Harvard: Thiên đường, siêu nhân hay quả bom
“Bất kỳ ai bạn gặp ở ĐH Harvard cũng sẽ thừa nhận rằng Harvard chỉ là khởi điểm, không phải cái đích và càng không phải mục tiêu của cuộc sống”, bà Đào Thu Hiền viết.
Ở Mỹ, Harvard có một nickname là “H-Bomb” – Quả bom chữ H. Tất nhiên, không ai hỏi “Bạn học trường H-bomb à?” hay “Anh ấy vừa được nhận vào H-bomb”. Người ta chỉ dùng tên này trong một ngữ cảnh: “Tôi vừa gặp abc, chưa kịp nói gì nhiều thì chàng đã thả quả bomb chữ H, choáng quá!”.
Việc ai đó nhắc tới tên Harvard trong khi giới thiệu về mình cũng đủ để thành chuyện và thường là chuyện không hay.
Bà Đào Thu Hiền. Ảnh nhân vật cung cấp.
Người Mỹ tạo ra Harvard mà họ còn khó tính với nó như vậy. Là người nước ngoài, bạn thích hay ghét Harvard, bạn nghĩ nó tuyệt vời hay bình thường thôi, hoàn toàn là quyền của bạn.
Harvard không đứng ra thanh minh và nếu bạn gặp ai đó học trường này ra thì họ cũng không thanh minh. Nếu vì lý do gì đó bạn ghét Harvard, thôi cứ ghét đi cho bõ tức, nhiều cái đáng ghét lắm.
Bạn ngưỡng mộ, mơ ước và phục Harvard thì cũng không sao: Hàng triệu người đứng cùng bạn, trong đó có cả Tổng thống Obama vì ông đã gửi con gái vào đại học này.
Môi trường Harvard có phải “thiên đường” của các trường đại học và sinh viên là “siêu nhân” của các sinh viên như bạn tưởng hay không?
Câu trả lời theo cách mà các giáo sư Harvard hay nói là “có và không”. Tôi chọn câu trả lời này không phải vì nó an toàn và vừa tai mọi người mà là vì đúng như thế.
Cách đây 6 năm, một cựu sinh viên Harvard ngán ngẩm với cái mà anh cho là sự “ngạo mạn” của thương hiệu này. Anh quyết định lập CLB có tên “Harvard Losers Club”, tạm dịch là CLB của những kẻ thất bại từng học Harvard.
Để có thành viên, anh ấy đăng ký “tên miền” với phòng cựu sinh viên và rất ngạc nhiên là không những nhà trường duyệt tên CLB, các cựu sinh viên khác cũng tham gia.
Những thành viên đầu tiên chia sẻ suy nghĩ với anh: Sinh viên Harvard chịu quá nhiều áp lực phải thành công vượt trội sau khi ra trường, trong khi không phải ai cũng làm được điều đó.
Nếu mọi người kỳ vọng ít hơn từ họ, nhiều bạn trẻ sẽ dám nói ra khó khăn của mình và tìm sự hỗ trợ. Họ hào hứng với CLB này vì cuối cùng cũng tìm được nơi có thể thoải mái chia sẻ về sự thất bại của mình.
Trước đó 6 năm, khi đang học tại Học viện Harvard Kennedy, tôi xin làm trợ giảng môn Econ 101 để kiếm tiền tiêu vặt. Buổi của tôi vào sáng thứ bảy hàng tuần thường vắng vì phần lớn sinh viên còn ngủ nướng. Tôi ngồi một mình rất buồn ngủ. Cho tới một hôm, anh sinh viên thạc sĩ quản lý công rất điển trai bước vào. Tôi không nhớ hết mình đã giảng những gì cho anh ấy, nhưng có nhớ mang máng là anh ta thán môn kinh tế phức tạp.
Video đang HOT
Anh ấy bảo nước mình không đo sự phát triển bằng GDP hay các con số tài chính mà bằng cái gọi là “happiness index” – chỉ số hạnh phúc. Tôi nghe anh ấy nói chuyện và nghĩ rằng người này chắc chắn còn đi xa hơn chức vụ trưởng ở Bộ Lao động và Nhân sự mà anh đang giữ lúc đó. Đúng 10 năm sau, anh sinh viên ngày đó – Tshering Tobgay – trở thành thủ tướng của Vương quốc Bhutan.
Sinh viên ĐH Harvard trong giờ học. Ảnh: Harvard.edu.
Con người là yếu tố chính làm cho Harvard trở thành một trong những tổ chức giáo dục tinh tuý nhất thế giới. Ở đây, bạn có thể tìm thấy những người giỏi và thành công nhất. Bạn cũng sẽ gặp những người đã làm những điều không hay chút nào (chỉ cần google hai từ Harvard và scandal sẽ biết) và những người rất bình thường.
Có một sự thật là không chỉ người nước ngoài choáng ngợp bởi cái tên Harvar mà người Mỹ cũng vậy. Ngôi trường thương hiệu này vừa gần lại vừa xa đối với nhiều người nên cảm xúc của họ trở thành cái gì đó giống như love-hate relationship (vừa thích vừa ghét).
Harvard vừa là niềm tự hào về đẳng cấp và sự tinh hoa (đã sản sinh ra bảy tổng thống Mỹ, 151 giải thưởng Nobel, Bill Gates, Mark Zuckerberg và nhiều bạn trẻ có điểm SAT tuyệt đối J) vừa là biểu tượng kiêu ngạo và quyền lực của giới thượng lưu, về cả tri thức và tài chính (30% sinh viên Harvard đến từ những gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/năm) mà không mấy người Mỹ ủng hộ.
Vậy nên, ở Mỹ, bạn thường phải cẩn thận khi nhắc tới việc từng học Harvard, cho dù nhiều người có thể sẽ nghĩ IQ của bạn cao (không phải ai cũng thích điều đó). Thậm chí, có người lập tức ghét bạn và loại ngay khỏi danh sách tuyển dụng.
Ghét hay yêu, những ai từng ở trong cộng đồng sinh viên Harvard đủ lâu thì đều có cảm nhận rằng nơi đây hội tụ nhiều cá nhân có mục tiêu cao, tham vọng lớn, rất nghiêm túc và có lý tưởng.
Không phải ai có mục tiêu cao cũng chọn Harvard nhưng những người chọn Harvard thường nghĩ trường này cho họ những thứ tốt nhất từ một tổ chức giáo dục đại học. Họ tới đây không nhất thiết để có tiền bạc hay quyền lực, mà còn vì những hoài bão về kiến thức, sự năng động, tầm ảnh hưởng…
Phần đông trong số họ nghiêm túc với các dự định của mình và có thái độ làm việc tốt. Khá nhiều bạn có một niềm tin hay sự quan tâm tới một vấn đề nào đó đủ sâu sắc để tìm hiểu và theo đuổi nó. Cuối cùng, rất nhiều sinh viên Harvard tin là họ sẽ phải giữ vai trò lãnh đạo, đúng hay không, không cần biết.
Ai học Harvard rồi cũng thành công nổi trội? Câu trả lời là không. Bởi vì, bất kỳ ai bạn gặp ở Harvard cũng sẽ thừa nhận rằng: ĐH Harvard chỉ là khởi điểm, không phải cái đích và càng không phải mục tiêu của cuộc sống.
Theo Zing
Harvard, bốn rưỡi sáng: 'Có thể sinh viên thức để chơi'
Anh Trương Phạm Hoài Chung hài hước nói Đại học Harvard sáng đèn lúc nửa đêm có thể do sinh viên còn vui chơi, chưa chịu đi ngủ.
Nói về bài viết Harvard 4 rưỡi sáng đang gây xôn xao mạng xã hội, chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh - tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế và Hành chính công tại Đại học Harvard - thẳng thắn cho rằng tác giả đã tạo ra cái nhìn sai lệch về ngôi trường này.
Người có hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho Đại học Harvard trong công tác tuyển sinh hệ cử nhân cho rằng áp lực học tập tại trường lớn, nhưng chắc chắn không phải sinh viên nào cũng học thâu đêm suốt sáng, vào nhà ăn mang theo pizza và nước ngọt, vừa ăn vừa đọc sách.
Anh Trương Phạm Hoài Chung - người đang học chương trình thạc sĩ Chính sách và Quản lý giáo dục tại Đại Học Harvard - hài hước nói sinh viên trong trường nổi tiếng về những bữa tiệc. "Harvard sáng đèn lúc nửa đêm" có thể do các bạn còn vui chơi, chưa chịu đi ngủ.
"Những lúc này mới là thời điểm sinh viên trường giao lưu, xây dựng mối quan hệ. Biết đâu trong cuộc tán gẫu lại nảy ra ý tưởng tạo ra một start-up, tiền thân của Facebook, Instagram, Uber", anh Chung nhận xét.
Anh Trương Phạm Hoài Chung đang theo học chương trình thạc sĩ Chính sách và Quản lý giáo dục tại Đại Học Harvard. Ảnh: NVCC.
Harvard 4 rưỡi sáng: Không phải trường chúng tôi học
Anh Huỳnh Thế Du, thạc sĩ Quản lý công tại Đại học Harvard và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Kiến Trúc Harvard, có nhiều năm học tập tại ngôi trường nổi tiếng nước Mỹ.
Anh Du ngạc nhiên vì "đọc bài viết mà tưởng nói về nơi nào đó chứ không phải trường mình". Với anh, Harvard không giống như bài viết mô tả.
"Tôi đã ăn ở Sanders Theater, nhà ăn được mô phỏng trong phim Harry Potter được nhắc tới trong bài viết, lần nào cũng thấy ồn ào do mọi người ăn uống, trao đổi, chuyện trò. Tất cả các nhà ăn khác tôi biết cũng như vậy. Thư viện chỉ đông đúc vào mùa thi, còn những thời điểm khác cũng vắng lắm".
Anh Trương Phạm Hoài Chung xác nhận thông tin này và nói thêm trường anh có khoảng 70 thư viện, chỉ có Lamont mở cửa 24/24 (trừ thứ sáu và thứ bảy).
Sinh viên Harvard có thể mượn sách về nhà nên thường không ngồi ở thư viện. Ngoài ra, nhiều môn học yêu cầu làm việc theo nhóm, bạn trẻ không thể vào thư viện trao đổi gây ồn ào.
"Thư viện chỉ kín chỗ vào tuần cuối cùng của học kỳ khi sinh viên ôn tập cho bài thi cuối khóa. Ở nhà ăn, có bạn ngồi một mình đọc sách, nhưng hầu hết tận dụng giờ ăn chung để thảo luận về những dự án học thuật, hoặc chỉ đơn thuần là gặp bạn bè sau những giờ học căng thẳng", anh Chung nói.
Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Harvard thường xuyên có những hoạt động ngoại khóa cùng nhau. Trước đây, các bạn từng đón ca sĩ Mỹ Tâm sang thăm trường. Ảnh: NVCC.
Cũng theo người này, tinh thần Harvard là giáo dục toàn diện và khai phóng. Trường đầu tư nhiều vào hoạt động học thuật, ngoại khóa như thể thao, văn hóa, nghệ thuật...
Với quan điểm "học để thay đổi thế giới", sinh viên được tạo điều kiện để áp dụng sách vở vào thực tiễn, bằng cách tổ chức nhiều sự kiện có khách mời là doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, chính khách... tọa đàm, cũng như các cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp để người học biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
"Ví dụ năm vừa rồi, Jack Ma đã đến trò chuyện với cả nghìn sinh viên. Cuộc thi 'President's Innovation Challenge' diễn ra hàng năm cho sinh viên thi đua tìm ra ý tưởng để làm thế giới vận hành tốt hơn", Trương Phạm Hoài Chung cho biết.
Một điều quan trọng mà nhiều người Việt đã và đang học tại Harvard đều đồng ý là đầu vào của trường tốt. Sinh viên xuất sắc, có thói quen tự học và nghiên cứu.
"Áp lực ở Harvard ở mức chịu đựng được. Cuộc sống của mình ở đây rất cân bằng. Ngoài việc đi học, làm bài đầy đủ, mình vẫn còn thời gian gặp gỡ bạn bè, tham gia sự kiện, dự án, hoạt động liên tục", anh Chung nhận xét.
Bài viết sai thông tin cơ bản
Nghiên cứu sinh Dương Tú, người đang theo học tiến sĩ tại Đại học KU Leuven (Bỉ), đã chỉ ra những chi tiết bất hợp lý trong cuốn sách Harvard 4:30am - Harvard Universitys Gift to Young People của tác giả Wei Xiuying (Trung Quốc).
Đơn cử là thông tin về số người của Harvard đoạt giải Nobel không chính xác. Con số trong bài viết là 33 trong khi chính xác là 48, chưa kể một giải Nobel Hòa bình năm 1985 được trao cho Hiệp hội Y sĩ quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân do 4 bác sĩ của Harvard sáng lập.
Việc các thư viện của Harvard mở cửa thâu đêm suốt sáng theo anh là không có cơ sở. Đa số chỉ mở đến 16h - 17h, một số mở đến 22h. Chỉ riêng Lamont mở cửa liên tục 24h, nhưng chỉ trong một số thời điểm nhất định như trước các kỳ thi, còn bình thường thư viện này cũng đóng cửa lúc 17h.
Anh Dương Tú trong thư viện xuất hiện trong bài viết Harvard 4 rưỡi sáng, nhưng đây là thư viện công New York chứ không phải thư viện Đại học Harvard. Ảnh: NVCC.
Chi tiết "sinh viên trong 2 năm đầu phải hoàn thành chương trình học trọng tâm, từ năm thứ ba trở đi học các môn chuyên ngành" không đúng. Chương trình học của Harvard gồm các khóa học đại cương, chuyên ngành và tự chọn theo tỷ lệ tương đối 30/40/30 chứ không chia theo thời gian 2 2.
Đặc biệt, số liệu mỗi năm có 20% sinh viên Harvard bị lưu ban hoặc buộc thôi học là hoàn toàn sai. Tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên Harvard 98%, thuộc hàng cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ.
Anh Trần Đức Cảnh cho rằng có thể tác giả cuốn sách không thực sự sống ở Harvard mà chỉ được nghe kể nên ấn tượng về trường có phần tiêu cực.
Với anh, Harvard không buồn và tối tăm như vậy. Sinh viên ở đây phải nỗ lực, cạnh tranh một cách văn minh, rèn luyện kỹ năng để đạt được điểm số, công việc, luôn năng động giải quyết vấn đề, thẳng thắn đề xuất ý tưởng, đối mặt sự thay đổi liên tục của cuộc sống.
"Những kỹ năng, ý chí hay nghị lực này không thể thực hành ở thư viện hay nhà ăn được", anh Trần Đức Cảnh kết luận.
Theo Zing
Harvard học đến 4 rưỡi sáng: Thổi phồng thông tin? Một số sinh viên Đại học Harvard, Mỹ cho rằng không nhiều người học ở thư viện đến 4h30 sáng, kể cả vào mùa thi. Phần lớn họ cố gắng học từ đầu, ít khi để "nước đến chân mới nhảy". Một bài viết được cho là trích từ cuốn sách Harvard 4:30 am - Harvard Universitys Gift to Young People của tác...