tự phát, terakoya không bắt buộc nhập và theo học. Phụ huynh toàn quyền cho con em vào trường hoặc không, trẻ em cũng theo học hay không tùy ý. Tuy nhiên, chính sự tự do này lại nảy sinh và duy trì ý thức tự kỷ luật tuyệt vời. Không có thời kỳ nào, ý thức giáo dục lại cao hơn thời Edo. Mọi phụ huynh đều thấy cần cho con em ăn học và nhiệt tình xây dựng terakoya, biến trường làng thành nơi dạy dỗ lớp trẻ nên người.
Mặc dù chỉ có 1 phòng, tập trung trẻ em nhiều độ tuổi, terakoya không đánh đồng trình độ mà nó phân biệt từng môn đồ và trao tài liệu riêng. Terakoya có khoảng 7 nghìn bộ tài liệu lẻ, gọi là rai, trong đó có khoảng 1.000 rai dành riêng cho môn sinh nữ. Mỗi rai đều được thiết kế tỉ mỉ, phù hợp với nhu cầu và trình độ của trẻ học tương ứng.
Quy trình học tập trong terakoya do các làng tự thiết kế. Ở Tsukumoan, terakoya thuộc làng Haranog (thành phố Maebashi, tỉnh Gunma ngày nay), rai cấp đầu tiên là nagashiraji-zukushi, đọc viết tên các gia tộc. rai cấp 2 là murana, đọc viết tên các làng. rai cấp 3, gun-zukushi, đọc viết tên các huyện, tỉnh… Qua 3 rai này, môn sinh tuần tự học cách đọc, viết tên cá nhân, địa danh trong khu vực và trên cả nước. Ngoài kỹ năng đọc – viết, họ còn được dạy thêm về địa lý, văn hóa…
Terakoya cũng phân cấp trình độ. 3 rai nagashiraji-zukushi, murana và gun-zukushinêu là sơ cấp. Sau khi vượt qua chúng, môn sinh vào trung cấp. Ở cấp độ này, họ được phát văn bản, giảng dạy về các sự kiện hàng năm, quy tắc xã hội, luật pháp… Trình độ cuối cùng là cao cấp, dạy kinh doanh, viết khế ước…
Tài liệu dạy học trong terakoya vô cùng phong phú, mỗi bộ phù hợp với một đối tượng học riêng biệt.
“Tiên học lễ, hậu học… luật”
Mục tiêu cơ bản nhất của terakoya là dạy đọc, viết và tính song thứ đầu tiên môn đồ phải học luôn là đạo đức. Như mọi nền giáo dục phương Đông, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng từ Khổng Tử (551 – 479 TCN). Bất cứ ai cầm sách cũng nằm lòng câu “tiên học lễ, hậu học văn”.
Trước giảng dạy tri thức, terakoya có nghĩa vụ uốn nắn, dạy dỗ cách cư xử và hành vi. “Lấy đạo đức làm đầu. Chỉ những ai đã tròn bổn phận hiếu kính cha với mẹ, hòa thuận với anh chị em, cử xử với người ngoài đúng mực mới đủ tư cách theo học tiếp”, Yuyama Bun’emon, lão sư điều hành terakoya làng Yoshikubo (thành phố Oyama, tỉnh Shizuoka ngày nay) viết.
Năm 1844, Yuyama công bố danh sách 18 quy tắc đạo đức, chia sẻ cho các môn sinh và phụ huynh của họ. Chúng bao gồm từ quy cách chào hỏi đến quy định trên bàn ăn, nhắc nhở phép xã giao trong lớp, trong nhà và ngoài xã hội.
Sau khi “tốt nghiệp” terakoya, các nam môn đồ tham gia wakamonogumi (nhóm hoạt động thanh niên), tiếp tục tự rèn luyện. Các nữ môn đồ thì tham gia musumegumi. Vì có quá ít tài liệu còn giữ được nên không rõ musumegumi hoạt động cụ thể thế nào.
Wakamonogumi đại diện truyền thống “huấn luyện hậu bối”. Thời Edo, tuổi trưởng thành là 15. Sau khi bước sang tuổi này, dù giàu hay nghèo, nam hay nữ cũng rời nhà, chuyển vào khu tập thể dành riêng. Tại đây, họ phải tuân thủ các quy tắc sinh hoạt nghiêm ngặt, tuyệt đối nghe theo lời người vào trước, tức là các tiền bối.
Thời gian ở khu tập thể, tiền bối bảo ban hậu bối mọi mặt, cho dù là cha mẹ hay chính quyền địa phương đều không được phép can dự. Thông qua học tri thức ở terakoya và kỹ năng xã hội trong wakamonogumi và musumegumi, giới trẻ tích lũy hành trang vào đời.
Ngày nay, truyền thống wakamonogumi đang bị xóa bỏ vì nhiều mặt tối (áp bức, bắt nạt học đường). Terakoya cũng không còn, nhưng hiệu quả giáo dục và thế mạnh giảng dạy phù hợp với từng cá nhân của nó thì vẫn là giấc mơ mà hệ thống giáo dục khao khát chạm lại được.
Nhật Bản triển khai môn học mới
Mùa xuân năm 2022, sách giáo khoa môn học mới - 'Lịch sử đại cương' đã xuất hiện tại các trường trung học phổ thông Nhật Bản.
Môn học mới dự định nghiên cứu toàn diện về lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới từ thế kỷ XVIII đến nay nhằm phát triển khả năng giải quyết các vấn đề đương đại.
"Lịch sử đại cương" là gì?
Tháng 4/2022, học sinh các lớp cuối THPT bắt đầu học theo phương pháp mới. Sách Hướng dẫn phương pháp mới đã đề ra các mục tiêu của quá trình dạy học như sau - "tiếp thu những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và lao động", "phát triển năng lực tư duy, đưa ra những nhận định và diễn đạt bằng lời nhằm bảo đảm khả năng hành động trong tình huống mới", "bồi dưỡng lòng khát khao học tập và sử dụng kiến thức thu được trong cuộc sống của mình và vì lợi ích của xã hội".
Những mục tiêu này nâng cao tầm quan trọng của các phương pháp dạy học: Để tiếp thu được những kiến thức sâu rộng trên các tiết học, cần tạo điều kiện cho học sinh tự học và đối thoại. Để đa dạng hóa việc đánh giá kiến thức ở các lớp cuối cấp, người ta áp dụng ba thông số đánh giá - "kiến thức và kỹ năng", "đưa ra những nhận định và diễn đạt bằng lời" và "tự học".
Trong khuôn khổ cải cách giáo dục, ở các lớp cuối THPT, đã xuất hiện các môn học bắt buộc "Lịch sử đại cương" và "Địa lý đại cương". Lịch sử đại cương nghiên cứu khái quát lịch sử thế giới và lịch sử Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Môn "Lịch sử đại cương" có ba chủ đề chính - "Hiện đại hóa", "Thay đổi trật tự thế giới và hình thành ý thức tập thể" và "Toàn cầu hóa".
Các chủ đề này được sử dụng để nghiên cứu quá trình hình thành và giải quyết các vấn đề hiện nay như sinh thái và tài nguyên, nghèo đói, xung đột, giới tính... "Lịch sử đại cương" nhằm bồi dưỡng một thế hệ có khả năng nhận thức và giải quyết các nhiệm vụ hiện nay, xuất hiện trong điều kiện toàn cầu hóa.
Các phương pháp dạy học mới
Phương pháp nghiên cứu môn học khác hẳn so với việc tìm hiểu thông thường các sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian. Sách Hướng dẫn phương pháp nhấn mạnh việc "nhận thức mối liên hệ nhân - quả có tính đến các giai đoạn lịch sử và động lực phát triển", tư duy có tính đến "một số quan điểm và ý kiến", cũng như "hiểu biết những kiến thức thu được".
Ví dụ, khi học chủ đề "Hiện đại hóa", học sinh đặt ra các câu hỏi để tự học. Phương pháp này khuyến khích phong cách học tập tích cực. Trên các tiết học, cần tạo điều kiện để học sinh tự nghiên cứu các câu hỏi được đặt ra. Ví dụ, khi nghiên cứu chủ đề "Hiện đại hóa", học sinh xem xét cả những vấn đề mang tính thời sự và liên quan chặt chẽ đến sinh thái học. Đồng thời sử dụng thêm những tài liệu bàn về các quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Việc cải cách phương pháp dạy học đã gây ra nhiều thắc mắc, nghi vấn cho giáo viên, nhưng cũng có những phản hồi tích cực. Cho đến nay, môn Lịch sử không được học sinh cuối cấp yêu thích do lượng thông tin cần ghi nhớ rất lớn. Các nhà khoa học và giáo viên đang làm việc cùng nhau để thực hiện cải cách dạy học lịch sử trong các trường phổ thông Nhật Bản, nhiều sách tham khảo khác nhau được xuất bản, nhiều tài liệu phục vụ bài học được công bố trên trang web đặc biệt.
Bộ Giáo dục đã tiến hành các biện pháp cung cấp thông tin về phương pháp dạy học "Lịch sử đại cương" cho giáo viên ở các địa phương, còn các cán bộ giáo dục địa phương tổ chức thực tập về phương pháp biên soạn và sử dụng tài liệu học tập để học sinh đặt câu hỏi tự học.
Dạy học tích cực
Sách hướng dẫn phương pháp cho trường trung học phổ thông được cập nhật riêng cho từng lớp, vì vậy tháng 4/2022, lớp 10 bắt đầu học môn mới "Lịch sử đại cương", còn lớp 11, 12 vẫn tiếp tục học theo chương trình trình cũ. Ở nhiều trường phổ thông, việc giảng dạy môn "Lịch sử đại cương" được thực hiện bởi những giáo viên tích cực tham gia chuẩn bị môn học mới và các giáo viên trẻ, còn những giáo viên có kinh nghiệm vẫn dạy hai lớp cuối cấp theo chương trình cũ.
Giáo viên sử dụng phương pháp thử và sai để tổ chức các tiết học, nơi các nhóm học sinh đọc tài liệu được phát và hiểu sâu hơn nội dung của chúng trong quá trình thảo luận. Ví dụ, khi học về cuộc cách mạng công nghiệp, học sinh được phát tài liệu minh họa mô tả những người phụ nữ làm việc trong nhà máy và trẻ em làm việc trong hầm mỏ. Trong các nhóm, học sinh trao đổi ý kiến: Tại sao phụ nữ và trẻ em làm việc, tại sao trẻ em không đi học, còn nam giới làm gì. Sau đó, với sự trợ giúp của các tài liệu bổ sung, học sinh thảo luận khái niệm "công nghiệp hóa" và những thay đổi đang diễn ra trong xã hội, đồng thời hiểu sâu hơn chủ đề.
Giáo viên quan sát quá trình làm việc theo nhóm, khuyến khích học sinh tự do suy nghĩ, và góp ý sửa chữa. Mỗi chủ đề trong sách giáo khoa đều kèm theo danh mục câu hỏi và danh mục tài liệu tham khảo hữu ích - tư liệu lịch sử, bản đồ, minh họa, số liệu thống kê. Một số sách giáo khoa không còn tô đậm thông tin quan trọng, và thay vì chú thích dưới các minh họa, người ta ghi danh sách các mục để học sinh tự học.
Căn cứ vào phản hồi của giáo viên, việc sử dụng sách giáo khoa mới và trang web tài liệu dạy học giúp chuyển sang phương pháp dạy học mới khá thành công. Ngoài ra, học sinh trung học phổ thông hiện nay đã quen làm việc theo nhóm và thảo luận tài liệu ở các giai đoạn học tập trước, do đó, các em không mấy thích thú hình thức giảng bài.
Tuy nhiên, khi thảo luận các tài liệu lịch sử, nếu giáo viên đưa ra câu trả lời chính xác, học sinh không tích cực tham gia thảo luận nữa, vì các em cho rằng chỉ cần ghi ý kiến của giáo viên ở cuối bài học là đủ. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức quá trình dạy học. Tuy nhiên, trong các giờ học Lịch sử đại cương, đa số học sinh tích cực và thích thú tham gia vào việc nghiên cứu và thảo luận bài học.
Năm tới, môn học bắt buộc "Lịch sử đại cương", cũng như các môn học tự chọn - "Lịch sử Nhật Bản" và "Lịch sử thế giới", sẽ được giảng dạy không những ở lớp 10 mà cả lớp 11, vì vậy số lượng giáo viên giảng dạy theo phương pháp mới sẽ tăng lên. Các giáo viên sẽ trao đổi với nhau những bài học thành công từ thực tế và điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới.
Đại biểu Quốc hội: Vụ lộ đề thi môn Sinh học đã dẫn đến những 'nỗi oan' Trong vụ lộ đề thi môn Sinh học, một số thí sinh nhờ đó mà có điểm cao, đỗ vào các trường đại học. Ngược lại, một số em khác cũng vì thế mà mất cơ hội trúng tuyển. Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị phải xem xét lại kết quả thi một...