Hành trình từ trại giam tới giảng đường của một người thầy
Tiết học tiếng Anh thú vị của thầy Nguyễn Trung Thành tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ luôn là khoảng thời gian được sinh viên mong đợi nhất trong ngày.
Nhưng ít ai biết rằng, để có thể được chia sẻ kiến thức với học trò, người thầy đó đã phải vượt qua một chặng đường dài với đầy khó khăn và bão táp.
Sinh năm 1981, Nguyễn Trung Thành là con út của một gia đình có ba chị em ở xóm Hoàng Vân, xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Học giỏi lại ngoan ngoãn, cậu con trai bé bỏng luôn nhận được sự yêu thương và quan tâm từ bố mẹ. Và không để những người thân yêu thất vọng, Thành đã đỗ vào chuyên ngành Phiên dịch tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày đó, niềm vui, niềm tự hào như vỡ òa trong căn nhà nhỏ bé tại miền thôn quê, dân dã.
Xuống Hà Nội, Thành mang theo ước mơ, nhiệt huyết của tuổi trẻ và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học thật tốt, sống thật tốt vì một tương lai tươi sáng phía trước. Nhờ nỗ lực của bản thân, Thành được nhận vào làm thêm tại Viện Bảo tàng Dân tộc học, công việc này giúp ích rất nhiều cho chuyên ngành mà cậu đang theo học. Chính vì vậy, Thành càng có thêm động lực để phấn đấu, học tập.
Là sinh viên năng động, yêu thích hoạt động tình nguyện, Thành đã cùng một số người bạn nước ngoài của mình thành lập quỹ khuyến học ngay tại quê nhà của mình với mục đích hỗ những em nhỏ khó khăn có thể tiếp tục đi học. Hoạt động này của Thành và các bạn đã được bà con thôn xóm nhiệt tình ủng hộ cũng như tiếp thêm sức mạnh vượt lên nghịch cảnh cho nhiều em nhỏ.
Tốt nghiệp đại học, Thành đã quyết định Nam tiến để lập nghiệp. Sau đó, Thành được nhận vào làm thông dịch viên kiêm trợ lý giám đốc đầu tư xây dựng khu du lịch tại Nha Trang – Khánh Hòa của một công ty nước ngoài. Ngỡ rằng từ đây mọi chuyện dần ổn định và tốt đẹp hơn nhưng đó lại chính là lúc cuộc sống bắt đầu thử thách và nhấn chìm cậu.
Sóng gió đầu đời
Trong quá trình làm việc, có lần Thành phải thông dịch cho chủ đầu tư nước ngoài với một quan chức tại Khánh Hòa nhằm hối lộ với một số tiền rất lớn. Khi đó, sự bồng bột và nông nổi đã khiến chàng trai trẻ không ngờ được những hậu quả nghiêm trọng đang chờ mình phí trước. Vụ việc bị phát giác, Nguyễn Trung Thành bị bắt và phải chịu mức án 12 năm tù giam. Sự việc xảy tới một cách đột ngột. Nó như tiếng sét xé tan chốn yên bình tại quê nhà và trong chính tâm hồn còn non trẻ của cậu. Thành tuyệt vọng, đau đớn.
Những ngày nhìn bầu trời qua song sắt chặt chội, đắm mình trong bóng tối lạnh lẽo, niềm tin vào cuộc sống dần mất thì một người bạn tù nói với Thành: “Em mà tuyệt vọng thì coi như em đã chết rồi. Em phải xác định và đối mặt với sự thật, phải sống thật lạc quan thì mới có thể mong được về sớm hơn”, Thành như bừng tỉnh. Đêm này qua đêm khác, cậu thức trắng. Và rồi Thành nhận ra chính môi trường khắc nghiệt này chính là món quà mà cuộc sống dành tặng cậu. Đó là cơ hội để cậu có thể rèn luyện ý chí, tinh thần và học cách sống tử tế. Thành dần trở nên lạc quan hơn, vui vẻ và hay trò chuyện cùng những người bạn tù khác để lắng nghe, học hỏi từ chính họ.
Video đang HOT
Sau một thời gian cải tạo, Thành được sự tin tưởng của cán bộ trong trại nên đã được giao nhiệm vụ là Trưởng ban quản lý phạm nhân. Nhờ công việc này, Thành có dịp để tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh, tâm lý của những người phạm nhân khác. Mỗi người một câu chuyện, thuộc thành phần xã hội khác nhau, hoàn cảnh khác nhau… nên bắt buộc Thành phải có cách nói chuyện sao cho phù hợp, thuyết phục. Thành luôn cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu, học hỏi cách sử dụng từng từ, từng chữ, nói chuyện sao cho gần gũi mà sắc bén không chỉ với một mà là hàng nghìn phạm nhân trong trại. Nhờ đó, mà tình cảm của Thành với mọi người cũng trở nên thắm thiết, khăng khít hơn và hơn hết, cậu đã tự đúc rút được cho riêng mình những bài học từ cuộc sống.
Từ trại giam tới giảng đường đại học
Nhờ quá trình cải tạo tốt, Thành đã được trả tự do trước thời hạn. Trở về Hà Nội, Thành ao ước được bắt đầu lại mọi thứ với tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc vào cuộc sống. Với sự giúp đỡ của gia đình, Thành mở một quán phở nhỏ ngay tại cổng trường Học viện Cảnh sát. Nhưng khao khát được cống hiến, được làm nhiều hơn nữa vẫn luôn rạo rực trong tâm hồn Thành. Anh vẫn đợi chờ và hy vọng vào một điều tươi đẹp nào đó sẽ đến.
“Cuộc sống luôn công bằng. Nó sẵn sàng trao cho bạn cơ hội và còn lại tùy thuộc ở bạn“. Tình cờ, Thành gặp lại một người bạn cũ hiện đang làm giảng viên tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sau khi trò chuyện, hiểu được tâm sự, khả năng của Thành, người bạn đã khuyên anh nên đi dạy học để có thể truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm tới mọi người. Lắng nghe, suy nghĩ và cuối cùng Thành sẽ thử sức với công việc này và quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vào trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Vượt qua vòng phỏng vấn với kiến thức, sự chân thành của bản thân, Thành bước vào vòng giảng thử.
Mọi lo lắng, hồi hộp dần tan biến khi phần giảng bài của Thành nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của sinh viên cũng như những thầy cô chấm thi hôm đó. Cuộc sống đã mỉm cười. Anh trở thành một người thầy.
Mỗi giờ học tiếng Anh của thầy Thành luôn ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Nhờ phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm và chú trọng truyền cảm hứng cho người học, thầy Thành đã khiến nhiều bạn sinh viên thực sự dành tình cảm cho bộ môn tiếng Anh. Hiểu rõ tâm lý học trò luôn sợ nói, sợ hỏi nên thầy luôn cố gắng tạo động lực, thúc đẩy tiềm năng ngôn ngữ trong mỗi người. Mỗi bài học đều chứa đựng những câu chuyện về bài học cuộc sống, đạo lý làm người mà thầy đã trải qua, đã cảm và đã hiểu. Đó cũng là lý do khiến giờ học của thầy trở nên hấp dẫn hơn, học trò thêm yêu quý và cảm phục người thầy đầy nghị lực của mình hơn.
Qua cơn mưa, trời lại sáng. Ai cũng sẽ mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là bạn học được gì sau tất cả. Với thầy Thành, giờ điều quan trọng nhất chính là hoàn thành thật tốt vai trò của một người thầy. Thầy Thành đã không đánh mất niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp này và cố gắng lưu giữ, đúc kết lại tất cả thành những kinh nghiệm quý giá nhất rồi chia sẻ cho thế hệ sau, để họ có thể nhìn vào thấy, để tránh những sai lầm mà thầy đã từng mắc phải và hơn hết là học và biết cách sống sao cho tử tế với bản thân, với người và xã hội.
“Có người hỏi: vì sao bút chì có tẩy? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình: phải chăng trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình?”, thầy nói.
Theo Zing
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của người thầy liệt giường
Sau vụ tai nạn giao thông, Lý Xuân Tuyến - chàng trai khỏe mạnh, có hai bằng đại học (ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) trở thành người tật nguyền.
Cánh cửa cuộc sống tưởng chừng đã khép chặt, nhưng nhờ sự yêu thương, động viên của người thân và sự nỗ lực của bản thân, anh Tuyến đã vực dậy, trở thành thầy giáo tiếng Anh của hàng chục học sinh miền núi khó khăn.
Thầy Tuyến nằm trên giường giảng bài.
Vụ tai nạn cướp đi đôi chân
Sinh năm 1975, là người dân tộc Tày, từ nhỏ, Tuyến đã là một cậu bé thông minh, ham học. Ngay lần đầu thi đại học, Tuyến là một trong những học sinh nghèo hiếm hoi vùng dân tộc thiểu số đỗ vào trường ĐH Thái Nguyên với số điểm khá cao (19 điểm). Ra trường với tấm bằng chuyên ngành trồng trọt loại giỏi, Tuyến nhanh chóng được nhận vào làm việc tại trạm khuyến nông đóng trên địa bàn huyện Bát Xát, Lào Cai. Có công việc phù hợp, với mức thu nhập ổn định, Tuyến trở thành niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Ở một bản làng - nơi chữ nghĩa vẫn còn xa vời với phần lớn bà con, anh là tấm gương cho nhiều người và được nhiều cô gái đem lòng yêu thương và mến mộ.
Tuy nhiên, cuộc đời lắm tai ương, vào một ngày định mệnh năm 2006, sau một tai nạn giao thông thập tử nhất sinh, Tuyến phải nằm viện thời gian dài vì chấn thương tủy sống, liệt đến đốt C4. Ròng rã mấy năm trời, bao nhiêu vốn liếng được huy động để chữa bệnh nhưng các bác sĩ đành bất lực. Từ một chàng trai khỏe mạnh, bỗng chốc Tuyến mất đi tất cả, anh phải nằm một chỗ, đôi chân teo tóp dần, tương lai tưởng chừng vĩnh viễn đóng cửa. "Nhà có 7 anh em, Tuyến là người thành đạt nhất, ra trường có việc làm ngay. Gia đình chúng tôi vẫn luôn tự hào vì Tuyến là người học tốt nhất nhà. Ai ngờ, giờ nó lại là người bất hạnh nhất", bà Nguyễn Thị Cậy - mẹ Tuyến buồn bã nói.
Lớp học của thầy Tuyến.
Tuyến tâm sự, sau vụ tai nạn, anh thấy cuộc sống của mình dường như không còn gì. Công việc, tương lai và cả người con gái anh thương yêu nhất cũng bỏ đi lập gia đình với người khác. Thất vọng trước cuộc sống, không ít lần anh nghĩ đến cái chết để giải thoát số phận, chấm dứt những ngày đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngày ấy, không chỉ mình anh suy sụp mà gia đình ai nấy đều muộn phiền. Suốt thời gian dài, trong nhà anh không có tiếng cười. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, nhưng với anh nó trôi chậm hơn cả ngàn lần. Mỗi sáng thức giấc, anh lại buồn bã, muốn màn đêm buông xuống, ngủ thiếp đi để không nhìn thấy đôi chân tật nguyền, không phải nhờ mọi người giúp đỡ trong từng sinh hoạt nhỏ.
Một ngày thức dậy, thấy ánh sáng mặt trời chói chang, trong đầu anh bỗng có tia hy vọng, anh muốn cuộc đời mình phải thay đổi, không sáng chói được như tia nắng kia thì cũng không được mù mịt như bây giờ. Suy nghĩ tích cực dần, những năm tháng tuyệt vọng rồi cũng qua, cái ý nghĩ chết để kết thúc tất cả mất hẳn trong tâm thức. Anh tìm đến sách. Nghị lực phi thường của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp thêm sức mạnh cho Tuyến, giúp anh có thêm động lực vượt lên và không đầu hàng số phận. Anh nghĩ về những đứa trẻ trong bản làng heo hút còn nhiều thiệt thòi, những đứa bé bỏ học giữa chừng vì nghèo khó, thiếu hụt kiến thức. Anh Tuyến nói với bố mẹ: "Con có hai bằng ngoại ngữ, có thể dạy kèm những đứa trẻ ở bản. Không có kiến thức, mai này chúng ra đời thiệt thòi lắm".
Những đứa trẻ biết tin thầy Tuyến dạy tiếng Anh thì háo hức lắm. Ngay hôm đó, chúng kéo đến. Và một lớp học đơn sơ mở ra ngay tại chính ngôi nhà của người thầy bại liệt.
Lớp học đầy tình thương
Ngày nghe Tuyến nói sẽ làm thầy giáo, giảng dạy cho những trẻ em khó khăn trong vùng, cả gia đình đều gật đầu ủng hộ. Người thu dọn nhà cửa, người mua thêm bộ bàn ghế để chuẩn bị cho anh đón học sinh. Ông Lý Xuân Cương - bố Tuyến tâm sự: "Từ ngày có ý định dạy bọn trẻ học, tôi thấy nó lạc quan hơn. Vợ chồng tôi và các anh chị nó mừng lắm vì nó làm được điều có ích, tinh thần nó thoải mái thì sức khỏe ắt cũng sẽ tốt lên".
Trong một không gian khoảng 20 m2 của lớp học, 3 chiếc bàn kê sát lại, 4 chiếc ghế băng và 1 máy thu hình. Thầy Tuyến nằm trên giường, bên cạnh là một chiếc máy tính, một tay nhấp trỏ con chuột, tay kia thao tác trên bàn phím hướng dẫn các em làm bài. Cách giảng của thầy Tuyến mạch lạc, dễ hiểu. Thầy giảng đến đâu, học sinh thực hành đến đó. Với những câu hỏi khó, đòi hỏi vận dụng nhiều cấu trúc câu, thầy Tuyến giảng đi giảng lại nhiều lần, tới khi nào học sinh hiểu hết bài mới thôi. Thầy Tuyến tâm sự: "Học sinh vùng cao thiếu hụt kiến thức rất nhiều. Tiếng Anh là ngôn ngữ khó học, cần có những hình ảnh đi kèm để các em tư duy. Ngoài ra, cũng phải rèn luyện giao tiếp thường xuyên cho các em thì mới hiệu quả".
Ngày mới mở, lớp học của thầy Tuyến chỉ có vài học sinh, chủ yếu là con em trong xóm. Về sau, khi học sinh từ các xã lân cận cũng tìm đến, thầy Tuyến phải chia làm hai ca: Buổi sáng và buổi chiều. Những lúc cao điểm, có nhiều học sinh tìm đến, thầy Tuyến dạy vắt cả sang buổi tối. Tính tất cả, thầy Tuyến đã dạy 60 em học sinh, trong đó có cả học sinh cấp 3. ặc biệt, dù dạy học đã hơn 3 năm nay nhưng thầy Tuyến không hề nhận một đồng học phí nào. Nhiều phụ huynh đưa con em đến nhờ thầy Tuyến kèm cặp, trả thù lao khá hậu hĩnh nhưng thầy một mực từ chối, bởi thầy quan niệm, dạy học không thể đo đếm bằng tiền, thày dạy học vì tương lai của trẻ em nơi đây chứ không phải vì tiền.
Nhiều người ác miệng cho rằng sau tai nạn, thần kinh thầy Tuyến không bình thường nên mới mở lớp học miễn phí trong khi điều kiện kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, anh Tuyến tâm sự, anh cũng là người dân tộc nên thấu hiểu nỗi thiệt thòi của các em học sinh vùng núi nơi đây. Anh dạy là để các em có kiến thức chứ không phải dạy vì tiền. Anh chỉ muốn giúp các em sau này lớn lên hiểu biết ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, không bị thiệt thòi nhiều so với trẻ em dưới xuôi. Với anh, cho đi cũng là nhận lại. Hàng ngày truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, nhìn các em nâng cao tầm hiểu biết, trưởng thành là anh thấy mãn nguyện.
Hiểu được tấm lòng của thầy Tuyến, các em học sinh đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Nhiều học sinh của thầy có thành tích dẫn đầu lớp học chính khóa tại trường, nhiều em trong số đó đạt giải học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Em Hà Thủy Tiên - người dân tộc Tày, một trong những học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho hay: "Học thầy Tuyến có những điểm hay là tiếp xúc với cách học hiện đại, được nghe người nước ngoài phát âm thông qua băng đĩa và được làm bài tập ngay trên máy tính nên chúng em rất dễ học".
Chia tay chúng tôi, thầy Tuyến tâm sự thêm về cuộc đời mình. Kể từ ngày bị tai nạn, anh như con chim gẫy cánh và sẽ mãi mãi sống trong bóng tối nếu không có nghị lực. May mắn là anh đã nhận ra điều đó để tiếp tục sống, nỗ lực cống hiến cho lớp học mà anh hết sức tâm huyết này.
Theo Hải Yến/Báo Lao động
Thầy tôi và những tờ tiền kẹp trong quyển sách cũ Giờ đây khi đã rời xa mái trường, thỉnh thoảng tôi cũng mượn sách từ bạn bè, từ cấp trên. Tuy nhiên tôi không còn thấy những tờ tiền được kẹp cẩn thận trong đó nữa. Dưới đây là bài viết của học trò Lại Thị Hà dành cho giảng viên Trần Kỳ Đồng, Khoa học Chính trị trường ĐH Khoa học Xã...