Hãy ôm con và chia sẻ yêu thương
” Tôi vừa về đến nhà, mẹ nói:”Cục cưng, con đã về rồi à”. Sau đó, mẹ ôm tôi vào lòng, mẹ hôn lên má tôi, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Bố lúc đó cũng đến ôm lấy tôi, xoa xoa đầu tôi và nói tôi là một đứa con ngoan.
ảnh minh họa
Đúng lúc đó thì tôi tỉnh giấc”- Đọc đoạn văn viết về tình cảm gia đình này của học sinh trong lòng tôi có một cảm giác rất khó tả, tình cảm giữa con cái và cha mẹ chỉ có thể bày tỏ trong giấc mơ thôi sao?!
Trong một buổi lên lớp, tôi kể một câu chuyện: Có một cậu bé, vì bị bố mẹ mắng nên đã tức giận bỏ nhà đi. Đến lúc trong người không còn một xu, vừa đói vừa khát thì có một cụ già đến cho cậu ta một chiếc bánh mì để ăn lót dạ, cậu bé vô cùng cảm kích, nói với ông cụ: “Cháu nhất định sẽ báo đáp ông”. Ông cụ nói: “Ta mới chỉ cho cháu một ổ bánh mì mà cháu đã cảm kích đến như vậy, trong khi đó, bố mẹ đã nuôi nấng cháu ngần ấy năm trời, lẽ nào cháu không cảm kích hay sao?”. Nghe ông cụ nói vậy, cậu bé đã tỉnh ngộ, liền quay về nhà.
Học sinh nghe đến đây, đứa thì gật đầu bảo đúng, đứa thì tỏ vẻ đã ngộ ra. Tôi liền nói tiếp: “Cuộc sống là điều kì diệu nhất, nhưng trong các em, đã ai từng hỏi chính mình, là ai đã cho các em cuộc sống? Là ai quan tâm và yêu thương các em nhất?”. Có một vài học sinh nói khe khẽ: “Bố mẹ”. Tôi nói tiếp: “Để báo đáp, bài tập về nhà ngày hôm nay của các em sẽ là chủ đề rất đặc biệt về gia đình, đó là: Về nhà ôm bố mẹ mình.” Để các em ai cũng phải thực hiện bài tập về nhà đặc biệt này, tôi yêu cầu buổi học sau các em sẽ phải nộp bài viết về quá trình ôm bố mẹ cho tôi.
Video đang HOT
Một tuần sau, bài tập về nhà của tuần trước đã nộp lên.
Có bài của một học sinh viết như sau:
Vừa bước vào nhà, nhìn thấy mẹ đang dọn cơm ra bàn. Nhớ đến bài tập đặc biệt mà cô giáo đã giao, tôi có chút căng thẳng, nói với mẹ: “Mẹ vất vả quá”. Nghe giọng tôi có chút run run, mẹ sững người ra một lúc, sau đó quay đầu lại nói: “Nhanh rửa tay rồi ra ăn cơm”. Lúc đó, ý niệm muốn ôm mẹ đã bay đi gần hết. Mẹ cảm thấy thái độ của tôi có chút kì quặc, hỏi: “Có phải đã xảy ra chuyện gì không?”. Tôi cười nói: “Không ạ. Mẹ, con cảm ơn mẹ, con yêu mẹ”. Tôi vội vàng thử ôm lấy mẹ. Trong chốc lát, tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt nóng hổi quanh mắt mẹ. Ôm mẹ, bài tập mới chỉ hoàn thành được một nửa. Trong lòng tôi thấp thỏm không yên, bố đối với tôi luôn rất nghiêm khắc, tôi có chút sợ bố.
Khi bố đi làm về, tôi chủ động chạy ra mở cửa, rồi chào bố. Bố có chút hoài nghi: “Nói thật đi, có phải là con đã phạm lỗi gì không?”. Tôi nói: “Không ạ”. Bố liền nói: “Nếu không thì chắc là lại muốn xin xỏ mua cái gì ư?”. Tôi mất hết cả hứng, nhưng vẫn cố nói: “Không phải, chỉ là muốn bố con mình ôm nhau”. Bố vô cùng ngạc nhiên, sau đó còn quan sát thái độ của tôi một lúc, tôi cúi đầu không dám nhìn bố, trong bụng nghĩ: hết phim rồi! Điều khiến tôi ngạc nhiên chính là bố lại dang rộng cánh tay ôm lấy tôi. Tôi bị bao vây bằng cảm giác hạnh phúc đột ngột đó, tôi chân thành nói: “Bố, con yêu bố”. Bố không nói gì nhưng ôm tôi chặt hơn.
Đọc xong, tôi vừa xúc động vừa mừng cho em học sinh ấy.
Nhưng bài tập tưởng như đơn giản đấy lại có rất nhiều em học sinh không hoàn thành. Có một bài của một học sinh khác viết như sau:
Tôi vừa về đến nhà, mẹ nói:”Cục cưng, con đã về rồi à”. Sau đó, mẹ ôm tôi vào lòng, mẹ hôn lên má tôi, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Bố lúc đó cũng đến ôm lấy tôi, xoa xoa đầu tôi và nói tôi là một đứa con ngoan. Đúng lúc đó thì tôi tỉnh giấc.
Đọc đến đó, trong lòng tôi có một cảm giác rất khó tả, tình cảm giữa con cái và cha mẹ chỉ có thể bày tỏ trong giấc mơ thôi sao?!
Để các em học sinh biến tình yêu trong giấc mơ thành tình yêu ngoài thực tế, trong buổi họp phụ huynh, tôi cố tình nhắc đến chủ đề “Nói lời yêu thương”. Trong buổi họp, tôi nói: “Cử chỉ yêu thương của bố mẹ là chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình phát triển của con trẻ, những đứa trẻ thiếu sự âu yếm của bố mẹ thì sự phát triển về sinh lý, trí tuệ cũng như tính thích ứng với xã hội đều yếu kém. Thậm chí rất dễ mắc các chứng bệnh về tâm lý. Vì sự phát triển khỏe mạnh của con trẻ, mỗi vị phụ huynh nên học cách ôm con mình hàng ngày”.
Nói đến đây, có một phụ huynh nam nói với tôi: “Thưa cô giáo, tôi cũng rất yêu con tôi, nhưng giờ nó đã lớn rồi, ôm con đã là chuyện của mười mấy năm về trước. Giờ ôm nó tôi cũng thấy ngại ngùng”.
Tôi cười và nói: “Người Á Đông chúng ta tương đối kín đáo, thường không dùng cử chỉ ôm để bày tỏ tình yêu trong lòng. Nhưng theo nghiên cứu về tâm lý học, tố chất tâm lý của những đứa trẻ thường xuyên được ôm ấp, âu yếm mạnh hơn rất nhiều so với tố chất tâm lý của những đứa trẻ không được ôm ấp, âu yếm. Một nhà tâm lý học người Mỹ đã từng nói: “Những cái ôm có thể chữa được trầm cảm, có thể làm tăng hiệu quả hệ thống miễn dịch của cơ thể; Những cái ôm còn có thể trợ lực cho cơ thể đang kiệt sức, khiến cho con người khỏe mạnh, có sức sống hơn. Trong gia đình, cái ôm có thể cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, giảm bớt xích mích. Trong học tập, học sinh có thể cảm nhận được trong những cái ôm là sự ủng hộ từ phía gia đình, từ đó có thể dũng cảm đối mặt với khó khăn và thử thách”.
Nghe tôi giảng giải, cách nhìn của rất nhiều phụ huynh đã thay đổi. Ngay sau đó, có một vị phụ huynh đã bắt đầu thực thi “Kế hoạch ôm”. Một thời gian sau, tôi nhận được thư điện tử. Trong thư, vị đó viết:
Một hôm, tôi ngồi làm việc bên máy tính, nhìn thấy con trai bước vào phòng, tôi nói: “Bố ngồi đánh máy lâu quá, hai bên vai giờ mỏi nhừ”. Con trai không có phản ứng gì. Tôi lại nói: “Hồi con nhỏ, con thường xuyên đấm lưng cho bố, thật dễ chịu. Hôm nay con lại thử bóp vai cho bố một lúc nhé!”. Con trai đến gần bóp vai cho tôi, được một lúc tôi vỗ vai con rồi nói: “Con trai bố rất ngoan, bố cảm ơn con”. Con trai cười cười, có chút xấu hổ.
Từ đó về sau, hễ cứ có cơ hội là tôi lại xoa đầu con, vỗ nhẹ vào vai con, dùng những cử chỉ để bày tỏ cho con biết là tôi yêu con.
Có một hôm, tôi nói: “Con trai bố lớn nhanh thật, không biết giờ bố có bế nổi con nữa không nhỉ”. Sau đó, tôi rất tự nhiên bế con lên: “Ôi chao, nặng quá, bố già rồi, không bế nổi con nữa rồi”. Sau khi buông tay ra, tôi nói: “Hay con cũng thử xem có bế được bố không?”. Con trai vòng tay ôm rồi nhấc tôi lên. Khi đó, tôi cảm thấy như có một luồng nhiệt truyền giữa hai bố con tôi.
Về sau, chỉ cần có cơ hội là tôi lại ôm lấy con trai. Cũng từ đó, có chuyện gì con trai cũng tìm tôi để tâm sự.
Ôm bố mẹ dần dần đã trở thành chuyện rất phổ cập ở lớp tôi. Tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi về mặt tinh thần của các học sinh trong lớp, trạng thái căng thẳng lo âu trong những tiết học dài đã dần biến mất. Không khí buổi học cũng khá hơn rất nhiều, những bộ mặt trước đây từng rất căng thẳng trong mỗi buổi học giờ cũng đã xuất hiện những nụ cười tươi như hoa. Những cái ôm như ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây, như cơn mưa giúp cho cây đâm chồi tươi tốt, như mùa xuân làm băng tan chảy…
Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh: Nếu con bạn là một đứa bé ngoan, bạn hãy ôm con, tiếp tục động viên và khích lệ con; Nếu con bạn là đứa trẻ hay mắc lỗi hoặc hiện giờ đang gặp thất bại, vậy bạn càng cần phải ôm lấy con, âu yếm và quan tâm đến con, để con bạn cảm nhận được tình yêu của bố mẹ ở khắp mọi nơi. Bắt đầu từ những cái ôm để kết nối tâm hồn. Chỉ cần tâm đứa trẻ không có vấn đề thì sự trưởng thành của đứa trẻ chắc chắn cũng sẽ không có vấn đề.
Theo VNE