‘Hãy để học sinh nghỉ hè như ngày xưa tươi đẹp’
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng 20 năm trở lại đây kỳ nghỉ hè của học sinh bị rút ngắn lại. Trong khi đó, đây là kỳ nghỉ mang nhiều ý nghĩa, thật sự cần thiết với trẻ em.
“Rất cần thiết đảm bảo cho học sinh có kỳ nghỉ hè đầy đủ, ý nghĩa. Chạy đua để học sinh đi học sớm đầu tháng tám sẽ là việc làm lợi bất cập hại”, dịch giả Nguyễn Quốc Vương – người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục – nêu quan điểm.
Trong bài viết gửi Zing, ông Nguyễn Quốc Vương cho rằng khoảng 20 năm trở lại đây, trong khi cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo “giảm tải” cho trường phổ thông, kỳ nghỉ hè của học sinh cứ ngắn dần. Xin giới thiệu bài viết của người từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản.
Học sinh trườn THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trong lễ bế giảng năm học. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tại sao kỳ nghỉ hè ở Việt Nam ngắn lại?
Có nhiều lý do khiến kỳ nghỉ hè ở Việt Nam ngắn lại, dù thời gian dành cho năm học chính thức theo quy định là 35 tuần hầu như không thay đổi lớn qua thời gian.
Thứ nhất, kỳ nghỉ hè rút ngắn do tác động của quan niệm trường học là nơi truyền thụ tri thức cho học sinh và sứ mệnh của giáo dục là truyền đạt cho trẻ tất cả tri thức cần thiết.
Khi vẫn giữ quan điểm giáo dục có sứ mệnh như trên, người làm chương trình, sách giáo khoa sẽ tham vọng đưa vào đó tất cả điều mà họ thấy “cần thiết” để truyền đạt cho học sinh.
Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: NVCC.
Câu chuyện tranh cãi sách giáo khoa dày hay mỏng, chương trình quá tải hay không và văn bản gọi là “phân phối chương trình” quy định chi tiết đến từng tiết học ở trường phổ thông, đã phản ánh điều này một cách rất khách quan.
Các trường và giáo viên, khi bị chi phối bởi tư duy trên, sẽ chỉ quan tâm “tiến độ chương trình”. Nghĩa là đến ngày này, giờ này, giáo viên dạy hết, xong chương trình, sách giáo khoa theo quy định hay chưa?
Tiến độ chương trình trở thành nỗi ám ảnh của hiệu trưởng và giáo viên, mỗi khi có đợt kiểm tra, thanh tra hay kỳ thi đến.
Việt Nam có thi tập trung, đề chung của sở, phòng. Vì vậy, trường, lớp nào học chậm hơn “tiến độ chương trình” quy định của cấp trên, sẽ bị thua thiệt, nhắc nhở, kỷ luật.
Chính Tanaka Yoshitaka, chuyên gia phát triển giáo dục người Nhật Bản, khi làm việc 3 năm ở Việt Nam, đã viết trong cuốn “ Cải cách giáo dục Việt Nam: Liệu có thực hiện được lấy học sinh làm trung tâm” (xuất bản tại Nhật, 2008) rằng: Ở trường học Việt Nam, hiệu trưởng và giáo viên có xu hướng coi trọng tiến độ chương trình hơn việc cho học sinh học sâu, hiểu kỹ.
Thứ hai, kỳ nghỉ bị rút ngắn do anh hưởng của cuộc chiến thi cử. Cuộc chiến thi cử có thể thấy ở hầu hết nước trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, khi xã hội coi trọng bằng cấp.
Ở Nhật Bản, những năm 70-80 của thế kỷ trước là đỉnh cao của cuộc chiến thi cử trong trường. Đằng sau cuộc chiến thi cử là quan niệm sai lầm về sự phát triển của con người và sự thành công trong đường đời.
Khi quan niệm đường đời chỉ có con đường thẳng tắp và duy nhất là học giỏi – thi đỗ – đi làm kiếm thật nhiều tiền để thành công, việc học ở trường sẽ trở thành gánh nặng của học sinh. Những học sinh học kém hơn bạn sẽ bị xem là thất bại.
Để thắng trong cuộc chiến thi cử, việc tận dụng thời gian để có thêm kiến thức được định sẵn một lượng nào đó phục vụ kỳ thi là rất quan trọng. Điều này lý giải các trường, địa phương, giáo viên và cả phụ huynh luôn trong trạng thái chạy đua nước rút.
Video đang HOT
Thứ ba, kỳ nghỉ hè bị rút ngắn do cơ chế tập quyền hành chính trong giáo dục. Ở nước ta, không có truyền thống trao quyền tự chủ về thời gian thực hiện chương trình và tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục cho các trường và giáo viên. Trong tâm thức và thực tế, các trường và giáo viên luôn coi mình là “người thực thi”.
Sự chủ động ở cơ sở giáo dục và giáo viên kém làm cho việc thực thi chương trình phải theo “sự chỉ đạo” từ phía trên một cách máy móc.
Trong khi ở các nước tiên tiến, cho dù tồn tại chương trình quốc gia, nó cũng là phương án tham khảo và các trường, địa phương, thậm chí là từng giáo viên, sẽ có chương trình giáo dục riêng của mình.
Chương trình phổ thông mới nhất của Nhật cũng ghi rõ thời gian tổng thể dành cho từng môn học nhưng tùy từng địa phương, từng trường mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Như vậy, kỳ nghỉ hè và các sinh hoạt học đường khác như vui chơi, thể thao, trải nghiệm đời sống dễ phải hy sinh cho các mệnh lệnh hành chính giáo dục hoặc chiến lược thi cử.
Học sinh lớp 12 THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, trong buổi chia tay tuổi học trò. Ảnh: T.T.
Nghỉ hè rất cần thiết với học trò
Xã hội hiện đại với sản xuất lớn gắn liền tự động hóa, hệ thống hóa, tiêu chuẩn hóa, tối ưu hóa đã khiến nhịp điệu cuộc sống trở nên nhanh hơn bao giờ hết.
Mọi người đều có tâm lý muốn tận dụng, tối ưu hóa thời gian để đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh đó, sẽ có người đặt ra câu hỏi: “Kỳ nghỉ hè có ích gì không? Có thật sự cần thiết không?”
Trong ký ức của nhiều người Việt Nam đã trưởng thành, nghỉ hè thường gắn liền kỷ niệm thôn dã và những trò chơi cùng bè bạn.
Rất có thể, như một quy luật tâm lý, người ta có xu hướng mỹ hóa “những ngày xưa tươi đẹp”, nhất là khi nản lòng hay buồn phiền trước hiện tại. Đã từ lâu nghỉ hè trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa giáo dục trường học.
Sẽ rất thú vị nếu như ta lần tìm lại lai lịch của kỳ nghỉ hè trong lịch sử giáo dục. Tại sao ở các nước, trải qua lịch sử dài, kỳ nghỉ hè luôn được coi trọng? Tại sao ở các nước tiên tiến, người ta vẫn duy trì ổn định các kỳ nghỉ của trường học, trong đó có kỳ nghỉ hè.
Nếu như dành cho học sinh một kỳ nghỉ đúng nghĩa còn không làm được, việc cải cách giáo dục thực sự sẽ còn là chuyện… đường xa.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Thứ nhất, như tên gọi kỳ nghỉ gợi ra, mùa hè ở Việt Nam rất nắng nóng. Mùa hè nắng nóng gay gắt, học sinh được nghỉ sẽ tránh nguy cơ về sức khỏe.
Thứ hai, việc học trong xã hội hiện đại cần phải hiểu theo nghĩa rất rộng, là học mọi thứ cần thiết cho sự phát triển của con người (tâm hồn, trí tuệ, thể chất, kỹ năng sống…), chứ không chỉ là học các tri thức trong sách giáo khoa để thi.
Người học cũng sẽ học trong mọi không gian, thời gian, tận dụng mọi cơ hội và thông qua tất cả đời sống sinh hoạt, chứ không chỉ học ở trường.
Vì vậy, nghỉ hè là dịp tốt để học sinh về gia đình, địa phương sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, trẻ học hỏi kỹ năng sống, cách thức giao tiếp, rèn luyện năng lực thích nghi với đời sống và đặc biệt là học cách lao động và trân trọng giá trị của lao động.
Trước kia, khi đất nước dựa vào kinh tế nông nghiệp thuần túy, hầu hết trẻ em đều có trải nghiệm giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà và lao động. Trừ các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột, việc cha mẹ có ý thức cho con trải nghiệm lao động và tập lao động vừa sức là điều tốt.
Trong xã hội ngày nay, nếu quan sát, ta sẽ thấy có rất nhiều học sinh không biết làm việc nhà hay giúp đỡ cha mẹ hàng ngày. Đây là điều không có lợi cho giáo dục và tạo ra những thế hệ ỷ lại trong cả tư duy và sinh hoạt.
Các em trở thành người lớn nhưng không tự lập được về tư duy và sinh hoạt, sẽ gây ra hệ lụy không chỉ cho cá nhân, mà còn làm suy yếu cộng đồng.
Thứ ba, học sinh nghỉ hè đủ, đúng cách, còn giúp tạo ra quãng thời gian “thong thả” cho giáo viên nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình. Giáo viên là nghề không nhàn như nhiều người tưởng. Giáo viên cũng rất cần thời gian dài nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Như một người bình thường, giáo viên cũng có nhu cầu nấu ăn ngon, làm đẹp, đi du lịch, nghe nhạc, đọc sách… Hơn nữa, nghỉ hè là dịp tốt để thầy cô gác lại những công việc lặt vặt ở trường, các công việc sự vụ để tập trung đọc sách, tự học hoặc tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo.
Nếu người lớn bị tước đi kỳ nghỉ, chẳng hạn công ty, cơ quan thông báo từ giờ trở đi sẽ rút ngắn hoặc xóa bỏ kỳ nghỉ hè định kỳ, người lớn sẽ có cảm giác và phản ứng ra sao?
Với những lý do trên, rất cần thiết đảm bảo cho học sinh có kỳ nghỉ hè đầy đủ, ý nghĩa. Nếu như dành cho học sinh một kỳ nghỉ đúng nghĩa còn không làm được, việc cải cách giáo dục thực sự sẽ còn là chuyện… đường xa.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá học trực tuyến, truyền hình với các sở GD&ĐT, trường đại học mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin các trường tiếp tục học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình. Giáo viên, học sinh được tăng thời gian nghỉ hè.
Trước đó, do ảnh hưởng từ thời gian nghỉ dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các trường kết thúc năm học trước 15/7.
Hiện tại, một số trường đã hoàn thành chương trình, kết thúc năm học. Tuy nhiên, phần lớn trường đều cho rằng khó kết thúc năm học trước tháng 7. Cộng với thời điểm tựu trường giữ nguyên như năm ngoái, học sinh chỉ được nghỉ hè từ 2 tuần đến một tháng.
Cơ hội đổi mới giáo dục: Học và thi ở các nước phát triển
Để kết lại tuyến bài 'Cơ hội đổi mới giáo dục', Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục trong nước và thế giới, từ đó có những tham chiếu cho quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
Một giờ học chuyên ngành truyền thông của sinh viên Mỹ - Ảnh: N.HUY
"Mỹ chú trọng vào thời gian học đại học, căng thẳng hơn ở Việt Nam rất nhiều bởi các em đã lớn về trí lực, thể lực và nhân cách thì bắt đầu được đào tạo để làm việc. Khác với Việt Nam, học sinh phổ thông học "điên cuồng" nhưng ở đại học thì nhiều em học "làng nhàng".
TS Nguyễn Đông Hải
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (cựu nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật):
Nhật Bản nhấn mạnh "năng lực sống"
Ở tầm vĩ mô, triết lý giáo dục Nhật được quy định rõ ngay trong điều 1 của Luật giáo dục cơ bản, theo đó phải tạo ra người công dân dân chủ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, thái độ phù hợp với nước Nhật Bản "Hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền".
Gần đây trong Luật giáo dục cơ bản sửa đổi (2006), Nhật Bản nhấn mạnh thêm về "năng lực sống", trong đó có năng lực tự học, tự mình tìm ra và giải quyết vấn đề trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng.
Thay cho kỳ thi THPT quốc gia như Việt Nam, Nhật tổ chức "kỳ thi thứ nhất", theo hình thức trắc nghiệm các môn thí sinh cần để vào ĐH, nhưng không xét đậu rớt mà chỉ báo điểm. Các ĐH từ đó tổ chức "kỳ thi thứ hai", dựa trên điểm số kỳ thi thứ nhất, để sàng lọc sinh viên, thông qua nhiều cách đánh giá như viết luận, phỏng vấn... tùy từng nơi.
Học sinh Nhật cũng đi học thêm nhiều, tuy nhiên những thầy cô dạy thêm ở các trung tâm, gọi là Juku hay trường Yobiko (trường dự bị), là các giáo viên tự do hoặc thuộc cơ sở đó, không thuộc hệ thống trường giáo dục quốc dân. Luật ở đây nghiêm cấm giáo viên đang giảng dạy ở các trường phổ thông dạy thêm.
Trên lớp, giáo viên Nhật được đảm bảo tự do thực tiễn khi không nhất thiết dạy như sách giáo khoa hay thậm chí là cả chương trình quốc gia. Các trường, địa phương, từng giáo viên có thể thiết kế chương trình riêng với nội dung, phương pháp sáng tạo miễn đúng luật và đảm bảo mục tiêu giáo dục.
Điều này tương đối khác ở Việt Nam với tâm lý giảng dạy là đơn thuần truyền đạt kiến thức thông tin. Vì thế, giáo viên vô hình trung buộc phải dạy hết bài, hết nội dung trong chương trình, sách giáo khoa. Khi phải truyền đạt lượng lớn thông tin trong thời gian có hạn, tất yếu sẽ quá tải.
TS Nguyễn Đông Hải (giảng viên vật lý, ĐH Tennessee Wesleyan, Mỹ):
Mỹ cân bằng 3 yếu tố
Sống và dạy học ở Mỹ hơn 10 năm, tôi biết rằng chương trình ở Mỹ cũng "nặng" không khác Việt Nam là bao. Chẳng hạn môn toán cấp III ở Việt Nam học về logarit, nhiều người nói rằng cao siêu, nhưng ở Mỹ chương trình lớp 11 cũng có nội dung này. Trước đây, dư luận trong nước từng xôn xao việc một chuyên gia đề xuất cho học sinh tiểu học học xác suất thống kê, tuy nhiên con tôi ở Mỹ đã học vào năm lớp 2.
Chương trình không khác nhau là bao nhưng nhìn chung cảm giác học ở Mỹ nhẹ nhàng hơn, mấu chốt nằm ở cách thực hiện. Giáo dục Mỹ cân bằng rất tốt 3 yếu tố: trí lực, thể lực và đạo đức. Về thể lực, các trường chú trọng những giờ thể dục thể thao, không như nhiều trường Việt Nam chỉ xem đây là tiết... cho có, không giúp nâng cao thể chất. Lên cấp II, mỗi học sinh ở Mỹ đều có một hoặc hai môn thể thao sở trường và tiếp tục phát triển ở cấp III và ĐH.
Ngoài tiết thể dục, con tôi cũng có những giờ được trường dành hẳn cho chơi ngoài sân. Trường rất coi trọng và khuyên cha mẹ nên dành thời gian cho con sau giờ học. Có lần, tôi thắc mắc với cô giáo vì sao không giao bài tập về nhà cho con, giáo viên nói rằng ở trường đã học nhiều, buổi tối là lúc để các em dành cho những mối quan tâm khác.
Về đạo đức, chương trình không có những môn đạo đức, thay vào đó các trường chú trọng dạy làm người trong từng phút ở trường. Từ thầy cô đến thủ thư, phục vụ căngtin... mỗi người đều là một nhà giáo dục truyền đạt sự tử tế, tận tâm công việc đến các em, có giá trị hơn nhiều so với các bài giảng đạo đức lý thuyết.
Về trí lực, cần thừa nhận rằng đề thi ở Việt Nam thường rất khó so với kiến thức trong trường. Nhiều em học toát mồ hôi năm 12 nhưng vẫn không dễ dàng vượt qua đề thi, đến cả nhiều thầy cô còn vất vả mới giải xong.
Ở Mỹ, học nhẹ thì thi nhẹ. Dù vẫn có những kỳ thi làm điều kiện xét tuyển vào ĐH như SAT, ACT nhưng phần lớn không quá lo lắng vì các em đều ý thức rằng thành công ngoài đời không quyết định bởi việc bạn tính toán "sin cos" giỏi thế nào. Hơn nữa, dẫu bài thi cũng hỏi rộng nhưng nội dung các bài toán đòi hỏi tư duy thực tiễn cuộc sống hơn là những bài phức tạp mà không ứng dụng nhiều.
Đặc biệt, các kỳ thi do đơn vị tư nhân độc lập đảm nhận, từ đó gần như hạn chế "bệnh thành tích".
Ông Giản Tư Trung (viện trưởng Viện Giáo dục IRED):
Lấy "hiếu tri" làm gốc
Việt Nam vẫn luôn tự hào là một đất nước hiếu học, tuy nhiên nhìn lại những thành tựu về khoa học, công nghệ, kinh tế, nghệ thuật, thể thao... vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới. Dường như sự hiếu học ở ta chưa đồng nhất ở sự "hiếu tri" - khát khao hiểu biết - mà phần lớn chỉ là "hiếu điểm", "hiếu bằng", "hiếu danh"... Tất nhiên theo đuổi bằng cấp cũng là điều rất tốt khi bằng cấp đó tương xứng với sự hiểu biết và năng lực của mình.
Để có tinh thần "hiếu tri", ngay từ nhỏ học sinh cần được giáo dục về mục đích của việc học, học để làm gì. Nhiều quốc gia tiên tiến, từ những cấp học nhỏ đã không chấm điểm, cũng không xếp hạng. Như thế con trẻ đi học chỉ quan tâm đến sự hiểu biết mà không cần quan tâm đến điểm số hay chuyện hơn thua với người khác. Học tập với chúng là vượt lên chính mình, để thấy hiểu biết hôm nay của mình phải hơn hôm qua.
Sâu xa hơn, giáo dục khai phóng sẽ giúp con trẻ hình thành tinh thần "hiếu tri" một cách hiệu quả nhất. Mà bản chất của giáo dục khai phóng là giáo dục nhân bản. Cụ thể, giáo dục khai phóng hay giáo dục nhân bản lấy con trẻ làm gốc, lấy "sự khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng" của mỗi đứa trẻ làm lý tưởng của giáo dục cả gia đình và nhà trường nhằm hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" cho con trẻ.
Trẻ "hiếu tri" sớm sẽ hình thành một nếp học và nếp học đó sẽ đi theo họ suốt đời. Cần tâm niệm: không có trẻ con dở, chỉ có trẻ con chưa giỏi; không có trẻ em hư, chỉ có trẻ em chưa ngoan, để bao dung với các em hơn, tin vào các em hơn, từ đó giúp các em có được tinh thần "hiếu tri" này.
TRỌNG NHÂN ghi
Tựu trường trước khai giảng, học sinh chỉ được nghỉ hè 2 tuần PGS Đoàn Hương Mai đề xuất cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng 5/9, không học trước từ tháng 8. Năm học kéo dài, nếu tựu trường sớm, trẻ mất đi kỳ nghỉ hè ý nghĩa. Chị Nguyễn Quyên, phụ huynh có con theo học bậc mầm non một trường tư thục liên cấp ở Hà Nội, cho biết toàn trường...