Hãy hiểu ba hơn
Mẹ vô tình đọc được tâm sự của con. Con than, ba lúc nào cũng nghiêm khắc, chẳng cưng chiều con bao giờ. Mẹ hiểu nỗi niềm đó của con.
Là con gái, con thèm được nhõng nhẽo, nũng nịu, chiều chuộng, nhất là với ba mẹ mình. Nhưng tính ba cương trực, có phần nóng nảy. Ba nói một là một, không qua lại nhiều lời và khi ba bực lên thì sự kiềm chế của ba không tốt. Nhiều lần, mẹ thấy con phụng phịu khi bị ba mắng. Mẹ cũng đã nhìn thấy những giọt nước mắt của con khi cho rằng ba chẳng chịu hiểu mình. Nhưng đã bao giờ con tự hỏi: mình hiểu ba đến đâu?
Con gái ạ. Ba con lớn lên trong một gia đình mà ở đó tình thương yêu lấn át mọi nguyên tắc. Ông bà nội cưng chiều ba và cô chú con hết mực, như cách ba nói là “đội con cái lên đầu”. Ông bà nội chẳng bao giờ quát mắng dù họ có làm sai chuyện gì. Khi chú con đánh bạn cùng lớp mẻ một cái răng, bố mẹ bạn đến tận nhà làm to chuyện, ông bà đứng ra chịu mọi lời xỉa xói, còn người gây ra tội lỗi ấy lại vô can. Cô giáo phát hiện cô con chép văn mẫu trong giờ kiểm tra nên cho điểm kém, bà nội vẫn khăng khăng cho rằng vì cô muốn “trù” học sinh chứ con của bà học giỏi chẳng bao giờ làm việc ấy.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Cách dạy dỗ thiếu nguyên tắc đã dần dẫn đến hậu quả, chú con vào tù còn cô con mấy lần vào trại giáo dưỡng vẫn chưa thể trở thành người tử tế. Ba con sớm nhận thức được hệ quả nhưng không thể thay đổi được nếp nghĩ ăn sâu trong tiềm thức của bố mẹ mình. Ba con đã cố gắng để chèo lái các em nhưng mọi nỗ lực đều vô ích khi sau cô chú luôn có ông bà nội chống lưng, dựa dẫm và che chắn. Ba con chỉ còn lại một cách là tự mình vươn lên sống tốt. Bao năm qua, ba vẫn đau đáu nỗi đau và cả sự bất lực khi nghĩ về gia đình lớn. Chính vì thế, ba khá nguyên tắc trong nuôi dạy con.
Công việc của ba, con cũng thấy rồi đấy. Một ngày với ba không phải là tám tiếng làm việc. Có đêm làm việc muộn, vừa đặt lưng xuống giường, ba đã bật dậy vì có email vừa gửi đến cần phải giải quyết gấp. Trong lúc tâm trạng ba nặng nề, con lại hỏi xin cái nọ, cái kia. Sáng ra, ba vội đến công ty họp sớm, tiện đường chở con đi học nhưng con lại cứ nhấn nhá, đủng đỉnh. Tính ba ngăn nắp, gọn gàng còn con dùng điện thoại, máy tính của ba xong bạ đâu quăng đấy. Vài lần, mẹ thấy ba tận tình chỉ bảo cho con nhưng con lờ đi, vì thế nên ba bực, ba cáu.
Trong lòng ba luôn có con. Mẹ nhớ hồi con học tiểu học, ngày đó cuộc sống của ba mẹ còn vất vả, thiếu thốn. Có lần, nhận được một khoản tiền thưởng nho nhỏ, ba khoe với mẹ. Mẹ định mua cho ba đôi giày thay cho đôi giày cũ đã sờn mép, nhưng tối thấy ba khiêng về một chiếc bàn. Ba hồ hởi bảo giày của anh vẫn còn đi tốt, thay cho con cái bàn, vào năm học mới cho con phấn khởi. Khi ba mẹ làm nhà, căn phòng mà ba bỏ nhiều công sức để thiết kế, bày biện là phòng ngủ của con
Lần con phải nhập viện cấp cứu, ba thức cả đêm. Có lúc, mẹ thấy ba bỏ ra ngoài hành lang, mẹ nghĩ ba ra đó hút thuốc, nhưng khi mẹ đi tìm thì thấy ba đang đứng xoay lưng lại. Hai vai ba run lên. Thì ra ba khóc vì sợ mất con, nhưng không muốn mẹ nhìn thấy.
Nghiêm khắc với con nhưng ba vẫn thường dặn mẹ rằng con gái lớn lên sẽ đi lấy chồng, sướng khổ chẳng biết thế nào, nên ngày nào nó còn trong vòng tay mình hãy yêu thương con nhiều nhất có thể.
Ba con là vậy. Bề ngoài luôn tỏ ra cứng rắn, sắt đá nhưng bên trong lại rất dễ mềm lòng. Ba yêu con hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Vì tình yêu đó mà ba thức đêm, thức hôm làm việc không biết mệt mỏi, sẵn sàng hy sinh để dành cho con những điều tốt đẹp.
Mẹ biết con cũng rất yêu ba, vì thế con dễ giận dỗi, hờn trách. Nhưng con hãy thông cảm với ba hơn và có lúc con nên đặt mình vào vị trí của ba để hiểu ba hơn. Khi hiểu ba rồi con sẽ nhận ra dẫu cách thể hiện tình cảm của ba có thể không như con mong muốn nhưng tình thương ba dành cho con lớn lao đến nhường nào.
Theo Phunuvagiadinh