HĐBA LHQ thông qua nghị quyết gia hạn hoạt động của Phái bộ tại Tây Sahara
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 27/10 đã thông qua nghị quyết gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ tại Tây Sahara (MINURSO) thêm 1 năm, đến ngày 31/10/2023.
Toàn cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Nghị quyết số 2654 nhận được 13/15 phiếu thuận, trong khi Nga và Kenya bỏ phiếu trắng. Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được giải pháp chính trị thực tế, khả thi và lâu dài mà các bên liên quan chấp nhận được đối với vấn đề Tây Sahara, dựa trên thỏa hiệp giữa các bên. Nghị quyết cũng kêu gọi các bên nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres với thiện chí, không đưa ra điều kiện tiên quyết, thể hiện ý chí chính trị, cũng như tạo ra bầu không khí thuận lợi để tiến trình đàm phán có cơ hội được thúc đẩy.
Tây Sahara được Maroc và Mauritania phân chia từ cuối thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha năm 1976. Khi Mauritania từ bỏ phần lãnh thổ của nước này tại Tây Sahara hồi tháng 8/1979 do áp lực của Mặt trận Polisario, Maroc đã chiếm nốt khu vực này và từ đó khẳng định quyền kiểm soát hành chính đối với toàn bộ Tây Sahara.
Giao tranh sau đó đã nổ ra giữa Maroc và Mặt trận Polisario – lực lượng đang đấu tranh đòi độc lập cho Tây Sahara. Lệnh ngừng bắn đã được ký kết tại đây hồi năm 1991 và cùng thời gian đó, MINURSO đã được triển khai để giám sát thỏa thuận này và nếu đủ điều kiện, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của người dân Tây Sahara.
Giải pháp chính trị là con đường duy nhất mang lại hòa bình cho Syria
Ngày 25/10, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, ông Geir Pedersen, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị đối với hòa bình của quốc gia Trung Đông này.
Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua kết nối video từ thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đặc phái viên Pedersen khẳng định: "Giải pháp chính trị là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền vững".
Đặc phái viên LHQ cho biết gần đây ông đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao với các bên liên quan chính của Syria và quốc tế, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua nhằm thúc đẩy thương lượng được một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 11 năm qua tại nước này. Ông Pedersen nêu rõ cho đến nay, tiến trình chính trị vẫn chưa mang lại lợi ích cho người dân Syria và xung đột vẫn diễn ra trên cả nước. Hiện tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, việc phát hiện một trong những kho vũ khí lớn nhất trong thời gian gần đây ở Đông Bắc Syria cho thấy khả năng các tay súng thánh chiến sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công. Cũng tại khu vực này đã có nhiều báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, các cuộc pháo kích lẫn nhau giữa các nhóm vũ trang.
Theo đặc phái viên Pedersen, ông đang thúc đẩy tất cả các bên liên quan tham gia các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm thúc đẩy Nghị quyết 2254 đã được HĐBA LHQ thông qua năm 2015 và đề ra lộ trình cho một tiến trình hòa bình ở Syria. Bên cạnh đó, ông kêu gọi HĐBA ủng hộ các nỗ lực đưa các bên tiến gần hơn tới việc thương lượng được một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài dai dẳng tại Syria.
Liên quan tình hình Syria, cùng ngày, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), bà Reena Ghelani, đã cung cấp số liệu cập nhật về đợt bùng phát dịch tả tại Syria. Theo đó, cho đến nay đã có trên 20.000 người mắc bệnh và ít nhất 80 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp do các yếu tố như hạn hán nghiêm trọng, hạ tầng nước hỏng hóc...
Bà Ghelani cho biết LHQ và các đối tác đã lên tiếng báo động về cuộc khủng hoảng nước ở miền Bắc Syria trong năm qua, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc khủng hoảng này có thể diễn biến trầm trọng hơn do gia tăng khả năng lượng mưa thấp dưới mức bình thường trong khi nhiệt độ cao hơn thông thường.
LHQ đã lên kế hoạch thực hiện trong 3 tháng để ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ 34,4 triệu USD nhằm hỗ trợ các dịch vụ y tế cho 162.000 người cũng như hỗ trợ nước sạch và vật dụng đảm bảo vệ sinh cho 5 triệu người ở Syria.
Zimbabwe giải thích quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine Zimbabwe cho biết họ hiểu rõ lý do Nga quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, do đó bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga. Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda. Ảnh: New Zimbabwe Trang tin Newzimbabwe.com ngày 10/10 dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda cho biết nước...