Hành trình từ cô giáo thôn bản thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên
Phương châm “ Học tập là khởi đầu của giàu có. Học tập là khởi đầu của sức khỏe. Tìm kiếm và học hỏi là nơi điều kỳ diệu bắt nguồn” đã giúp người phụ nữ Dao mang tên Bàn Thị Quỳnh Giao làm nên những điều diệu kỳ trên hành trình chinh phục tri thức.
Tuổi thơ khốn khó
Bàn Thị Quỳnh Giao (SN 1977) trú tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Bắc Thái (cũ) nay là tỉnh Thái Nguyên. Cô vốn sinh ra trong một gia đình trí thức. Bố cô là Tiến sĩ Bàn Tiến Tân (1945-1994), người Dao đầu tiên giành được học vị tiến sĩ tại trường Đại học Lomonoxop (Liên Xô cũ). Sau khi trở về nước ông trở thành giảng viên, rồi Trưởng bộ môn Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.
Mặc dù có bố đi “Tây”, là giảng viên một trường đại học nhưng tuổi thơ của chị em Quỳnh Giao là những chuỗi ngày thiếu thốn, vất vả, bởi một suất tem phiếu của cha không đủ nuôi sống bốn miệng ăn trong nhà. Nương rẫy trở thành nơi cô ở nhiều hơn là trường học và nhà.
Nhưng có lẽ chính vì hoàn cảnh gian khó ấy đã giúp Bàn Thị Quỳnh Giao có một tinh thần tự lập phi thường ngay từ nhỏ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi có lúc nữ tiến sĩ này vui vẻ bông đùa: “Chắc bà mụ đã nặn nhầm tôi, bởi những việc mà mọi người cho rằng chỉ có đàn ông mới làm được thì mình đều cáng đáng và hoàn thành một cách trơn tru”.
Bàn Thị Quỳnh Giao trải qua một tuổi thơ đầy khốn khó. Ảnh: NVCC
Khó khăn, vất vả là vậy vẫn không làm cho ngọn lửa khát khao tri thức trong cô nguội lạnh. Những tháng năm ngồi học trên ghế nhà trường Quỳnh Giao luôn trở thành một điểm sáng về thành tích học tập. Sau khi học xong đại học, nghe theo ý nguyện của bố, cô trở về quê nhà để gieo mầm, nuôi dưỡng giấc mơ tri thức cho những đứa trẻ vùng cao.
10 năm gắn bó với mái trường THCS Giang Tiên trở thành một phần kí ức đẹp đẽ, không thể nào quên trong cuộc đời cô. Giờ đây, sau bao nhiêu năm không còn làm công tác giảng dạy nữa, nhưng điều vui nhất là những lứa học trò năm xưa vẫn luôn dõi theo và cổ vũ cô. Với suy nghĩ, bản thân cần nâng cao trình độ hơn nữa nên năm 2008 cô đã tự bỏ kinh phí để đi học và hoàn thành tấm bằng thạc sỹ.
Giấc mơ vượt khỏi lũy tre làng
Năm 2010 khi cầm tấm bằng thạc sỹ trên tay, cô giáo Bàn Thị Quỳnh Giao đã rưng rưng xúc động. Với phương châm: “Học tập là khởi đầu của giàu có. Học tập là khởi đầu của sức khỏe. Tìm kiếm và học hỏi là nơi điều kỳ diệu bắt nguồn”, cô đã có một bước đi đầy táo bạo khi quyết định rời quê hương xuống chốn đô thành để tìm kiếm những thử thách mới.
Năm 2011, Thạc sỹ Quỳnh Giao bén duyên rồi chuyển về công tác tại Viện Văn học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Chuyển từ công tác giảng dạy sang công tác nghiên cứu, những ngày đầu làm việc trong môi trường mới khiến cô không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ bản lĩnh được hun đúc từ nhỏ cô đã vượt lên tất cả.
Sau hơn một năm công tác, thạc sỹ Quỳnh Giao đã có bài hội thảo khoa học đầu tiên. Bài viết đã được chọn in vào kỷ yếu của Viện Văn hóa dân gian năm 2012. Bài viết về tri thức bản địa chọn giống cây trồng của người Dao cổ cụ thể là cách chọn giống ngô và giống lúa. Thành quả bước đầu thực sự như một liều “doping” giúp cô có thêm sự tự tin trên hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức.
Video đang HOT
Bàn Thị Quỳnh Giao trong buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: NVCC
Bên cạnh công tác chuyên môn, Bàn Thị Quỳnh Giao cũng hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Năm 2013, sau khi sinh người con thứ 2, cô đã làm hồ sơ đi học tiến sĩ. Thời điểm đó, quyết định của cô khiến nhiều người nghi ngờ. Thế nhưng bỏ mặc ngoài tai những ý kiến trái chiều, cô vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình. Cô không những tự tin thi nghiên cứu sinh mà đồng thời đăng ký học lớp văn bằng 2 ngoại ngữ.
Luận án tiến sĩ của Bàn Thị Quỳnh Giao lựa chọn nghiên cứu dân ca nghi lễ. Đây thực sự là một đề tài khó bởi sự hạn chế về tư liệu ở nước ta thời điểm đó. Nếu nghiên cứu thành công thì đồng nghĩa với việc mở ra được thế giới tâm linh của tộc người Dao, một tộc người sống tương đối khép kín.
Chia sẻ với PV, cô Quỳnh Giao cho biết, sở dĩ đề tài khó vì bình thường trong tang ma, người Dao sẽ không cho người lạ vào tham dự một số nghi lễ quan trọng và nếu được tham dự các thầy cúng cũng phải mất rất nhiều âm binh để xin xỏ. Thế nhưng, bằng những lợi thế và sự quyết tâm của mình, cô đã vận dụng hết khả năng của một nhà khoa học thuyết phục cộng đồng hé mở thế giới thần bí của mình. Với cô, đây không chỉ đơn thuần là một luận án mà còn là một món nợ ân tình với đồng bào dân tộc mình. Cô mong muốn thông qua luận án mọi nghi lễ vòng đời của người Dao sẽ được ghi chép lại một cách trung thực để bảo tồn cho các thế hệ sau.
Sau rất nhiều cố gắng tìm tòi tài liệu, ghi chép thực tế ở những bản làng sâu xa nhất, luận án của cô đã hoàn thành và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía hội đồng khoa học trong và ngoài nước. Ngày cô bảo vệ luận án, nhiều giáo sư đầu ngành dù không có trong hội đồng vẫn tới tham dự. Nhiều nhà khoa học nước ngoài như Trung Quốc, Úc gặp cô trong một cuộc hội thảo quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm và xin tài liệu để họ có sự đối chiếu về tộc người Dao sinh sống tại đất nước họ.
Trước thềm năm mới Canh tý 2020, Tiến sĩ Bàn Thị Quỳnh Giao cho biết, trong thời gian tới, cô sẽ có thêm nhiều dự định mới trên con đường chinh phục những cột mốc tri thức.
Gia Bình – Huyền Chi
Theo giadinh.net
Cảm ơn thầy, nay con đã thành người tử tế!
"Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, anh cũng phải làm người thật ngay ngắn!", lời thầy dạy tôi.
Quyết trả lại "phong bì" cho lớp
35 tuổi, tôi may mắn gặp thầy - Tiến sĩ Nguyễn Văn B., được thầy dạy suốt hai năm cao học. Trong quãng thời gian đó, tôi có nhiều kỉ niệm với thầy, xin được ghi ra đôi dòng nhằm tri ân ngày "mùng 3 Tết thầy".
Năm 2015, tôi thi tuyển cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ lúc tốt nghiệp đại học đến thời điểm dự thi cao học, kiến thức ngôn ngữ học của tôi còn lại chẳng bao nhiêu.
Để bổ túc kiến thức, tôi tham gia ôn thi môn Ngôn ngữ học đại cương. Sau buổi học đầu tiên, học viên lớp đã sợ... thi rớt vì được tin thầy B. là người nổi tiếng nghiêm khắc.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thầy ăn mặc chỉn chu với quần tây, áo sơ mi thắt cà vạt - trông như trí thức Tây học của thế kỉ trước - dù không phải là giờ dạy chính khóa.
"Ngôn ngữ học là ngành học tiệm cận với khoa học tự nhiên nên có người viết nửa câu cũng không ra.
Đây là môn quý tộc, nếu người học không có khả năng đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh thì chịu thua.
Tôi thì không có sẵn tài liệu tiếng Việt để cung cấp cho các anh chị. Lớp nghe tôi giảng, ghi nhớ và sau đó tự đọc tài liệu để tham khảo thêm", thầy mở đầu buổi học bằng những câu như thế.
Chúc các thầy cô luôn mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Thú nhật nghe thầy nói, chúng tôi toát mồ hôi hột, vô cùng lo sợ như học sinh mới vào lớp 1.
Bởi học hành mà khó thế này thì thi trượt mất, rồi tôi sẽ ăn nói thế nào với học sinh, với Hiệu trưởng đây? Nhưng đâm lao nên phải theo lao, tôi quyết tâm ôn tập để tham dự kì thi tuyển.
Ngày kết thúc môn học, 25 thành viên của lớp đóng mỗi người 500 ngàn đồng, cho vào bì thư, kẹp vào một cuốn sổ (để ngụy trang) gói lại cẩn thận chuẩn bị tặng thầy những mong thầy thương tình mà giới hạn nội dung ôn tập.
Biết tôi là người hay bắt chuyện với thầy vào những giờ giải lao, lớp cử tôi đại diện tặng "cuốn sổ" cho thầy. Nghĩ mình cũng có "bổn phận" nên tôi miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm dẫu trong lòng đầy lo lắng.
Cuối tiết học, tôi đi lên bàn giáo viên và nói dõng dạc (dù chẳng tự tin chút nào), "lớp chúng em có món quà nhỏ kính tặng thầy làm kỉ niệm".
Vừa nhìn thấy món quà, thầy nói "tôi sẽ nhận cuốn sổ này với điều kiện anh bóc lớp giấy gói ra cho cả lớp xem".
Ôi thôi, tôi ngượng chín mặt (cả lớp cũng thế) và chết đứng (vài chục giây) như Từ Hải. Khi đã kịp định thần, tôi xin phép thầy cầm "cuốn sổ" xuống lớp để bóc ra.
Cũng may thầy rất tâm lí mà nói rằng, tôi thừa hiểu các anh chị đã làm chuyện gì. "Thôi, chuyện này chúng ta cho qua nhé. Tôi hi vọng sẽ có nhiều anh chị trúng tuyển sau kì thi này và chúng ta lại gặp nhau", thầy động viên chân thành.
"Anh xé rời từng cuốn đề cương ra cho tôi!"
Kì thi đó, lớp chúng tôi chỉ trúng tuyển 15/25 học viên - trong đó có tôi - vì chuyên ngành Ngôn ngữ học lấy điểm chuẩn khá cao.
Ngày đầu đi học, tôi được thầy B. (lúc này thầy là trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ học) bầu làm lớp trưởng với lí do mặc định là thủ khoa đầu vào môn chuyên ngành (tôi thi được 9,5 điểm).
Chúng tôi học với thầy môn thứ nhất về dẫn luận ngôn ngữ học. Để tiết kiệm tiền mua sách, tôi phô-tô cho lớp 15 cuốn tài liệu tham khảo.
Nhìn đống tài liệu tôi mang lên lớp được phô-tô đẹp mắt như những cuốn sách in, thầy nghiêm mặt nói: "Anh xé hết lần lượt từng cuốn, gom lại thành từng chương riêng và ghim lại cho gọn".
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thầy tiếp lời: "Chương nào, bài nào cần tham khảo tài liệu thì anh mới phô-tô. Hơn nữa, anh phô-tô cả cuốn sách như vậy là vi phạm bản quyền tác giả, tức là vi phạm pháp luật, có biết không?".
Tôi đành nhẫn nại làm theo lời thầy (dẫu trong lòng đầy buồn phiền và giận thầy lắm).
Thầy còn dạy chúng tôi một số môn nữa và việc thi hết học phần cũng được thực hiện rất nghiêm túc theo đúng quy chế thi cử. Điểm thi của học viên luôn phân hóa rõ ràng, chứ không có chuyện "cá mè một lứa".
Cho nên có học viên đã tốt nghiệp cao học, khi xem lại bảng điểm chỉ thấy toàn 5,6 điểm bởi thầy chúng tôi (và thầy cô khác) dạy học nghiêm túc như thế.
Cũng nhờ gặp được người thầy tử tế nên trong thời gian học, tôi đã có 3 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi là học viên duy nhất được thầy phê trong bản nhận xét: "Luận văn này có thể triển khai để trở thành một luận án Tiến sĩ".
Cầm bằng Thạc sĩ về nộp cho đơn vị, Hiệu trưởng nửa tin nửa ngờ khi nghe tôi nói chi phí cho toàn khóa học khoảng 20 triệu, gồm học phí và tài liệu.
Bởi chúng tôi thực học, thực làm luận văn cùng với người thầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và không bao giờ toan tính vụ lợi với học viên.
Tôi nhiều lần ghé thăm thầy, cũng có tâm tư với thầy về chuyện mua quan bán chức, chạy bằng cấp rồi tiêu cực trong thi cử...
"Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, anh cũng phải làm người thật ngay ngắn!", thầy dạy tôi như thế.
Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net
Thêm nhiều trường hợp có cơ hội được tuyển thẳng vào trường Công an So với Thông tư 15, Dự thảo Thông tư quy định về tuyển sinh trong Công an nhân dân đã mở rộng phạm vi áp dụng các trường hợp được ưu tiên tuyển thẳng đối với người dự tuyển vào các trường Công an nhân dân. Dự thảo Thông tư quy định về tuyển sinh trong Công an nhân dân thay thế Thông...