Hay là mình cứ bất chấp hết lên “phây” đi anh?
TTO – Cô giáo Dương Hải Âu chê cầu sập trên Facebook bị đảng ủy xã “xử lý”, cô giáo chê chủ tịch tỉnh… gây xôn xao dư luận…. Có nên đưa chuyện cơ quan, công ty… lên mạng xã hội?
Các bạn trẻ chọn cách trao đổi, góp ý trực tiếp với diễn giả, khách mời là đàn anh đi trước tại ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Khoa Nguyễn
Gần đây trên Facebook xuất hiện hàng loạt trường hợp như cô giáo chê chủ tịch tỉnh, bị kỷ luật, cơ quan chức năng phải lập hội đồng xem xét kỷ luật, rồi rút quyết định xử phạt…
Rồi vụ cô giáo Dương Hải Âu – Trường tiểu học Tân Hiệp, xã Tân Hiệp – bị Đảng ủy xã “xử lý” vì đưa thông tin chê cầu M3 sập lên Facebook. Và theo lãnh đạo Huyện ủy Thạnh Hóa, tỉnh Long An, việc Đảng ủy xã Tân Hiệp “xử lý” đối với cô giáo đã đưa thông tin và chê cầu sập trên Facebook là sai.
Video đang HOT
Nhiều bạn đọc ủng hộ việc đưa lên Facebook những thông tin xác thực. Bạn đọc ủng hộ ý kiến: “Khi có người phản ảnh đúng vụ việc thì mình phải nghe, nhận và khắc phục. Đừng vì ý kiến góp ý mà xử lý người phản ánh”.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng mọi người khi đi làm phải tuân theo quy định của công ty, không phải góp ý gì cũng đưa lên Facebook.
Phát biểu trực tiếp trước đám đông giúp các bạn trẻ tự tin thể hiện chính kiến của mình một cách công khai hơn. Sinh viên phát biểu trong một chương trình ở ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM – Ảnh: Khoa Nguyễn
Nên phản ánh đúng, chứ không lợi dụng mạng xã hội
“Khi đi làm phải tuân theo quy định của công ty, nhiều người sợ sếp, ngại ý kiến, đóng góp thường bị bỏ mặc, lâu dần thành ức chế. Họ chọn cách xả trên Facebook nói bóng nói gió, hoặc nhiều bạn chọn không kết bạn với người làm cùng công ty, hoặc chỉ với những người bạn thật sự thân tại công ty.
Và các trường hợp xử phạt vì chê ai đó trên Facebook gần đây cũng chỉ dựa vào cảm tính của các cơ quan chức năng, chứ chưa có quy định cụ thể, đúng mực” – bạn Nguyễn Thanh Hà, nhân viên văn phòng tại Q.10, TP.HCM, chia sẻ.
Bạn Trần Thanh Quy (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội chỉ để chửi bới, khoe khoang có đồ này mới, đồ kia lạ, thích nhảy vào chê bai hơn là động viên khích lệ. Nhiều bạn nghĩ rằng mình đăng lên Facebook cá nhân của mình thì chẳng lo gì cả, vì là wall (tường) nhà mình mà, cứ vô tư ý kiến, bình phẩm, đánh giá mọi điều. Nhưng các bạn quên rằng Facebook có chức năng Feed, bạn bè của bạn mình vẫn có thể xem được, và nếu có vấn đề, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng khi cá nhân, tổ chức bị xúc phạm, bôi nhọ…”.
Thanh Quy nói thêm: “Góp ý trực tiếp chỉ là khi thân thiết thôi, thử đặt trường hợp mình vào mà xem. Tự nhiên có ai đó không quen không biết, vào góp ý, bảo nên làm thế này, em phải làm thế kia… em phải… thì có mà ăn chửi ngay”.
Khi được hỏi nên hay không tranh biện trên mạng xã hội, bạn Trần Xuân Biển – nguyên chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết: “Thông tin trên mạng xã hội không phải là tranh biện, mà thường là chỉ trích, đả kích lẫn nhau. Thông thường nên gặp mặt nói chuyện, vừa rèn luyện khả năng đối mặt, xử lý vấn đề nhanh hơn. Trên mạng xã hội sẽ không tự chủ được thời gian, có người viết dài, người viết ngắn, đám đông chưa hiểu chuyện đã vội vào chửi bới”.
Còn với các bạn sinh viên tại ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM thì chọn cách góp ý về các dịch vụ, tiện ích chưa tốt, hay những điểm tích cực nên phát huy hoặc cải thiện trong group “Hội những người ở khu B…”.
Những thắc mắc về kỹ thuật mạng Internet có vấn đề, hay thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt, những lời cảnh báo lừa đảo, gian lận, chỉ dẫn đường đi xe buýt cũng được các bạn trẻ tận dụng tối đa trong group, giúp gần hơn với ban quản lý ký túc xá.
Bài viết của cô Hải Âu trên Facebook
Theo TTO