Hấp dẫn cơm lam Cao Bằng
Khi những búp măng phát triển thành những cây tre, nứa non tươi xanh cũng là lúc các mẹ, các chị bắt đầu vào rừng tìm những cây ưng ý nhất để về làm cơm lam. Cơm lam từ lâu đã trở thành một món ăn, một thứ văn hóa ẩm thực đặc sắc không thể thiếu của Cao Bằng.
Cơm lam được làm từ ống nứa tươi.
Cơm lam làm từ gạo nếp được nấu trong ống nứa tươi non mới chặt về. Cây tre, nứa để làm cơm lam phải là cây mới xòe lá, bẹ còn ôm lấy thân, có đường kính từ 3 – 3,5 cm là vừa, to quá trông xấu, bé quá lúc nướng sẽ bị cháy. Cây tre, nứa chặt về chỉ chọn lấy 3 – 4 dóng ở giữa to, đều để làm. Gạo làm cơm lam là thứ gạo nếp thơm. Sau khi vo, đãi thật sạch cho vào ít muối rồi đổ vào khoảng 2/3 ống, cho nước vào cách gạo khoảng 10 cm, bịt miệng ống lại bằng lá chuối. Xếp nghiêng từng ống quanh bếp củi, thỉnh thoảng xoay từng ống sao cho các mặt được tiếp xúc đều với lửa, khi thấy nước trong ống sôi, sủi lên thì chọc thủng dưới đáy ống cho nước chảy ra hết sau đó mới mang lên bếp lửa vần. Cứ thế vần đến khi nào thấy cơm trong ống tỏa ra mùi thơm là cơm đã chín, để ống cơm lam trên lửa thêm một lúc nữa sao cho phần cơm tiếp với ống tre, nứa vàng đều là được.
Ống cơm lam trắng ngần, thơm dẻo.
Khi ống cơm đã được nướng chín, lấy dao dóc bỏ lớp vỏ cháy bên ngoài, để lại lớp tre, nứa mỏng sát với ống cơm trong ruột tre, nứa. Lúc nào ăn thì tước bỏ phần vỏ tre, nứa, cơm lam trắng ngần, thơm dẻo sẽ hiện ra. Cơm lam ăn chỉ biết no không biết chán và khi ăn không cần rau hoặc thức ăn bởi nó đã có vị đậm đà của hương nếp quyện với mùi thơm ngọt đặc trưng của tre, nứa rừng đã được nướng qua lửa.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phải ăn thật chậm và nhai kỹ mới cảm nhận được hương vị đặc trưng đó, phải chăng đó chính là nét văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Cao Bằng? Du khách đến Cao Bằng mùa này xin đừng quên thưởng thức món ăn cơm lam độc đáo này./.
Ngày lạnh nhớ vị bánh áp chao Cao Bằng
Đến với Cao Bằng ngày lạnh và thưởng thức món bánh áp chao nóng hổi, hương thơm quyến rũ cùng vị đậm đà, béo bùi của thịt vịt lẫn trong vị nếp dẻo quạnh là cả một sự khám phá thú vị.
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất riêng biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao.
Món bánh tuy đơn giản nhưng không chỉ được nhiều người Cao Bằng yêu thích mà còn làm cho những vị khách đường xa cũng phải xuýt xoa khen ngợi. Ảnh: Anh Tú.
Nguyên liệu nào để làm nên bánh áp chao không quá cầu kì, chỉ bao gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt vịt nhưng đó lại là một nét ẩm thực đặc thù rất riêng của vùng Đông Bắc.
Vỏ bánh là hỗn hợp của gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương. Loại gạo được chọn là loại gạo mới thu hoạch, hạt mẩy, được trộn lẫn cùng nhau, ngâm kỹ trong khoảng nửa ngày cho gạo nở mềm mới đem xay thành bột. Người ta cũng chọn đỗ tương Quảng Uyên hạt vừa phải, lòng vàng trộn cùng bột gạo để tạo ra hỗn hợp bột đặc sánh, bảo đảm độ mềm dẻo và thơm ngon.
Điều làm nên nét đặc trưng riêng cho món bánh phải kể đến phần nhân bánh làm từ thịt vịt đã được lọc bỏ xương, tẩm ướp gia vị gần giống vịt quay rồi cắt thành miếng nhỏ. Ảnh: Anh Tú.
Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, người làm lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi nhân vịt vào giữa, ép bánh lại rồi thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng rộm hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ, vớt ra để ráo mỡ là có thể đem ra dùng nóng.
Bánh áp chao chấm cùng nước chấm chua ngọt, rau thơm và đu đủ ghém rất phải vị. Ảnh: Mask
Nếu lần đầu tận hưởng, không ít người phải ngỡ ngàng vì độ ngon lạ, riêng biệt, khó quên của chiếc bánh đậm hồn quê này. Ở thành phố Cao Bằng mùa lạnh, bạn có thể dừng chân ở bất kỳ một quán ven đường nào để thưởng thức vài đĩa áp chao nóng hổi, thơm ngào ngộp để quên nhanh cái lạnh của mùa với giá chỉ vài nghìn đồng một chiếc.
Món bánh chao thường được yêu thích vào mùa lạnh, người Cao Bằng còn gọi những tháng cuối năm từ 11 đến tháng 2 hằng năm là 'mùa bánh áp chao' bởi cứ vào độ này là hương thơm của bánh áp chao lại lan tỏa mọi nơi.
Với riêng người dân Cao Bằng, bánh áp chao từ lâu đã là món ăn chơi, ăn vặt gắn liền với quê hương bình dị, để rồi, những người con xa quê khi vô tình bắt gặp cái lạnh đầu mùa nơi xứ người lại nôn nao nhớ về.
Theo Internet
Hấp dẫn món canh xương khoai sọ rau mùi tàu Ở Cao Bằng , cứ vào độ cuối thu, lúc sương giăng, những bãi khoai sọ bạt ngàn bắt đầu úa lá, cũng là lúc vào vụ thu hoạch. Khoai sọ sau khi thu hoạch thường được bà con mang về bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát để ăn dần. Khoai có thể luộc ăn hoặc chế biến bằng cách...