Hành trình thành tỷ phú của cậu bé được xem là thần đồng
Năm 1983, nam sinh 12 tuổi sống tại Nam Phi đã viết thành công một trò chơi và bán nó với giá 500 USD. Cậu bé đó sau này trở thành tỷ phú và được mệnh danh là “Iron Man” đời thực.
Mọi người thường gọi tỷ phú Elon Musk, nhà phát minh kiêm sáng lập và điều hành Tesla, PayPal, SolarCity và SpaceX, là “Iron Man” ngoài đời thực. Tuy nhiên, Jon Favreau, đạo diễn phim Iron Man, đã xây dựng nhân vật Tony Stark dựa trên hình tượng của Elon Musk.
Trong một bài giới thiệu về bộ phim của Mình, Jon từng viết: “Musk thuộc kiểu người lập dị. Đó là lý do vì sao tôi biết anh ta.
Khi tôi cố gắng đem tỷ phú thiên tài Tony Stark lên màn ảnh rộng, tôi không biết làm sao cho thật nhất. Robert Downey Jr., diễn viên thủ vai Iron Man, đã khuyên tôi: ‘Hãy gặp Elon Musk’. Robert nói không sai.”
Nhiều người ví Elon Musk là “Iron Man” đời thực bởi tin ông có thể thay đổi tương lai.
Tuổi thơ khó khăn
Là anh cả trong một gia đình có 3 người con tại Nam Phi, hồi nhỏ, Musk hay mơ mộng, khá ít nói và nhút nhát. Ông thường nhìn về phía xa xăm khi bố mẹ cố gắng nói chuyện.
Điều này khiến họ nghĩ rằng ông gặp khó khăn trong vấn đề nghe và đưa ông đến bệnh viện để điều trị nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Nhớ lại những năm tháng đó, Maye Musk, mẹ của tỷ phú 46 tuổi, tiết lộ: “Musk thường thu mình vào trong những suy nghĩ. Khi đó, thằng bé như đang ở một thế giới khác. Nếu bây giờ thấy Musk như vậy, tôi sẽ mặc kệ vì biết con đang suy nghĩ về thiết kế tên lửa hay thứ gì đó tương tự”.
Người phụ nữ này cho biết trong trường, Musk là học sinh rất thông minh nhưng luôn là đứa trẻ non và nhỏ con nhất. Đặc điểm đó vô tình khiến ông trở thành đối tượng để các bạn bắt nạt thường xuyên.
Thực tế, tỷ phú 46 tuổi trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm ở quê cha. Kimbal, em trai của CEO Tesla, chia sẻ: “Tại Nam Phi, nếu bị bắt nạt, bạn vẫn phải đến trường. Anh ấy ghét điều này”.
Người đàn ông cho biết anh trai của anh từng bị các bạn đánh đến mức phải nhập viện. Thậm chí, ở tuổi 41, Musk còn phải phẫu thuật chỉnh lại vách mũi, hậu quả của những lần bị bắt nạt trong quá khứ.
Video đang HOT
Những ký ức này tồi tệ đến mức Musk quyết định rời đi sớm nhất có thể. Năm 17 tuổi, ông nhập tịch Canada sau khi chuyển đến sống cùng mẹ tại đây.
Sau này, khi đã thành tài, một ngôi trường mà CEO Tesla từng theo học ở Nam Phi đã kêu gọi ông ủng hộ để xây sân vận động mới. Musk đã gửi gần 80.000 USD với điều kiện trường phải cắt đứt liên lạc với ông.
Elon Musk lập trình tác phẩm đầu tay vào năm 12 tuổi.
Tình yêu với máy tính và công nghệ
Trong những năm tháng khó khăn ở Nam Phi, gia đình là nơi duy nhất Musk cảm thấy thoải mái và an toàn. Sau này, ông cũng tìm thấy sự an ủi khi ngồi trước màn hình máy tính. Ở đó, ông có thể thể hiện tài năng của mình.
Năm 10 tuổi, Musk lần đầu sở hữu một chiếc máy tính. Ông say mê nghiên cứu và tự học lập trình. 2 năm sau, ông viết thành công một trò chơi gọi là Blastar.
Nhiệm vụ của trò này khá đơn giản. Người chơi chỉ cần tiêu diệt một con tàu được trang bị nhiều vũ khí hủy diệt của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, đối với một cậu bé ở thời điểm 34 năm về trước, viết ra một trò chơi như vậy thực sự đáng nể.
Sau đó, tạp chí PC and Office Technology đã mua lại tựa game này với giá 500 USD, một số tiền không nhỏ đối với cậu bé 12 tuổi trong những năm 1980.
Năm 2015, một kỹ sư Google đã viết lại mã nguồn của trò chơi để giúp nó có thể chơi được trên nền tảng HTML5.
Nói về Blastar, Musk không cần khiêm tốn: “Đó chỉ một trò chơi tầm thường nhưng dù sao vẫn hay hơn Flappy Bird”.
CEO của Tesla đã cùng em trai thành lập công ty đầu tiên khi mới 24 tuổi. Ảnh: AP.
Bỏ học để làm tỷ phú
Sau khi đến Canada, Musk được nhận vào Đại học Queen. Nhờ thành tích xuất sắc, chỉ 2 năm sau, ông chuyển ngang qua Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tại đây, ông nhận bằng cử nhân Khoa học Vật lý và cử nhân Khoa học Kinh tế. Riêng tấm bằng thứ 2, ông hoàn thành chương trình học chỉ sau một năm.
Ở tuổi 24, Musk chuyển đến bang California để học tiến sĩ ngành Vật lý và Khoa học Vật liệu tại Đại học Standford. Tuy nhiên, chàng thanh niên ấy bỏ học chỉ sau 2 ngày để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.
Nhận thấy Internet có tiềm năng lớn trong việc thay đổi thế giới, ông cùng em trai thành lập Zip2, một công ty cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các công ty và tổ chức, từ số tiền 28.000 USD của cha.
4 năm sau, Compaq đã mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD. Musk “đút túi” 7% giá trị thương vụ, tương đương 22 triệu USD.
Từ số tiền này, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh khi lần lượt thành lập các công ty như X.com – tiền thân của Paypal (năm 1999), SpaceX (năm 2002) và Tesla (năm 2003).
Hiện tại, Musk sở hữu khối tài sản ròng trị giá 16,3 tỷ USD và là người giàu thứ 80 thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes. Ông đứng thứ 26 trong số những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016.
Em trai của tỷ phú 46 tuổi tiết lộ khi còn nhỏ, Musk thường đọc 2 cuốn sách mỗi ngày với nhiều chủ đề khác nhau. Ảnh: Reuters.
Giỏi nhờ đọc sách
Thông thường, những người thành công chỉ chú tâm vào một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, Musk thì khác. Ông am hiểu rất nhiều lĩnh vực, từ vật lý, kỹ thuật, năng lượng, trí thông minh nhân tạo đến khoa học tên lửa.
Để đạt được điều này, CEO của Tesla thường hay đọc sách. Kimbal từng tiết lộ: “Từ nhỏ, mỗi ngày anh tôi đọc hai quyển sách về nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Những cuốn sách ông đọc thường nói về khoa học viễn tưởng, triết học, tôn giáo, lập trình, tiểu sử của các nhà khoa học và doanh nhân. Khi lớn lên, Musk chuyển sang các chủ đề khác như vật lý, kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ và năng lượng.
Chia sẻ về phương pháp học của mình trên diễn đàn Reddit vào năm 2015, Musk cho biết: “Mọi người có thể học nhiều thứ hơn bản thân họ nghĩ. Tuy nhiên, họ không cố gắng mà thường bỏ cuộc quá sớm. Một lời khuyên nhỏ: hãy sử dụng sơ đồ cây để hệ thống hóa kiến thức.
Tức là, bạn phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản như tìm hiểu về thân và cành cây lớn trước khi tìm hiểu về lá. Nói cách khác, nếu không có kiến thức cơ bản, bạn sẽ không thể học những kiến thức chuyên sâu”.
Theo Zing
Elon Musk: 'Trí tuệ nhân tạo nguy hiểm hơn cả Triều Tiên'
Người đứng đầu của Tesla tiếp tục nhắc lại thông điệp về sự nguy hiểm của AI sau khi OpenAI đánh bại những game thủ hàng đầu của giải DotA 2 trực tuyến.
Elon Musk vừa tiếp tục cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo, nói rằng nó thậm chí còn nguy hiểm hơn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông chủ của Tesla và SpaceX chia sẻ trên Twitter, lặp lại thông điệp loài người cần nâng cao cảnh giác khi phát triển AI. Phát biểu này xuất hiện sau khi dự án AI do Musk hỗ trợ đánh bại những game thủ chuyên nghiệp của giải Dota 2 online.
Elon Musk kêu gọi mọi người cảnh giác trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Uproxx.
Đây không phải lần đầu Musk cho rằng AI là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của loài người. Năm 2014, ông này lần đầu nhận định AI có thể trở thành "mối đe dọa lớn nhất hiện nay". Đây là thông điệp được ông nhắc lại nhiều lần khi đầu tư vào các startup và tổ chức AI, bao gồm cả OpenAI. Theo Musk, ông đầu tư vào AI để theo dõi những gì đang diễn ra.
Musk hỗ trợ công ty nghiên cứu AI phi lợi nhuận OpenAI từ tháng 12/2015, giữ vị trí đồng chủ tịch. Mục tiêu của Open AI là phát triển AI "theo cách có lợi cho nhân loại nói chung, không coi trọng yếu tố tài chính như một sự lại quả".
Trước khi sản phẩm của họ đánh bại game thủ chuyên nghiệp, Deepmind AI của Google cũng từng đánh bại game thủ chơi cờ vây giỏi nhất thế giới và đặt mục tiêu chinh phục trò StarCraft II.
Cách đây ít lâu, Musk cũng đã có một cuộc cãi vã nhỏ với Mark Zuckerberg - CEO của Facebook về AI. Trong cuộc đấu khẩu này, Musk đã chê Zuc có tầm nhìn hạn hẹp về AI. Trong khi đó, ông chủ Facebook cho rằng Musk đang quan trọng hóa vấn đề.
Đức Nam
Theo Zing
Công nhân cảm thấy 'như địa ngục' vì tăng ca sản xuất Tesla Model 3 Công nhân hãng xe điện Tesla phải làm việc 12 giờ mỗi ngày. Nhiều người bị thoát vị đĩa đệm, xương khớp và viêm dây chằng do phải làm việc liên tục để kịp tiến độ sản xuất Model 3. Elon Musk cho biết "địa ngục sản xuất" đang tồn tại trong nhà máy khi hãng cố gắng tung ra 500.000 chiếc Model...