Hành trình thực hiện lời hứa với mẹ của cô sinh viên mồ côi học giỏi
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ thế nhưng Thảo luôn nỗ lực, vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Nguyễn Thị Dạ Thảo, sinh năm 1994, tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam hiện đang là sinh viên năm 2 ngành Kinh tế xây dựng, trường Đại học Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng. Bố bỏ đi khi em còn rất nhỏ, một mình mẹ tần tảo nuôi giấc mơ đại học cho các con. Thế nhưng, khi Dạ Thảo vừa bước chân vào giảng đường Đại học thì cũng chính là lúc căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người mẹ thân yêu của em.
Chông chênh đường đến trường
Cô sinh viên mồ côi Nguyễn Thị Dạ Thảo
Chúng tôi đến thăm Thảo vào một buổi chiều tháng 2, lúc em đang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về quê lo hương khói cho mẹ và phụ giúp dì việc nhà. Tiếp chúng tôi là một cô bé xinh xắn với nước da ngăm đen và đôi mắt u buồn nhưng ẩn đằng sau đôi mắt ấy là cả một nghị lực vượt lên số phận thật phi thường.
Sinh ra trong một gia đình thuộc hộ nghèo “thâm niên” của xã, lại sớm trở thành đứa trẻ không cha, tuổi thơ của Thảo là cả một chuỗi ngày dài chìm trong nước mắt. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên mẹ em đành phải lặn lội vào tận Đắk Lắk làm thuê, chắc chiu từng đồng tiền cắc bạc để nuôi các con ăn học. Hiểu được sự cơ cực, vất vả của mẹ nên từ nhỏ Thảo đã có tính tự lập rất cao.
Dù sống trong cảnh khổ cực, thiếu thốn vật chất và cả tình thương của cha mẹ, Thảo vẫn vươn lên trong học tập và chăm sóc đứa em nhỏ cũng như quán xuyến mọi việc trong nhà. Suốt 12 năm học phổ thông Thảo luôn là học sinh giỏi toàn diện và còn nhiều lần đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Cô học trò nghèo này đã xuất sắc giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán-Tiếng Việt năm lớp 5, giải Nhì cấp huyện môn Toán năm lớp 9, huy chương bạc cờ vua trong Đại Hội Thể Dục Thể Thao học sinh sinh viên và nhiều giải thưởng khác…
Năm 2012, Thảo đậu vào trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm khá cao. Và thật khó tin khi biết được cô sinh viên ấy đã lặn lội một mình ra thành phố đi thi với hành trang chỉ là một bộ đồng phục quần tây áo trắng cũ kỹ, một ít thức ăn mẹ chuẩn bị để mang theo và vỏn vẹn 200 nghìn đồng trong túi.
Ngày Thảo nhận giấy báo nhập học là ngày mẹ em hạnh phúc nhất trong đời. Sau bao nhiêu năm vất vả của 3 mẹ con cuối cùng cũng đã hé lên một tia sáng hi vọng. Thế nhưng số phận thật trớ trêu, khi Thảo bước vào giảng đường đại học cũng là lúc ông trời đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống người mẹ thân yêu của em.
Quyết tâm thực hiện lời hứa với mẹ
Thảo và em trai cùng người dì bên cạnh ban thờ mẹ
Video đang HOT
Nỗi đau chồng chất nỗi đau cứ ngỡ sẽ nhấn chìm tất cả niềm tin và ý chí của cô nữ sinh nhỏ bé, nhưng rồi em lại gượng dậy, tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
“Nhiều lúc nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình mình, em chỉ muốn nghỉ học đi kiếm việc làm để cho em Khải (em trai Thảo) được tiếp tục đến trường. Nhưng rồi nhớ đến lời mong ước của mẹ muốn hai chị em ăn học thành tài để sau này không phải khổ thì em lại từ bỏ ý định tiêu cực đó”, Thảo tâm sự với chúng tôi trong hai hàng nước mắt.
Từ ngày mẹ mất, để có tiền tiếp tục học tập và gửi về quê cho em trai thì hằng ngày ngoài giờ học trên giảng đường Thảo lại tranh thủ đi làm thuê nhiều việc từ dạy kèm, bưng bê trong quán cafe đến bán quần áo, phát tờ rơi… Công việc thì vất vả nhưng mỗi ngày Thảo chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng. Nhiều lúc đi làm về muộn em thường nhịn đói đến lớp cho kịp giờ.
Tết năm nay, trong khi những bạn sinh viên khác háo hức về quê để ăn tết bên gia đình, Thảo lại không có được niềm hạnh phúc ấy. Đối với em những ngày tết là khoảng thời gian em tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học tập của mình…
Dù vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ Thảo sao nhãng việc học hành. Càng vất vả bao nhiêu thì em lại càng quyết tâm học giỏi bấy nhiêu. Bởi theo em, chỉ có cố gắng học thật giỏi thì mới mong tương lai sẽ có cuộc sống khấm khá hơn, có thể thực hiện được mong muốn của mẹ và ước mơ mà mình ấp ủ bấy lâu nay.
Chia sẽ về dự định tương lai của mình, Thảo cho hay: “Em sẽ cố gắng đi làm thêm kiếm tiền để tiếp tục học tập. Dù biết phía trước sẽ có nhiều khó khăn, nhưng em sẽ quyết tâm hết sức để hoàn thành lời hứa với mẹ cũng như thực hiện được ước mơ của mình”.
Thảo bên rất nhiều giấy khen cho thành tích học tập tốt của mình
Cô bạn còn có năng khiếu với bộ môn Cờ vua
Chia tay cô sinh viên mồ côi giàu nghị lực, chúng tôi hình dung được những khó khăn, thử thách mà em đang và sẽ gặp phải trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Nhưng nhìn sự quyết tâm trong ánh mắt của Thảo thì chúng tôi tin rằng em sẽ làm được điều đó.
Theo TTVN
Tiêu chí nào thay điểm sàn? : Trường tự xác đinh ngưỡng tuyển sinh
Để các trường tự chủ xác định các tiêu chí miễn sao đảm bảo chất lượng đầu vào, có sự giám sát của cơ quan quản lý và đánh giá của xã hội, là một đề xuất táo bạo nhằm thay thế điểm sàn.
Thí sinh xem điểm thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Cú hích" phân tầng các trường
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần giao cho các trường tự xác định ngưỡng tuyển sinh của trường mình. Các trường cần công bố nhận từ mức điểm bao nhiêu rồi mới tiến hành xét tuyển. Để đảm bảo thương hiệu, các trường cũng không thể hạ thấp quá vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ông Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cũng nhận định đã đến lúc giao cho các trường tuyển sinh nhưng phải đảm bảo sự công khai, minh bạch. Các trường phải công bố cho xã hội biết tiêu chí xét tuyển. "Các trường đào tạo chất lượng thấp cũng đồng nghĩa với việc tự đào thải mình", ông Thắng khẳng định.
Thạc sĩ Đỗ Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cũng đề nghị mỗi trường sẽ quy định mức điểm sàn riêng của trường dựa vào kết quả kỳ thi này. Nhận định thêm, thạc sĩ Hợp cho rằng: "Việc bỏ điểm sàn có khi sẽ là cú hích cho việc phân tầng trường ĐH và CĐ trong thời gian tới. Bộ không cần đặt ra điểm sàn để quản lý chất lượng đầu vào của các trường, nhưng qua việc để các trường tự chủ trong xác định điểm sàn riêng sẽ khiến các trường tự chịu trách nhiệm trước xã hội".
Cùng quan niệm để các trường tự quyết định ngưỡng đầu vào, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: "Trường nghiên cứu đòi hỏi thí sinh có năng lực lý thuyết cao, trường thực hành thì tập trung vào năng lực thực hành. Mỗi trường tự cân nhắc thu hút đủ sinh viên có năng lực để đào tạo. Các trường đẳng cấp, thứ hạng cao, nghiên cứu đòi hỏi tiêu chí cao". Theo ông Quang, tiêu chí này phải minh bạch với xã hội.
Quy định các điều kiện tối thiểu
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, người đã nhiều năm đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ thi "3 chung", bày tỏ quan điểm: "Bộ cần bỏ điểm sàn chung nhưng không có nghĩa là không có điểm sàn mà phải yêu cầu các trường có điểm sàn riêng của trường. Bộ chỉ cần quy định các điều kiện tối thiểu để được vào ĐH và vẫn cần tổ chức một kỳ thi chung, còn lại việc xét tuyển như thế nào là do các trường tự quyết định". Ông Khuyến cho rằng để kiểm soát chất lượng thì việc tuyển sinh của từng trường phải công khai, minh bạch. Các trường phải tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội. Bộ GD-ĐT cần đưa ra các chế tài xử lý nghiêm những trường vi phạm quyền tự chủ.
Cũng tán thành việc bỏ điểm sàn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lập luận: "Chủ trương này là quyết định đúng của Bộ trong bối cảnh tuyển sinh và đào tạo đã khác trước nhiều. Nếu vừa thi chung vừa thi riêng mà vẫn áp dụng một điểm sàn sẽ làm hạn chế quyền tự chủ các trường". Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cho rằng bỏ điểm sàn thì Bộ cần có tiêu chí khác phù hợp hơn và tiêu chí này cần mang tính hướng dẫn thay vì áp đặt. Đặc biệt, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh: "Cho phép các trường tự chủ nhưng không thể cho phép các trường tuyển sinh bằng mọi giá. Muốn vậy, việc đảm bảo chất lượng đào tạo không chỉ quản lý chặt đầu vào, mà cả quá trình đào tạo cho tới đầu ra".
Ý kiến
Điều chỉnh cho phù hợp chứ không bỏ
Kỳ thi 3 chung hướng đến tiêu chí thống nhất về chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ. Trong đó điểm sàn là mức điểm tối thiểu để yêu cầu người học cần đạt được nếu muốn vào học các bậc đào tạo này. Nếu bỏ điểm sàn và thay thế bằng các tiêu chí khác, e rằng sẽ khó đảm bảo được yêu cầu trên. Do vậy, có thể điều chỉnh điểm sàn để phù hợp với tình hình tuyển sinh năm nay nhưng vẫn cần mức sàn chung cho những trường thi chung".
Thạc sĩ HOÀNG ĐỨC BÌNH (Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen)
Bỏ sàn thì không còn "3 chung"
Nếu bỏ sàn thì không cần tổ chức "3 chung" nữa. Như vậy có thể sẽ giống với phương án tuyển sinh riêng của các trường là dùng học bạ để xét tuyển. Lúc đó, các trường tốp dưới, đặc biệt là các trường CĐ, TCCN sẽ không thể tuyển được thí sinh vì khi không cần điểm sàn thì em nào cũng sẽ muốn vào học ĐH. Nếu còn kỳ thi ĐH-CĐ "3 chung" thì tôi nghĩ vẫn phải duy trì điểm sàn. Tuy nhiên cách tính điểm sàn như thế nào mới là điều cần bàn.
Tiến sĩ TRẦN MẠNH THÀNH (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)
Phải có tiêu chí cụ thể
Việc bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng đến những trường tốp trên mà chỉ ảnh hưởng đến các trường phải xét tuyển nhiều nguyện vọng bổ sung. Như vậy, phải có các tiêu chí cụ thể dành cho thí sinh không đậu nguyện vọng 1. Chẳng hạn, các trường khi tuyển nguyện vọng bổ sung cần phải yêu cầu tiêu chí về học lực phổ thông hoặc phải có một ngưỡng điểm nào đó cho từng khối thi.
Ông VŨ VĂN HÒA (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM)
Khó tìm ra phương án thay thế
Nếu không có điểm sàn sẽ xảy ra một số vấn đề. Đầu tiên là có quá nhiều giấy chứng nhận điểm. Trước đây, chỉ có thí sinh trên điểm sàn mới có giấy chứng nhận điểm. Đến lúc này, tất cả thí sinh đều có giấy chứng nhận điểm vì không có điểm sàn để phân chia nữa. Quan trọng hơn nữa là không có điểm sàn thì các trường thi "3 chung" sẽ xét tuyển dựa trên mức điểm nào? Khó có một phương án nào có thể thay thế điểm sàn hiện nay.
Thạc sĩ CỔ TẤN ANH VŨ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Theo TNO
Tư vấn kịp thời những thông tin mới về thi cử Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 các trường THPT Buôn Đôn và Trần Đại Nghĩa (H.Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh những điểm mới này trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức...