Hé lộ bộ sách giáo khoa gây tranh cãi nhất hiện nay
Bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục đang là tâm điểm của dư luận sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp với GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào.
Để rộng đường dư luận, VietTimes gửi đến bạn đọc thông tin về bộ SGK công nghệ giáo dục có chỉnh sửa đã được gửi lên Hội đồng thẩm định SGK.
Sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục (bản mẫu). Ảnh: Minh Thúy
Theo nguồn tin của VietTimes, bộ SGK công nghệ giáo dục gửi lên Hội đồng thẩm định SGK đã có sự chỉnh sửa, bổ sung đúng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể mỗi cuốn sách đều đáp ứng tính “đúng và “đủ” của chương trình – làm theo quy trình biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo về mặt nội dung cũng như kết quả cần đạt về năng lực, phẩm chất của học sinh.
Bộ SGK công nghệ giáo dục đã chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Ảnh: Minh Thúy
Bản thuyết minh SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục cho thấy, mục đích biên soạn sách nhằm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Bản thuyết minh SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
SGK Tiếng việt 1 công nghệ giáo dục không chỉ hiện thực hóa chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Thông tư ban hành chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT mà còn tham gia đóng góp cho công cuộc đổi mới chương trình và SGK hiện hành.
Đối tượng sử dụng là học sinh đến tuổi vào lớp 1 tại các trường tiểu học trên cả nước; giáo viên, các nhà quản lý bậc phổ thông; giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên các trường sư phạm; phụ huynh học sinh có con học lớp 1 và các phụ huynh quan tâm.
Với 4 cuốn: Tiếng Việt 1, tập 1, Âm – Chữ – Công nghệ giáo dục; Tiếng Việt 1, tập 2 – Vần – Công nghệ giáo dục; Tiếng Việt 1, tập 3 – Luyện tập tổng hợp và Tiếng Việt 1, tập 4 – Tự học, SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục giúp hình thành chân dung người học với đầy đủ các phẩm chất, năng lực chung cũng như các năng lực cơ bản (năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học) ngay từ lớp 1.
Cận cảnh 3 cuốn sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục tập 1,2,3 với màu sắc, hình ảnh bắt mắt. Ảnh: Minh Thúy
Mỗi tuần, học sinh học 12 tiết Tiếng Việt, trong đó có 10 tiết học theo 1 trong 3 cuốn sách đầu, 2 tiết học theo cuốn sách tự chọn. Tổng số tiết học là 420 tiết.
SGK Toán 1 công nghệ giáo dục gồm 2 cuốn: Toán tập 1 và Toán tập 2. Cùng với đó là cuốn Đạo đức 1 công nghệ giáo dục.
Sách Toán 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
Video đang HOT
Sách Đạo đức 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
Hé lộ một số trang bản thảo sách Đạo đức 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
Trao đổi với PV VietTimes, GS. Hồ Ngọc Đại cho hay: Bộ SGK công nghệ giáo dục đã thay đổi triệt để nội dung, cũng như phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh. Bộ sách là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có thực nghiệm với 2 vấn đề cốt lõi chính: thay đổi về mặt lý thuyết và thay đổi công nghệ thực thi.
GS. Hồ Ngọc Đại – “Cha đẻ” của bộ SGK công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
“Từ trước tới nay giáo dục chưa có công nghệ. Vì thế khi tiếp cận với SGK công nghệ giáo dục, học sinh học gì được nấy, học đâu chắc đấy.” – GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Như VietTimes đã đưa tin, sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào tại buổi đối thoại do Bộ GD&ĐT tổ chức, PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán – cho biết: Hội đồng thẩm định đã có quá trình làm việc nghiêm túc với thái độ công bằng, khách quan, không hề có sức ép. Do đó, quá trình thẩm định SGK là công tâm, chính xác. Vì thế, kết luận của Hội đồng thẩm định đảm bảo độ tin cậy cần thiết. SGK mới phải viết theo chương trình mới và được quán triệt theo nội dung, tinh thần của chương trình.
PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán. Ảnh: Minh Thúy
Theo GS. Trần Đình Sử, môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học, mà là môn học giúp học sinh đọc, hiểu bài văn. Ý niệm của GS. Hồ Ngọc Đại trong SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là không chính xác.
GS. Trần Đình Sử. Ảnh: Minh Thúy
Mặc khác, do GS. Hồ Ngọc Đại không viết sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên mặc dù rất hay nhưng đến thời điểm hiện tại là không phù hợp. Vì thế, bộ SGK công nghệ giáo dục phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì mới có thể được Hội đồng thẩm định thông qua.
Theo viettimes
Sách Công nghệ giáo dục của thầy Đại vi phạm những tiêu chí nào?
Qua thực tiễn giảng dạy và sự thẩm định của các nhà khoa học, sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt yêu cầu là minh xác.
Sách Công nghệ giáo dục vi phạm những tiêu chí nào?
Cần nhắc lại, Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sách giáo khoa biên soạn theo chương trình mới phải thỏa mãn các tiêu chí sau:
Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, Nội dung sách giáo khoa, Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa, Cấu trúc sách giáo khoa, Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa. [1]
Tuy nhiên qua thẩm định, Hội đồng đánh giá sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ thỏa mãn duy nhất tiêu chí Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa.
Cũng theo Hội đồng thẩm định, sách này có 300 (ba trăm) nội dung/chi tiết cần sửa chữa hoặc hủy bỏ.
Chúng tôi đã đọc toàn bộ nội dung sách Công nghệ giáo dục (Tiếng Việt 1) và nhận thấy: phần ngữ âm, từ vựng, cú pháp, văn bản có nhiều chỗ chưa phù hợp với học sinh lớp 1 (chỉ mới 6 tuổi).
Sách "Công nghệ giáo dục" do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên. (Ảnh minh họa: Baotayninh.vn)
Thứ nhất, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề cập đến cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt (âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối) - đây là một trong những nội dung đã được Giáo sư Nguyễn Thiện Thuật nói đến đến trong sách Ngữ âm tiếng Việt, nghĩa là không lạ, không mới.
Tuy nhiên, sau này công trình Âm vị học và tuyến tính, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã chứng minh thuyết phục cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt không giống các thứ tiếng châu Âu - không có tuyến tính.
Ví dụ từ tiếng Anh: 'funny' - /fni/, ta sẽ đọc lần lượt 2 âm tiết 'fun' và 'ny' là theo trình tự trước sau rõ ràng.
Nhưng, khi phát âm âm tiết 'toang' của tiếng Việt chẳng hạn, thì đặc tính môi của cái gọi là 'âm đệm' /u/ sẽ trải dài từ đầu tới tận cuối âm tiết.
Như thế, việc phân chia cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt thành âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối như một số ngôn ngữ châu Âu về mặt học thuật là chưa chính xác.
Thứ hai, theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa (bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ). [2], [5]
Đây là một quan niệm sai trái. Học sinh lớp 1 cần phải học từ nào là biết nghĩa của từ đó, chứ sao lại không cần học nghĩa?
Ví dụ, khi học sinh học từ 'ăn' là phải hiểu được nghĩa của từ này 'tự cho vào cơ thể thức (ăn) nuôi sống'.
Nhưng khi học 'ăn cắp' thì phải hiểu 'lấy của người khác một cách lén lút, thường nhằm lúc sơ hở' (đây là một hành vi xấu).
Chính vì quan niệm học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa nên sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục xuất hiện hàng loạt từ đến người lớn cũng... cũng thấy khó như: 'trì trệ', 'chú ỉ', 'ghe cộ', 'y bạ'... [3]
Thứ ba, cách viết câu trong sách này có chỗ còn chưa chuẩn như:
'Tháng ba hàng năm, lễ giỗ Tổ. Hàng vạn dân Phú Thọ và hàng ngàn dân các làng gần mộ Tổ làm lễ dâng hoa và dâng lễ vật'. [3]
Câu văn này đọc lên nghe trúc trắc, rối rắm thì liệu học sinh 6 tuổi có hiểu được không?
Thứ 4, một số ngữ liệu trong sách không phù hợp với học sinh lớp 1, không phù hợp với yêu cầu giáo dục môi trường...
Cụ thể, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (tập 3, trang 11) có câu: 'Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen'.
Học sinh lớp 1 sao có thể hiểu 'đánh ghen' là gì?
Chúng tôi khẳng định, những kiến thức về ngôn ngữ học là tiệm cận với khoa học tự nhiên (như 'ngữ âm') nên dứt khoát chỉ có đúng hoặc sai.
Nhiều người cho rằng, kiến thức về ngữ âm trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của là hàn lâm. Nhưng riêng phần ngữ âm đã sai lạc như đã phân tích thì hàn lâm chỗ nào?
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng kết luận, môn Toán có nhiều nội dung vượt quá chương trình như:
Các nội dung liên quan đến khái niệm 'tập hợp', 'phương trình'.
Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình. Các số 'đứng liền nhau', 'dãy số', 'dãy số tự nhiên', 'trục số' không có trong chương trình.
Các nội dung của chủ đề hình học như 'Quan sát và nhận biết hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản'; 'Thực hành lắp ghép, xếp hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đơn giản'; 'Tính nhẩm: Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 10'; 'Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm các số tròn chục' chưa được đề cập phù hợp trong bản mẫu... [1]
Ngoài ra, vừa qua cuộc đối thoại giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng không có kết quả khi tác giả của sách Công nghệ giáo dục cho rằng:
"Hội đồng thẩm định thời gian qua chỉ làm việc như một công việc dịch vụ chứ không phải là khoa học. Trong đó thành viên hội đồng thẩm định được lựa chọn, ký hợp đồng, đặt cọc, thực hiện rồi nhận tiền..."
"Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng",Giáo sư Hồ Ngọc Đại tái khẳng định. [4]
Theo chúng tôi, những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là thiếu thiện chí trong khi Hội đồng thẩm định đã làm việc rất thấu tình, đạt lí và cầu thị.
Thiết nghĩ, những gì thuộc về học thuật thì phải minh xác, nhất là những kiến thức ở sách giáo khoa lớp 1.
Và chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần chấm dứt tranh luận về sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bởi ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm, nhất là chuẩn bị thay cho việc sách giáo khoa các cấp trong thời gian tới.
Vì vậy, những tranh luận không có hồi kết như thế này chỉ làm hao phí thêm thời gian, công sức - lẽ ra không đáng có - mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tai-sao-sach-giao-khoa-cong-nghe-giao-duc-cua-gs-ho-ngoc-dai-bi-loai-567108.html
[2] //vnexpress.net/giao-duc/chu-tich-hoi-dong-tham-dinh-sach-danh-van-phan-bien-gs-ho-ngoc-dai-3807579.html
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sach-cong-nghe-giao-duc-giao-vien-ngu-van-cung-bat-luc-khi-day-con-post204891.gd
[4] //thanhnien.vn/giao-duc/doi-thoai-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-cua-gs-ho-ngoc-dai-gay-gat-chia-re-1167926.html
[5] //www.sggp.org.vn/tieng-viet-1-cngd-quan-diem-chan-khong-ve-nghia-khong-dung-voi-ban-chat-cua-ngon-ngu-545506.html
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net
Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Gay gắt, chia rẽ Cuộc đối thoại được mong đợi về sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại giữa tác giả và Bộ GD-ĐT đã diễn ra sáng qua một cách gay gắt và kết thúc trong nặng nề mà không tìm được tiếng nói chung. Buổi đối thoại diễn ra gay gắt - Ảnh: Kim Hiền Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ,...